An Giang: Trồng thứ mận ngon, trái đỏ như son, bán đắt hàng
Chủ động nghiên cứu, tìm tòi kỹ thuật trồng trọt, nông dân Trương Thành Phương (ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để lập vườn trồng mận An Phước trong nhà lưới.
Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.
Hướng dẫn chúng tôi thăm vườn mận An Phước đang thu hoạch nghịch vụ, ông Phương cho biết, từ trước đến nay gia đình chỉ trồng lúa, ngoài ra không biết trồng cây gì khác. Có dịp đi tham quan vườn mận An Phước của người bà con ở TP. Cần Thơ, ông nhận thấy cây mận An Phước có giá trị kinh tế cao và thị trường luôn có nhu cầu, dễ tiêu thụ.
Ông Phương nhận định, nếu biết kỹ thuật chăm sóc, cây mận An Phước sẽ là cây trồng mang lại thu nhập khá cho gia đình. Sau khi tìm hiểu kỹ và học hỏi cách trồng, ông Phương mua hơn 300 cây mận giống về trồng trên 5 công đất nhà. Sau thời gian chăm sóc, cây mận An Phước phát triển tốt và bắt đầu cho trái.
“Giống mận này có đặc điểm là dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp, ra trái quanh năm. Ưu điểm là trái to, ngọt, giòn và mọng nước…nên được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 12.000-25.000 đồng/kg (tùy mùa thuận, nghịch) và đầu ra ổn định nên thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây” – ông Phương chia sẻ.
Theo ông Phương, cây mận An Phước nếu được chăm sóc tốt chỉ 2 năm là cho trái, cây khỏe có thể thu hoạch đến 4 vụ/năm. Thời điểm ra hoa chính vụ của mận An Phước bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 (âm lịch) năm sau, chất lượng trái ngon nhất vào mùa xuân.
Về kỹ thuật trồng mận khá đơn giản, cây có thể cho trái quanh năm, tuy nhiên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trái mận có thể bị nhiều loại sâu bệnh làm giảm chất lượng trái, hoặc bị rụng trái không thu hoạch được, đó là do sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái…nhưng bệnh này rất dễ trị bằng các loại thuốc thông thường.
Khi xử lý ra hoa thì sâu ăn trái và bệnh rụng trái quyết định tính sống còn của vườn, do đó phải theo dõi và phun thuốc điều trị kịp thời. Giống mận An Phước từ khi ra hoa đến ngày thu hoạch hơn 2 tháng.
Video đang HOT
Muốn mận cho trái tròn lớn, ngọt, màu sắc bắt mắt, phải chú ý làm giàn đỡ, cắt tuyển trái non để trái không bị chèn ép và phân bố đều trên các tán cây. Chùm mận An Phước trung bình khoảng 8 trái/kg, loại to khoảng 4-6 trái/kg.
Ngoài ra, ông Phương còn mạnh dạn đầu tư mua màng lưới bao phủ cả vườn mận. Với cách làm mới, ông Phương dùng lưới bao phủ vườn mận quanh năm, kể cả khi thu hoạch xong. Dùng màng lưới mùa thuận có thể không cần dùng túi ny-lon để bao trái, tiết kiệm chi phí nhân công.
Mặt khác, nhiệt độ trong vườn giảm so với môi trường bên ngoài, vì vậy rất thích hợp cho mận An Phước phát triển, trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp. Theo ông Phương, đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng cho màng lưới diện tích hơn 5 công mận, nhưng thời hạn sử dụng lên đến 4 năm, nếu tính ra chi phí này thấp hơn so với thuê nhân công bao trái mỗi vụ.
“Khi bao phủ vườn mận bằng màng lưới sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, số lần phun xịt giãn ra rất nhiều, phòng trừ hiệu quả nhiều loại sâu bệnh. Hơn nữa, vì lớp lưới cách nhiệt sẽ giúp vườn giữ ẩm tốt, tiết kiệm khoảng 30-40% nước tưới. Từ đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa có thể bán cho người tiêu dùng sản phẩm sạch và an toàn” – ông Phương chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận Nguyễn Quốc Hận cho biết, mô hình trồng mận An Phước trong nhà lưới của anh Phương là một trong những mô hình mới phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển những mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Phát triển mô hình vườn cây ăn trái còn phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, hội sẽ hướng dẫn các tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân…”, ông Nguyễn Quốc Hận.
Theo Trọng Tín (Báo An Giang)
An Giang: Trồng rau thủy canh, mỗi ngày bán cả tạ, thu 8-10 triệu
Với diện tích 3.000m2, bình quân mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) thu hoạch từ 180 - 250kg rau thủy canh. Toàn bộ rau thủy canh đều được chuyển đến tổng kho của Siêu thị Co.opmart tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), bình quân mỗi ngày anh Thanh thu về cho gia đình 8 - 10 triệu đồng.
Vừa triển khai cách đây vài tháng, nhưng mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Thanh, thành viên Công ty Sài Gòn Farm đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Mô hình mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Canh tác nông sản sạch
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng rau thủy canh rộng 3.000m2, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện anh đang canh tác 6 loại rau xà lách có nguồn gốc từ châu Âu như: Oakleaf, Lo Lo tím, Lo Lo xanh, Frisee, Batavia và Rex. Nguồn vốn đầu tư ban đầu từ 1 - 1,2 tỷ đồng/1.000m2.
Với 3.000m2 nhà màng trồng rau thủy canh công nghệ cao, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Thanh, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang mang về từ 8-10 triệu đồng doanh thu.
Nói về quy trình trồng rau thủy canh, anh Thanh cho biết, hạt giống sau khi gieo trồng ở ngoài khoảng 15 ngày se tach ra, cho vao nhưng ro băng nhưa va đưa lên gian trông. Theo anh Thanh, so với phương pháp trồng rau truyền thống, mô hình trồng rau thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đó, do số cây trên cùng một giá thể được cung cấp đủ dinh dưỡng như nhau nên phát triển đồng đều, rau lớn và đạt năng suất hơn. Ngoài ra, trồng bằng phương pháp thủy canh, cây được hấp thụ dinh dưỡng tốt nên phát triển hơn so với trồng ở đất, bởi các thành phần dinh dưỡng có đủ trong dung dịch dinh dưỡng thủy canh.
Vì vậy, trồng rau thủy canh giảm đáng kể chi phí công lao động do không phải thực hiện một số khâu, như: làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới... "Với diện tích 3.000m2, chúng tôi chỉ cần 1 lao động là có thể đáp ứng được nhu cầu" - anh Thanh chia sẻ.
Về điều kiện thời tiết, anh Thanh cho biết, nhiều loại xà lách thích hợp với khí hậu miền Tây nên sinh trưởng và phát triển tốt hơn những nơi khác. Cây lớn nhanh, cho năng suất cao, lợi nhuận mang lại đáng kể.
"Giống được lấy trực tiếp từ công ty nên tỷ lệ sống rất cao. Mỗi giống có thời gian sinh trưởng khoảng 28 - 35 ngày. Nhiều loại cây xà lách trồng ở đây cho năng suất cao hơn so với trồng ở những vùng khác, như giống xà lách Lo Lo tím, trồng ở đây cho màu sắc tím đẹp hơn so với trồng ở Đà Lạt" - anh Thanh cho hay.
Trồng rau thủy canh-Không lo đầu ra
Với diện tích 3.000m2, bình quân mỗi ngày, anh Thanh thu hoạch, đóng gói tại chỗ và xuất bán dao động từ 180 - 250kg. Toàn bộ rau thủy canh đều được chuyển đến tổng kho của Siêu thị Co.opmart tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), bình quân mỗi ngày anh Thanh thu về cho gia đình 8 - 10 triệu đồng.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Thanh còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Bình quân mỗi lao động thu nhập từ 4.000.000 đồng/tháng, qua đó góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận,huyện Châu Thành, tỉnh An Giang mở hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Hiện số lượng rau sạch của anh Nguyễn Văn Thanh chưa đủ để cung cấp cho thị trường. "Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 8.000m2, đồng thời thí điểm một số loại cây trồng mới xem có phù hợp hay không. Ngoài ra, tôi dự định sẽ mở thêm nhà sơ chế, đóng hộp sản phẩm để làm đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường, cũng như tìm nhà phân phối mới để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang gặp khó về nguồn vốn nên rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương" - anh Thanh chia sẻ.
Anh Thanh cho biết thêm, anh sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ trang thiết bị ban đầu đối với những người muốn đầu tư trồng rau thủy canh. Đồng thời, Công ty Sài Gòn Farm sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con sau thu hoạch với giá cao, do đó nông dân sẽ nhanh chóng thu hồi vốn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận Nguyễn Quốc Hận đánh giá, mô hình trồng rau thủy canh của anh Thanh là mô hình đầu tiên của xã áp dụng phương pháp thủy canh, một trong những mô hình hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và là hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
"Tuy nhiên, để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô lớn đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu khá lớn để xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống ống dẫn nước, cộng thêm tính đặc thù của mô hình đòi hỏi kỹ thuật, quy trình sản xuất khá cao nên khó khăn trong việc nhân rộng.", ông Nguyễn Quốc Hận.
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
Lạ đời, sầu riêng Núi Cấm ở An Giang trái xâu xấu vẫn đắt hàng Sầu riêng núi Cấm mang hương vị đặc trưng, ai đến đây tham quan đều muốn thưởng thức 1 lần. Theo anh Đinh Văn Phi Vân (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang): "Lên núi Cấm mà chưa thưởng thức sầu riêng là coi như chưa đến đây". Mùa mưa đến cũng là thời điểm núi Cấm vào...