An Giang: Tiền tiêu thoải mái nhờ trồng hạnh bán trái, Tết bán cây
Cây hạnh (còn gọi là cây tắc) là một trong những cây kiểng được nhiều người ưa chuộng để trang trí nhà cửa dịp Tết Nguyên đán. Bởi, theo quan niệm của mọi người, trưng cây này trong dịp đầu năm sẽ mang lại cho gia chủ sự sung túc và hạnh phúc.
Chính vì lý do đó mà nghề trồng hạnh đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho bà con nông dân xã Phú Vĩnh, TX. Châu Đốc, tỉnh An Giang trong dịp Tết đến xuân về.
Người trồng hạnh phấn khởi chờ Tết
“Năm rồi, gia đình tôi trồng thử nghiệm gần 120 gốc hạnh để bán trong dịp Tết và đã thành công ngoài mong đợi. Sau đợt đó, gia đình tôi thu lãi gần 20 triệu đồng. Năm nay, tôi tiếp tục mua cây giống trồng. Hiện nay, cây đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ bán được giá cao” – đó là nhận định của chị Nguyễn Thị Hiền (ở xã Phú Vĩnh, TX.Tân Châu) khi nói về mô hình trồng cây hạnh để bán Tết.
Vườn hạnh nhà chị Hiền có diện tích khoảng 1,5 công, với 200 gốc. Trong đó chị dành 2 liếp, khoảng 90 cây để chăm sóc, bán trong dịp cuối năm.Theo chị Hiền, để có cây hạnh sai trái, chín mọng đúng dịp Tết phải chuẩn bị ngay từ đầu năm.
Trồng hạnh bán Tết đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xã Phú Vĩnh, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang có cuộc sống thoải mái hơn
“Cây giống sau khi mua về trồng 1 tháng bắt đầu ra hoa, cho trái.Đợt này, mình lặt bỏ hoa và trái để dưỡng cây. Đến khoảng tháng 7 (âm lịch) xử lý ra hoa đồng loạt.Từ đó, chỉ cần tưới nước đầy đủ kết hợp phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, cũng như phun thuốc dưỡng để trái to, đều.Khoảng 20 tháng chạp có thể cho vào chậu, chuẩn bị đưa ra thị trường Tết” – chị Hiền thông tin.
Khác với nhiều chủ vườn tập trung vào dòng bon-sai hay tạo dáng, chị Hiền chọn cho mình hướng đi riêng bằng cách để cây phát triển tự nhiên, không uốn cành hay tạo dáng. Do đó, mỗi cây có một dáng riêng, không trùng khớp với nhau.
Ngoài ra, do được chăm sóc kỹ, chu đáo nên cây hạnh sai trái, to, đều, chín mọng, khá bắt mắt. Tuy nhiên, theo chị Hiền, do ảnh hưởng của thời tiết, kèm với việc mua cây giống kém chất lượng nên vườn hạnh nhà chị bị thất thoát khá nhiều. Điều này dẫn đến số lượng cây cung cấp trong năm nay giảm so năm rồi.
“Ngoài ra, do người trồng ngày càng nhiều nên giá mặt hàng này có thể không tăng. Hiện nay, giá mỗi chậu hạnh khoảng 200.000-400.000 đồng (tùy theo kích thước). Trong đó cây hạnh nhỏ phục vụ khách hàng bình dân là bán chạy nhất” – chị Hiền thông tin thêm.
Video đang HOT
Trồng hạnh trưng Tết-hướng đi mới, hiệu quả
Ngoài việc trồng hạnh kiểng để bán trong dịp Tết, gia đình chị Hiền còn hái trái cung cấp cho các chợ ở TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc và các chợ ở địa phương.
Chị Hiền chia sẻ: “Trái hạnh rất được thị trường ưa chuộng nên có đầu ra trái hạnh ổn định. Hiện nay, bình quân từ 10-15 ngày gia đình tôi thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Giá mặt hàng này khá cao và ổn định.Lúc cao điểm, bán cho thương lái từ 12.000-15.000 đồng/kg, thấp cũng 4.000-5.000 đồng/kg”.
Chị Hiền cho biết thêm, trồng hạnh không phải lo khâu tiêu thụ, chủ yếu là thương lái tìm vào tận nhà thu mua. Đặc biệt, cây hạnh có thể cho thu hoạch quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập so với các loại cây trồng khác.
Những cây hạnh trồng ở xã Phú Vĩnh, TX. Châu Đốc, tỉnh An Giang chờ đến ngày được ra chậu để xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này.
Trước đây, trên phần đất hiện tại, gia đình chị Hiền chủ yếu trồng khổ qua, dưa leo và nhiều loại rau màu khác. Nhưng việc canh tác gặp nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, rất cực công.
Nhờ người quen giới thiệu, năm 2016, chị Hiền lặn lội xuống tận Bến Tre để mua cây hạnh giống trồng thử. Mặc dù chưa có kinh nghiệm, nhưng vụ đầu thành công khiến chị vô cùng phấn khởi, vững tin vào loại cây trồng này.Theo chị Hiền, cây hạnh dễ trồng, không kén đất và ít sâu bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nông dân phải chú ý đề phòng nhện đỏ và bọ xít gây hại làm hư đọt non, trái non bị ghẻ và không có nước. Về phương pháp, chị Hiền tiến hành trồng trên liếp cao để tránh ngập nước, có thể gây chết cây.
“Nhờ việc chuyển đổi sang mô hình này mà gia đình tôi có cuộc sống thoải mái hơn. Với cây hạnh, công chăm sóc bỏ ra ít hơn nhưng thu nhập cao hơn so với làm rẫy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển tiếp một số diện tích đất để phát triển mô hình này” – chị Hiền chia sẻ.
Với hiệu quả từ việc trồng cây hạnh kiểng bán Tết cũng như bán trái của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.
Ông Cao Tấn Ân (nông dân xã Phú Vĩnh) nhận định: “Mô hình trồng cây hạnh của chị Hiền là một trong những mô hình mới của địa phương. Qua khảo sát mô hình, tôi nhận thấy đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và có nhiều ưu điểm như: ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn so với các loại cây trồng khác”.
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
Cây "vàng" ở Hải Dương, chỉ trồng 1 vụ đông đã "đẻ" ra 1.000 tỷ
Không biết từ khi nào, cây hành đã bén rễ trên đồng đất Kinh Môn (Hải Dương). Từ một cây làm gia vị nấu nướng trong những bữa ăn, hành đã vươn lên thành cây hàng hóa...
Người dân Kinh Môn sơ chế hành khô, đóng bao đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong nước và xuất khẩu.
Bén rễ
Cụ Nguyễn Trí Viễn năm nay 83 tuổi ở xóm 4, thôn An Bộ (xã Hiệp Hòa) vốn là cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa. Luôn trăn trở, tâm huyết với cây hành nên có lẽ cụ Viễn là một trong số ít người ở Kinh Môn nắm rõ về gốc tích loại cây này.
Cụ kể: "Trước đây, thôn An Bộ có tên là làng Than. Tương truyền có ngũ vị Đại Vương, là con cháu Vua Hùng đã về làng sinh sống nên những người hầu mang theo nguyên liệu, thực phẩm nấu ăn cho các quan. Để tăng hương vị cho các bữa ăn, nhất là một số món làm từ thịt, những người này đã bỏ thêm hành vào. Người dân thấy nêm hành rất hợp nên đã xin, rồi đem cây này trồng ven bờ ao, bờ rãnh để phục vụ bữa ăn hằng ngày".
Trải qua bao thăng trầm, người làng Than vẫn giữ được cây hành song đơn giản chỉ là cây gia vị dùng trong bữa ăn. Đến những năm 50 của thế kỷ trước, "số phận" cây hành đã thay đổi mạnh mẽ khi vào dịp Tết, bà con làng Than lại gánh hành củ đi các chợ trong tỉnh, sang cả Đông Triều (Quảng Ninh) bán. Từ đây, cây hành được người dân các huyện Nam Sách, Thanh Hà... biết đến và mua về trồng.
Với địa hình bán sơn địa, được bao bọc bởi 4 con sông nên chất đất ở Kinh Môn đặc biệt phù hợp với cây hành. So với những cây trồng khác, hành lúc nào cũng lên xanh tốt, ít sâu bệnh, củ đẹp, để khô không bị móp. Những năm sau này, do nhu cầu chế biến thực phẩm lớn nên cây hành ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Vượt ra khỏi quy mô gia đình, hành đã được trồng ra ngoài đồng ruộng và dần trở thành cây trồng chính của người dân Kinh Môn.
Ông Nguyễn Văn Biên, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: "Năm 1976, UBND huyện Kim Môn đã chỉ đạo xã Thăng Long lựa chọn 25 gia đình để làm điểm mô hình của huyện. Năng suất hành năm đó của xã Thăng Long đạt 3,5 tạ/ha và củ thu được chỉ đủ để giống cho năm sau. Đây là cơ sở đầu tiên để hành trở thành cây hàng hóa trên đất Kinh Môn".
Từ sau mô hình ở xã Thăng Long, diện tích hành trên địa bàn huyện không ngừng được mở rộng. Khoảng 5 năm trở lại đây, hành được coi là cây mũi nhọn trong vụ đông của huyện Kinh Môn, luôn chiếm từ 75-80% diện tích cây vụ đông. Vụ đông năm 2018-2019, diện tích hành của huyện đạt hơn 3.350 ha, chiếm trên 75% diện tích.
Cây làm giàu
Về Kinh Môn những ngày này, chúng tôi thấy màu xanh non của cây hành đang thời kỳ xuống củ bao phủ khắp các xứ đồng. Nếu vụ lúa, người dân Kinh Môn có thể bỏ hoang ruộng đất vì hiệu quả thấp, nhưng vụ đông thì khác, nông dân tận dụng mọi diện tích để trồng hành.
Mỗi năm, chỉ riêng cây hành vụ đông mang về cho nông dân hơn 1.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn thông tin: "Mỗi năm, vụ đông mang lại cho huyện khoảng 1.200 tỷ đồng, riêng cây hành đã hơn 1.000 tỷ đồng. Không chỉ tiêu thụ hành tươi, người dân còn bán hành khô. Hành củ Kinh Môn đã có mặt khắp nơi trong nước, thậm chí còn xuất sang Lào, Campuchia...".
Hằng năm ở các vùng quê Kinh Môn, những ngôi nhà cao tầng với đầy đủ các vật dụng sinh hoạt đắt tiền cứ nối tiếp nhau mọc lên nhờ nguồn thu từ trồng cây hành. Vừa nhanh tay tưới nước cho ruộng hành đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông Nguyễn Văn Đô ở xã Thăng Long chia sẻ: "Gia đình tôi trồng gần 1 mẫu hành. Cây này tương đối khó tính nên trồng vất vả, nhưng bù lại thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá ổn định. Những năm trước, mỗi năm, gia đình tôi thu lãi từ 60-70 triệu đồng. Nhờ cây trồng này, gia đình tôi không chỉ xây được nhà mà còn dành được chút của ăn, của để phòng khi tuổi già".
Từ nguồn cung dồi dào, phong phú, nhiều người đã xây dựng cơ sở thu mua hành. Cây hành Kinh Môn vì thế đã được khắp mọi miền Tổ quốc biết đến. Mặc dù còn trẻ nhưng chị Nguyễn Thị Mến đã là chủ một cơ sở thu mua hành có tiếng ở xã Phúc Thành. Mỗi tháng, cơ sở của chị thu gom từ 30-40 tấn hành để đưa vào các nhà máy sản xuất mỳ tôm hoặc đóng bao mang đi tiêu thụ ở miền Nam rồi sang Lào, Campuchia.
"Nếu năm nào thuận lợi, cơ sở của tôi thu lãi cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tạo việc làm cho 4-5 lao động lớn tuổi, khuyết tật ở địa phương với thu nhập 100.000 đồng/ngày", chị Mến nói.
Để phát triển, nâng cao vị thế của cây hành trên thị trường, biến nơi đây thành vùng trồng hành nổi tiếng cả nước về quy mô và thu nhập, từ vụ đông năm 2017, huyện Kinh Môn đã hỗ trợ nông dân chế phẩm Nep26, EMINA cải tạo chất đất, chất lượng và năng suất hành. Huyện cũng đang thực hiện mô hình bảo quản hành củ an toàn; tích cực quảng bá sản phẩm hành Kinh Môn thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại để loại cây này thực sự là một trong 4 sản phẩm nông sản chủ lực của huyện.
Theo Thanh Hà (Báo Hải Dương)
Bi kịch của người trồng lúa: Có nên "xoá sổ" cây lúa ở vùng đất khó? Hiện nay, ở một số vùng sản xuất lúa không hiệu quả tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ, người dân đã mạnh dạn và chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa. Thu tiền tỷ từ bưởi, dâu tằm Ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh...