An Giang: Thương mùi cốm dẹp Bảy Núi, bỏ chày, cối đi Bình Dương hết rồi
Là món ăn truyền thống của đồng bào Khmer, cốm dẹp đã trở thành nỗi nhớ của những ai sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi. Bởi thế, dù nghề làm cốm dẹp không còn phổ biến nhưng những ai gắn bó cùng nó cứ son sắt một lòng, mặc cho thời gian phủ bụi lên những chiếc chày nơi góc bếp.
Đưa mắt nhìn về bếp lửa đang cháy bập bùng dưới chiếc nồi đất vừa rang nóng, ông Chau Sóc Sane không giấu được sự ưu tư bởi lẽ cái nghề làm cốm dẹp truyền thống ở xã Ô Lâm ( huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã không còn thịnh hành như mấy chục năm về trước. Năm nay, Chau Sóc Sane đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn thừa sức cầm chày nện “huỳnh huỵch” xuống chiếc cối giữa sân để giã cốm mỗi khi cả sóc, phum đón mừng Tết Ok-om-bok (Tết cúng trăng)…
Ông Chau Sóc Sane chia sẻ: “Trước kia, cả khu này có tới mấy chục nhà làm cốm dẹp để bán quanh năm, chứ không chỉ dịp Ok-om-bok, bởi không chỉ người Khmer mà người Kinh cũng thích món ăn này. Do nhu cầu xã hội ít đi nên còn 17 hộ theo nghề cách đây 3 năm. Hiện nay, người ta bỏ chày, bỏ cối đi Bình Dương, Đồng Nai hết rồi nên chỉ còn vài ba nhà làm cốm dẹp”.
Trong đôi mắt lão nông Khmer này hiện lên ký ức về thời kỳ “hoàng kim” của hạt cốm dẹp, khi mà tiếng chày, tiếng cối cứ vang vọng khắp phum, sóc để đánh thức ông trăng tròn vào đêm rằm tháng 10 (âm lịch).
Hiện nay, Chau Sóc Sane đang cùng cô con gái Neáng Sóc Vy “giữ lửa” cho nghề làm cốm dẹp, trong khi 8 đứa con khác của ông buộc phải đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm kế mưu sinh.
Để làm cốm dẹp, người ta chọn những hạt nếp mây mẩy, giống nếp chon-hô trứ danh vùng Bảy Núi hiện chỉ còn trồng rất ít ở xã Núi Tô, Cô Tô (huyện Tri Tôn), để cho ra những mẻ cốm thơm dẻo, thắm đẫm mùi vị quê hương.
Trước tiên, nếp được cho vào nồi đất để rang chín. Khi nếp nổ lách tách trong nồi, người ta đổ vào cối rồi dùng chày giã cho dẹp hẳn. Khi cốm dẹp, các mẹ, các chị lại phải sàng sẩy cho sạch vỏ, sạch bụi. Đó là công đoạn sơ chế. Muốn ăn cốm, các bà nội trợ sẽ phải trộn thêm dừa, đường và một ít nước dừa tươi.
Video đang HOT
Trong đêm trăng tròn tháng mười, trên bàn thờ tổ tiên của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer luôn có dĩa cốm dẹp với chuối tươi ăn kèm để cầu mong mùa màng tươi tốt và tưởng nhớ công ơn người đi trước…
Nếp chon-hô được rang trong nồi đất
Chị Neáng Sa Rết (hộ làm cốm dẹp khác tại xã Ô Lâm) thật tình: “Mỗi năm, tui chỉ làm cốm được 4 tháng, tức là từ tháng 10 đến hết tháng giêng nên nguồn thu không ổn định, buộc mình phải kiếm thêm nghề khác mưu sinh. Vì đây là nghề của cha ông để lại nên tui ráng giữ. Nếu mình siêng năng thì cốm dẹp mang đến nguồn thu cho gia đình…’.
Chị Neáng Sa Rết chia sẻ: “Trước kia có nhiều người ở Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), Châu Đốc vô đặt cốm về bán, bây giờ họ đặt ít quá nên nguồn thu cũng giảm. Nhờ mấy năm gần đây được Hội Nông dân dẫn khách du lịch tới tham quan, mua cốm dẹp nên mình cũng có thêm thu nhập”.
Với nhiều người, cốm dẹp đã rất thân quen và gắn chặt vào ký ức thời thơ ấu. Quên sao được hình ảnh những mẹ, những chị kĩu kịt 2 đầu quang gánh với nào là xôi nếp, xôi bắp, cốm dẹp rồi cất tiếng rao “lanh lảnh” trên những nẻo đường ngập nắng.
Ngày còn “ê a” đánh vần, ai chẳng được một lần nếm thử món cốm dẹp dân dã, “đặc sệt” chất quê này. Với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, cốm dẹp vừa gần gũi lại vừa thiêng liêng, bởi nó có thể “để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà” nhưng cũng là món bánh để dâng cúng tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa.
Theo Thanh Tiến (TTMT)
Chợ lạ mùa lũ ở An Giang: Chẳng bán thịt, cá, rau xanh, chỉ bán cỏ
Từ lâu, chợ cỏ Ô Lâm (xã Ô Lâm) trở thành một trong những chợ độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang). Gọi là chợ nhưng không bán rau, thịt hay cá... mà chỉ bán cỏ.
Cỏ được cắt ở nhiều nơi, buộc thành từng bó, chất đầy ghe rồi chở về đây bán cho các hộ chăn nuôi gia súc trong và ngoài địa phương.
Chợ... chỉ bán-mua toàn cỏ
Chợ hoạt động quanh năm nhưng xôm tụ nhất vào mùa nước nổi. Hàng ngày, chợ bắt đầu nhóm họp vào buổi trưa. Từ 10 giờ sáng, chợ bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên với cảnh mua, bán "ì xèo". Dưới dòng kênh Ninh Phước, các ghe, xuồng chở đầy cỏ từ các đồng ngập nước xung quanh tập trung về đây.
Trên bờ đủ các loại phương tiện, từ xe đạp, xe gắn máy, xe 3 bánh... đến xe bò không biết từ khi nào đã "tề tựu" về đây đông đủ. Đa số người dân đến mua, bán ở chợ này đều là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, họ đến đây để mua cỏ về cho trâu, bò ăn. Khoảng 2 - 3 giờ chiều, chợ bắt đầu thưa dần khi người mua đã có được trong tay những bó cỏ ưng ý.
Công việc cắt cỏ rất khó khăn, cực nhọc
Chợ cỏ Ô Lâm có từ khi nào người dân ở đây không nắm rõ. Chỉ biết trước đây, khi người dân miền núi bắt đầu phát triển chăn nuôi, trong đó chủ yếu là trâu và bò. Nguồn thức ăn tự nhiên dần khan hiếm, đặc biệt là mùa nước nổi, trong khi rơm khô lại nghèo dinh dưỡng, không đủ cung cấp cho bò ăn.
Người dân xã Ô Lâm bắt đầu lấy xuồng, ghe đi đến những địa phương khác để tìm cỏ cho bò ăn. Do số lượng cỏ cắt nhiều, họ bán lại cho các hộ lân cận có nhu cầu. Thấy việc mua, bán mang về nguồn thu nhập tương đối ổn định nên nhiều người rủ nhau đi cắt cỏ về để bán lại cho người có nhu cầu. Từ đó, chợ cỏ được hình thành và duy trì đến hôm nay. Cũng từ đây, cắt cỏ trở thành nghề nuôi sống nhiều thế hệ gia đình ở xã Ô Lâm.
Chợ cỏ Ô Lâm nhóm họp chủ yếu vào buổi trưa.
Chợ cỏ dần trở thành điểm đến quen thuộc của bà con nông dân, không chỉ đối với người dân trong xã mà còn ở các xã lân cận của huyện Tri Tôn như: An Tức, Cô Tô... Các hoạt động giao dịch mua, bán ở đây được chia thành 3 loại: cắt cỏ dành cho bò đang nuôi ăn, số dư thừa thì bán; dân chuyên làm nghề cắt cỏ để mưu sinh, bán lẻ từng bó; dân cắt cỏ đếm bán lại cho thương lái.
Dù là loại nào, không khí mua, bán diễn ra hết sức vui vẻ, không ai trả giá dù chỉ 1 đồng. Bà Thi Thon (một trong những bạn hàng "thân thiết" của chợ cỏ) cho biết: "Mỗi ngày, tôi tranh thủ đến sớm để mua cỏ về cho 5 con bò ăn. Ở đây, mọi người quen mặt với nhau nên việc mua, bán diễn ra nhanh chóng. Bình thường, tôi mua khoảng 10 bó. Ngày nào làm dư dả chút đỉnh thì mua nhiều hơn, khoảng 20 bó để cho bò ăn dần".
Thêm thu nhập vào mùa lũ
Đa phần người theo nghề cắt cỏ là những hộ không có nghề nghiệp ổn định, không vốn sản xuất nên bỏ công ra cắt cỏ và bán lại cho người có nhu cầu, để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhất là trong mùa lũ.
Theo ông Chau Suol (người có thâm niên làm nghề cắt cỏ ở xã Ô Lâm), công việc cắt cỏ rất khó khăn và cực khổ. Mỗi ngày, từ 4 giờ sáng ông đã chuẩn bị dụng cụ để đi cắt ở đồng xa. Còn vợ ông phải chuẩn bị cơm nước để mang theo.
"Lúc trước, cỏ ở đây mọc rất nhiều, chỉ cần đi rảo quanh trong xóm là có cỏ để bán. Nhưng hiện giờ phải đi xa mấy chục cây số, có khi phải xuống tận Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang) để cắt cỏ đem về" - ông Suol cho biết.
Hiện nay, mỗi ngày, gia đình ông Suol cắt khoảng 100 bó cỏ, đem về chợ bán với giá 10.000 đồng/3 bó. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng.
Bà Neang Hai cho biết thêm: "Gia đình tôi chỉ có vài công đất ruộng vốn không đủ sống, nên hàng ngày, vợ, chồng kéo nhau đi cắt cỏ, vừa kiếm thức ăn tươi cho đôi bò, vừa cải thiện thêm thu nhập".
Hoạt động của chợ cỏ Ô Lâm được xem như mô hình làm ăn mùa nước nổi, giúp người dân có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình.
Theo Đình Đức (TTMT)
An Giang: Nước ở lưng chừng trời, ai ngờ lại hút người "sống ảo" Những hồ chứa nước thuỷ lợi trên núi của cư dân vùng Bảy Núi (An Giang) ban đầu làm ra cốt chỉ để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hoặc hồ hình thành sau khi khai mỏ đá. Ai ngờ, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, những cái hồ trên núi vùng Bảy Núi lại thành "Tuyệt tình cốc"...