An Giang: Sôi động chợ rắn, chợ cua đồng huyện đầu nguồn An Phú
Vào mùa nước nổi, chợ rắn và chợ cua đồng ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) bắt đầu sôi động. Đây là nơi phân phối đặc sản cho các chợ trong tỉnh và cung ứng lên TP.HCM. Do vậy, những khu chợ này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Bán nhiều loại rắn thiên nhiên
Mùa nước nổi tạo môi trường sống thuận lợi cho các loài thủy sản. Cua, cá, ốc, rắn đua nhau sinh sản bởi nguồn thức ăn dồi dào. Nhờ đó chúng là nguồn sống cho những hộ dân gắn bó với manh lưới, chiếc xuồng, giàn lọp trong những tháng nước tràn đồng.
Người dân biên giới ra đồng đánh bắt rắn mùa nước nổi.
Những sản vật người dân đánh bắt được xuất hiện nhiều ở các phiên chợ vùng biên. Sản vật độc đáo không thể thiếu của mùa nước nổi là rắn.
Hơn 5 giờ sáng, chợ biên giới Khánh An đã náo nhiệt. Dọc con đường ven sông Bình Di, tiếng rao mời của các tiểu thương, tiếng ngả giá của khách hàng làm tăng thêm không khí nhộn nhịp một góc chợ quê ngày nước nổi.
Nhiều gian hàng, ki-ốt bày bán rắn ở chợ Khánh An.
Năm nay, lũ nhiều hơn mọi năm nên sản vật cũng phong phú. Cách nay 2 tháng, ngư dân các huyện từ Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang về đây thả lưới, giăng câu, đặt lọp… Hầu hết các loại cá, tôm, cua, rắn đều được bán tại chợ này.
Theo quan sát, việc giao dịch tại chợ không chỉ có người Việt mà còn Campuchia. Sau một đêm đánh bắt, họ tấp nập ghé xuồng, cập ghe giao hàng cho thương lái là những túi, bao rắn đã được phân loại. Trên bờ là khu vực có nhiều gian hàng, ki-ốt được các thương lái bày bán rắn. Dò hỏi từ một số người buôn mặt hàng này, rắn được đánh bắt từ Campuchia chở sang.
Nhiều loại rắn được bày bán tại chợ.
Rắn ở đây phong phú về chủng loại đa dạng về giá cả. Rắn bông súng giá 120 – 130 ngàn đồng/kg, rắn trun, rắn nước 140 – 150 ngàn đồng/kg, hổ hành từ 180 – 220 ngàn đồng/kg, rắn ri voi 350 ngàn, còn rùa là 380 ngàn đồng/kg….
Theo anh Nguyễn Văn Trí, lái rắn nhiều năm cho biết: “Vào mùa nước, mỗi ngày chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các nơi khoảng trên 100 ký rắn các loại. Thường người ta bắt rắn bằng cách giăng lưới, đặt lọp, đâm bằng chĩa trong đám lùm, bụi cỏ. Trước đây, các loài rắn, rùa bắt được chỉ để biếu người quen, ít bán còn giờ có giá trị cao nên được gom đưa về chợ đưa đi tiêu thụ”.
Rắn thiên nhiên có giá từ 120 – 220 ngàn đồng/kg.
Hàng năm, cứ vào mùa nước nổi là người dân ở các xã biên giới như: Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông, Khánh Bình…của huyện đầu nguồn An Phú tất bật sắm ngư cụ đi sang địa bàn Campuchia để đặt lọp cua đồng. Nhờ vậy, hàng trăm gia đình nơi đây đã có nguồn thu nhập khấm khá.
Video đang HOT
Người dân làm lọp cua.
Nghề đặt lọp của đồng ở các xã biên giới có quanh năm nhưng chính vụ từ khoảng tháng 5 – 12 âm lịch. Tuy nhiên, để có địa bàn hoạt động các ngư dân phải “đóng thuế” cho phía Campuchia với số tiền khoảng chục triệu đồng/vụ.
Đến hẹn là chạy xuồng sang bên kia sông để hành nghề, ông Nguyễn Thanh Nhanh (ngụ xã Nhơn Hội) cho biết: “Để đặt được lọp chúng tôi phải thuê đất với giá từ 10 – 12 triệu đồng. Người đặt lọp di chuyển bằng xuồng máy từ Nhơn Hội, Phú Hội lên đồng Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo. Lượng cua đặt nhiều nhất vào khoảng tháng 8 – 11 âm lịch . Với 200 cái lọp mỗi ngày kiếm được từ 50 – 70kg cua”.
Ngư dân đặt lọp mùa lũ.
Nghề đặt lọp của các ngư dân diễn ra không đồng loạt nên việc thu mua cũng hoạt động theo từng thời điểm khác nhau. Cụ thể, một số vựa thu mua vào buổi sáng, còn lại phần đông hoạt động khoảng từ 16 – 21 giờ.
Lúc này, hàng chục chiếc xuồng đi đặt cua đồng từ phía biên giới Campuchia chở hàng về cân lại cho các bạn hàng trên địa bàn các xã dọc theo tuyến biên giới thuộc huyện An Phú. Sau khi cân hàng, các vựa giao lại cho các mối hoặc vận chuyển về thành phố lớn tiêu thụ.
Mang cua về chợ sau chuyến đổ lọp.
Tại huyện An Phú chợ cua đồng nổi tiếng nhất phải kể đến là Nhơn Hội. Hơn 10 năm mua bán cua đồng tại đây, ông Trần Văn Trung (40 tuổi, ngụ ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) cho biết: “Mùa đánh bắt cua là từ khoảng tháng 5 -12 âm lịch. Lượng cua năm nay so với mọi năm tăng hơn khoảng 30%.
Cua từ Campuchia chở sang Việt Nam.
Mỗi ngày, cơ sở thu mua ít nhất là 5 tấn, nhiều lên đến cả chục tấn, sau đó giao lại cho vựa ở TP.Châu Đốc với giá xô là 18 ngàn đồng/kg, cua lựa 30 ngàn đồng/kg. Mức giá này người làm nghề có thu nhập ổn định vì giá cao hơn 2 ngàn đồng/kg so với năm vừa rồi”.
Theo lời vợ anh Trung, dân bán cua trong đó có khoảng 50% là người Việt. Mỗi ngày có khoảng 120 xuồng chở cua đến cơ sở bán. Mỗi xuồng đặt khoảng từ 200 – 500 cái lọp. Ngoài việc thu mua cua cơ sở còn bán khoai mì, đu đủ, bắp để làm mồi đặt cua.
Càng về chiều chợ cua càng nhộn nhịp.
Càng về chiều, chợ cua Nhơn Hội càng nhộn nhịp. Những người đặt lọp chuyển cua từ vỏ lãi lên cân hàng, còn người mua hì hục phân loại, đưa hàng lên xe vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.
Theo Nguyễn Nhân (Báo Công an TPHCM)
An Giang: Chợ bò Tà Ngáo độc đáo ở vùng biên mùa nước nổi
Để tạo điều kiện cho người dân biên giới và nước bạn có nơi buôn bán, tỉnh An Giang đã thành lập chợ bò Tà Ngáo. Mùa nước nổi, chợ bò vùng biên hoạt động hết sức nhộn nhịp. Từ đây, bò được kiểm dịch rồi lên xe tỏa khắp các tỉnh tiêu thụ.
Trước đây, xuất phát từ việc nuôi bò vỗ béo và sử dụng làm sức kéo gở vùng Bảy Núi, nên đến ngày mùa hoặc lễ hội người dân tộc lại sang Campuchia mua bò tốt. Dần dà trâu, bò được chuyển sang giao dịch tại khu vực biên giới.
Người dân biên giới đến chợ bò giao dịch.
Ban đầu, việc mua bán bò ở đây cũng ít, sau đó những lái bò chọn khu đất trống ở ấp Phú Tâm (xã An Phú, huyện Tịnh Biên) để làm điểm giao dịch. Từ đó đã hình thành phiên chợ bò nổi tiếng khắp vùng mang tên Tà Ngáo
Ông Chau Thon (54 tuổi), một hộ nuôi bò đồng thời cũng là dân lái bò có tiếng ở xứ này cho biết: "Hồi ấy, trong phum, sóc ở vùng Bảy Núi nhu cầu chăn nuôi bò rất lớn. Trong khi đó nguồn giống bò tốt ở nơi đây khá hiếm đành phải sang tận tỉnh Tà Keo mua.
Đặc biệt đến khi lễ hội đua bò mừng ngày mùa, để được ông Lục trong chùa khen người dân còn sang tậm Nam Vang, có khi cả Lào hoặc Thái Lan tìm bò tốt về huấn luyện. Từ việc mua bán chỉ đôi ba cặp thì đến nay lên đến hàng trăm con".
Một góc chợ bò Tà Ngáo.
Thế là phiên chợ bò buôn bán ngày lớn mạnh, với cả trăm con bò được các mối lái nước bạn chuyển qua biên giới. Năm 2006, chợ bò Tà Ngáo hay còn gọi là "sàn giao dịch bò" được thành lập.
Từ đây, chợ bò Tà Ngáo hoạt động theo phương thức chuyên doanh. Hiện tại mỗi ngày có hàng trăm con được trao đổi, mua bán.
Bò bán không hết thuê chuồng rọng lại.
Ngoài việc mua bán, chợ bò Tà Ngáo còn kéo theo các dịch vụ như: cắt cỏ, chăn dắt bò, thuê chuồng "rọng" bò... đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài huyện.
Đang giao dịch bò tại chợ, ông Trần Văn Phi (60 tuổi) cho biết: "Đã nhiều năm trong nghề buôn bán bò nên tôi rất rành về chợ này. Nếu ai có nhu cầu mua bò mổ thịt hoặc vỗ béo thì có thể xuống tận bến tập kết để chon mua.
Bò vỗ béo 3 - 4 tháng có thể xuất chuồng bán kiếm lời vài triệu đồng/con. Số lượng đến chợ bò rất nhiều nên mặc sức lựa chọn, mà giá cũng thấp hơn những chỗ khác".
"Sàn giao dịch bò" Tà Ngáo nằm tiếp giáp Quốc lộ 91, rất thuận tiện cho việc vận chuyển bò về khắp các tỉnh, thành trong cản nước. Trao đổi mua bán bò với lái nước bạn nên hầu hết người làm nghề đều biết tiếng Campuchia.
Gông bò qua kênh Vĩnh Tế. Kiếm sống nhờ dắt bò thuê
Trước đây, các lái bò ở Việt Nam vượt biên giới cả chục cây số, vào lùng sục tận nhà dân nước bạn kiếm mua từng con bò, cầm dây mũi dẫn chúng đi tắt trên bờ đê về kênh Vĩnh Tế. Đến bờ kênh, người dân sẽ cột bò vào chiếc đò rồi kéo phì phò theo sau. Người ta gọi đó là gông bò qua kênh. Tuy nhiên bây giờ việc này đa phần do lái và người dân Campuchia đảm nhận.
Tờ mờ sáng, chúng tôi thấy từng tốp bò lũ lượt nối đuôi nhau vượt kênh Vĩnh Tế đến chợ Tà Ngáo. Đường ruộng từ huyện Kirivong (Tà Keo) sang Tà Ngáo chỉ ngăn bởi con kênh Vĩnh Tế và cách vài cây số.
Dắt bò sang chợ để tiến hành giao dịch.
Vừa dắt đôi bò lên chợ với bộ quần áo ướt sũng, anh Chau Chang (30 tuổi, ngụ huyện Kirivong) cho biết: "Khi thương lái mua xong bò thì họ thuê mình dắt từ Campuchia về chợ Tà Ngáo. Mỗi chuyến đi một người dắt được từ 2 - 3 con và được chủ trả từ 150 - 170 ngàn đồng. Tuy nhiên do mối quen biết nên nếu bò không bán được mình phải dắt về sẽ không công.
Thấy vậy chứ nghề này cực hơn làm ruộng, do ngày ngày lội sình, trầm mình dưới nước, đứt chân khi đạp phải ốc, gặp những con bò lì phải mất nhiều thời gian xỏ mũi, cột chân, dắt hoài chẳng đi, thậm chí tấn công lại mình. Dù vậy nghề này có nguồn thu nhập ổn định do được thuê làm quanh năm".
Cứ 4 giờ sáng là anh Chang cùng hàng chục người khác phải dắt bò lội bộ với đoạn đường 6 cây số từ bên kia biên giới đến chợ Tà Ngáo. Anh đến với nghề này bởi nhà có 10 công ruộng nhưng làm chẳng có dư. Vì thế tận dụng thời gian rảnh rỗi dắt bò để kiếm thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Cảnh mua bán ở chợ bò Tà Ngáo sôi động nhất là khi mùa lũ về và kéo dài đến Tết Nguyên đán, với hàng trăm con bò được mua bán mỗi phiên. Số này chủ yếu được các chủ nậu chuyển về mổ cung ứng cho thị trường nội địa. Số còn lại nông dân mua về vỗ béo hoặc làm giống sinh sản.
Bò bán tại chợ bò có nhiều loại.
Theo quan sát cách giao dịch ở "sàn bò" có nhiều điều độc đáo. Bò đến chợ đủ loại to nhỏ, béo gầy, trắng vàng. Người bán, kẻ mua, đặc biệt là lái buôn đến đây giao dịch từ rất sớm. Xem xét ngã giá từng con xong, người mua dắt về chuồng hoặc dùng xe tải chở đi.
Hiện giá mỗi con bò có giá dao động từ 8 - 30 triệu đồng, tùy thuộc vào yếu tố gầy hay béo, đực hay cái, đẹp mã hay không, để cày hay lấy thịt... Mặc dù việc mua bán bò thường diễn ra bằng cách "nhìn mặt bắt hình dong", ước trọng lượng là xỉa tiền. Tuy nhiên đối với những con bò được mua về làm sức kéo người ta phải xem tướng mạo, xoáy, đuôi.
Người mua xem đuôi, xoáy, lưng trước khi mua.
Đứng ở chợ bò giữa cái nắng gắt, anh Trần Công Linh, cho biết: "Vừa đảm nhận việc dắt bò chúng tôi phải đứng giữ bò, khi nào có người mua thì điện báo chủ đến. Những con bò không bán được một dắt về, hai là gửi lại các trại gần đó nhưng phải trả phí. Mùa nước lớn những người làm nghề dắt bò mướn đỡ vất vả hơn vì bò được chở bằng trẹt. Việc giao dịch qua lại chỉ duy nhất là tiền Ria".
Tiền giao dịch chủ yếu là Ria - Campuchia.
Từ một xóm heo hút, người dân sống bằng nghề hái trái và làm đường thốt nốt giờ sóc Tà Ngáo đã "thay da đổi thịt", bởi có nhiều đường giao thông cho xe tải ra vào mua bán trâu bò ì xèo, đời sống người khấm khá hơn.
Ngoài bò trâu cũng được mua bán.
Theo Nguyễn Nhân (Công an TP HCM)
An Giang: Mùa nước nổi-mùa cá nước chim trời, chợ nhiều sản vật Mùa nước nổi ở xã đầu nguồn biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) là mùa sôi động nhất trong năm, mùa của "cá nước chim trời" cùng những sinh hoạt sông nước của người dân. Về thăm nơi đây, vào những ngày mùa nước nổi là dịp để cảm nhận vẻ đẹp, chứng kiến sự hào phóng mà...