An Giang: Nữ kỹ sư công nghệ làm vườn dưa lưới khiến ai cũng mê
Tốt nghiệp Đại học ngành công nghệ thực phẩm, trải qua nhiều thử thách, tâm huyết với ngành nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Mai Khương, khóm Tây Khánh 6, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên ( tỉnh An Giang) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao và đã đạt kết quả khả quan về kinh tế, tạo điểm tham quan du lịch khá lý thú cho du khách.
Chị Khương cho biết: trước đây nghe thông tin tỉnh An Giang có chương trình hỗ trợ dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sẽ hỗ trợ 30-50% kinh phí. Qua thời gian bỏ công nghiên cứu mô hình, vắt óc suy nghĩ trồng cây gì độc, lạ, thị trường cần, thế là tôi chọn cây dưa lưới. Dưới sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tôi bắt tay vào viết dự án “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọi trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên”.
Vườn dưa lưới 1.000m2 được đầu tư ở phường Mỹ Hòa, trồng theo công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP của chị Nguyễn Thị Mai Khương đang làm giới trẻ mê mẩn và canh đến thời điểm gần thu hoạch để có được những bức ảnh độc, lạ.
Dự án do chị Nguyễn Thị Mai Khương làm chủ nhiệm và được triển khai từ tháng 1-2018, đầu tư hơn 540 triệu đồng với mục tiêu là sản xuất dưa lưới Taki đạt năng suất 3.200 kg/vụ/1.000m2; quy trình sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP… Dự án có tổng nguồn vốn gần 540 triệu đồng, trong đó được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ 237 triệu đồng (30%), UBND TP. Long Xuyên hỗ trợ 100 triệu đồng (20%) và phần còn lại là vốn của gia đình chị Mai Khương.
Với diện tích 1.000m2 nhà lưới và gieo trồng 2.200 gốc dưa, sau 80 ngày, giống dưa Taki của Nhật Bản đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 3,7 – 4 tấn. Chị Khương cho biết, sản phẩm được đơn vị phối hợp (Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao Trang trại Việt-TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm với giá 30.000 đồng/kg. Ngoài ra chị còn bán lẻ giá 55.000 đồng/kg.
Thu hoạch dưa lưới Taki Nhật Bản tại Giving’s Farm.
Video đang HOT
Dự án khi đi vào hoạt động đã góp phần cung cấp sản phẩm có giá trị, chất lượng cho thị trường, từ đó mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ đầu tư. Với mùa vụ đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, chị Khương tiếp tục trồng vụ 2 giống dưa lưới nhập từ Nhật Bản trên 2.600 cây dưa lưới Taki. Tổng doanh thu cho mùa vụ đầu đạt 120 triệu đồng, đợt 2 đạt hơn 110 triệu đồng. Chị tính toán: mô hình này đạt lợi nhuận ròng trên 33%/năm và thu hồi vốn trong 2,8 năm. Với hiệu quả bước đầu chị đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dưa lưới 2.000m2.
Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, có thương hiệu, bên cạnh sản xuất dưa đạt chất lượng, chị Khương đã đăng ký thương hiệu dưa lưới Giving’s Farm với Cục Sở hữu trí tuệ. “Mục tiêu của chị sử dụng tên Anh ngữ để sau này mở rộng diện tích đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài”-chị Khương cho biết.
Khách tham quan thích thú trãi nghiệm một số công việc của mô hình dưa lưới.
Chị Khương cho biết, thấy vậy tôi đầu tư hơn 1.000m2 mở điểm cho khách tham quan vườn dưa, ăn uống vui chơi. Tùy vào thời điểm, ban đầu không thu tiền vé tham quan của khách mà chỉ tính tiền khi khách mua dưa về nhà, với mức giá từ 55.000 đồng/kg trở lên. Sau, lượng khách đông quá chị thu vé 30.000 đồng/người (gồm vé tham quan nhà màng trồng dưa lưới và ăn thử dưa lưới tại vườn hoặc thưởng thức 1 ly nước bạc hà chanh, bạc hà sữa, hoặc đá bào).
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Mai Khương thu hút khá đông khách tham quan.
Đến với vườn dưa, khách tha hồ tham quan, chụp ảnh và được thưởng thức dưa tại chỗ, uống nước bạc hà thanh mát. Qua thực tế cho thấy, mô hình sản xuất trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình VietGAP, nông dân có thể sản xuất 4 vụ/năm, năng suất trung bình đạt 3,5 – 4 tấn/vụ/1.000m2, đem lại lợi nhuận cho người trồng trên 30%/năm. Đây là điều kiện lý tưởng để mô hình này tiếp tục được đầu tư, mở rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020″.
Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng như của chị Khương góp phần tạo mọi điều kiện cho nông dân trong tỉnh tiếp cận ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó còn là kết quả thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đến nông dân, hướng tới mục tiêu đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững. Dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên” được triển khai thực hiện là một điển hình.
Theo Danviet
9X thôi việc ở Viettel về quê theo nghề trồng dưa lưới
Sau 5 năm gắn bó với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), anh Đinh Xuân Quy (SN 1990) quyết định thôi việc về quê ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An theo nghề trồng dưa lưới với khát vọng được làm chủ, làm giàu...
Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Đinh Xuân Quy nghiên cứu, sáng tạo và bước đầu thành công với mô hình khởi nghiệp trồng dưa lưới sạch theo công nghệ Israel.
Phát huy sức trẻ, anh Đinh Xuân Quy chịu khó nghiên cứu, sáng tạo và bước đầu thành công với mô hình trồng dưa lưới sạch. "Tôi ước mơ trở thành ông chủ dưa lưới sạch khi còn là sinh viên. Lúc đó, tôi có dịp đến nhà người bạn chơi và ấn tượng với loại dưa có vỏ giòn, vị ngọt thanh, ít hạt,... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP" - anh Quy chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ cao
Đầu năm 2018, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động, trồng 1.000m2 dưa lưới TL3 có xuất xứ từ Thái Lan.
Về kỹ thuật trồng dưa lưới, anh Quy cho biết, dưa lưới từ khi trồng đến thu hoạch 65 ngày, mỗi năm trồng 4 vụ. 1.000m2 dưa ứng dụng công nghệ Israel cho năng suất 3 tấn, bán với giá trung bình 45.000 đồng/kg, thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Sau khi xuống giống, cây dưa lưới được xếp thành hàng và treo dây cố định; giai đoạn ra hoa sẽ tiến hành thụ phấn thủ công. Mỗi cây chỉ để lại 1 trái, tỉa hết cành nách tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi trái có đường kính 2-4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
"Dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại, dưa cho năng suất, chất lượng trái tốt, bán được giá nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Chỉ cần 4 vụ dưa trúng mùa, được giá, người trồng có thể thu hồi vốn, thậm chí có lãi" - anh Quy nói.
Hợp tác sản xuất
Nhận thấy trồng dưa lưới sạch theo công nghệ Israel cho năng suất cao, bảo đảm an toàn về chất lượng, không lo đầu ra, tháng 5-2018, anh Quy liên kết thêm 6 thanh niên thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Nông Việt. Đây là HTX thanh niên đầu tiên của tỉnh có diện tích 0,5ha, vốn điều lệ 1 tỉ đồng do anh Quy làm giám đốc.
Các xã viên cùng nhau ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Quy, phấn đấu đến năm 2020, HTX mở rộng quy mô sản xuất lên 1ha dưa lưới sạch. Việc trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa, vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại).
Bên cạnh đó, trồng dưa không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (chỉ dùng các chế phẩm sinh học tự nhiên) nên sản phẩm làm ra không đủ cầu. Hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa lưới sạch rất hút ở các siêu thị TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Theo Phong Nhã (Báo Long An)
Nhộn nhịp xóm lưỡi câu mùa lũ về ở An Giang "Đã hơn 6 năm rồi, mùa lũ về xóm lưỡi câu này mới nhộn nhịp trở lại sau nhiều năm làm để sống qua ngày. Năm nay, lũ về sớm lại lớn nên bạn hàng tới đây đặt hàng nườm nượp. Vậy là làm "quyết liệt" ngày đêm mới kịp giao hàng"- ông Trần Văn Be (68 tuổi ngụ ấp Tây Khánh B,...