An Giang: Những điểm đến hấp dẫn ở Thoại Sơn
Với đồng ruộng mênh mông, vườn trái cây trĩu quả, non nước hữu tình, Thoại Sơn còn có những khu di tích cổ kính, làng nghề truyền thống, địa điểm check-in ấn tượng cùng những món đặc sản đồng quê hấp dẫn khiến biết bao du khách gần xa thương nhớ.
Hồ ông Thoại
Nhắc đến Thoại Sơn sẽ không thể bỏ qua những thắng cảnh đẹp và di tích nổi tiếng, như: Núi Sập, núi Ba Thê, Di chỉ Óc Eo, bia Thoại Sơn, chùa Linh Sơn hay Thiền viện Trúc lâm An Giang… Tất cả tạo cho Thoại Sơn rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn cảnh sắc cũng như tìm hiểu về di tích lịch sử.
Đình Thoại Ngọc Hầu
Bia Thoại Sơn
Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Thoại Sơn mà du khách không thể bỏ qua đó chính là Khu du lịch lòng hồ núi Sập (thị trấn Núi Sập) với khu lòng hồ rộng khoảng 9ha, chia làm 3 hồ. Hồ lớn nhất được đặt tên là hồ Ông Thoại với làn nước trong veo, phẳng lặng, in bóng núi. Trên lòng hồ có những cây cầu bằng sắt sơn đỏ nối nhịp qua những tảng đá nhỏ riêng lẻ giữa hồ, như: Cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt. Giữa hồ là tượng Thoại Ngọc Hầu được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi chỉ tay về phía kênh Thoại Hà. Hai hồ còn lại tuy còn hoang sơ nhưng có vẻ đẹp riêng của nó, mang nét đẹp rất thơ mộng và hữu tình được ví như “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” chắc chắn sẽ làm thỏa lòng du khách khi đến với nơi này. Đặc biệt nhất ở hồ Ông Thoại là đàn cá tra màu hường và 6 con cá vồ cờ, loài cá đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ đang sinh sống. Cách hồ Ông Thoại không xa nằm bên triền núi Sập là đình Thoại Ngọc Hầu cùng với bia Thoại Sơn được dựng vào năm 1822 trải qua thời gian vẫn giữ nguyên nét cổ xưa, huyền bí.
Bia Thoại Sơn là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được Thoại Ngọc Hầu dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) để đánh dấu kỷ niệm trọng đại trong cuộc đời mình và ghi nhớ ý nghĩa công trình đào kênh Thoại Hà. Bia Thoại Sơn là 1 trong 3 công trình di tích lịch sử loại bia ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới triều đại phong kiến còn lưu lại cho đến ngày nay được nhiều người truyền tụng. Bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1990. Năm 2013, Di tích lịch sử đình Thoại Ngọc Hầu được Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam tặng bảng vàng, bình chọn nằm trong “Top 100″ điểm đến ấn tượng Việt Nam. Dù mới chính thức khánh thành đưa vào hoạt động nhưng Thiền viện Trúc Lâm An Giang (thị trấn Núi Sập) đang được rất đông du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Thiền viện Trúc Lâm An Giang được xây dựng trên diện tích toàn khu vực gần 15ha, với 18 hạng mục chính, như: Chánh điện, nhà tổ, giảng đường, lầu chuông, lầu trống, cổng tam quan, trai đường, nhà bếp, phương trượng, thất trụ trì, nhà khách ni, nhà khách trụ trì, nhà mát, tường rào sân vườn… trên tổng thể hài hòa non nước hữu tình khiến du khách luôn có cảm giác an yên, thư thái khi đến đây.
Video đang HOT
Di chỉ nền văn hóa Óc Eo
Tạm rời núi Sập, du khách chỉ cần di chuyển thêm 12km sẽ đến thị trấn Óc Eo là nơi lưu giữ nhiều điểm di tích mang dấu ấn văn hóa Óc Eo – Ba Thê, một nền văn hóa cổ hình thành và phát triển ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên với các điểm di tích văn hóa Óc Eo như di tích Gò Cây Thị, di tích Linh Sơn Nam, di tích Gò Út Trạnh… Ngoài ra du khách đừng bỏ qua núi Ba Thê cao 221 mét, có chu vi 4.220 mét. Núi vốn tên là Hoa Thủ Sơn, nhưng vào triều vua Minh Mạng vì kỵ uỷ Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên phải đổi thành Ba Thê. Giữa lưng chừng núi Ba Thê có một tảng đá lớn được người dân gọi là Thạch Đại Đao. Tương truyền trong một đêm mưa sấm chớp, sét đánh trúng một tảng đá lớn làm vỡ tung và lộ ra cây đao bằng đá khổng lồ, người dân nhìn thấy nên đã dựng lưỡi đao lên để thờ cúng. Trên đỉnh núi Ba Thê có một ngôi chùa Sơn Tiên được xây dựng năm 1933, trước sân chùa có tượng Quan âm đứng trên toà sen, bên phải chùa là hòn đá to có lưu dấu bàn chân tiên in trên mặt đá. Nằm ở phía Bắc chân núi Ba Thê là chùa Linh Sơn (Linh Sơn cổ tự) nơi lưu giữ tượng Phật Bốn Tay huyền bí và cũng là điểm tựa tâm linh cho người dân trong vùng.
Theo các nhà khảo cổ, có niên đại trên dưới 2.000 năm, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Hai bia đá và tượng Phật bốn tay là tài sản vô giá trong kho tàng di sản lâu đời của dân tộc Việt Nam, đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Ngoài cảnh đẹp non nước hữu tình cùng những di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, Thoại Sơn còn có rất nhiều những món ăn ngon mà bất cứ du khách nào cũng sẽ yêu thích, như: Bún sả, bánh canh tép, bánh thốt nốt, khô cá lóc… với công thức thật đơn giản nhưng đã đi vào lòng của nhiều thực khách phương xa khi đến với vùng đất Thoại Sơn.
Hãy một lần đến với Thoại Sơn, vùng đất của núi, thiên nhiên, cây cỏ gắn liền với nhiều công trình kiến trúc di tích văn hóa lịch sử của người xưa. Đến tham quan Thoại Sơn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh bình yên, mộc mạc và giản dị của vùng đồng quê Tây Nam Bộ, là dịp tìm hiểu những câu chuyện bí ẩn của vùng đất này từ buổi mới khai hoang.
Đất lành sen mọc
Sen thân thuộc đến mức, đi bất kỳ đâu trong tỉnh An Giang cũng đều gặp. Chưa bao giờ những sản phẩm từ sen lại khan hiếm trên thị trường.
Đặc tính dễ trồng, dễ sống đã giúp sen đi tới đâu, nơi đó trở thành đất lành.
Ở An Giang, sen mọc cạnh đồng lúa hoặc có khi thay thế đồng lúa để trở thành đồng sen, nuôi sống nông dân.
Có đồng sen được bố trí theo dạng sinh thái miệt vườn, phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách, kèm theo dịch vụ ăn uống. Nhưng nhiều nơi, sen mọc cứ mọc, ai muốn ghé thăm cứ ghé miễn phí, chỉ mất công chứ không mất tiền.
Anh Mẫn (34 tuổi) rời quê Chợ Mới, qua xã Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn) bám trụ 16 công đất nông nghiệp. Sen được chọn làm cây kinh tế, lớn lên theo ước vọng đủ ăn đủ mặc của gia đình anh.
Sau 3 tháng 10 ngày, sen cho lứa thu hoạch đầu tiên. Nhìn nét sen thanh tao, mềm mại vậy chứ, sơ sẩy một chút là bị thân sen cứa nát tay chân. Mỗi lần muốn ra thu hoạch gương sen, anh Mẫn phải trang bị bao tay, bao chân thật dầy.
Cứ 2 ngày/lần, 16 công sen mang về cho anh 900kg gương sen. Đó là chưa kể, khách vãng lai muốn mua vài kg giữa các đợt bẻ, anh đều đáp ứng được.
"Sen dễ trồng lắm. Cứ 10 ngày chịu khó rải 10kg phân, là sen cho "ăn" hoài. Ruộng sen của tôi ước tính có thể thu hoạch dài tới qua Tết Nguyên đán 2023" - anh Mẫn chia sẻ.
Khác với nhiều nông dân khác, anh bán hoa sen, không mở địa điểm du lịch sinh thái, mà chỉ đơn thuần thu hoạch gương lụa (hạt sen vừa ăn).
Ruộng sen rất lớn, nằm cặp đường liên xã, nên khách qua lại bị hút hồn bởi nét đẹp khó cưỡng của sen. Cứ giơ máy ảnh lên là bắt trọn khoảnh khắc hoa sen vươn mình trong nắng, bung nở rực rỡ như cô gái xuân thì.
Nụ cười của anh Mẫn cũng tỏa nắng như sen, khi loài cây trồng này mang đến lợi nhuận ổn định. Giá lên xuống thất thường là chuyện hiển nhiên, có khi đang hơn 20.000 đồng vọt lên đến gần 60.000 đồng/kg. Mùa sen rộ, thương lái mua dao động 25.000 đồng/kg. Tiền vốn đã thu hồi, sen còn cho gương thêm ngày nào, anh lời ngày nấy.
Nếu muốn thu hoạch sen già hơn một chút để chế biến thành món ăn ngọt bùi, cứ cho hay trước. Anh ngơi tay thu hoạch, chừa thời gian cho sen trở mình, đổi màu nhẹ, rồi đem vào phơi nắng.
Câu chuyện của anh Mẫn dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đồng sen nào. Như một lời hứa dài lâu, sen lại tiếp tục sống hòa vào con người, mang lại màu sắc tươi sáng cho những nơi mình xuất hiện...
Những điểm check in cực hot khi du lịch Malaysia The Face Suites Ảnh: Sưu tầm Hồ bơi vô cực ở tầng thượng khách sạn The Face Suites chỉ có 2 từ để miêu tả, đó là tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng hồ bơi khi đặt phòng tại khách sạn the Face Suites hoặc khi đặt một căn hộ qua Airbnb trong cùng tòa nhà. Nếu có thể bạn hãy đến...