An Giang: Lũ lai rai, nước tràn đồng, dân “bấp bênh” bắt cá tôm
Nước từ thượng nguồn đổ về trong những ngày qua khiến người dân vùng đầu nguồn An Phú ( tỉnh An Giang) mừng khấp khởi. Mấy tháng nay, dân câu lưới đứng ngồi không yên do lũ kiệt. Hơn tuần nay, nước lũ tràn về bơm đầy các nhánh sông, cánh đồng, nên không khí mưu sinh ở vùng lũ cũng bắt đầu khởi động.
Nước lũ về muộn nhuộm trắng quãng đồng của xã biên giới Phú Hữu (An Phú, An Giang). Trong cái lạnh hanh hanh của buổi sớm mai, nhiều người giong xuồng thả câu, giăng lưới để bắt đầu một ngày mưu sinh mới.
So với năm trước, mùa lũ này về trễ, nước kiệt, tôm, cá rất ít. Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quy định mới về đánh bắt thủy sản, nên ngư dân vùng lũ rất thận trọng trong việc khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên.
Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản như: lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn), đăng, đáy, xiệp. Đối với các loại ngư cụ như: lưới kéo, vây, lưới rê, vó, chài các loại, ngư dân sử dụng phải chấp hành quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại nơi tập trung cá…
Đặc biệt, năm nay còn quy định cấm khai thác bằng các hình thức đặt đáy, dớn để khai thác thủy sản trên sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông, kênh, rạch của tỉnh An Giang.
Trên “đồng không, mông quạnh” thả lưới từ tờ mờ sáng đến gần 9 giờ mới bắt được chừng 2kg cá chạch, cá he, vợ chồng anh Vĩnh ( xã Phú Hữu) than vãn: “Năm rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu luôn, tôm, cá rất nhiều. Năm nay nước ít, sâu nhất chừng 7 – 8 tấc nước, nên tôm, cá cũng ít theo. Năm rồi, với mỗi dây lưới 100m bắt được chừng 2 – 3 kg cá là bình thường, còn giờ giảm hơn mấy lần”.
Video đang HOT
Ngược qua bờ Tây sông Hậu, xã Phú Hội cũng bắt đầu đón nhận những dòng nước lũ tràn về trong những ngày qua. Rút kinh nghiệm từ mùa vụ trước, năm nay người dân không dám sản xuất (lúa, hoa màu) vùng ngoài đê bao. Năm trước, lũ về nhanh bất ngờ gây ngập nhiều diện tích sản xuất ngoài đê bao ở các xã: Phú Hội, Nhơn Hội, Khánh An, Phú Hữu…
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hội Lê Huệ Yến cho biết, nước về chưa nhiều nên bà con chưa triển khai các hoạt động khai thác mùa nước nổi. Địa phương đang tiếp tục theo dõi và tăng cường khuyến cáo người dân đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sinh hoạt, sản xuất.
Còn ở xóm đặt lọp cua đồng ở xã Vĩnh Hội Đông năm nay cũng vắng vẻ, đìu hiu. Trước đây, người dân đi đặt cua quanh năm trên các cánh đồng trong huyện An Phú, nhiều người còn thuê đồng bên Campuchia để đặt cua. Vì thế, cua đồng từ Vĩnh Hội Đông đã có mặt ở nhiều chợ lớn, không chỉ ở An Giang mà lên tận TP. Hồ Chí Minh.
Năm nay, phía Campuchia không còn cho thuê, “đồng nhà” thì không có nước nên nhiều người phải khăn gói ra Bình Dương làm thuê kiếm sống.
“Tôi chờ nước lũ về từ mấy tháng nay nhưng đặt cua cũng không được nhiều. Gắn bó với nghề này hơn chục năm nhưng giờ thấy bấp bênh quá. Tôm, cua càng ngày càng ít, chắc phải chuyển đổi nghề khác mới sống nổi” – một người dân ở ấp Vĩnh An than.
Trở lại xóm làm lọp bắt cá linh Cồn Cóc (xã Phước Hưng, An Phú), tuy không sôi động như chục năm trước nhưng nghề làm lọp bắt cá linh cũng giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay lũ về muộn, một phần vì người dân sử dụng lại lọp cũ để đặt bắt cá linh, nên lượng lọp làm ra không nhiều.
“Nhớ chục năm trước mà thấy ham, mỗi năm làm mấy chục ngàn cái lọp bắt cá linh, giao khắp các tỉnh, thành phố, có cả dân bên Campuchia đi ghe lớn qua mua. Cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ kém (trừ năm rồi lũ bất thường), cá linh ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh” – chú Út Tòng, người gắn bó mấy chục năm với nghề làm lọp bắt cá linh ở Cồn Cóc cho biết.
Năm nay lũ về muộn nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác, đề phòng nước lũ, phòng chống sạt lở và đảm bảo an toàn trong sản xuất, sinh hoạt. Bởi sau vài cơn bão, chắc chắn các đập phía thượng nguồn sẽ xả lũ; cộng với triều cường lên sẽ ảnh hưởng các vùng phía hạ lưu. Vì thế, cần chủ động trong mọi tình huống, không nên chủ quan trong việc phòng chống lũ, đề phòng sạt lở.
Theo Hữu Huynh (Báo An Giang)
An Giang: Nuôi cua đồng hao hụt lớn, khi bán vẫn lời 50 triệu/công
Phú Hội là xã biên giới thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, diện tích đất ngập lũ hằng năm là 1.498ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi để cung cấp cua giống và nguồn thức ăn tự nhiên, góp phần thành công của mô hình nuôi cua đồng hiện nay.
Cua đồng hiện nay được xem là thực phẩm ngon, sạch và bổ dưỡng, được nhiều gia đình chọn cho các bữa ăn hằng ngày. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ cua đồng trên thị trường, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh ngày càng lớn, góp phần tạo nguồn thu nhập khá cao cho người nuôi cua đồng ở địa phương.
Cua đồng sau 4-5 tháng thả nuôi trong ruộng đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg, giá bán cao gấp 4 lần so với khi mua cua giống, đạt từ 80-100.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tần, sinh năm 1967, ngụ tại ấp Phú Nhơn, người đã có kinh nghiệm vài năm nuôi cua đồng luân canh trên nền đất lúa, diện tích nuôi cua hiện nay 0,3ha, cho biết" "Nuôi cua đồng tương đối đơn giản, dễ áp dụng với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Sau khi nước lũ rút, tiến hành bao nilon xung quanh ruộng, sau đó mua cua ngoài tự nhiên thả vào. Trong ruộng thả lục bình, rau muống đồng, bao đất vào để tạo nguồn thức ăn tự nhiên và tạo nơi trú ẩn cho cua khi lột xác.
Cua là loài động vật thủy sinh, thích nghi với lối sống bò sát mặt nước và đào hang để sống hoặc chui rút vào các bụi, rễ gốc cây. Môi trường sống không quá khắc khe, nhiệt độ thích hợp từ 20-29 độ C, pH từ 6,5-8. Cua có thể sống tốt trong điều kiện sông, mương, ruộng đồng. Cua ít bị bệnh. Đây là loài ưa hoạt động về đêm, không thích ánh sáng mạnh nên ban ngày chỉ ở trong hang chỉ khi trời tối chúng mới ra ngoài kiếm ăn.
Sau khi nước lũ rút vào tháng 12 dương lịch, người dân dùng nilon bao xung quanh ruộng nuôi, khổ từ 1-1,2m, chôn sâu xuống 25-30cm để cua hạn chế đào hang đi. Bên trong bố trí thêm bao đất tạo bờ phụ, thả thêm bèo tây, lục bình, rau muống làm chỗ trú ẩn cho cua. Chuẩn bị ruộng xong, mua cua ở ngoài tự nhiên, chủ yếu là từ các hộ đặt lọp về thả vào ruộng, giá giống lúc này khoảng 25.000 đồng/kg. Mật độ thả 3-4 tấn cua giống/công (1.000m2), kích cỡ 40-50 con/kg.
Thức ăn cho cua rất đa dạng dễ kiếm trong tự nhiên hoặc các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp như bắp lai, xác dừa, khoai lang... Hằng tuần cho cua ăn 2 lần với tổng số lượng 100-140 kg/công. Thỉnh thoảng có thể bổ sung thêm ốc bươu vàng, cá tạp, ....
Thông thường thời gian thu hoạch vào tháng 4 dương lịch, ngoài ra có thể thu hoạch sớm hoặc trể hơn thời gian dự kiến để chọn thời điểm có giá cao để bán. Kích cỡ bán đạt 25-30 con/kg. Sản lượng thu hoạch 1,8-2 tấn/công, hao hụt khoảng 30-40% .Thời điểm này giá cua lên cao 80.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 50.000.000 đồng/công.
Chú ý, cua đồng cũng là loại thức ăn của các loại động vật khác trong tự nhiên như rắn, ếch, cá và ngay bản thân cua đồng cũng tự ăn thịt lẫn nhau khi đến thời kỳ lột xác. Đây là nguyên nhân gây tỷ lệ hao hụt cao khi nuôi cua với mật độ lớn mà không đảm bảo điều kiện bảo vệ cua.
Bà Nguyễn Thị Kiều Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho biết: "Những năm gần đây mô hình nuôi cua đồng trên địa bàn khá phát triển, góp phần đa dạng sản phẩm thủy sản và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân trong vùng...".
"UBND xã Phú Hữu đã ra quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 về việc thành lập Tổ hợp tác nuôi cua với 8 thành viên, diện tích 3,41ha. Tổ hợp tác được thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ vay vốn phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho địa phương trong thời gian tới", bà Nguyễn Thị Kiều Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu.
Theo Danviet
1001 cách làm ăn: Kỹ thuật nuôi cá lăng nha lồng bè, thịt chắc ngọt Ở nước ta cá lăng nha thích hợp nuôi nhất ở khu vực ĐBSCL, nơi được hưởng nguồn nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu. Cá lăng nha có thịt trắng chắc, ít xương dăm, mùi vị thơm ngon. Hiện nay cá lăng nha thương phẩm có giá từ 120.000-150.000 đ/kg, được thị trường ưa chuộng. Nuôi cá lăng nha trong lồng...