An Giang, Kiên Giang phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn rộng tới 50.000 ha
Sáng 8/2, tại tỉnh An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long phối hợp với UBND tỉnh An Giang và Kiên Giang tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang.
Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tập đoàn Tân Long) phối hợp với UBND tỉnh An Giang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững tại tỉnh An Giang, đồng thời phát triển các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp để tổ chức sản xuất quy mô lớn.
Đại diện UBND tỉnh An Giang và Tập đoàn Tân Long ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Hồng Cẩm
Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với HTX, THT nông nghiệp tại tỉnh An Giang trên diện tích canh tác tăng dần qua các năm (năm 2022 đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha).
Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ; tham gia thành lập mới 50 HTX và 200 THT nông nghiệp (hoặc liên kết với HTX, THT hiện có) tại địa bàn trọng điểm gần nhà máy (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn…) để hình thành chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.
Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Tân Long với tỉnh Kiên Giang xác định, phía Tập đoàn Tân Long tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân gồm HTX, THT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong năm 2022 là 10.000 ha, sản lượng dự kiến 70.000 tấn và đến năm 2025 đạt 30.000 ha với sản lượng dự kiến đạt 150.000 tấn.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang và Tập đoàn Tân Long ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Hồng Cẩm
Ngoài diện tích liên kết, Tập đoàn Tân Long tổ chức phối hợp các HTX, THT thu mua lúa cho nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Video đang HOT
Phía tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện để Tập đoàn Tân Long tổ chức sản xuất theo kế hoạch tại các vùng nguyên liệu; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng tham gia tuyên truyền và xây dựng vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ theo kế hoạch, phát triển các HTX, THT tại vùng nguyên liệu, chú trọng nằm trong vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ của Tập đoàn Tân Long; chỉ đạo tăng cường các hoạt động về khuyến nông, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng điểm trình diễn… tại các điểm có sự tham gia của Tập đoàn Tân Long….
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long khẳng định: Kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình HTX kiểu mới được đánh giá là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp.
Ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Hồng Cẩm
Từ đó giúp giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào; ứng dụng đồng bộ công nghệ – khoa học kỹ thuật tạo nên những cánh đồng thông minh và sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng tốt nhất nhờ hệ thống xử lý sau thu hoạch hiện đại.
Đây là những điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy suất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Hợp tác với tỉnh An Giang và Kiên Giang, Tập đoàn Tân Long ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như ST21, ST24, ST25 của tác giả – Thạc sĩ, Kỹ sư Hồ Quang Cua và các giống lúa khác của Viện giống đồng bằng sông Cửu Long theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa – tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương…
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam hoan nghênh Tập đoàn Tân Long đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp và liên kết hợp tác với 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang, đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu và mô hình HTX kiểu mới.
Bộ NNPTNT đang triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Hồng Cẩm.
Bộ NNPTNT đang triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu 50.000ha lúa tại An Giang và Kiên Giang đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ.
“Việc đầu tư vùng nguyên liệu cùng những chính sách hỗ trợ của Bộ NNPTNT cùng tỉnh An Giang, Kiên Giang đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo hướng quy mô lớn, hiện đại sẽ giúp xây dựng hình mẫu phát triển mới trong nông nghiệp, từ đó nhân rộng ra vùng ĐBSCL cũng như cả nước”- Thứ trưởng Nam cho biết.
Khánh thành Nhà máy gạo lớn nhất châu Á ở An Giang: Nâng bước cho thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25
Chiều 18/1, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã đến dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Đây là nhà máy gạo lớn nhất châu Á với tổng công suất lên tới 240.000 tấn/năm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long Trương Sỹ Bá, Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất Châu Á, có diện tích 161.000m 2, đặt tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), có công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa (bảo ôn) 240.000 tấn; công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ Châu Âu, như: Hệ thống tiếp nhận, làm sạch và sấy của SKIOLD (Đan Mạch); hệ thống xay xát lúa gạo từ BUHLER (Thụy Sỹ); toàn bộ hệ thống silo chứa lúa và trang thiết bị đi kèm, lò hơi, robot hút lúa đều nhập khẩu và đồng bộ theo tiêu chuẩn EU từ Ý, Đức, Ba Lan...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tìm hiểu sản phẩm gạo A An được sản xuất từ Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long
Theo số liệu thống kê, diện tích trồng lúa ĐBSCL đạt khoảng 1,6 triệu ha, trong đó diện tích tại 5 huyện gần kề Nhà máy gạo Hạnh Phúc đạt gần 300.000ha, gồm: Tri Tôn, Thoại Sơn (tỉnh An Giang), Giang Thành, Hòn Đất và Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang).
Với lợi thế tối ưu về công nghệ, Nhà máy gạo Hạnh Phúc sẽ giải quyết hiệu quả khâu quan trọng nhất sau thu hoạch là vận chuyển kịp thời lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy, đảm bảo sấy trữ trong "thời gian vàng", giúp đảm bảo hương vị và chất lượng lúa gạo. Từ đó giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Tân Long sẽ liên kết bao tiêu với các hợp tác xã tại An Giang trên diện tích 30.000ha và mở rộng quy mô sang các địa phương lân cận trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo A An trên cơ sở giống lúa ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (gạo ngon nhất thế giới ST25), phát triển canh tác giống lúa ST25 tại An Giang.
Hệ thống silo bảo quản gạo hiện đại của Nhà máy gạo Hạnh Phúc
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc là một trong những kết quả quan trọng từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo với vai trò khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Điều này thể hiện An Giang luôn tạo thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh. Trong đó, Nhà máy gạo Hạnh Phúc có quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, vừa tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương, vừa thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp An Giang theo hướng bền vững. Việc đưa vào vận hành nhà máy chế biến và bảo quản nông sản lớn nhất Châu Á sẽ thúc đẩy nông nghiệp An Giang phát triển.
Phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tập đoàn Tân Long đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ chế biến gạo sau thu hoạch, xây dựng liên kết với nông dân. Theo Chủ tịch nước, dù trong bối cảnh khó khan, nhưng năm 2021, ngành nông nghiệp đã đóng góp 48,9 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu. Việc đẩy mạnh đầu tư như dự án nhà máy gạo hiện đại là cần thiết nhằm góp phần nâng cao giá trị hạt gạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với địa phương, nhà nông học nghiên cứu vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, xây dựng mối liên kết chặt chẽ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh An Giang cần khuyến khích sản xuất, mở rộng hạn điền, phát triển các mô hình sản xuất mới, quy mô lớn, có sự tham gia của nông dân để cùng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong phát triển nông nghiệp, cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, đào tạo lao động, khuyến khích khởi nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp; chú trọng chất lượng, giá trị thay vì số lượng. Tỉnh An Giang cần nghiên cứu xây dựng hạ tầng vùng trồng lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất lớn...
Hà Nội: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2022 có thêm 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có thêm hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới... Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2022 về thực hiện hiệu quả Chương trình...