An Giang khai thác du lịch sinh thái vườn
Nằm trong mục tiêu đa dạng hóa các loại hình du lịch (DL), ngành chuyên môn và các địa phương đang hướng đến khai thác thế mạnh DL sinh thái vườn. Dù không quá nhộn nhịp nhưng loại hình DL này vẫn có sức hút riêng với những ai muốn trải nghiệm cảm giác thanh bình, nhẹ nhàng sau những ngày hối hả, ồn ào nơi phố thị.
Với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động DL tại địa phương, UBND huyện Tịnh Biên đang hướng tới hình thành các trục DL sinh thái ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Đây là hoạt động nhằm mở rộng nguồn thu cho các hộ trồng vườn trên cơ sở tận dụng thế mạnh thổ nhưỡng đặc thù của vùng quê xứ núi.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện phát triển 3 trục DL sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, bao gồm: trục Hương lộ 6 (xã An Phú), Hương lộ 13 (xã An Cư) và Nhà Bàng – Thới Sơn với đoạn từ miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp về chùa Phật Thới Sơn.
Với 3 trục DL này, huyện đã vận động các hộ dân tham gia canh tác vườn cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển các dịch vụ ẩm thực để phục vụ du khách”.
Theo ông Phong, trục Nhà Bàng – Thới Sơn sẽ phát triển vườn dâu tằm và vườn nhãn với diện tích 3ha. Du khách có thể đến đây tham quan, chụp ảnh với những vườn cây trĩu quả và tận hưởng không khí trong lành. Ngoài ra, du khách còn có thể tự hái những quả dâu chín, những chùm nhãn thơm lừng để thưởng thức ngay tại chỗ. Các chủ vườn còn phát triển sản phẩm từ dâu như: mật dâu, rượu dâu, dâu tươi và các món ăn dân dã để du khách thưởng thức. Trục đường Hương lộ 6 sẽ có những vườn ổi, vườn hồng quân phục vụ nhu cầu tham quan của du khách kết hợp ẩm thực sân vườn. Riêng trục Hương lộ 13 trên địa bàn xã An Cư với vườn xoài (25ha), vườn quýt (3ha) xanh mát quanh năm sẽ phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách gần xa với hoạt động câu cá kết hợp khu vui chơi, giải trí dành cho người lớn và trẻ em. Đây là trục DL được định hướng để phát triển loại hình DL homestay với sự đầu tư bài bản, đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách.
Không chỉ ở đồng bằng, ngành chuyên môn còn định hướng sẽ đẩy mạnh phát triển hoạt động DL sinh thái vườn trên núi Cấm. Đây là hướng đi mới, góp phần vào việc đa dạng hóa nguồn thu cho nhà vườn trên núi, thay vì chỉ trồng cây rồi hái trái bán như trước đây.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu nhận định: “Núi Cấm với khí hậu đặc thù mát mẻ quanh năm và những vườn dâu, vườn sầu riêng, vườn bơ, vườn quýt trĩu quả là một sản phẩm DL rất riêng. Nếu các nhà vườn có thể phục vụ du khách vào mùa trái thì sẽ tăng nguồn thu đáng kể. Du khách có thể đến tham quan những vườn cây đầy trái, tự tay hái và thưởng thức trong cái khí hậu mát mẻ của vùng cao sẽ rất tuyệt vời. Do đó, chúng tôi đang định hướng để các hộ dân trên núi tham gia phát triển loại hình DL này”.
Video đang HOT
Thực tế, núi Cấm chỉ đông khách trong những tháng hành hương và thời gian còn lại người dân trên núi chỉ sống lệ thuộc vào những nông sản đặc trưng. Nếu khai thác được loại hình DL sinh thái vườn sẽ thu hút du khách đến với “nóc nhà miền Tây” quanh năm, bởi hết mùa hành hương sẽ đến mùa trái cây trên núi thay phiên nhau chín rộ, từ tháng 4 đến tháng 10 (âm lịch). Vì khi ấy, du khách có thể tham quan, chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đẹp cùng những vườn cây sai trái trên núi Cấm. Từ đó, hoạt động DL trên núi sẽ sôi động quanh năm với những đối tượng du khách khác nhau.
“Chúng tôi đã mở lớp hướng dẫn người dân trên núi kỹ năng làm DL nhằm phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, cần phát triển hoạt động DL sinh thái vườn trên núi tại những khu vực nhất định, với sự đầu tư về hạ tầng cơ sở để đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tham quan. Ngoài ra, các chủ vườn có thể phát triển loại hình homestay để du khách lưu trú và tận hưởng không khí núi Cấm về đêm. Như vậy, chúng ta sẽ có loại hình DL sinh thái kết hợp homestay đặc thù núi Cấm, đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận du khách thích trải nghiệm “một chút Đà Lạt” ở miền Tây” – ông Lê Trung Hiếu phân tích.
Để DL sinh thái vườn phát triển như kỳ vọng, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành về hạ tầng cơ sở và cả nguồn nhân lực đủ trình độ làm DL. Có như vậy, loại hình DL này mới thực sự mang đến nguồn thu như kỳ vọng cho các hộ làm vườn, cũng như tạo được điểm nhấn mới trong lòng du khách về những vườn cây đặc sản ở vùng đất An Giang.
Cần đa dạng hóa các loại hình du lịch
Nằm trong mục tiêu đa dạng hóa hoạt động du lịch (DL) của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đang nỗ lực phối hợp các ngành chuyên môn và địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất phát triển các loại hình DL mới, bên cạnh thế mạnh DL tâm linh.
Những năm qua, An Giang đã có những hoạt động tích cực nhằm đẩy mạnh quảng bá phát triển DL, khai thác tiềm năng từ vùng đất sơn thủy hữu tình. Tuy nhiên, du khách đến An Giang phần lớn là tham gia các hoạt động tín ngưỡng tâm linh mà chưa có nhiều tour, tuyến DL mới để trải nghiệm. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải phát triển các loại hình DL mới nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng của tỉnh cũng như nâng cao đời sống người dân khi tham gia vào "ngành công nghiệp không khói".
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: "Bên cạnh DL tâm linh, An Giang còn có nét văn hóa đặc trưng của 4 dân tộc anh em và dòng sông Hậu, sông Tiền hiền hòa, thơ mộng cùng khung cảnh non nước hữu tình. Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu phát triển các tour DL đường sông kết hợp DL văn hóa để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Thực tế, đây là tiềm năng đã có từ lâu chỉ chờ chúng ta "đánh thức" mà thôi!".
Theo ông Lê Trung Hiếu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp với UBND TP. Long Xuyên tổ chức đoàn đến tham quan hoạt động khai thác DL đường sông tại chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ) để áp dụng cho việc phát triển loại hình này ở chợ nổi Long Xuyên.
Chợ nổi Long Xuyên vốn sở hữu khung cảnh buôn bán đặc trưng của vùng quê sông nước, đây là điểm đến lý tưởng dành cho những ai muốn khám phá nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân sông nước miền Tây.
Tuy nhiên, cần có đơn vị cung cấp các tour DL chợ nổi cho du khách với đầy đủ các yêu cầu về dịch vụ và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, du khách có thể đến tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xã Mỹ Hòa Hưng sau khi khám phá chợ nổi Long Xuyên.
Chợ nổi Long Xuyên có tiềm năng du lịch
Ngoài chợ nổi Long Xuyên, làng bè cá Châu Đốc cũng nằm trong kế hoạch phát triển DL đường sông của ngành chuyên môn. Với ý tưởng biến làng bè cá Châu Đốc trở thành "làng bè sắc màu", Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đang vận động các hộ dân tham gia sơn lại 150 bè cá trên sông với màu sắc rực rỡ. Khi hoạt động này hoàn thành sẽ "đánh thức" làng bè cá nằm ở ngã 3 sông thơ mộng bởi sự sinh động của màu sắc, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn đối với du khách khi đến với thành phố trẻ.
Song song đó, các chủ bè cá có thể kinh doanh ẩm thực sông nước và bán các vật phẩm DL cho du khách. Việc du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm hoạt động thường nhật trên bè cá sẽ mang đến cảm giác thú vị, hấp dẫn cho du khách gần xa.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh DL có thể thiết kế cho du khách đến tham quan làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) để khám phá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này. Thực chất, hoạt động DL đường sông và DL văn hóa vẫn có sức hút riêng đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài, những người luôn muốn tìm đến những điều mới mẻ, khám phá vùng đất mới lạ.
Làng bè cá Châu Đốc sẽ là điểm nhấn phát triển du lịch
"Chúng tôi đang có ý tưởng sẽ phát triển loại hình DL mới, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của mọi người và có thể gọi nôm na là "DL album". Thông qua việc khảo sát các khu vực có khung cảnh đẹp, ngành chuyên môn sẽ thiết kế các công trình, phương tiện để tạo ra các góc nhìn độc đáo phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách. Mọi người có thể đến đây để chụp những bức ảnh đẹp, lưu giữ những khoảnh khắc ấn tượng.
Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều điểm chụp ảnh như thế tại Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, TP. Châu Đốc và nhiều địa điểm khác. Việc tới nhiều điểm chụp ảnh sẽ tạo ra được một album độc đáo cho mỗi người và việc họ tung những tấm ảnh đó lên mạng xã hội sẽ góp phần quảng bá hình ảnh An Giang đến với du khách khắp nơi" - ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.
Trong nỗ lực quảng bá hoạt động DL của tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã phối hợp các đơn vị kinh doanh DL đưa bộ ấn phẩm DL An Giang đến các nhà nghỉ, khách sạn và điểm lưu trú. Việc này nhằm giúp du khách có thể tiếp cận, tìm hiểu các điểm đến hấp dẫn của An Giang.
Chị Nguyễn Thị Bé Bảy (Công ty Cổ phần DL An Giang) đánh giá cao bộ ấn phẩm này bởi tính tiện dụng đối với du khách. Ngoài ra, các ấn phẩm còn thể hiện đầy đủ các điểm đến hấp dẫn, giúp du khách thiết kế chuyến đi hiệu quả khi đến với An Giang để trải nghiệm và khám phá.
An Giang đón hàng triệu lượt du khách trong mùa hành hương nên việc phát triển các loại hình DL mới sẽ giúp thu hút lượng khách đều đặn trong năm. Do đó, cần sớm hiện thực hóa ý tưởng khai thác loại hình DL mới để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng tới xây dựng hình ảnh An Giang thân thiện, xinh đẹp và hiếu khách.
An Giang khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp Du lịch (DL) nông nghiệp là phân khúc thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, mở ra cơ hội cho các vùng sản xuất thuần nông chuyển dịch cơ cấu kinh tế. An Giang là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai dự án phát triển DL nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế -...