An Giang: Đón vụ trầu Tết, cả làng sống khỏe re bởi đếm lá ra tiền
Được mệnh danh là xứ trồng trầu của huyện Phú Tân (An Giang), “làng trầu” ở xã Long Hòa còn tự hào là nghề sống bền của người dân nơi đây. Cũng như nhiều ngành, nghề khác, trầu được tiêu thụ khá mạnh vào dịp cuối năm, kéo dài đến sau Tết. Năm nay, người dân xã Long Hòa đón vụ trầu Tết với tinh thần phấn khởi bởi giá bán cho thương lái cao hơn nhiều so năm trước.
Vụ thu hoạch trầu rộ đã bắt đầu khoảng 1 tháng nay. Nhiều năm gắn bó với những nọc trầu xanh mướt, nông dân có lúc “khắc khoải” với thăng trầm của nghề, nhưng ít ai từ bỏ cái nghiệp được ông bà trao lại. Bà con ở đây cho biết, hiện nay giá trầu ổn định khoảng 3 triệu đồng/1 muôn, sau khi trừ chi phí, còn lãi 2,5 triệu đồng…
Việc liễn trầu đem lại nguồn thu nhập cho phụ nữ và người cao tuổi ở “làng trầu” xã Long Hòa, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang.
Thông thường vào vụ Tết, giá trầu tăng từ 7-8 triệu đồng/1 muôn. Với mức giá này, người dân yên tâm có nguồn thu khá để đón năm mới ấm cúng. Ông Lê Bảo Tự (81 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 1) bộc bạch: “Tôi nối ngôi theo cha gắn bó cho tới bây giờ và tiếp tục truyền lại cho con, cháu. Theo thói quen, đất trồng trầu thì chỉ phát triển trầu mà thôi, không hợp các loại cây trồng khác”.
Ngụ cùng ấp Long Hòa 1, ông Lê Văn De là thế hệ thứ 4 trong gia đình nối tiếp nghề trồng trầu. Tuổi đời 75 năm thì ông De đã có thâm niên hơn 60 năm kinh nghiệm chăm sóc trầu.
Video đang HOT
Ông De chia sẻ: “So với trước đây, diện tích trầu đã thu hẹp. Riêng tôi không nỡ bỏ vì quá yêu nghề. Trước hết là hiệu quả thực tế, cứ 15 – 20 ngày trầu lại cho 1 đợt hái, thương lái đến tận nhà thu mua, gia đình có thu nhập, tạm gọi là khấm khá. Một năm trầu có nhiều đợt bán rộ, những lúc thất bát cũng được bù trừ đắp đổi, tính ra mình không lỗ. Trầu không bao giờ phụ lòng người!”.
Gia đình ông De trồng 800 gốc trầu/1.000m2, xen kẽ trầu tốt lẫn trầu tơ để có thu hoạch liên tục. Ông De cho biết, dây trầu chỉ “chịu” phân chuồng mới sống bền, chứ không bón phân hóa học và phun thuốc. Giá trầu rất ít khi bị “rớt”, chăm sóc trầu cũng khỏe, có việc thì làm, không có việc thì nghỉ. Từ người trồng trầu đến liễn trầu (đếm lá), từ người già đến trẻ em, ai cũng có việc làm và thu nhập.
Theo thống kê, xã Long Hòa hiện có khoảng 5.000m2 diện tích đất trồng trầu, với hơn 40 hộ tham gia. Dây trầu từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 4 tháng. Sau 1 năm dây bò lên phủ nọc cũng là thời điểm trầu cho sản lượng lá cao nhất và duy trì trong 3 năm. Với mỗi nhánh trầu mới, khi thu hoạch bao giờ người hái cũng chừa lại lá nhỏ kế tiếp lá to để nuôi trong nửa tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Nguyễn Minh Hiền cho biết, trồng trầu là nghề truyền thống lâu đời. Trước năm 1975, trầu đã là kinh tế chính của hàng chục hộ, cũng là nơi thuận lợi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Vì truyền thống đó và hiệu quả kinh tế, nhiều hộ quyết tâm giữ nghề đến nay.
Hàng tháng, trầu cho thu hoạch 2 cử, cao điểm vào Tết cổ truyền của người Việt phục vụ nhu cầu cúng, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer và vía Bà Chúa xứ núi Sam… giá trầu sẽ tăng vọt mang lại lợi nhuận cao hơn.
Theo nhận định của bà con, do thời tiết bất lợi, năng suất trầu năm nay không cao bằng năm ngoái. Tuy nhiên, bù lại giá trầu sẽ tiếp tục tăng, nếu ngày thường trầu có giá 3-5 triệu đồng, hiện nay tăng lên 7-8 triệu đồng và chưa dừng lại.
Nhờ đó, người dân vẫn đảm bảo nguồn sống, trang trải cho gia đình xoay trở liên tục. Cũng theo ông Hiền, diện tích trầu đang bị thu hẹp do nhiều hộ không có con, cháu nối nghề, một phần do trầu bị lão theo cách nhân giống truyền thống, đất đai giảm độ phì nhiêu…
Theo Mỹ Hạnh (TTMT)
Cà Mau: Thả loài ốc leo cây trong rừng ngập nước, bán 100 ngàn/ký
Hơn chục năm nay, từ cánh rừng giao khoán chăm sóc và bảo vệ, người dân nghèo biết tận dụng để nuôi ốc len. Từ những khó khăn ban đầu, nuôi ốc len đã trở thành nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Để một lần tận mắt nhìn thấy những con ốc len được nuôi như thế nào, chúng tôi quyết định vào rừng tại ấp Tân Hải, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau), nơi có tổ hợp tác nuôi ốc len từ rất lâu.
Đi sâu vào rừng, thật xa mới có 1 ngôi nhà vì những hộ được nhận giao khoán rừng ở đây đa số đều có từ 2-3 ha. Nhiều hộ cho biết, lợi nhuận từ việc nuôi ốc len tuy có nhưng còn tuỳ thuộc nhiều vào đồng vốn. Năm nào có vốn thả nhiều mà trúng giống tốt thì có lãi nhiều.
Những hộ nhận giao khoán rừng đa số là hộ nghèo. Có gia đình đã sống nơi đây trên 10 năm và không có ý định đến nơi khác, đơn giản vì cánh rừng ngập mặn này chính là nơi tạo ra sinh kế, giúp họ có thêm thu nhập.
Bà Tạ Kim Hiền thu hoạch ốc len.
Lúc nước ròng, con lạch nhỏ xíu nhô lên, phải nhìn thật kỹ mới thấy được con ốc nhỏ nằm dưới bãi sình. Anh Trần Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, người đồng hành cùng chúng tôi, có vẻ am hiểu tận tường cái "nết" của loài ốc len nên giải thích: "Muốn thấy được ốc nhiều phải vào ngay con nước lớn, ốc bò lên cây, nước ròng ốc lại bò xuống sình để tìm thức ăn, không quen mắt rất khó nhận ra".
Đến cánh rừng đầu tiên trong tổ hợp tác, bà Tạ Kim Hiền và ông Nguyễn Văn Thống (Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ốc len) chuẩn bị xong đồ nghề để bắt đầu chuyến đi. Hai người nông dân nhanh nhẹn phóng một cái là qua được mé bờ bên kia. Hơn chục năm sống trong rừng và nuôi ốc len nên bà Hiền và ông Thống đi rừng thật điêu luyện.
Riêng bãi ốc của Ông Thống do thu hoạch vào dịp Tết nên còn lại chủ yếu là ốc nhỏ.. Ông Thống dẫn chúng tôi đến bãi ốc có nhiều ốc len con, rồi giải thích: "Ốc len cũng giống như sò huyết, vọp..., nếu bắt một lần thì không bao giờ hết, chịu khó bắt đi bắt lại mấy lần. Thời điểm thích hợp để thả ốc chính là từ cuối tháng 3 đến tháng 5. Sau khi thả khoảng 6-7 tháng là có thể thu hoạch".
Ở lâu trong rừng, sống dựa vào thiên nhiên nên con người ngày càng gần gũi với chúng hơn, đặc biệt là loài ốc len. Chỉ cần nhìn con ốc trèo lên gốc cây cao hay thấp là người dân ở đây biết được hôm đó nước sẽ lên như thế nào mà biết đường tính toán dọn dẹp nhà cửa, tránh bị ngập. Quanh quẩn hơn 30 phút trong rừng mắm để tìm ốc, thu hoạch của bà Hiền và ông Thống cũng gọi là khấm khá.
"Hiện nay, giá trị thương phẩm của ốc len được nâng lên rất nhiều nên lợi nhuận ngày càng tăng", ông Thống cho hay. Giữa năm 2017 vừa rồi, mô hình nuôi ốc len được cán bộ nông nghiệp địa phương đưa lên tỉnh họp bàn để hỗ trợ nông dân sản xuất với tổng số vốn 200 triệu đồng. Vậy là niềm hy vọng lại đến với nông dân nghèo. Không bao lâu nữa cánh rừng này được tận dụng nhiều hơn, nuôi ốc len được nhân rộng, đi đôi với đó là lợi nhuận thu về cho bà con càng cao./.
Theo Kim Chi (Báo Cà Mau)
Nhà máy rác không hoạt động, Cà Mau rối bời, dân bức xúc Trước tình trạng NM xử lý rác thải TP Cà Mau xin tạm ngừng hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng, nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau đang chịu áp lực lớn về xử lý rác. Có những bãi rác nằm cạnh nhà dân gây bức xúc. Có bãi rác tập kết trong rừng phòng hộ, sai quy định. Người dân bức...