An Giang: Điều trị miễn phí các nạn nhân vụ “xe điên”
Ngày 15.9, đoàn công tác Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang do Chánh văn phòng Lê Việt Cường dẫn đầu đã đến BVĐK Trung tâm tỉnh An Giang và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ “ xe điên” xảy ra vào ngày 14.9 làm 11 người cấp cứu.
Đoàn công tác Ban an toàn giao thông tỉnh An Giang đến thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân vụ xe điên. Ảnh: LTTại đây, lãnh đạo các cơ quan đơn vị đã thăm hỏi động viên các nạn nhân, đồng thời hỗ trợ những người bị thương với số tiền 2 triệu đồng/người và 3 triệu đồng/người đối với 2 trường hợp bị nặng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh An Giang Lê Việt Cường cho biết, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các nạn nhân điều trị với tinh thần điều trị miễn phí cho tất cả các nạn nhân.
Ông Lê Việt Cường (giữa ảnh) thăm hỏi nạn nhân đang điều trị tại BVĐK Trung tâm An Giang. Ảnh: LT
Như LDO đã thông tin, khoảng 7 giờ sáng 14.9, trên quốc lộ 91, đoạn qua phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Video đang HOT
Xe tải biển kiểm soát 67C-03305 (thuộc Hợp tác xã Quyết Thắng, tỉnh An Giang) chở 26,02 tấn hàng hóa ( quá tải 2, 95 tấn) do tài xế Phạm Hoàng Nhã (SN 1991, cư trú xóm Đồng Xoài 1, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) điều khiển theo hướng Long Xuyên – Châu Đốc, khi xe bắt đầu xuống dốc cầu Nguyễn Trung Trực (thuộc địa phận phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) đoạn giao lộ đường Quản Cơ Thành và quốc lộ 91 thì liên tiếp va chạm vào nhiều phương tiện đang dừng trước đèn tín hiệu giao thông như “xe điên”.
Hậu quả, vụ tai nạn làm 10 người bị thương (trong đó có 4 người bị thương nặng). 9 nạn nhân điều trị tại BVĐK Trung tâm tỉnh An Giang (2 nạn nhân bị thương nhẹ đã xuất viện); nạn nhân Nguyễn Phạm Gia Khang (sinh năm 2007) đã được chuyển qua Khoa Ngoại Nhi-Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang tiếp tục dõi. Hiện cả 8 nạn nhân còn nằm viện đã ổn định.
Hiện Công an TP Long Xuyên đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
LỤC TÙNG
Theo Laodong
An Giang: Mưu sinh vùng sông nước sống kiếp thương hồ
5 giờ sáng, chú Nguyễn Văn Cho (55 tuổi, ngụ khóm Tây Khánh 8, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cùng vợ rời căn nhà ở khu dân cư, lên chiếc đò cặp bến Ô Môi chờ khách. Mấy chục năm sống kiếp thương hồ, xem chiếc đò là nhà, khúc sông là "địa bàn cư trú", bỏ gì thì bỏ, chớ chú không bỏ nghề lái đò. Bỏ sao được, khi "trúng mùa", mỗi ngày chú kiếm được bạc triệu, ế lắm cũng bạc trăm.
Tờ mờ sáng, dòng sông Hậu bị đánh thức bởi tiếng cười nói, những bước chân khuân vác hàng hóa từ ghe này sang thuyền khác. Dòng sông uể oải trở mình, nước vỗ bì bõm vào mạn ghe, thuyền. Người dân chẳng mảy may để ý sự chuyển động nhỏ ấy. Họ đã quá quen với dòng sông, quen với chòng chành sóng nước, quen với việc mở đầu ngày mới bằng những giọt mồ hôi vất vả rồi.
"Chạy đò lâu nên tôi có nhiều khách quen. Họ nhờ chở đi dọc sông Hậu ngắm cảnh, đi chợ nổi chụp hình, ghé cù lao ông Hổ, tham quan địa điểm ăn uống trên sông... Nhờ nghề này, tôi có thể lo được cho 3 đứa con trưởng thành. Cả đời tôi đã sống dưới sông, đến khi lên bờ, từng tuổi này biết làm việc gì khác? Chuyện nhẹ nhàng chẳng đến tay mình, còn làm hồ, khuân vác..., tôi làm không nổi. Tính tới tính lui, tôi vẫn trở lại với nghề" - chú tâm sự.
Ngày mới của thương hồ thời điểm lũ về...
Trong ký ức của chú, hồi xưa khúc sông này nhộn nhịp lắm, hàng trăm chiếc ghe, đò đậu kín bến. Lúc đó, đường sá còn chưa thông, xe cộ hiếm nên người ta ưa chuộng đường sông. Khi có phà lớn, mấy trăm chiếc đò gom lại còn mấy chục chiếc. Chợ nổi thưa ghe dần. Làm ăn khó khăn, người ta dần bỏ con sông, đi tìm con phố mưu sinh.
Cũng có người kiên nhẫn bám trụ với nghề giống chú Cho cũng có thu nhập lai rai. Thời điểm du lịch miệt vườn sông nước lên ngôi, đón tiếp khách phương xa, khách nước ngoài nườm nượp, con đò của họ chạy qua lại như con thoi, vui như Tết!
6 giờ sáng, ánh nắng còn ngủ. Chiếc đò của chúng tôi trôi trên sông, nghe mát lạnh luồn vào mặt, vào tay. Tôi chợt thắc mắc: lênh đênh thế này, mọi người ăn sáng bằng cách nào? Chú Cho chỉ tôi những chiếc xuồng nhỏ bán thức ăn, thức uống gần đó. Người bán hầu như là phụ nữ, họ loay hoay trong chiếc xuồng nhỏ, với lỉnh kỉnh nồi, bếp, tô, chén.
"Chợ điểm tâm" trên sông phong phú lắm, muốn ăn gì cũng có, y hệt trên bờ: cơm tấm, bún cá, bún riêu, hủ tiếu..., mà giá "bèo" hết cỡ, chỉ mười mấy ngàn đổ lại. Thú vị ở chỗ, người mua cứ việc gọi điện thoại đặt thức ăn rồi ngồi chờ trên ghe, thuyền của mình. Người bán chủ động cặp xuồng lại gần, đưa thức ăn đến tận tay, rồi... rời đi bán chỗ khác.
Khách ăn xong, cứ để tô, dĩa, ly trên ghe mình, người bán quay lại gom sau, hổng sợ mất. Có người chỉ chuyên bán 1 loại thức ăn, có người bán nhiều thứ một lúc. Có người lại vừa bán thức ăn lẫn nước uống. Tùy theo điều kiện kinh tế và khả năng "xoay sở" của bản thân, họ sẽ chọn xuồng to hay nhỏ, chèo tay hay sử dụng máy... phù hợp nhất.
"Chợ điểm tâm" di động trên sông
Một chiếc ghe lớn vừa chạy ngang qua, sóng nước ngả nghiêng như muốn lật cả chiếc xuồng nhỏ của chị Trần Thị Muỗi. Chị chan nước vào tô mì gói cho tôi, mà nước sông dường như muốn "chan" vào xuồng chị.
Chị tỉnh bơ, nghiêng người giữ thăng bằng. Khi mặt sông bình lặng lại, chị đưa tô mì cho tôi, vội vã chèo xuồng qua chiếc đò khác. Ở bên này, tô mì nóng hổi lắc lư theo nhịp của chiếc đò. Tôi ngồi ăn trong cái cảm giác chòng chành, lắc lư ấy, lại nhìn dáng chèo xuồng cong cong, chắn gió của chị Muỗi, nghe lòng mình có chút chênh vênh.
Lúc này, xuồng của bà Nguyễn Thị Vàng (56 tuổi) trờ tới. Nghe tôi hỏi chuyện, bà vừa pha trà đường cho tôi, vừa thở dài: "Tôi bán mấy chục năm nay rồi! Sống theo sông nước cực lắm! Ngày nào trời nắng đẹp, êm dịu như vầy tôi bán được mấy chục ly nước. Những hôm mưa bão, mấy chị em bán thức ăn, nước uống như tôi phải đi tìm chỗ núp. Vậy mà sóng lớn còn đánh mớ ly của tôi bể rổn rảng, nhìn xót xa chịu không nổi. Chiếc xuồng tôi thay mấy xác rồi, con cái lớn hết rồi, nhưng nếu bỏ nghề này, tiền đâu mà sống?".
7 giờ sáng, trên mấy chiếc ghe lớn, trái cây nằm chồng lên nhau, bình tĩnh chờ đến lượt mình được chuyển đi. Người mua kẻ bán chưa sôi nổi lắm, vì họ còn tận hưởng buổi sáng sớm, bên dĩa cơm đầy thịt và ly cà phê uống dang dở. Thấy nhóm khách chúng tôi đi tham quan, chụp ảnh, họ nở nụ cười thật tươi, xen lẫn chút ngại ngùng. Có khi, họ gọi với sang hỏi chuyện chú Cho, hẹn thời gian chở khách bên bờ sông. Có khi, họ "í ới" chọc ghẹo nhau: "Tạo dáng đẹp đẹp cho khách chụp hình kìa".
Tôi cất giữ những nụ cười ấy trong máy chụp hình, vội trở về cho kịp giờ làm việc. Nhưng suốt ngày ấy, tôi vẫn cảm thấy bước chân mình chòng chành, nghiêng ngả. Chợt nhớ câu thở dài của chú Cho: "Quen sông nước rồi nên chúng tôi không cảm thấy say sóng gì cả. Nhưng nghề này đắng lắm, nắng gió khiến ai cũng cằn cỗi, già nua hơn tuổi. Tôi yêu nghề, cũng yêu từng khúc sông quê mình. Ngặt nỗi, các con tôi lớn hết rồi, đi làm xa, không đứa nào chịu theo nghề này, không như tôi theo nghề cha mình hồi trước. Sẽ có ngày tôi bỏ con đò, khi không còn sức khỏe nữa. Nhưng còn làm ngày nào, tôi cố gắng làm tốt ngày đó, vừa để kiếm thu nhập, vừa giới thiệu miền quê sông nước của mình đến khách gần xa".
Theo Khánh Hưng (TTMT)
An Giang: Nước tràn đồng, bắt 30 ký cá linh/ngày vẫn không có lời Năm nay lũ về, nước tràn đồng sớm, ông Hồ Văn Đại, xã Phú Hữu, huyện An Phú (tinh An Giang) dăng hơn 1.000m dớn ở cánh đồng ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu). Tuy nhiên, do con nước lên nhanh bất ngờ, ngập lút đường đăng, cá không đi vào đú mà thoát ra ngoài nhiều khiến ông thất thu. Mỗi ngày...