An Giang: Đặc sản mùa nước nổi-trái cà na bán chạy như tôm tươi
Mùa nước nổi ở tỉnh An Giang, cà na trở thành một trong những món đặc sản thu hút người mua. Nhờ vậy nhiều hộ trồng và bán cà na thành phẩm có nguồn thu nhập khá …
Đều đặn mỗi ngày, chị Hiền, ở xã Phú Bình ( huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) kiếm được bình quân 1,5 triệu đồng từ trái cà na tươi. Chị cho biết, gia đình trồng 80 cây cà na ven ruộng làm kinh tế. Mùa nước nổi, khách đặt hàng mua rất nhiều từ trái cà na tươi đến các món trái cà na qua chế biến.
Giống cà na Thái nhà chị trồng cho năng suất rất cao, cành nào cũng sai trái chi chít, quả to, thịt dày, ít vị chua chát so với cà na dại.
Cây trổ bông kết trái liên tục, nên thu hoạch được quanh năm. Hiện, mỗi ngày chị Hiền thu hoạch được 60kg trái cà na tươi, giá bán 30.000 – 40.000 đồng/kg. Chị nói: “ trồng cà na rất “khỏe”, cây phát triển trong điều kiện tự nhiên, ít sâu bệnh, không cần bón phân, xịt thuốc, nên được xem là thực phẩm sạch…”.
Video đang HOT
Đáp ứng nhu cầu của người dân, chị còn chiết nhánh cà na, bán 100.000 đồng/nhánh cho hộ có nhu cầu lập vườn. Bình quân 1 cây cà na trưởng thành có thể chiết được đến chục nhánh, mà không ảnh hưởng đến năng suất ra trái.
Chị Hiền chuẩn bị cà na thành phẩm giao cho bạn hàng.
Ngoài ra, chị Hiền còn chế biến trái cà na thành món ướp chua ngọt, ngào đường- món ăn vặt được ưa thích trong mùa nước nổi… bán với giá 70.000 đồng/kg, tiêu thụ khoảng 20kg/ngày.
Theo Mỹ Hạnh (Báo An Giang)
An Giang: Trồng thứ cây ra quả chỉ để ăn vặt mà "nhặt" được khối tiền
Là người tiên phong trong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây cà na Thái, bà Ngô Thị Hai (sinh năm 1952, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đang sở hữu 5 công cà na đang vào vụ thu hoạch và 10 công vừa mới ươm cây con...
Cà na, dù có vị chua chát nhưng loại cây ấy đã gắn liền với ký ức tuổi thơ của biết bao đứa trẻ vùng quê nghèo. Giờ đây, không còn là loại cây mọc hoang cũng không hẳn là loại cây chỉ để ăn chơi với cách chế biến dân dã, mà cà na bây giờ đã trở thành loại cây... hái ra tiền trong hình hài giống mới - cà na Thái.
Là người tiên phong trong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây cà na Thái, bà Ngô Thị Hai (sinh năm 1952, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, Thoại Sơn) đang sở hữu 5 công cà na đang vào vụ thu hoạch và 10 công vừa mới ươm cây con. Hớn hở chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhiệt tình dẫn chúng tôi thăm vườn cà na Thái, bà Hai không ngại bày tỏ đây là loại cây "hái ra tiền" và là cây trồng chủ lực của gia đình.
Cà na Thái mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Hai.
"Cũng do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều mà cà na giờ "hút" hàng lắm. Thời điểm trái rộ, 1 ngày tôi hái bán gần 100kg trái mà vẫn không đủ cung cấp cho bạn hàng. Đặc biệt, cây cà na Thái cho trái quanh năm, mình cứ luân phiên bẻ hết cây này đến cây khác nên hầu như ngày nào cũng có trái để bán....", bà Hai khẳng định.
Theo bà Hai, ngày thường, giá cà na Thái từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Đến mùa nước nổi, nhường thị trường cho trái cà na đồng nên cà na Thái chỉ còn 30.000 đồng/kg. Dù "rớt" giá đôi chút nhưng giá trị kinh tế cây cà na Thái mang lại không hề nhỏ.
Ông Lê Văn Đông (sinh năm 1950, chồng bà Hai) chia sẻ, trước đây, gia đình trồng lúa 3 vụ nhưng hiệu quả kém, cộng với giá lúa bấp bênh nên kinh tế khó khăn. Nghe vợ bàn nên chuyển đổi cây trồng, 2 vợ chồng nhất trí là trồng cây cà na. Nhưng lúc đó cũng chưa biết đến giống cà na Thái, ông Đông bèn thử chiết cành cây cà na đồng ươm, trồng được một thời gian thì thất bại.
Rồi đến khi tìm hiểu, biết được giống cà na Thái, vợ chồng nông dân cần cù ấy xuống tận Vĩnh Long mua cây giống với giá 50.000 đồng/nhánh. Với vài cây trồng thử nghiệm ban đầu, nào ngờ kết quả vượt ngoài mong đợi vì cây cho trái rất sai và liên tục.
Vậy là gia đình ông Đông quyết định trồng 1 công cà na Thái. Dần dần chuyển sang trồng 2 công, 3 công rồi 5 công cà na. Hiện, toàn bộ diện tích đất lúa kém hiệu quả còn lại (10 công) đã được lên liếp và trồng tiếp cây cà na Thái.
Phải chăng do người trồng yêu cây nên cây cũng không phụ người. Dù không phân thuốc nhưng cây cà na Thái không hề bị sâu bệnh, cứ vài ngày tưới 1 lần cũng chẳng sao. Gặp vài trận mưa xuống coi như vợ chồng bà Hai khỏe vì khỏi phải mất công tưới nước cho cây.
Theo những người "sành ăn" cà na thì trái cà na Thái to tròn, vẫn vị chua chát nhưng vỏ mỏng và dày cơm. Hết "mê" trái, giờ đây vợ chồng bà Hai tập tành nghiên cứu kỹ thuật chiết cành, bán cây giống. Bán "nhẹ" với giá vài chục ngàn đồng/nhánh, gia đình bà Hai "bỏ túi" thêm một khoản kha khá.
Một năm nay, gia đình bà đã bán được hàng trăm cây nhánh cho nông dân ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Hóa ra, loại cây xứ lạ ấy lại khá thương đất và người nơi đây.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Thành Khưu Bá Chắc cho biết: "Cà na Thái là giống cây dễ trồng lại sai trái nên đã giúp gia đình bà Ngô Thị Hai ổn định, phát triển kinh tế hiệu quả. Ngoài cà na Thái, địa phương còn có nhiều loại cây trồng được chuyển đổi trên diện tích lúa kém hiệu quả như: cam, ổi, xoài... giúp người nông dân vươn lên làm giàu".
Trước đây, nói đến cà na, ai cũng nghĩ ngay đến mùa nước nổi. Bởi loại cây đồng mọc dại, dễ tính ấy chỉ cho trái ngay dịp mùa nước tràn đồng. Nhờ cây không khó tính nên trái quê ấy cũng ít sâu bệnh. Cùng với bông điên điển, bông súng đồng hay con cá linh ánh bạc đã là biểu tượng không thể thiếu của mùa nước tràn đồng ở miền Tây.
Ngày ấy, cà na chính là món quà quê mà thiên nhiên ban tặng cho bọn trẻ quê nghèo. Dù không phải món cao lương mỹ vị, nhưng trái cà na chín có thể chế biến thành những món ăn quê, in đậm trong hoài niệm rất nhiều người.
Nào là cà na đập, cà na ngào đường hay chỉ đơn giản là hái trái tươi rồi chấm muối ớt ăn. Ấy vậy mà món ăn quê này không hề ngán, trái lại còn có thể "gây nghiện" rất tài tình. Cứ dăm đứa trẻ tụm năm, tụm ba dưới gốc cây cà na ở mé sông là phút chốc đã hết rổ cà na.
Dẫu có vị chua chát nhưng thật kỳ lạ, từ người lớn đến trẻ nhỏ ai ai cũng thích. Phải chăng đó cũng là vị của ký ức, của tuổi thơ đẹp của biết bao thế hệ ở miền Tây sông nước.
Ngày nay, đã không còn cảnh muốn ăn cà na phải đợi đến mùa nước nổi. Bởi đã có giống cà na Thái ở khắp nơi. Cũng như cà na đồng, cà na Thái rất dễ trồng, nếu không muốn nói là chỉ ghim cành xuống đất, để cây tự sinh và chờ "quả ngọt".
Theo Phương Lan (Báo An Giang)
An Giang: Trồng cây hoang dại bán trái chạy như tôm tươi Ông Bành Văn Nhứt, ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chuyển 3 công ruộng sang trồng cà na-loài cây hoang dại. Sau khi trồng 8 tháng thì cà na cho trái, 1 năm cà na ra trái 3 vụ, mỗi vụ ông Nhứt bán trái cà na được 45 triệu đồng, thương lái tự tìm...