An Giang: Chuối sáp đặc sản, dễ trồng, dễ bán, dễ ăn
Ông Trần Văn Mal, ngụ ở ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang đang trồng 20 công chuối sáp đặc sản. Mỗi buồng chuối sáp đạt hơn 10kg, giá bán ổn định là 9.000 đồng/kg. Ông Mal còn bán bắp chuối giá 4.000 đồng/kg. “ Trồng chuối sáp đặc sản nhẹ công chăm, rất dễ bán, giá ổn định, không bị tư thương ép giá…”, ông Mal nói.
Bỏ rau màu trồng chuối sáp đặc sản
Trước đây, gia đình ông Mal chủ yếu trồng rau màu, làm rẫy với các loại cây như: bắp, ớt, sắn… Việc trồng các loại cây này gần đây gặp nhiều khó khăn, do thời tiết biến đổi thất thường khiến năng suất bị ảnh hưởng; tình trạng thương lái ép giá và điệp khúc “được mùa, mất giá” liên tục tái diễn nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, vốn đầu tư các loại cây trồng này khá lớn, công chăm sóc bỏ ra không ít nên ông Mal bắt đầu suy nghĩ, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy ở xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang) có người trồng chuối đặc sản sáp thu nhập cao, ông Mal đến tìm hiểu, mua cây giống về trồng thử nghiệm…
Trồng chuối sáp, hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình ông Trần Văn Mal, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Trên diện tích 8.000m2 (8 công), ông Mal xuống giống với mật độ 200 cây/công. Sau 11 tháng chăm sóc, vườn chuối của gia đình ông Mal cho thu hoạch lứa đầu tiên. Sau khi trừ chi phí, ước tính mỗi công vườn cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Mal tiếp tục mở rộng diện tích thêm 12 công trồng chuối sáp đặc sản, nâng tổng diện tích trồng chuối của gia đình lên khoảng 2ha. Ông Mal cho biết, chuối sáp từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 11 tháng.
Chuối sáp đặc sản có giá bán ổn định, không bị tư thương ép giá. Ảnh: IT.
Trong 6 – 7 tháng đầu, cây sẽ bắt đầu đẻ con nên chỉ khoảng 5 tháng sau bắt đầu thu hoạch tiếp đợt thứ 2. Bình quân mỗi buồng ông Mal giữ lại 9 nải, trọng lượng mỗi buồng đạt từ 11 – 12kg trong năm đầu, đến năm thứ 2 giảm xuống còn 10kg. “Giá chuối hiện nay đang ổn định khoảng 9.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng khác, dù lợi nhuận tương đương nhưng trồng chuối nhẹ công hơn rất nhiều, rất dễ bán; giá cả ổn định, không bị thương lái ép giá so với các loại rau màu khác” – ông Mal chia sẻ.
Video đang HOT
Chuối sáp đặc sản-cây trồng tiềm năng
Về kỹ thuật trồng chuối sáp, ông Mal cho biết, đây là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh nên chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hầu như không đáng kể. Cây chuối sáp chỉ ưa đất tơi xốp có mùn và phù sa, đất càng tốt trái càng lớn và đều.
Ngoài ra, nhu cầu nước tưới của loại cây chuối sáp không nhiều, những tháng mùa nắng, cách 10 ngày ông Mal tưới nước 1 lần; những tháng mùa mưa hầu như không cần tưới nước. Tuy nhiên, trên cây chuối sáp thường xuất hiện tình trạng rệp sáp bám vào trái gây ảnh hưởng đến chất lượng trái, giá bán giảm.
Chuối sáp luộc-1 trong những đồ ăn được coi là đặc sản được ưa thích ở miền Tây trong những năm gần đây. Ảnh: IT
Để khắc phục tình trạng trên, ông Mal tiến hành phun thuốc phòng ngừa, điều trị từ lúc mới phát hiện bệnh, cách 10 ngày phun 1 lần cho đến khi không còn dấu hiệu của bệnh là ngưng. “Việc phun thuốc chỉ áp dụng đối với những buồng chuối có bệnh nên chi phí phun thuốc rất thấp, không mất nhiều thời gian, công sức” – ông Mal nói.
Hiện nay, chuối sáp được tiêu thụ khá mạnh, nhất là thị trường Campuchia nên thương lái ở chợ Đồng Ky đến tận vườn để thu mua và thu hoạch nên gia đình ông Mal không phải tốn công. Ngoài bán trái, ông Mal còn bán bắp chuối với giá 4.000 đồng/kg. Qua đó, giúp gia đình ông có thêm đồng ra, đồng vô trong khi chờ thu hoạch trái.
Chuối sáp nướng cũng là 1 trong những món được ưa thích. Ảnh: IT.
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Mal cho biết: “Hiện nay, giá chuối sáp đặc sản đang ở mức cao, được thương lái mua mạnh nên gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, đây chỉ là năm đầu tiên trồng nên chưa thể đánh giá được hiệu quả của mô hình. Nếu giá cả ổn định như vậy thì thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích để phát triển loại cây trồng này”.
Theo Đức Toàn (Báo An Giang)
An Giang: Nhộn nhịp, háo hức sắm đồ bắt cá tôm mùa nước nổi
Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi là các hộ làm nghề đan lọp đánh bắt cá tôm và các loài thủy sản trong tỉnh An Giang trở nên tất bật và nhộn nhịp. Năm nay lũ về sớm, con nước lên cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh sôi động hơn những năm trước.
Nhộn nhịp theo con nước
Về ấp Cần Thới, xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vào thời điểm này, dễ dàng nhận thấy không khí nhộn nhịp, hối hả của bà con làm nghề lọp lươn. Theo ông Cù Văn Tuấn, bà con ở địa phương đã gắn bó với công việc này cách đây trên dưới 30 năm.
Nghề này hoạt động quanh năm, nhộn nhịp nhất khoảng đầu tháng 4 đến hết tháng 10 (âm lịch), đặc biệt là những tháng mùa nước nổi. Năm nay, việc sản xuất của làng nghề được khởi động sớm vì đơn đặt hàng khá nhiều. Mặc dù nhu cầu có tăng cao, nhưng bà con không vì thế mà "chạy" theo số lượng, vì chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động sản xuất ở nơi đây. Nhờ vậy những năm qua, sản phẩm luôn được người tiêu dùng lựa chọn.
Làng nghề lọp lươn của bà con xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang) vào mùa.
"Hiện nay, thương lái đặt hàng mỗi đợt từ 1.000-2.000 cái, chúng tôi đã rất cố gắng nâng cao công suất nhưng không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Giá bán mỗi chiếc lọp dao động từ 25.000-28.000 đồng, thị trường chủ yếu ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó nhiều nhất là các địa phương như: Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ"- ông Tuấn cho biết.
Đối với nghề làm lọp cua ở xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú), ngay từ những ngày đầu tháng 6 (âm lịch), khi "con nước" bắt đầu "trở mình" thì thương lái từ khắp các nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến đây đặt và mua hàng, phục vụ cho việc đánh bắt cá tôm, thủy sản trong mùa nước nổi. Số lượng các đơn hàng hàng rất lớn, từ vài trăm đến vài ngàn chiếc lọp. Điều này đã tạo nên sự phấn khởi cho bà con, khi những năm qua, mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra.
Sau nhiều năm "chất đống", lọp cua của bà con xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú (An Giang) bắt đầu tiêu thụ mạnh trở lại.
Theo ông Trần Văn Khởi (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú), những năm trước, các mặt hàng lọp cua sau khi làm xong phải chất thành đống trong nhà, do khách hàng đến mua rất ít. Trong 2 năm trở lại đây, tình hình mua, bán khởi sắc hơn rất nhiều. "Thương lái đến đặt mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi sản xuất ra không đủ để cung cấp nên phải tranh thủ làm từ sáng sớm cho đến chiều tối" - ông Khởi thông tin.
Hiện nay, lọp cua được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh như: huyện An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh Đồng Tháp kể cả xuất sang Campuchia...
Còn nhiều khó khăn
Không nhộn nhịp như các địa phương khác, nghề làm lọp tép (ấp Phú Hạ 1, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) có phần yên ắng hơn. Sự yên ắng không đến từ việc mặt hàng này không bán được, mà do lao động tại địa phương đã bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác có thu nhập cao hơn.
Anh Võ Văn Quí (một trong những gia đình hiếm hoi còn theo đuổi nghề ở địa phương) cho biết, nghề này hình thành và phát triển cách đây trên dưới 30 năm.
"Thời điểm còn hưng thịnh, vào mùa nước nổi, từ đầu đến cuối xóm hầu như nhà nào cũng làm công việc này. Ở đây, mọi người thường đan lọp đến tận khuya và dậy từ sáng sớm để sản xuất thì mới đủ số lượng cung cấp cho khách hàng. Không có điện, chúng tôi thắp đèn dầu để làm. Khoảng 6 năm trở lại đây, nghề làm lọp tép có dấu hiệu đi xuống, lao động không còn mặn mà với nghề. Hiện nay, ở đây còn khoảng 2 hộ làm chính cùng với trên dưới 10 hộ gia công"- anh Quí cho biết.
Nghề làm lọp tép xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Theo anh Quí, mặt hàng lọp tép cho đến thời điểm này vẫn rất hút hàng. Khách hàng chủ yếu là các chủ ao nuôi cá tra hoặc ngư dân ở các địa phương như: TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu; huyện Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp) và các tỉnh miền Đông Nam Bộ...
Tuy nhiên, giá mặt hàng này ở mức thấp, từ 15.000-17.000 đồng/cái; giá thuê gia công từ 700-1.500 đồng/cái (tùy từng công đoạn). Bình quân, mỗi lao động gia công kiếm được 30.000-40.000 đồng/ngày. "Với mức thu nhập này, chỉ có những người già hoặc phụ nữ theo đuổi nghề, những người còn lại sẽ lựa chọn các công việc khác có thu nhập cao hơn"- anh Quí nói.
Ngoài những khó khăn về thu nhập, thêm vào đó là mặt hàng sản xuất lọp mang tính chất thời vụ, nên lao động làm nghề tại các địa phương không còn mặn mà với nghề, mà chuyển sang công việc khác để mưu sinh.
Một lý do nữa là giá tre, trúc ngày càng tăng cao và khan hiếm do nhiều hộ phá vườn tạp, trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn; giá nguyên liệu tăng, buộc người sản xuất phải nâng giá bán. Tuy nhiên, để nâng giá bán là điều khó khăn khi thương lái cứ "cò kè bớt một thêm hai".
Theo Đức Toàn (TTMT)
An Giang: Nước tràn đồng, bắt 30 ký cá linh/ngày vẫn không có lời Năm nay lũ về, nước tràn đồng sớm, ông Hồ Văn Đại, xã Phú Hữu, huyện An Phú (tinh An Giang) dăng hơn 1.000m dớn ở cánh đồng ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu). Tuy nhiên, do con nước lên nhanh bất ngờ, ngập lút đường đăng, cá không đi vào đú mà thoát ra ngoài nhiều khiến ông thất thu. Mỗi ngày...