Ăn gì trong mùa mưa Sài Gòn?
Sài Gòn gắn liền với những cơn mưa bất chợt, mưa cuốn trôi bụi bặm, mệt mỏi nhưng khiến người ta lúng túng. Biết bao người bén duyên với cơn mưa Sài Gòn, đơn giản vì cái gì đến tự nhiên cũng bất ngờ, thú vị, có khi cơn mưa lại cho họ một điểm dừng chân bên góc đường để thưởng thức tách cà phê hay một góc quán điểm tâm món ăn nào đó mà ngày thường chỉ là nỗi nhớ.
Nguồn ảnh: maihuynhdt.vnweblogs.com
Mưa Sài Gòn ồn ào và đỏng đảnh, chưa kịp dai dẳng đã vội dừng. Vào mỗi buổi chiều như thế, chỉ thèm nhấp nháp món Cút lộn xào me quen thuộc. Ẩm thực Sài Gòn là nét giao thoa của ẩm thực bốn phương, món ăn Sài Gòn nổi tiếng không bởi sự cao sang mà giản dị, Cút lộn xào me là một trong những món ăn như vậy.
Khắp ba miền đâu đâu mà chẳng có trứng vịt lộn hay cút lộn, món ăn bổ dưỡng, độc đáo, hình thức ăn cũng tương tự nhau nhưng cái khác có lẽ vì được thưởng thức nó trong những cơn mưa Sài Gòn. Có phải thế chăng mà cứ nhắc đến mùa mưa là người ta nhớ đến món ăn này. Người Sài Thành không ăn trứng cút lộn chấm bột canh, rau thơm mà lại đem xào me để trở thành món ăn khoái khẩu.
Khác với trứng vịt lộn, người ta chỉ ăn một vài quả là no thì trứng cút lộn lại được bày ra cái bát tô cho một người, tương đương với hai, ba chục quả. Đây là món ăn bổ dưỡng, thơm ngon và dễ ăn. Đặc biệt, món này được xào với me, thêm chút vị chua của me ngấm vào trứng làm hương vị càng thêm đậm đà, quyến rũ.
Cách làm món ăn này cũng hết sức kỳ công. Trứng cút lộn luộc lên rồi bóc vỏ. Me khô đem ngâm với nước nóng cho mềm ra. Phi hành tỏi thơm phức, đun nhỏ lửa để nước sốt sánh lại. Sau cùng cho cút lộn vào đảo cho đến khi ngấm. Khi đảo trứng phải nhẹ tay để trứng không bị nát. Nước sốt me không thể thiếu chút đường tạo vị ngọt đặc trưng của một món ăn Nam bộ.
Nguồn ảnh: hatnang.net (Cút lộn xào me)
Trứng cút lộn vừa thơm, vừa ngọt, vị me chua nhưng thanh, hành tỏi phi thơm lừng làm nên một món ăn mà ăn mãi không chán. Đây không chỉ là món ăn của học sinh, sinh viên mà còn là món khoái khẩu của dân nhậu Sài Gòn. Gọi vài chai bia và một đĩa Cút lộn xào me, là có thể ngồi lai rai với bạn bè vài tiếng đồng hồ. Nhâm nhi hạt me hay bánh mỳ chấm nước sốt me ăn cho “đỡ phí”cũng là cái thú của nhiều người.
Video đang HOT
Một trong những cái thú vui trong những trận mưa rào chợt đến, chợt đi của người Sài Gòn là tìm đến một nồi lẩu nghi ngút khói để tìm hơi ấm cho lòng mình. Lẩu là món ăn đa sắc màu và phong phú về khẩu vị. Giữa lòng Sài Thành cũng có đủ thứ lẩu, với những người xa xứ, ăn lẩu vào những ngày mưa để kiếm tìm mùa đông của Hà Nội.
Nếu như lẩu hải sản níu lòng thực khách bởi vị chua và cay độc đáo, kèm các loại hải sản như tôm, mực, nghêu, cá cùng các loại rau xanh tươi mát…. thì lẩu nấm lại mang đến vị ngọt thanh đạm từ những cây nấm nhỏ xinh, phong phú như nấm linh chi nâu, linh chi trắng, kim châm, nấm hương, nấu bào ngư, nấm đùi gà dùng kèm với hải sản các loại sẽ là bữa tiệc ẩm thực xanh cho những ngày hè oi bức hoặc sau những cơn mưa chiều bất chợt. Một lựa chọn khác trong những ngày mưa là lẩu lươn. Các món lẩu đều ăn nóng, đậm đà hương vị Nam bộ này sẽ giúp bạn thấy ấm lòng hơn trong những ngày Sài Gòn mưa rả rích.
Nguồn ảnh: forum.zing.vn ( Lẩu cháo)
Trước kia, người Sài Gòn gọi món lẩu là món “tạp pí lù”, có nghĩa là có đủ thứ, cái gì cũng có thể cho vào nồi lẩu.Từ đó, dân sành ăn miền Tây lại du nhập, chế biến để có món lẩu mắm “danh bất hư truyền”. Rồi từ lẩu mắm, lẩu thập cẩm, dân nhậu có thêm lẩu đuôi bò, lẩu cá kèo, lẩu dê, lẩu rắn… Lẩu Sài Gòn đã trở thành món ăn phổ biến, không thể thiếu, xuất hiện từ nhà hàng đến quán bình dân.
Thú vị nhất ở món lẩu là sự đa dạng của các loại rau, vị tươi nguyên của các loại đồ nhúng được dâng tặng từ phù sa của miền đồng bằng sông Cửu Long. Thoạt nhìn cứ tưởng lẩu nơi đây là món ăn hỗn độn và dễ dãi, nhưng thật ra nó có những quy tắc ẩm thực rất riêng. Nồi lẩu cá bông lau chua cay phải có bông so đũa, lẩu Thái lại không thể thiếu mớ rau muống. Còn cải xanh, rau đắng, bông điên điển lại ăn với lẩu mắm…
Nguồn ảnh: forum.shaiya.com (Lẩu Thái)
Các món lẩu rất duyên với phong cách nhậu của người Sài Gòn, họ đam mê lẩu nên sáng tạo đến vô cùng món ăn này. Một thành phố pha trộn, giao thoa nhiều nền văn hóa, sẵn sàng tiếp thu những cái mới, bởi thế “lẩu” cũng là một nét văn hóa ẩm thực rất riêng của người Sài Gòn.
Ngọc Dung
Theo TapchiMonngon
Lẩu ngoại ở Sài Gòn
Đi ăn ở nhà hàng, quán xá, thực khách thường chọn món lẩu; ngay cả tiệc tùng nhờ nó có thịt thà, nước dùng, mì bún và rau quả chỉ trong một cái lẩu. Bạn thử trải nghiệm hương vị lạ của các món lẩu xứ Thái, Nhật, Hàn.
Vị lạ từ nước dùng đến nước chấm
Tất cả những nguyên liệu phụ để nấu lẩu Thái như lá chanh, bột nêm, gia vị... phải nhập từ chính quốc mới đúng hương vị.
Cũng là lẩu Nhật, có chung nguyên liệu ăn kèm như thịt bò, gà, heo, hải sản... nhưng hai loại lẩu Shabu Shabu và Sukiyaki lại có nước dùng và nước chấm hoàn toàn khác nhau. Lẩu Shabu Shabu nước dùng trong được nấu từ rong biển và bột cá. Món lẩu này sử dụng hai loại nước chấm, loại có vị chua ngọt pha chế từ nước tương và giấm; loại thứ hai là xốt ponzu làm từ mè có vị thơm và béo. Trong khi đó, lẩu Sukiyaki nước dùng màu đậm gần giống như nước tương, có vị ngọt khá nặng, khẩu vị đặc trưng của người Nhật. Vì nước lẩu Sukiyaki đậm đà nên các thức ăn sau khi nhúng qua lẩu sẽ được chấm với trứng gà đánh đều. Thịt bò thái mỏng nhúng nước lẩu Sukiyaki sẽ thấm vị ngọt mặn, chấm qua trứng gà lúc thịt đang nóng, hoà nên hương thơm và ngọt lạ. Với nồi lẩu hai ngăn, thực khách có thể thưởng thức cùng lúc hai loại lẩu Shabu Shabu và Sukiyaki để cảm nhận được hai sắc thái khác nhau. Lẩu Nhật ăn kèm với mì Udon hoặc mì Ramen.
Đối với những nhà hàng Thái theo gu truyền thống thì lẩu phải được nấu theo nguyên bản từ chính quốc. Tất cả những nguyên liệu như lá chanh, bột nêm, gia vị... dứt khoát phải là đồ nhập từ Thái Lan thì mới bảo đảm được hương vị. Vì vậy, giá một nồi lẩu Thái trong nhà hàng truyền thống bao giờ cũng cao hơn lẩu cùng loại nhưng được bán ở nhà hàng dành cho... đại trà. Tuy nhiên, những món lẩu theo đúng gu đôi khi cũng hơi kén khách vì nó có hương vị đặc trưng. Chẳng hạn, lẩu Tom Yam lúc nào cũng phải có vị riêng, chua và cay nồng. Chỉ có thể giảm độ cay ở một mức độ vừa phải, nếu giảm nhiều sẽ không còn ra mùi vị của Tom Yam nữa.
Xứ kim chi Hàn Quốc có đến sáu loại lẩu đang có mặt ở Sài Gòn như lẩu súp nấm, lẩu hải sản, lẩu gà sâm, lẩu Bulgogi, lẩu Well - being và dĩ nhiên không thiếu: lẩu kim chi. Lẩu Hàn
chấm với nước tương ngọt và mù tạt. Khi có mặt ở Sài Gòn, các loại lẩu này vẫn giữ được bản sắc của nồi nước dùng bằng các gia vị đặc trưng Hàn Quốc nhưng đồng thời cũng được biến tấu chút ít để gần gũi với khẩu vị người Việt hơn. Lẩu Hàn tạo hấp dẫn riêng bằng loại mì ngũ sắc với cọng mì to, dai, bóng mượt và hương thơm thật riêng. Điểm khiến thực khách thích thú hơn khi ăn lẩu Hàn là lấy chính nồi lẩu cạn nước để "tận dụng" dư vị đậm đà của nước dùng làm món cơm chiên trứng thật thơm, ngọt.
Hải sản, nấm và rau làm chủ đạo
Có thể dễ dàng nhận thấy, các món lẩu Nhật, Thái hay Hàn đều sử dụng nguyên liệu ăn kèm là hải sản và nấm. Ngoài các hải sản tươi như mực, tôm, cá, nghêu còn có các hải sản chế biến như thanh cua, cá xoắn, cá viên và hơn chục loại rau nấm như nấm rơm, kim châm, bào ngư, rau mầm, cải thảo, tần ô... Các nguyên liệu này không chỉ ít dầu mỡ mà còn tạo vị ngọt ngào tự nhiên cho nước dùng. Chị Xuân Anh, phụ trách kinh doanh nhà hàng Coca Suki cho biết, đa số thực khách thường chọn món cuối là lẩu vì vừa có rau, có nước để giải chất dầu mỡ gây ngán ngậy của các món chiên, nướng trước đó. Đồng thời, các thực phẩm ăn kèm có tinh bột như bún, mì sẽ bảo đảm no.
Với lẩu Hàn Quốc, họ cho biết chỉ sử dụng màu thực vật tự nhiên, không bột ngọt và không mỡ động vật. Các màu sắc bắt mắt của sợi mì được chiết xuất từ các loại rau củ như càrốt, bồ ngót, bắp cải tím...
Bên cạnh hàng loạt các loại lẩu tồn tại đã khá lâu dài ở Sài Gòn như lẩu đuôi bò, lẩu cá, lẩu dê, lẩu mắm... có đến vài chục món lẩu; nay thêm lẩu xứ người càng làm phong phú thêm vốn ẩm thực quê nhà.
Địa chỉ tham khảo:
Nhà hàng Gyu - Jin, 102 Cống Quỳnh, Q.1, ĐT: 62959043.
Nhà hàng Coca Suki, 18 Mac Thi Bươi, Q.1, ĐT: 38246688.
Mì Hàn Quốc, 143 Ba Tháng Hai, P.11, Q.10, ĐT: 38354393.
Theo BĐVN
Nhà hàng Paris: Ngọt ngào hương vị Pháp Tọa lạc ở một vị trí đẹp tại 89B, Cách Mạng Tháng Tám, Phường Bến Thành, Quận 1, Nhà hàng Paris thu hút thực khách không chỉ bởi tên gọi. Ngồi ở Paris mọi người còn có thể cảm nhận được nhịp sống hối hả của người Sài Gòn ở con đường vốn là trung tâm của Thành phố, nhưng cũng có thể...