Ăn gà chết, lợn chết, ăn cả lợn tai xanh
Sau cái chết vì ăn thịt lợn bệnh của anh Đoàn Ngọc Hỷ, 44 tuổi, người dân xóm Bồi, xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị, rất lo lắng.
Ăn lợn, gà chết là chuyện thường
Ông Võ Toàn buồn bã: “Thấy lợn chết, tui cứ tưởng nó bị bệnh bình thường, chôn thì tiếc nên cùng bà con mổ thịt. Từ xưa tới giờ, lợn, gà chết vẫn mổ ăn bình thường chớ có răng mô! Ai ngờ ra nông nỗi phải đền mạng…”.
Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị tại khoa Cấp cứu – Hồi sức – Bệnh viện T.Ư Huế.
Video đang HOT
Đây không phải là cái chết đầu tiên do ăn thịt lợn bệnh ở Quảng Trị. Trước đó, vào cuối tháng 8.2010, ông L.V.X, 45 tuổi, trú tại thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong cũng đã nhập Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng thần kinh rối loạn, huyết áp tụt, sốt cao, sức lực giảm nhanh. Bệnh nhân này được xác định mắc bệnh nhiễm liên cầu lợn. Theo người nhà của bệnh nhân, trước đó X có uống rượu với tiết canh, lòng lợn.
Hầu hết người dân ở đây tỏ ra rất xa lạ với bệnh liên cầu lợn. “Bệnh lợn tai xanh còn biết chứ bệnh liên cầu lợn thì thi thoảng nghe trên đài chớ cụ thể thế nào thì chịu!”.
Ăn cả lợn tai xanh
Ngày 4.5, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Dương Văn Sinh – Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức Bệnh viện T.Ư Huế, nơi điều trị nhiều bệnh nhân liên cầu lợn đến từ các tỉnh miền Trung, cho biết: Số bệnh nhân mắc bệnh này điều trị tại bệnh viện năm nay chưa nhiều như 2010. Năm ngoái, có đến 50 bệnh nhân.
Theo ông Sinh, bệnh liên cầu lợn ở người là do lây từ bệnh tai xanh ở lợn. Bệnh tai xanh làm suy giảm miễn dịch ở lợn, khiến vi khuẩn liên cầu lợn xuất hiện và phát triển. Vi khuẩn này có mặt trong khắp cơ thể lợn, đặc biệt là ở các phủ tạng và huyết. Vì vậy, người ăn bất cứ sản phẩm gì từ lợn tai xanh cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn rất cao.
Có trường hợp nhiều người cùng ăn một nồi cháo lòng, nhưng chỉ một người nhiễm liên cầu lợn do không phải miếng lòng nào cũng chín vì nhiệt độ tại một số vị trí của nồi cháo không đủ, khiến liên cầu lợn không chết.
Các bác sĩ khuyến cáo, để không mắc liên cầu lợn, người dân chỉ nên sử dụng thịt có dấu của thú y. Không dùng những sản phẩm làm từ thịt lợn chế biến chưa kỹ như nem, tiết canh, tré, thịt lợn bóp, thịt lợn nướng… vì mầm bệnh vẫn còn tồn tại. Khi ăn thịt lợn phải nấu thật chín, nếu luộc thì phải để sôi tối thiểu 10 phút.
Khi tiếp xúc với lợn nghi ngờ mắc dịch hoặc các vật dụng liên quan đến lợn phải mang gang tay để tránh lây bệnh qua vết xước và sau đó phải rửa tay bằng xà bông. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch để ngăn chặn việc thịt lợn mắc dịch tai xanh bị bán ra thị trường làm gia tăng người dân mắc liên cầu lợn.
Theo Dân Việt
Tiết canh, nem chạo gây bệnh liên cầu lợn
Dịch lợn tai xanh đã bùng phát tại 12 tỉnh thành trong cả nước. Nhiều bệnh nhân do ăn thịt lợn mắc bệnh liên cầu lợn vào nhập viện trong tình trạng nguy hiểm.
Lợn khoẻ vẫn chứa liên cầu khuẩn
Tại Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia đã có gần chục bệnh nhân bị mắc bệnh liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm: viêm màng não, nhiễm trùng huyết nặng, huyết áp tụt, tiền sốc, hôn mê, chân tay hoại tử bốc mùi... Nguyên nhân là do các bệnh nhân ăn thịt lợn bị bệnh, không đảm bảo vệ sinh.
ThS Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực (Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia) cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi con lợn nhiễm virus lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn.
Khi ăn tiết canh, cơ thể người hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống.
Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy mà không đúng cách, rồi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí có nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống từ con lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo... khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt, trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu... thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.
Khó nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh
ThS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, điều nguy hiểm là từ khi tiếp xúc, ăn phải thịt lợn bệnh, thời gian khởi phát bệnh nhanh. Tại Viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia đã từng ghi nhận bệnh nhân khởi bệnh nhanh nhất, chỉ sau 16 tiếng ăn thịt lợn bệnh. Hơn nữa, dù đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.
Ông Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương khẳng định, bệnh tai xanh không lây cho người nhưng người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này. Bởi hầu hết lợn chết là do mắc các vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng cơ hội như phó thương hàn, liên cầu khuẩn... Trong số những bệnh nhiễm trùng cơ hội này, có bệnh liên cầu khuẩn lây cho người và từng làm chết người.
Cũng theo ông Thành, khó để nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh. Vì thế, người dân khi đi mua cần quan sát kỹ, chọn miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn nếu nó cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Nếu là lợn dịch còn sống, biểu hiện là tai cụp, tím tái, bỏ ăn, sổ mũi, trào bọt mép. Đối với thịt, khi mắc bệnh, lợn thường được tiêm kháng sinh nên thịt có mùi thuốc rất khó chịu.
Theo Bee
Lợn tai xanh "tuồn" khỏi vùng dịch Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần tại huyện Yên Thành, Nghệ An dịch tai xanh đã lây lan khá nhanh và diễn biến phức tạp. Toàn huyện đã có hơn 4.000 con lợn mắc bệnh và đã được tiêu hủy. Hàng tấn lợn bệnh đã bị bắt giữ trên đường tuồn đi tiêu thụ. Xã Liên Thành là một trong những địa...