Ấn Độ xây căn cứ hải quân công nghệ cao để giám sát Trung Quốc
Ân Độ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân mới, hiện đại ở bờ biển phía đông nước này để giám sát các hành động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, báo chí Ấn Độ đưa tin.
Căn cứ hải quân mới sẽ được xây dựng tại Rambilli trên bờ biển bang Andhra Pradesh.
Mới đây, chính phủ Pakistan đã chính thức bàn giao cảng chiến lược Gwadar cho Trung Quốc. Động thái này gây quan ngại cho Ấn Độ vì điều đó có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh thiết lập một căn cứ hải quân tiềm tàng trên biển Ảrập. Ấn Độ không thể ngăn chặn việc chuyển giao cảng Gwadar, nhưng đã âm thầm xây dựng một căn cứ để đề phòng Trung Quốc.
Chậm nhưng chắc, căn cứ hải quân tương lai của Ấn Độ đang hình thành ở bờ biển phía đông để giám sát đối thủ của nước này đang mạnh lên trong khu vực.
Căn cứ chiến lược, nhắm vào Trung Quốc, thậm chí sẽ có các bến tàu hoặc hầm ngầm để bảo vệ các tàu ngầm hạt nhân khỏi các vệ tinh do thám và các vụ không kích của kẻ thù, tờ Thời báo Ấn Độ tại New Delhi đưa tin.
Các quan chức Ấn Độ cho hay một loạt các cuộc thảo luận và gặp gỡ đã được tổ chức tại văn phòng thủ tướng và bộ quốc phòng trong 2 tháng qua để bàn về một căn cứ hải quân mới trong thập niên tới.
Căn cứ hải quân tuyệt mật, được gọi là Dự án Varsha, sẽ được xây dựng tại Rambilli trên bờ biển bang Andhra Pradesh, cách trụ sở của Bộ chỉ huy hải quân phía đông ở Visakhapatnam, chỉ khoảng 50km. Hiện Dự án Varsha vẫn còn ở giai đoạn ban đầu.
Mục đích chính của Dự án Varsha là nhằm giám sát các hoạt động của tàu hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và Biển Đông. Một số người đã gọi căn cứ mới là câu trả lời đối với một căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc đóng tại Yalong trên đảo Hải Nam, nơi đặt tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang và tàu ngầm hạt nhân lớp Jin được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân INS Chakra được Ấn Độ thuê của Nga.
Video đang HOT
Đối mặt với sự mở rộng của sức mạnh hải quân Trung Quốc, các nguồn lực lớn đang được chính phủ Ấn Độ đầu tư nhằm bảo vệ bờ biển dài phía đông. Các máy bay, tàu, máy bay do thám mới đã được triển khai tới các căn cứ tại đó. Sau khi Dự Varsha hoàn thành, 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược lớp Arihant và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ được đặt tại đó.
Được trang bị phiên bản “K” của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tàu ngầm lớp Arihant sẽ trở thành “xương sống” của lực lược răn đe hạt nhân Ấn Độ. Ngoài ra, tàu ngầm tấn công hạt nhân INS Chakra trọng tải 8.140 tấn thuê của Nga trong thời hạn 10 năm từ năm ngoái cũng sẽ chuyển tới căn cứ mới tại Rambilli.
Ấn Độ hiện còn đang đàm phán với Nga để thuê một tàu ngầm hạt nhân tương tự lớp Akula-II.
Quan trọng hơn cả Dự án Seabird
Các nguồn tin cho hay Ấn Độ đã lên kế hoạch Dự án Varsha lâu trước đó, nhưng với sự hiện diện của Trung Quốc tại cảng chiến lược Gwadar ở Pakistan, New Delhi đã đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Do sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, tờ Thời báo Ấn Độ còn cho rằng tầm quan trọng của Dự án Varsha thậm chí còn vượt Dự án Seabird – căn cứ hải quân Karwar ở bờ biển phía tây Ấn Độ được xây dựng để bảo vệ bờ biển khỏi mối đe dọa từ Pakistan.
Căn cứ Karwar bang Karnataka hiện có thể chứa 11 tàu chiến lớn sau khi giai đoạn 1 hoàn thành. Hồi năm ngoái, Ấn Độ đã thông qua một khoản ngân sách để mở rộng căn cứ trong khuôn khổ giai đoạn 2 của Dự án Seabird để đảm bảo rằng căn cứ có thể chứa 32 tàu chiến lớn và các tàu ngầm vào năm 2018-2019.
Karwa cũng sẽ là “nhà” của tàu sân bay INS Vikramaditya, hiện đang được tân trang tại Nga với chi phí 2,33 tỷ USD, cũng như 6 tàu ngầm Scorpene của Pháp đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu Mazagon Docks ở Mumbai.
Theo Dantri
Trung Quốc giành 'viên ngọc quý' ở Trung Đông
Gwadar, cảng chiến lược mới được Pakistan bàn giao, không chỉ mở ra cánh cửa giao thương hàng hải quan trọng cho Trung Quốc, mà còn có thể là căn cứ quân sự tiềm năng trong tương lai tại Nam Á.
Cảng Gwadar ở Pakistan. Ảnh: AFP
Nội các Pakistan hôm 30/1 phê duyệt việc bàn giao quyền điều hành cảng chiến lược Gwadar, từ tay tập đoàn quốc tế PSA của Singapore, cho Công ty điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL). Hôm qua, các bên đã chính thức ký kết thỏa thuận trao quyền điều hành cảng Gwadar cho Trung Quốc.
Thỏa thuận này tạo ra một hành lang năng lượng và thương mại kết nối Trung Quốc đến biển Arab và eo biển Hormuz, thông qua đường cao tốc mở rộng Karakoram, giúp giảm quãng đường vận chuyển các mặt hàng nhập khẩu.
Hàng nghìn km đường nối từ châu Phi và Trung Đông sang Trung Quốc cũng sẽ được rút ngắn, khiến Gwadar trở thành một mối liên kết trọng yếu trong chuỗi giao thương dầu mỏ và khí đốt của Trung Quốc.
Trung Quốc đã thanh toán khoảng 75% trong chi phí 250 triệu USD ban đầu dùng để xây dựng cảng. Nhưng năm 2007, PSA giành được hợp đồng thuê 40 năm, và có thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Pakistan lúc đó là Pervez Musharraf không muốn làm mất lòng Washington bằng cách mở đường cho Trung Quốc.
Gwadar sẽ là cảng phía tây quan trọng nhất trong số chuỗi cảng mà Trung Quốc chi tiền xây dựng bao quanh đối thủ lớn trong khu vực là Ấn Độ. New Delhi cũng đã bày tỏ sự lo ngại về thương vụ này giữa láng giềng Pakistan và Trung Quốc.
Tại Nepal, Trung Quốc đang xây dựng một "cảng khô" trị giá 14 triệu USD ở Larcha, gần biên giới Tây Tạng, cùng 5 cảng khác, đồng thời nâng cấp các tuyến đường vận tải kết nối với thị trường Ấn Độ rộng lớn.
Tại Bangladesh, Trung Quốc là một trong 4 nước, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, có ý định xây một cảng biển nước sâu với kinh phí 5 triệu USD tại đảo Sonadia, vịnh Bengal.
Hồi tháng 6/2012, Sri Lanka cũng mở một cảng biển nước sâu trị giá 450 triệu USD tại Hambantota, tuyến đường biển tây đông quan trọng với khoảng 300 tàu qua lại mỗi ngày. Cảng được xây dựng bằng vốn vay và đội ngũ chuyên môn từ Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng là một nhà hậu thuẫn quan trọng của một cảng và một đường ống năng lượng ở Myanmar, vận chuyển khí đốt từ ngoài khơi và dầu mỏ từ châu Phi và Trung Đông đến tỉnh Vân Nam, dự kiến hoàn thành với cuối tháng 5.
Các cảng trên được mệnh danh là chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc, gồm hàng loạt cảng thân thiện với Bắc Kinh, trải dài từ Trung Đông sang biển Đông ở tây Thái bình dương. Gwadar là "viên ngọc" ở cực tây trong cả chuỗi. Chiến lược chuỗi ngọc nhằm bảo đảm các tuyến hàng hải của Bắc Kinh, nhưng cũng khiến Ấn Độ lo ngại là nhằm bao vây Ấn Độ.
Bản đồ vị trí của Pakistan và cảng Gwadar. Đồ họa: SCMP
Andrew Small, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Pakistan, tin rằng Trung Quốc có thể cho hải quân Pakistan sử dụng cảng Gwadar. "Pakistan có thể là chính phủ duy nhất tạo được cho Trung Quốc sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quân đội để mở ra một viễn cảnh đầy hứa hẹn", ông nói.
Khi được hỏi về Gwadar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho hay, Bắc Kinh ủng hộ việc "phối hợp thực hiện những kế hoạch có lợi cho mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan và sự phát triển, thịnh vượng của Pakistan".
Fazul-ul-Rehman, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Islamabad, bác bỏ khả năng Trung Quốc sẽ gây ra chiến tranh ở Ấn Độ dương và gọi mối quan ngại của Ấn Độ chỉ là "tuyên truyền".
Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng Trung Quốc đang ngày càng thận trọng hơn trong các dự án đầu tư lớn ở Pakistan do những lo ngại về an ninh. Ông Rehman nhận định Gwadar sẽ là một dự án có lợi về lâu dài, khi Trung Quốc đang tìm kiếm các con đường vận chuyển dầu khí nhập khẩu.
Theo VNE
Pakistan giao cảng chiến lược cho Trung Quốc Pakistan và Trung Quốc hôm 18/2 ký thỏa thuận chuyển giao quyền quản lý hoạt động cảng chiến lược Gwadar cho Công ty điều hành cảng hải ngoại Trung Quốc (OPHL). Vị trí cảng chiến lược Gwadar. Đồ họa: Opinion-maker Theo PTI, việc tiếp nhận cảng Gwadar thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh thiết lập một căn cứ hải quân tiềm tàng...