Ấn Độ – Vùng đất lạ kỳ và đa sắc màu (Phần 1)
Bỏ ngoài tai những điều truyền thông và định kiến không hay về Ấn Độ, không chọn cung đường du lịch Tam giác vàng “Golden Triangle” như các du khách lần đầu đến vùng đất này
Tôi tự chọn cho mình con đường di sản để tận hưởng những kiệt tác của người xưa để lại mà ẩn sâu trong đó là kết tinh văn hoá của hàng nghìn năm lịch sử với tâm thế vô cùng háo hức.
Welcome to India và Delhi hỗn loạn
Bước chân ra khỏi sân bay Indira Gandhi (New Delhi), cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh giao thông hỗn loạn. Các loại phương tiện giao thông từ các xe rickshaw trắng – xanh đặc trưng (xe lam ba bánh), xe tải sơn màu sặc sỡ như các tác phẩm nghệ thuật đương đại đến xe bò kéo cùng chen chúc trên mọi ngả đường.
Vị tài xế phải vận dụng toàn thân người, vừa lái, vừa la hét om sòm cho những xe taxi và xe rickshaw (xe lam ba bánh với màu chủ đạo là vàng nhạt và xanh lá cây) khác nhích ra, có lúc phải nhoài người ra khỏi xe để xem xe có đi lọt mê cung những con ngõ bé xíu, san sát các xe đẩy bán hàng để thoát các điểm tắc. Bằng giọng Anh – Ấn đặc trưng, vị tài xế liên tục trấn an “mọi việc đều ổn” và “điều này là bình thường” khi thấy tôi lo ngại, liên tục nhìn bản đồ Google Map để theo dõi đường đi khi thấy xe đưa mình theo những con đường không rõ ràng trên bản đồ.
Tôi tự nhủ, dù sao mình cũng đang ở một trong những thủ đô đông dân nhất thế giới với gần 22 triệu dân nên mức độ tắc đường như này đúng là “bình thường” và an ủi mình thật may mắn khi kẹt xe tại Hà Nội không là gì so với tại New Delhi. Đến khách sạn, trong khi tôi đang ngạc nhiên khi toàn bộ hành lý lại phải soi chiếu, trải qua các bước kiểm tra an ninh như tại sân bay và phải điền nắn nót rất nhiều thông tin cá nhân vào sổ lưu trú thì nhân viên khách sạn nhanh nhảu giải thích “Welcome to India”. Các tiêu chuẩn an ninh và quản lý người nước ngoài được Chính phủ Ấn Độ thắt chặt sau ký ức khủng bố Mumbai đau buồn.
Chợ Chandni Chowk
Sau khi các giác quan đã bớt lạ lẫm, tôi quyết định dậy thật sớm vào sáng hôm sau, bắt đầu hành trình khám phá xem Ấn Độ có thực sự “diệu kỳ” như thiên hạ đồn đại không. Thật lạ, lúc 8h sáng, ngoài một số quán bán Masala Chai (trà đen với hỗn hợp thảo mộc đặc trưng của Ấn Độ) nghi ngút khói bốc và những người đàn ông túm tụm thì các hàng quán vẫn đóng cửa im lìm.
Hỏi ra mới biết, công sở Ấn Độ và các cửa hàng bắt đầu làm việc vào khoảng 9h30 – 10h00 sáng. Hành trình khám phá Ấn Độ của tôi bắt đầu bằng việc mạnh dạn gia nhập đám đông cùng câu chào “Namaste” cùng một số câu giao tiếp tiếng Hindi mới bập bẹ học lỏm trước ánh mắt hiếu kỳ của người địa phương để mua một cốc trà đặc trưng Masala Chai, đựng trong ly gốm thô mỏng, màu nâu sữa; gọi là cốc nhưng lượng trà chỉ vẻn vẹn như chén uống trà của người Việt mình.
Sau này, tôi đâm ra nghiện món trà đen có hương vị cay nồng này đến mức trên chuyến tàu xuống vùng Tây Bắc Ấn kéo dài 19 tiếng, trung bình mỗi tiếng tôi gọi một cốc và tìm cách hỏi bất kỳ người địa phương nào mà tôi gặp “Tại sao không bán Masala Chai trong cốc to, để uống cho đã?”. Ai cũng nhìn ngạc nhiên và cười to, thì ra Masala Chai uống ngon nhất khi còn nóng và do trà có sữa rất dễ hỏng nên cần luôn được giữ trên bếp thật nóng, việc bán cốc nhỏ giúp người uống thưởng thức hương vị tuyệt hảo nhất của chén trà.
Quầy bán Masala Chai ở khắp các ngõ ngách Ấn Độ, phổ biến tương tự các quán trà đá vỉa hè của Việt Nam và không ít người lần đầu đến Ấn Độ lầm tưởng dân địa phương chuộng cà phê sữa do Masala Chai có màu sắc tương tự. Việc kết thân với người dân bản địa của tôi chủ yếu cũng từ việc mời họ uống Masala Chai!
Di sản Ấn Độ đầu tiêu tôi khám phá là chợ Chandni Chowk – chợ bán buôn lớn nhất Châu Á, toạ lạc tại khu Old Delhi. Theo truyện cổ dân gian Ấn Độ, chợ được xây dựng để thoả mãn sở thích mua sắm của công chúa Jahan Ara vào thế kỷ 17. Chợ Chandni Chowk thực chất là tổ hợp nhiều Bazaar (các khu phố chuyên doanh) với các gian hàng đậm chất kiến trúc thời Trung Cổ kinh doanh thượng vàng hạ cám với sự pha trộn thú vị giữa sắc màu của thực phẩm, trang sức, vải vóc…
Trong số các Bazaar, Khari Baoli – một trong những chợ gia vị lớn nhất thế giới có lẽ là địa điểm được các du khách săn lùng nhiều nhất nhằm đắm mình vào “mê cung gia vị và thảo mộc”. Khu chợ sầm uất, có gì đó hỗn loạn khi đón hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày với những hình ảnh khó quên như những người thợ bốc vác mảnh khảnh, đầu chít khăn đặc trưng, lưng trần cõng những bao hàng nặng trĩu, những xe trâu kéo khổng lồ oằn mình chở hàng nặng hay những chú khỉ chậm rãi chuyền qua lại những mái nhà mặc kệ dòng người hối hả mua bán phía dưới.
Video đang HOT
Những con ngõ sâu hun hút của khu chợ dẫn tôi lạc bước đến Thánh đường Hồi giáo Jama Masjip – thánh đường lớn nhất Ấn Độ, nghỉ chân ngắm đàn bồ câu sà xuống ăn thóc trên sân đá sa thạch đỏ đặc trưng của Thánh đường và thưởng thức cốc Lassi (sữa chua dê lên men) xoài thanh mát kèm những viên Gulab Jamun ngọt ngào (bánh ngọt rán thả trong siro hoa hồng). Nếu bụng dạ tốt và không e ngại hội chứng “Delhi Belly” (tiêu chảy) thì việc thử các đồ ăn đường phố Ấn Độ là một trải nghiệm rất thú vị với hàng trăm lựa chọn bất ngờ cho vị giác.
Rất gần với khu chợ là những di sản văn hoá nổi tiếng khác của Delhi như Pháo đài Đỏ (Lal Qila) – kết tinh đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc thời đại Mughal với lời khắc lên tường thành nổi tiếng “Nếu có Vườn Địa đàng trên thế gian này, thì nó đây, nó đây, nó đây” và Cổng Ấn Độ (India Gate) hay còn gọi là Đài tưởng niệm Chiến tranh sừng sững giữa trung tâm Delhi với lối kiến trúc vòm khải hoàn như Khải hoàn môn tại Paris.
Chưa đến Varanasi xem như chưa đến Ấn Độ
Tạm biệt một Delhi đông đúc và hỗn loạn, tôi quyết định bắt tàu đến Varanasi – thành phố thánh đối với tín đồ Hindu giáo. Nằm dọc theo bờ sông Hằng linh thiêng – cội nguồn của đạo Hindu, Varanasi chiếm giữ vai trò quan trọng trong câu chuyện văn minh và văn hoá Ấn Độ đến mức nhiều người thường thốt lên rằng “Chưa đến Varanasi xem như chưa đến Ấn Độ”.
Thành phố này còn nổi tiếng là nơi diễn ra những lễ hoả táng lộ thiên của tín đồ Hindu giáo trên các bến sông (ghat). Khi đi dạo tại các ghat, tôi may mắn làm quen được cậu bạn Dhiraj – nhiếp ảnh gia địa phương và là một tín đồ Hindu giáo. Nhắc đến lễ hoả táng, với thái độ hoan hỉ, Dhiraj cho biết việc được hoả táng tại Varanasi là kỳ vọng cao nhất trong cả cuộc đời của một tín đồ Hindu giáo nhằm thoát khỏi bể khổ luân hồi bất tận, đạt đến cõi Niết bàn và mỗi ngày có khoảng vài trăm người được thiêu tại đây, tro được rắc xuống dòng sông huyền thoại.
Không mất một giây suy nghĩ, tôi gật đầu luôn khi Dhiraj chủ động đề nghị giúp tôi, một kẻ ngoại đạo, xem lễ hoả thiêu ở mức “gần nhất có thể”. 5h sáng mùa đông khi trời còn chưa rõ mặt người, tôi và Dhiraj đã lần mò qua các ngõ ngách khu phố cổ để kịp chứng kiến nghi thức tẩy trần, tắm sáng của tín đồ Hindu giáo, ngâm người dưới dòng sông Hằng khi nhiệt độ có 4 độ.
Sông Hằng vốn “nổi tiếng” là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới nhưng bạn chớ dại dột mà đề cập đến điều này với những người dân nơi đây. Trong tâm thức của các tín đồ Hindu giáo, sông Hằng là dòng sông mẹ (Mother Ganges) và được tắm tại đây, thậm chí uống nước dòng sông là một diễm phúc, người dân địa phương thường lấy nước sông để phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày.
Dhiraj dẫn tôi đi len lỏi qua các bãi gỗ trầm, đàn hương phục vụ lễ hoả thiêu. Dhiraj cho biết gỗ ngày càng hiếm nên giá thành hoả táng ngày càng cao và nghi lễ diễn ra càng gần sông thì giá lại càng đội lên hơn. Với lợi thế “quen biết tất cả mọi người tại thành phố này”, Dhiraj dễ dàng đưa tôi lên Nhà giữ lửa – nơi lưu giữ ngọn lửa vĩnh cửu, mọi nghi lễ hoả táng đều cần lấy lửa từ đây.
Nhìn qua ô cửa sổ Nhà giữ lửa, xem trực tiếp nghi lễ hoả thiêu, lắng nghe tiếng tục niệm rì rầm trong không khí đặc quánh mùi đặc trưng, tro bụi bốc cao, phảng phất dính vào áo khoác và tóc, là trải nghiệm ấn tượng trong hành trình khám phá Ấn Độ của tôi.
Dhiraj nói “đừng nhìn bằng đôi mắt ghê tởm hay sợ hãi, nghi lễ này là việc hoan hỉ nhất trong cuộc đời và mang lại phước lành”. Nhưng điều ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh người đàn ông thuộc tầng lớp “untouchable” (tiện dân, tầng lớp thấp nhất trong phân cấp đẳng cấp xã hội của Ấn Độ) hì hục đãi tro than vừa hoà táng xong, hòng tìm thấy chút ít vàng bạc tuỳ táng còn sót lại.
Hàng đêm, các ghat biến thành những sân khấu công cộng, nơi các giáo sĩ đạo Hindu biểu diễn điệu nhảy ánh sáng tâm linh Arti với hàng nghìn lượt tín đồ đứng chờ xem từ 4h chiều. Trong những ngày nắng hiếm hoi của mùa đông Đông Bắc Ấn, tôi lang thang và bắt chuyện với các Sadhu – những thánh sống tu hành khổ hạnh của Hindu giáo và được lắng nghe nhiều quan điểm thú vị về cuộc sống cũng nhưng các câu truyện thần thoại về thần Shiva (vị thần chủ của đạo Hindu). Thật bất ngờ, đa phần các Sadhu mà tôi gặp đều nói tiếng Anh trôi chảy và có nhân sinh quan phong phú.
Trở thành một Sadhu, một người được chính thức coi là đã chết, là cảnh giới cuối cùng của một tín đồ Hindu giáo để đạt đến cõi Niết bàn sau khi mất đi. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể trở thành Sadhu do họ cần phải cắt đứt quan hệ gia đình, rời bỏ xã hội, vứt bỏ mọi của cải vật chất và các nhu cầu.
Một Sadhu nói với tôi rằng “Bạn có mọi thứ nhưng nếu trong tâm hồn bạn không có bình yên thì như nào?”. Các Sadhu đến từ các tầng lớp xã hội khác nhau, có những người từng là doanh nhân giàu có hoặc có học thức cao, trải qua các biến cố cuộc sống và quyết định đi tìm sự cứu rỗi. Dhiraj còn bảo tôi có một Sadhu ở đây từng tốt nghiệp đại học danh tiếng Oxford đó.
Đúng như nickname “thủ đô văn hoá”, Varanasi là thành phố yên bình và đầy triết lý đến mức ông Kelvin – 70 tuổi người Anh quyết định bán hết tài sản và chọn sống nốt phần đời tại đây. Sự thanh bình của thành phố cũng có sự mê hoặc riêng với người trẻ. Cô bạn Yan – người Trung Quốc, chủ hostel tôi ở, chỉ trả lời gọn lỏn “ Tranquil – Yên bình” khi tôi hỏi lý do tại sao lại khởi nghiệp ở một nơi cách quê hương hàng ngàn cây số và hoàn toàn xa lạ về tập quán.
Duy Quang
Theo tapchicongthuong.vn
Dạo bước Varanasi, thành phố kỳ bí bên sông Hằng
Nằm bên dòng sông Hằng huyền thoại, thành phố Varanasi hiện lên với vẻ đẹp lộng lẫy và thân thiện. Nét đặc trưng nơi đây là cảnh người hành hương rửa tội, cầu nguyện mỗi sáng sớm.
Varanasi được biết đến là trung tâm suốt hàng nghìn năm của Hindu giáo, nằm bên bờ sông Hằng, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nơi đây còn là một trong tứ thánh địa của Phật giáo với vườn Lộc Uyển Sarnath, nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bài pháp đầu tiên sau khi thành đạo.
Đây là một trong những thành phố có dân định cư liên tục cổ nhất thế giới với lịch sử từ hàng nghìn năm cùng thời nền văn minh Sumer.
Nói đến Varanasi, người ta không thể không nhắc đến sông Hằng. Thần thoại của người Hindu kể rằng sông Hằng chảy từ thiên đàng xuống thẳng hạ giới. Vì vậy, ngôi nhà thực sự của sông Hằng theo Ấn Độ giáo là tại thiên đàng, mà đỉnh Himalaya chính là nơi bắt nguồn ở hạ giới.
Dọc hai bên bờ sông là nơi người dân địa phương sinh hoạt và hỏa táng người đã khuất. Sông Hằng chảy từ Bắc xuống Nam. Riêng tại Varanasi, sông Hằng chảy từ phía nam tới phía bắc, về nơi đầu nguồn Himalaya. Vì vậy, rất nhiều người Hindu tin rằng trên mảnh đất Varanasi này, sông Hằng chảy hướng lên thiên đàng.
Điều này giải thích lý do người theo đạo Hindu chọn đây là nơi gột rửa thân thể và nghĩ rằng sông Hằng sẽ giải phóng họ khỏi tất cả mọi tội lỗi của trần thế. Dọc một đoạn sông dài khoảng 5 dặm có tất cả 84 bậc thang cấp lớn nhỏ, nhưng trong đó chỉ có một vài bậc quan trọng nhất và tập trung nhiều tín đồ nhất.
Họ coi sông Hằng hơn mọi vị thánh. Vì thế, đường phố thường kẹt cứng bởi những người hành hương làm lễ buổi sáng ở bờ sông.
Ngoài sông Hằng, trên đường phố Varanasi cũng có nhiều hình ảnh đời thường thú vị khiến du khách muốn lang thang khám phá. Trong ảnh là một người thợ sửa xe máy. Tại Ấn Độ, đây là phương tiện được dùng nhiều không kém so với nhiều quốc gia khác.
Người phụ nữ cao tuổi Ấn Độ cầu nguyện trong một con ngõ nhỏ vào buổi sáng. Thành phố này là một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của đức tin Hindu. Người dân địa phương tin rằng tại đây, linh hồn sẽ được gửi thẳng lên trời, đến nơi ở của những thần linh.
Đến đây, du khách sẽ thấy người dân nơi này thường mặc trang phục truyền thống, sắc cam và vàng. Cảnh sưởi ấm cho những đôi bàn tay lạnh giá và gia súc trong nhà khi nhiệt độ xuống thấp vào những ngày đầu tháng 12.
Buổi sáng ở vòi nước công cộng. Nhiều người đến đây và nói rằng điều bạn có thể chắc chắn nhận ra ở Varanasi chính là cuộc sống khó đoán định và vô thường.
Hai người đàn ông bán hàng đọc báo buổi sáng. Đây cũng là hình ảnh cho thấy cuộc đời nghèo khó của người dân thành phố bên bờ sông linh thiêng này.
Sông Hằng được xem là nguồn sống và là vật báu của Ấn Độ, nơi lưu trữ cả sức mạnh văn hóa và tâm linh truyền thống đậm chất phương Đông.
Varanasi mãi là suối nguồn cảm xúc vô tận mà nhiều người mơ ước một lần được ghé thăm. Trong ảnh, một người đàn ông mang hàng ra chợ rau quả Rasulabat bán.
Đặc biệt, ở Varanasi có một ngôi chùa Việt Nam mang tên Đại Lộc, do một tiến sĩ thần học người Việt trụ trì cùng các nhà sư. Các chú tiểu ở đây đều là người Việt Nam. Lúc này, một nhà sư cầu nguyện khi đội tuyển U23 Việt Nam chơi trận chung kết SEA Games 30 tại Manila (Philippines).
Theo news.zing.vn
Dòng sông thánh Yamuna của Ấn Độ: "Dòng sông chết tràn ngập sự sống" Dòng sông Yamuna linh thiêng của Delhi điểm yêu thích của nhiều du khách trong mùa đông. Bầu không khí dọc bờ sông thanh bình và có một chút tâm linh, khách du lịch di chuyển trên bờ tấp nập. Tuy nhiên, dòng sông thánh này đang bị ô nhiễm từng phút, đó là thực tế đáng buồn và là mối lo ngại...