Ấn Độ: Trung Quốc là một đối tác và là đối thủ
Trên đường công du Ấn Độ, ngày 14/09/2014, tới đây Chủ tịch Trung Quốc sẽ ghé thăm Nam Á, vùng ảnh hưởng truyền thống của New Delhi. Lãnh đạo Bắc Kinh tìm cách chinh phục quốc gia láng giềng vừa là đối tác vừa là đối thủ địa lý chính trị, xem Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc phòng.
Phó Tổng thống Ấn Độ Shri Mohammad Hamid Ansari (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 30/06/2014. Ảnh REUTERS/Wang Zhao/Pool
Theo RFI, viện lý do bất ổn chính trị tại Islamabad, Chủ tịch Trung Quốc đã hủy bỏ chặng viếng thăm Pakistan, đồng minh thân thiết tại Nam Á của Bắc Kinh, kẻ thù của New Delhi.
Video đang HOT
Tuy vậy, trong chuyến đi này, ông Tập Cận Bình sẽ đến quốc đảo Sri Lanka nơi Bắc Kinh tài trợ một dự án xây hải cảng 1,4 tỷ đôla mà một khi hoàn tất sẽ cho phép tàu chiến Trung Quốc sử dụng để củng cố sự hiện diện quân sự trong Ấn Độ Dương và chỉ cách Ấn Độ có 250 cây số.
Thấy rõ ý đồ của Trung Quốc từ lâu, nhưng tân Thủ tướng Ấn Narenda Modi, được xem là nhân vật có tinh thần quốc gia dân tộc, đã nhanh chóng lên tiếng mời lãnh đạo Trung Quốc sang thăm New Delhi.
Song song với cử chỉ ngoại giao này, Thủ tướng Ấn cũng gấp rút giới hạn tầm ảnh hưởng của chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc trong vùng ảnh hưởng. Ngay sau khi lên nhậm chức, ông tức khắc sang thăm Butan và Nepal và chìa bàn tay hòa giải với Pakistan.
Theo giới phân tích, để đối phó với tham vọng trên bộ và trên biển của Trung Quốc, New Delhi còn có thể dựa vào mối quan hệ thân hữu lâu dài với Tokyo. Nhật Bản và Ấn Độ đều xem sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc là mối đe dọa chung. Tăng cường hợp tác song phương Ấn – Nhật để đối trọng với tham vọng của Trung Quốc là chính sách được Hoa Kỳ chia sẻ và khuyến khích.
Về phần Bắc Kinh, sự kiện New Delhi thắt chặt quan hệ với Tokyo cũng là một mối đe dọa. Chuyên gia Ấn Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược Trung Quốc tại New Delhi cho rằng Bắc Kinh rất lo ngại khi thấy Ấn Độ tiến gần Hoa Kỳ và Nhật Bản và họ không muốn sự kiện này xảy ra.
Do vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình thủ sẵn một số đề nghị mà Ấn Độ thèm muốn : đầu tư cải thiện hệ thống hỏa xa lạc hậu, xây dựng đường xe lửa cao tốc, và hợp tác trong lãnh vực hạt nhân.
Theo AFP, Thủ tướng Ấn Narendra Modi không thiếu lập luận để mặc cả với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết tăng gấp đôi tiền đầu tư vào Ấn Độ trong năm năm tới.
Bên cạnh hồ sơ kinh tế, vấn đề tranh chấp biên giới cũng sẽ được thảo luận.
Nhà phân tích chính trị quốc tế Shyam Saran (Center for Policy Research) tại New Delhi, nguyên là Thứ trưởng ngoại giao Ấn nhận định: Trung Quốc xem Ấn Độ của Thủ tướng Modi vừa là một đối tác nghiêm túc, vừa là một đối thủ tiềm tàng.
Ý thức một phần công luận Ấn xem Trung Quốc là kẻ thù xâm lược, Bắc Kinh cam kết trước ngày ông Tập Cận Bình lên đường, không có ý đồ bao vây Ấn Độ. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Kiến Siêu (Liu Jian Chao) tuyên bố “Trung Quốc xem Ấn Độ là đối tác để phát triển, không bao vây và sẽ không bao vây Ấn Độ”.
Mặc dù quan hệ với Trung Quốc chứa đầy hoài nghi và xung khắc đẫm máu, chính phủ Ấn sẽ trải thảm đỏ đón tiếp ông Tập Cận Bình ngày 17 tới đây.
Nhưng giới phân tích được AFP tiếp xúc khẳng định Thủ tướng Modi sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc khác với chính quyền trung tả tiền nhiệm.
Lãnh đạo Trung Quốc sẽ được thông báo những đường “ranh đỏ” trong quan hệ với Ấn Độ.
Theo Bizlive