Ấn Độ phong tỏa hoàn toàn thủ đô và hàng chục địa phương khác
Thủ hiến Arvind Kejriwal ngày 22/3 đã công bố lệnh phong tỏa vùng lãnh thổ thủ đô Delhi của Ấn Độ, bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày 23/3 cho đến đêm 31/3 (theo giờ địa phương).
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly dành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN
Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ thực hiện lệnh giới nghiêm toàn dân tự nguyện chưa từng có tiền lệ trong cùng ngày theo lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Kejriwal, trong thời gian phong tỏa, sẽ không có bất cứ phương tiện giao thông công cộng, taxi, ô tô và xe tuk tuk nào được phép hoạt động, ngoại trừ 25% tổng số chuyến xe buýt của Công ty vận tải Delhi (DTC) để đáp ứng những dịch vụ thiết yếu. Các cửa hàng, dịch vụ thương mại, khu chợ mở hàng tuần và biên giới sẽ bị phong tỏa (trừ các mặt hàng thiết yếu).
Tất cả dịch vụ xe buýt, tàu điện ngầm và tàu chở khách liên bang cũng sẽ bị đình chỉ, trong khi các chuyến bay nội địa và quốc tế, các hoạt động xây dựng và địa điểm tôn giáo sẽ bị đóng cửa tại thủ đô. Điều 144 trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, cấm tụ tập từ 4 người trở lên, sẽ được áp đặt tại Delhi từ 21 giờ ngày 22/3 đến nửa đêm 31/3.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 22/3, chính phủ trung ương và các chính quyền bang đã quyết định đóng cửa hoàn toàn 75 quận huyện trên khắp Ấn Độ – những nơi có báo cáo về các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Quyết định được đưa ra tại cuộc họp cấp cao với sự tham dự của lãnh đạo tất cả các bang, thư ký nội các và thư ký chính của Thủ tướng Modi.
Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Modi lưu ý, người dân Ấn Độ không nên xem việc thực hiện lệnh giới nghiêm toàn quốc tự nguyện là thành công, mà hãy coi đó là khởi đầu của cuộc chiến lâu dài.
Tính đến chiều 22/3, Ấn Độ ghi nhận thêm 3 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng số bệnh nhân tử vong ở quốc gia Nam Á này lên 7 người. Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ hiện là 341 trường hợp.
Huy Lê
Các nước Nam Á bàn chiến lược chung đối phó với dịch COVID-19
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với lãnh đạo và đại diện các quốc gia thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chiều 15/3 đã tổ chức một hội nghị thông qua cầu truyền hình để đề ra một chiến lược chung nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đến nay đã khiến hơn 6.000 người tử vong trên thế giới.
Tham dự hội nghị, ngoài ông Modi còn có Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Y tế Zafar Mirza.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.
Khẩu hiệu của Ấn Độ trong đối phó với dịch COVID-19 là "luôn sẵn sàng nhưng không hoang mang."
Ấn Độ cũng hưởng ứng lời kêu gọi của các công dân nước này ở nước ngoài và đã sơ tán gần 1.400 người Ấn Độ từ các vùng dịch khác nhau.
Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp chống dịch COVID-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD.
Hội nghị thượng đỉnh trên có ý nghĩa quan trọng vì SAARC đã hầu như không hoạt động kể từ năm 2016.
Thủ tướng Modi đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh SAARC 2016, theo kế hoạch được tổ chức tại Islamabad, tiếp sau vụ tấn công khủng bố Uri do các phần tử khủng bố Pakistan gây ra.
Sau khi Bangladesh, Afghanistan và Bhutan cũng rút khỏi cuộc họp, hội nghị đã bị hủy bỏ.
Hội nghị thượng đỉnh SAARC được tổ chức hai năm một lần bởi các quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái.
Hội nghị thượng đỉnh gần nhất được tổ chức vào năm 2014 tại Kathmandu, Nepal.
Theo vietnamplus.vn
Ấn Độ: Khói bụi 'thiêu đốt' đôi mắt tại thủ đô Delhi Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Delhi của Ấn Độ đang ở mức báo động nghiêm trọng khi nhiều người mô tả đôi mắt họ đang cảm thấy như bị "thiêu đốt." Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Delhi của Ấn Độ đang ở mức báo động nghiêm trọng. Nhiều người dân sinh sống tại đây cho...