Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa
Ấn Độ đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa trong nỗ lực trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đến với hành tinh đỏ.
Xe tự hành thăm dò mặt trăng của Trung Quốc – Ảnh: AFP
Ngày 5.11, Tổ chức Nghiên cứu phát triển không gian Ấn Độ (ISRO) phóng tên lửa mang tàu thăm dò sao Hỏa từ một trung tâm không gian ở miền nam nước này. 44 phút sau khi tên lửa cất cánh, Chủ tịch ISRO K.Radhakrishnan phát biểu ông “vô cùng hạnh phúc” khi thông báo tên lửa đã đưa tàu thăm dò không người lái mang tên Mangalyaan vào quỹ đạo trái đất, theo AFP. Tàu này có kích cỡ bằng chiếc xe hơi nhỏ, nặng 1,35 tấn. Tuy nhiên, do không đủ sức bay trực tiếp đến quỹ đạo sao Hỏa, tàu Mangalyaan sẽ bay quanh quỹ đạo trái đất trong gần một tháng nhằm đạt tốc độ cần thiết để có thể tiến đến quỹ đạo sao Hỏa. Sau đó, con tàu thăm dò sẽ bắt đầu cuộc hành trình đến sao Hỏa kéo dài đến tận tháng 9.2014. Nếu đến được quỹ đạo sao Hỏa, tàu sẽ thực hiện sứ mệnh thăm dò khoáng sản, bầu khí quyển và bề mặt nơi này. Theo CNN, ISRO hy vọng sẽ nghiên cứu thêm về việc nước biến mất trên sao Hỏa, truy tìm nguồn khí methane, dấu hiệu cho thấy hành tinh này có khả năng duy trì sự sống, cũng như thu thập dữ liệu về hai vệ tinh Phobos và Deimos.
Tuy nhiên, Chủ tịch ISRO K.Radhakrishnan thừa nhận với CNN rằng một trong những thách thức lớn nhất về mặt công nghệ là làm sao để tàu thăm dò đến được quỹ đạo sao Hỏa. Hơn phân nửa các dự án thám hiểm sao Hỏa từ trước đến nay đã thất bại. Chỉ có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu thành công trong việc đưa tàu đến thăm dò hành tinh đỏ. Do đó, nếu thành công lần này, Ấn Độ sẽ trở thành nước châu Á đầu tiên hoàn thành sứ mệnh thăm dò sao Hỏa với chương trình công nghệ không gian giá thấp. Chi phí cho dự án thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ là 73 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 455 triệu USD cho tàu khám phá của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ dự kiến sẽ được phóng vào ngày 18.11. Chương trình phóng tàu Mangalyaan được Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh công bố cách đây khoảng 15 tháng, không lâu sau khi Trung Quốc thất bại trong sứ mệnh đưa tàu Huỳnh Hỏa 1 lên quỹ đạo sao Hỏa.
Ấn Độ phóng vệ tinh giám sát trái đất đầu tiên vào năm 1975 và đưa một tàu không người lái lên quỹ đạo quanh mặt trăng vào năm 2008, theo CNN. New Delhi dự kiến sẽ tự phóng tàu có người lái lên mặt trăng vào năm 2016. Tuy nhiên, một số người cho rằng Ấn Độ không nên đổ tiền vào chương trình không gian, giữa lúc nhiều người dân còn nghèo khổ và hơn phân nửa dân số không có nhà vệ sinh. Đáp lại, ISRO khẳng định chương trình không gian của họ hỗ trợ phát triển kinh tế Ấn Độ thông qua các vệ tinh theo dõi thời tiết và nguồn nước hoặc có thể kết nối liên lạc ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Video đang HOT
Trung Quốc khoe xe thăm dò mặt trăng Ngày 5.11, giới khoa học không gian Trung Quốc bất ngờ trình làng mô hình xe tự hành dùng thăm dò mặt trăng tại một hội chợ ở thành phố Thượng Hải, theo AFP. Xe này được sơn màu vàng, có 6 bánh xe và trang bị các tấm pin mặt trời. Theo Viện Nghiên cứu kỹ thuật không gian Thượng Hải, xe tự hành thứ thiệt sẽ được phóng bởi tên lửa Trường Chinh 3B vào đầu tháng 12.2013 trong chương trình đưa tàu thăm dò lên mặt trăng lần đầu tiên của Trung Quốc.
Theo TNO
NASA sắp phóng tàu nghiên cứu khí quyển sao Hỏa
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho biết họ đang thực hiện đúng kế hoạch để phóng tàu thăm dò Maven đến sao Hỏa vào giữa tháng này, nhằm tìm hiểu nguyên nhân tại sao hành tinh đỏ đánh mất bầu khí quyển của nó.
Tàu Maven sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến cho sao Hỏa mất khí quyển - Ảnh: NASA
Theo AFP, con tàu vũ trụ không người lái dự kiến sẽ rời trái đất vào ngày 18.11 tới, lúc 13 giờ 38 phút (giờ địa phương, tức 0 giờ 39 phút rạng sáng 19.11 theo giờ VN).
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ trong chuyến du hành kéo dài 10 tháng, tàu thăm dò sẽ đến sao Hỏa vào cuối tháng 9.2014, để bắt đầu sứ mệnh trên quỹ đạo hành tinh đỏ từ tháng 11, các nhà khoa học của NASA cho hay.
Tàu sẽ bay ở quỹ đạo có độ cao cách bề mặt sao Hỏa 6.115 km và trong suốt sứ mệnh, nó sẽ có năm lần hạ xuống độ cao 125 km.
Con tàu mang tên Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa được trang bị ba bộ công cụ giúp phát hiện những thay đổi của thượng tầng khí quyển hành tinh đỏ.
Theo AFP, tàu Maven không được giao nhiệm vụ săn tìm khí methane, dấu chỉ báo hiệu có sự tồn tại của các vi sinh vật hay các chất hữu cơ.
Vào ngày 5.11, Ấn Độ dự kiến sẽ thực hiện sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa lần đầu tiên của mình. Tàu Mars Orbiter sẽ mang theo năm thiết bị khoa học do Ấn Độ chế tạo để nghiên cứu khí quyển sao Hỏa, nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane; chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ và tìm xem liệu có nước trên đó hay không.
Trước đó, tàu thăm dò Curiosity cũng thuộc NASA đang có mặt trên sao Hỏa đã đưa ra kết luận, hầu như không có khí methane trên hành tinh này.
Trong khi sứ mệnh mới của tàu Maven sẽ cung cấp thêm hiểu biết về việc vì sao hành tinh đỏ lại có một sự thay đổi lớn về bầu khí quyển của nó như vậy.
Bầu khí quyển sao Hỏa hiện nay quá lạnh, quá mỏng để có thể hỗ trợ cho sự hiện diện của nước ở thể lỏng, chuyên gia về khí quyển học Bruce Jakosky thuộc Đại học Colorado (Mỹ) nói với AFP.
Maven sẽ nhấn trọng tâm vào lịch sử tiến hóa của khí quyển trên sao Hỏa và tìm hiểu liệu bầu khí quyển trên đó có từng hỗ trợ cho sự sống hay không, Bruce Jakosky cho hay.
Cũng theo ông này thì con tàu trị giá 671 triệu USD, nếu bay đến quỹ đạo sao Hỏa thành công thì nó có thể đủ nhiên liệu để kéo dài hoạt động đến gần một thập niên.
Được biết, Maven là một phần của chương trình đầy tham vọng, bao gồm nhiều tàu thăm dò, và xe tự hành được phóng tới sao Hỏa để thu thập dữ liệu, nhằm dọn đường cho sứ mệnh đưa người bay đến hành tinh này sẽ diễn ra vào những năm 2030, NASA cho biết.
Tàu Maven nặng 2.453 kg sẽ được tên lửa đẩy Atlas V 401 đưa lên không gian từ Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ.
Theo TNO
Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ cất cánh Sứ mệnh khám phá sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ đã bắt đầu vào hôm nay (5.11) với việc nước này đưa tàu thăm dò của mình rời bệ phóng để nhắm đến hành tinh đỏ. Hình ảnh tên lửa rời bệ phóng trên truyền hình nhà nước Ấn Độ - Ảnh: AFP "Nó đã cất cánh", bình luận viên đài truyền...