Ấn Độ – Pakistan: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân?
Theo giới quan sát, căng thẳng giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân này đang ở mức cao nguy hiểm và thậm chí làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh nguy hiểm.
Vụ tấn công kinh hoàng hôm 14-2 khiến 40 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng đã làm căng thẳng giữa New Delhi- Islamabad gia tăng. Ảnh: Getty Images
Khi cả thế giới đang tập trung vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 ở Hà Nội, rắc rối bùng nổ giữa hai quốc gia hạt nhân khác tại khu vực Nam Á: đó là Pakistan và Ấn Độ.
Cho đến nay, bất chấp những lời kêu gọi đối thoại, bất chấp việc Pakistan đã thả phi công người Ấn Độ, căng thẳng tại khu vực biên giới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả hai quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân này đang tiến đến gần bờ vực xung đột hơn bao giờ hết trong 2 thập kỷ qua.
Điểm nóng ở Nam Á
Video đang HOT
Đúng như cam kết của Thủ tướng Imran Khan, tối 1-3, Pakistan đã trao trả phi công Ấn Độ, người điều khiển máy bay bị bắn hạ và bắt giữ trong một vụ không chiến giữa 2 nước trong tuần này. Trung tá phi công Abhinandan Varthaman được đưa đến cửa khẩu biên giới trong một phái đoàn quân sự xuất phát từ thành phố Lahore, phía tây Pakistan.
Tuy nhiên, động thái này cũng không đủ khiến căng thẳng giữa hai bên lắng dịu. Theo Press TV, trong 24 giờ qua, ít nhất 8 người thiệt mạng tại khu vực này trong đó có 2 trẻ em khi các lực lượng Ấn Độ nối lại pháo kích và bắn phá sau vài giờ tạm lắng. Theo các nguồn tin, 2 binh lính Pakistan tử nạn trong trận pháo kích từ Ranh giới kiểm soát (LoC) phía Ấn Độ – ranh giới chia cách khu vực Kashmir giữa 2 nước. Trong khi đó, ở Ấn Độ, có 2 mẹ con đã thiệt mạng vì pháo kích của Pakistan nhắm trúng ngôi nhà của họ ở vùng Poonch.
Căng thẳng bùng phát sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama hôm 14-2 khiến 40 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng. New Delhi cáo buộc Pakistan liên quan vụ tấn công này.
Khó leo thang hơn nữa?
Sau những tranh cãi, 12 máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Không quân Ấn Độ (IAF) ngày 26-2 đã vượt qua LoC – đường biên giới trên thực tế giữa Pakistan và Ấn Độ tại vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir – và ném bom phá hủy những gì mà New Dehli mô tả là trại khủng bố lớn của nhóm Jaish-e-Mohammed (JeM). Cuộc không kích phá hủy một số cơ sở ở Balakot, Chakoti, Muzaffarabad và các trung tâm chỉ huy của nhóm khủng bố JeM – nhóm nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công khủng bố ở Pulwama hôm 14-2.
Đó là cuộc không kích đầu tiên của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971. Tất nhiên, Pakistan đã không thể ngồi yên. Tổng thống Pakistan Arif Alvi cáo buộc Ấn Độ đang gây “kích động” và đã có động thái đáp trả. Islamabad đã bắn hạ 2 máy bay của Không quân Ấn Độ trong không phận nước này tại Kashmir vào ngày 27-2 và bắt giữ phi công Varthaman. Và sau đó, một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Pakistan bị các lực lượng phòng không Ấn Độ bắn hạ. Căng thẳng giữa hai quốc gia vũ trang hạt nhân đang ở mức cao nguy hiểm và thậm chí làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguy cơ này là không nhiều. Trên thực tế, New Delhi rất cẩn trọng trong cách nói và hành động trong cuộc xung đột lần này với Pakistan. Các cuộc tấn công trên không của họ chỉ nhằm vào nhóm phiến quân JeM, mặc dù Ấn Độ cũng tuyên bố rằng, Pakistan ủng hộ nhóm này. Islamabad cũng đã thả phi công Varthaman, hành động được xem “cử chỉ hòa bình” của Islamabad nhằm hạ nhiệt căng thẳng gia tăng với nước láng giềng.
Kể từ khi độc lập khỏi Anh vào năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần chiến tranh, gây ra hàng ngàn thương vong dân sự. Nhưng khi cả hai trở thành quốc gia hạt nhân vào cuối những năm 1990, họ đã phải tính toán nguy cơ có thể khiến hàng triệu người vô tội thiệt mạng nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra. Với một ràng buộc tinh thần mới dần được đặt ra, cùng với áp lực thường xuyên từ các cường quốc bên ngoài và việc sẵn sàng tuân thủ các quy tắc quốc tế, Ấn Độ và Pakistan khó có thể dễ dàng quyết định đi đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
KHẢ ANH
Theo Baocongan
OIC kêu gọi Ấn Độ, Pakistan đối thoại thông qua các biện pháp hòa bình
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới bao gồm các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm leo thang căng thẳng.
Cảnh sát Pakistan gác tại nhà ga Lahore trong thời gian tuyến đường sắt Samjhauta Express nối thành phố Lahore của Pakistan với thành phố biên giới Attari của Ấn Độ bị đình chỉ hoạt động ngày 28/2. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Theo AP, Bộ Ngoại giao Pakistan ngày 2/3 cho biết Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), tổ chức lớn nhất thế giới bao gồm các quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo, đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Ấn Độ và Pakistan giảm leo thang căng thẳng và giải quyết các vấn đề song phương "thông qua các biện pháp hòa bình."
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan cho hay, tại cuối cuộc họp ở thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tổ chức OIC bao gồm 57 nước "đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với người dân Kashmir trong sự nghiệp chính đáng của họ."
Theo tuyên bố trên, OIC đã bày tỏ quan ngại về việc "Ấn Độ xâm phạm không phận Pakistan" trong tuần qua, đồng thời khẳng định quyền tự vệ của Pakistan và kêu gọi Ấn Độ kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Nghị quyết được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Pakistan từ chối tham gia cuộc họp để phản đối quyết định mời Ấn Độ tham dự cuộc họp của OIC khi nước này không phải một thành viên của tổ chức./.
Theo Vietnam
Căng thẳng Pakistan - Ấn Độ: Đấu súng nảy lửa vùng biên giới Các cuộc đụng độ tự phát kéo dài từ đêm 1/3 giữa Pakistan và Ấn Độ gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống của người dân tại khu vực Kashmir. Các cuộc đấu súng nổ ra không ngừng nghỉ giữa binh lính Ấn Độ và Pakistan (ảnh: Sputnik). Giới chức trách Ấn Độ thông tin về các cuộc giao tranh xảy ra...