Ấn Độ hướng đến tiểu vùng Mekong
Trong khi các nước lớn chú ý đến khu vực ngoài Biển Đông thì Ấn Độ lại quan tâm đến tiểu vùng sông Mekong và đang gia tăng ảnh hưởng kinh tế với khu vực này.
Ấn Độ xem Tiểu vùng Mekong là bước đầu tiên cho chính sách hành động ở phía Đông – Ảnh: Ủy ban sông Mekong
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Đây được đánh giá là khu vực quan trọng ở vùng Đông Nam Á, tập trung các nước nằm ở hạ lưu sông Mekong chạy từ vùng núi cao ở Trung Quốc và đổ ra Biển Đông.
“Tăng cường sự hợp tác với tiểu vùng này sẽ thúc đẩy chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ”, Economic Times trích nguồn tin từ chính phủ cho hay, nhân sự kiện Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ bảy và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) diễn ra từ 22 – 23.6 ở thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar).
Video đang HOT
Hội nghị ACMECS sẽ bàn 8 nội dung chương trình hợp tác phát triển như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch, nguồn nhân lực và sức khỏe, môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự cả hai cuộc họp thượng đỉnh này.
Giá trị thương mại giữa Ấn Độ và tiểu vùng Mekong chỉ tính Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia đã tăng 10 lần trong giai đoạn 2004 – 2013, từ 1 tỉ USD lên 11,2 tỉ USD, theo Economic Times. New Dehli đã đầu tư 40,9 tỉ USD cho tiểu vùng này.
Vinh Sơn
Theo Thanhnien
Thủ tướng dự thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong tại Thái Lan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong vào ngày mai, nhằm đẩy mạnh hợp tác với các nước trong việc sử dụng bền vững nguồn nước Mekong và củng cố quan hệ với Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khi ông Chan-ocha đến thăm Việt Nam cuối tháng trước. Ảnh: Reuters
Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong (GMS) lần thứ 5 từ ngày 19 đến 20/12, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với cơ chế, thúc đẩy hợp tác khu vực và quan hệ với các nước trong tiểu vùng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế với nỗ lực quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Đây cũng là dịp để Việt Nam củng cố quan hệ Đối tác chiến lược với Thái Lan. Trong cơ chế GMS, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong các hành lang giao thông GMS và là cửa ngõ cho các tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây ven biển phía nam.
Việt Nam có vai trò trọng yếu trong việc thực hiện "Chiến lược năng lực cạnh tranh, liên kết và cộng đồng" (Chiến lược 3Cs) của GMS. Việt Nam đang thực hiện một số dự án lớn trong khuôn khổ GMS như dự án Đầu tư đường dây điện kết nối Hatxan (Lào) với Pleiku trị giá hơn 200 triệu USD, dự án Quản lý và giảm nhẹ rủi ro lũ lụt và hạn hán Tiểu vùng Mekong mở rộng, với tổng số vốn gần 64 triệu USD, xây dựng xa lộ thông tin kết nối 6 tiểu vùng.
Tính đến tháng 6, Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã thực hiện được 75 dự án đầu tư, với tổng chi phí khoảng 16 tỷ USD. Trong đó có các dự án xây dựng giao thông, cải tạo sân bay và đường sắt trong tiểu vùng, các dự án thủy điện để cung cấp điện xuyên biên giới, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Những dự án này được các nước đánh giá cao về sự đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại tiểu vùng Mekong.
GMS được hình thành năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mekong, gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc.
Khánh Lynh
Theo VNE