Ấn Độ ghi nhận thay đổi lớn khi tiêm vaccine COVID-19 đạt kỷ lục
Khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng mạnh thì số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ cũng giảm sâu xuống chỉ còn 25.166 trường hợp, mức thấp nhất kể từ ngày 16/3. Bộ Y tế Ấn Độ đã xác nhận thông tin ngày ngày 17/8.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kolkata (Ấn Độ). Ảnh: Reuters
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy nước này đã tiêm 8,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong 24 giờ qua, đạt mức kỷ lục và đang tăng tốc tới mục tiêu đến tháng 12 tiêm cho mọi công dân trưởng thành tại nước này.
Kênh Al Jazeera cho biết Ấn Độ hiện là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới với 554 triệu liều đã được phân phối. Như vậy khoảng 46% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành tại Ấn Độ đã được tiêm tối thiểu một liều vaccine. Nhưng chỉ có khoảng 13% dân số nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Theo dữ liệu từ trang CoWIN của chính phủ Ấn Độ, sau khi đạt mức kỷ lục tiêm 9,2 triệu liều trong ngày 21/6, tỷ lệ tiêm chủng theo ngày tại Ấn Độ đã giảm trung bình còn 4,2 triệu liều/ngày trong tháng 7
Trong 2 tuần đầu tháng 8, Ấn Độ tiêm trung bình khoảng 5 triệu mũi vaccine COVID-19 mỗi ngày. Các chuyên gia đánh giá rằng Ấn Độ cần tiêm 10 triệu liều mỗi ngày để đạt mục tiêu đề ra trong tháng 12.
Tính đến ngày 17/8, tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã đạt con số 32,25 triệu trường hợp, đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ có 437 trường hợp tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 432.079 trường hợp.
Thế giới có trên 186,6 triệu người mắc COVID-19 đã bình phục
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 16/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 208.198.857 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.378.951 bệnh nhân đã tử vong.
Hiện số bệnh nhân phục hồi là 186.656.850 người trong khi số bệnh nhân phải điều trị là 17.163.056 người.
Video đang HOT
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 20/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới khi ghi nhận 37.468.069 ca mắc và 637.561 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 32.239.249 ca mắc, trong đó có 431.900 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 569.218 ca tử vong trong tổng số 20.364.099 ca mắc.
Diễn biến dịch tại châu Á vẫn phức tạp. Bộ Y tế Lào ngày 16/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 349 ca mới, trong đó ngoài 312 ca nhập cảnh được cách ly ngay còn có 37 ca cộng đồng.
Các nhân viên y tế tại một điểm tiêm ở thủ đô Vientiane kiểm tra sức khỏe cho người dân trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Liên quan đến ca mắc COVID-19 là người Việt được công bố ngày 15/8, hiện nhà chức trách Lào đã quy định phường Hongke, quận Xaysettha, thủ đô Viêng Chăn - nơi ở của trường hợp này là vùng đỏ và chuẩn bị tiến hành xét nghiệm các trường hợp có liên quan. Đồng thời, Đại diện Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn cũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan y tế tổ chức điểm lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho những người có liên quan đến trường hợp người Việt nói trên vào ngày 17/8. Trước tính hình này, giới chức Lào đã quyết định gia hạn việc đóng cửa các trường học tại thủ đô Viêng Chăn. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 10.441 ca, trong đó có 9 người tử vong.
Tại Campuchia, số ca mới tăng ngày thứ ba liên tiếp sau khi biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại ngày 13/8 và điều này đồng nghĩa với việc chuỗi hai tuần giảm ca mắc COVID-19 trước đó đã chấm dứt. Theo đó, Campuchia thông cáo xác nhận có thêm 21 ca tử vong và 593 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 236 ca nhập cảnh - mức cao nhất kể từ khi biên giới Campuchia-Thái Lan mở cửa trở lại và con số này dự kiến còn tăng mạnh hơn trong những ngày tới. Tính đến ngày 16/8, Campuchia ghi nhận 86.041 ca mắc COVID-19, trong đó 81.202 người đã hồi phục và 1.704 người tử vong.
Xe cứu thương chở bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng với việc phong tỏa các khu vực có ca nhiễm biến thể Delta, Campuchia tiếp tục đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường thứ ba bằng vaccine của hãng AstraZeneca cho lực lượng tuyến đầu đã tiêm 2 mũi vaccine của Sinopharm hoặc Sinovac trước đó. Theo kế hoạch, tất cả lao động Campuchia trên 18 tuổi trở về từ Thái Lan sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tính đến ngày 15/8, Campuchia đã tiêm vaccine COVID-19 cho tổng cộng 9.020.990 người.
Cùng ngày, Thái Lan đã gia hạn phong tỏa đến cuối tháng này đối với 29 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ 3. Tuy nhiên các hạn chế được nới lỏng đối với ngân hàng và dịch vụ tài chính khác hoạt động trong các trung tâm thương mại. Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan ngày 16/8 xác nhận rằng lệnh phong tỏa vẫn sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 31/8 tại các tỉnh được khoanh vùng đỏ sẫm do sự gia tăng liên tục của các ca mắc COVID-19, trong đó có cả thủ đô Bangkok. Các chi nhánh ngân hàng và văn phòng tài chính phi ngân hàng tại các trung tâm thương mại sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 18/8 cho đến cuối tháng.
Sáng 16/8, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 21.157 ca mới và 128 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 928.314 ca, trong đó có 7.734 người không qua khỏi.
Cảnh vắng vẻ tại một ngân hàng ở Hong Kong, Trung Quốc khi nhà chức trách phát hiện các trường hợp mắc COVID-19, ngày 17/3/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong khi đó, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa 15 nước, gồm Bangladesh, Campuchia, Pháp, Hy Lạp, Iran, Malaysia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Tanzania, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Mỹ, từ nhóm có nguy cơ trung bình lên nhóm có nguy cơ cao về dịch COVID-19 từ ngày 20/8. Đây đều là những nước có số ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, do đó người nước ngoài từ các nước này nhập cảnh vảo Hong Kong sẽ phải cách ly lâu hơn trước đây.
Theo danh sách các nước có nguy cơ trung bình của Hong Kong có thêm Australia, vốn trước đó được xếp ở mức nguy cơ thấp. Theo đó, từ ngày 20/8, ngay cả những người đã tiêm vaccine đến từ Australia sẽ phải cách ly 14 ngày, trừ khi kết quả xét nghiệm sau khi nhập cảnh cho thấy có kháng thể sẽ được giảm thời gian xuống còn 7 ngày.
Các nước gồm Brazil, Ấn Độ và Anh vẫn giữ nguyên xếp hạng nguy cơ cao, tuy nhiên chính quyền Hong Kong nới lỏng các biện pháp đối với những người đến từ phần lớn các nước khác, với hi vọng sẽ gia tăng đi lại quốc tế của người dân Hong Kong cũng như đón thêm nhiều du khách nước ngoài.
Hong Kong nhìn chung kiểm soát được dịch với hầu như không có ca lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên số ca nhập cảnh đã tăng trong 2 tháng qua. Đến nay, đặc khu này ghi nhận khoảng 12.000 ca bệnh.
Trong khi đó, Chính quyền Khu Hành chính Đặc biệt Macau (SAR) thuộc Trung Quốc, thông báo sẽ mở cửa trở lại một số cơ sở giải trí vào ngày 18/8 tới trong bối cảnh tình hình COVID-19 nơi đây thuyên giảm. Tuy nhiên, chính quyền Macau cũng kêu gọi các cơ sở giải trí tiến hành tẩy trùng trước khi mở cửa đón khách và kiểm tra chặt chẽ hồ sơ sức khoẻ của khách hàng. Ngày 16/8 là ngày thứ 13 liên tiếp, Macau không ghi nhận ca mắc mới nào.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Nhật Bản, đài truyền hình NHK đưa tin chính phủ nước này sẽ tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh nữa, ngoài Tokyo và 5 khu vực khác, trong giai đoạn từ ngày 20/8-12/9. Các tỉnh trong danh sách này gồm Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka, quyết định trên dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/8. Ngoài ra, tình trạng khẩn cấp áp dụng đến ngày 31/8 đối với thủ đô Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Chiba, Saitama, Osaka và Okinawa cũng sẽ được gia hạn đến ngày 12/9.
Israel ngày 16/8 đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại tới 8 nước là Uzbekistan, Argentina, Belarus, Nam Phi, Vương quốc Anh, Kyrgyzstan, CH Cyprus và Nga. Tuy nhiên, nước này sẽ vẫn duy trì lệnh cấm người dân nước này tới Brazil, Gruzia, Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và bổ sung thêm Bulgaria vào danh sách do số ca mắc COVID-19 ở nước này tăng mạnh trong thời gian gần đây. Công dân Israel và thường trú nhân ở Israel muốn tới 6 nước trên phải nộp đơn lên một ủy ban xem xét các trường hợp ngoại lệ.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Melbourne, bang Victoria, Australia khi biện pháp phong tỏa được gia hạn để phòng chống dịch COVID-19 ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Cùng ngày, Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Australia - đã ban bố lệnh giới nghiêm phòng ngừa COVID-19 trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Theo quyết định, người dân không được ra khỏi nhà từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu áp dụng từ tối 16/8 đến ngày 2/9. Những người làm các công việc thiết yếu phải có giấy phép đi đường.
Tại Mỹ, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Francis Collins cảnh báo do sự lây lan của biến thể Delta, số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hằng ngày có thể vượt 200.000 ca trong vài tuần tới. Theo ông Collins, Mỹ đang lâm vào khủng hoảng khi có tới 90 triệu người vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và việc số ca nhiễm mới quay trở lại mốc 200.000 ca/ngày mặc dù là điều không mong đợi, song là hiện thực phải đối mặt. Ông cho rằng "cần làm mọi thứ có thể" ở thời điểm hiện tại để xoay chuyển tình thế.
Giám đốc Collins bày tỏ quan ngại về thực trạng số bệnh nhi mắc COVID-19 nhập viện điều trị tăng mạnh, hiện đã lên tới gần 2.000 ca, trong đó có nhiều ca đang phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Đáng báo động, trong đó có cả những bệnh nhi dưới 4 tuổi. Ông cho biết thêm đã có ít nhất 400 trẻ em tử vong tại Mỹ trong đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Belgrade, Serbia. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Lao động Serbia - bà Darija Kisic Tepavcevic thông báo các cơ quan y tế nước này đã cho phép tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, đội ngũ nhân viên y tế và những người đã được tiêm vaccine ít nhất 6 tháng trước đây. Theo đó, việc tiêm mũi tăng cường sẽ được triển khai từ ngày 17/8. Serbia đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 mới, với mức độ bình quân 900 ca/ngày trong tuần qua do biến thể Delta. Hiện quốc gia này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 50% trong tổng số dân khoảng 7 triệu người.
Serbia đến nay đã ghi nhận tổng cộng 732.044 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.167 người tử vong.
Tiêm kết hợp vaccine Covishield, Covaxin có thể mang lại hiệu quả cao hơn Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo việc tiêm kết hợp vaccine Covishield và Covaxin, 2 loại vaccine chủ lực trong chương trình tiêm phòng COVID-19 của Ấn Độ, có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Vaccine Covaxin phòng COVID-19 tại bệnh viện ở Kolkata, Ấn Độ, ngày 3/2/2021. Ảnh: AFP/...