Ấn Độ dùng vaccine COVID-19 hâm nóng quan hệ với Bangladesh
Ấn Độ đảm bảo với Bangladesh sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho quốc gia láng giềng.
Một nhân viên tại Bệnh viện Cao đẳng Y Mugda ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: AFP
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Bangladesh Sheikh Hasina đã gặp gỡ qua hội nghị trực tuyến ngày 17/12. Ông Modi nói: “Ấn Độ và Bangladesh đang hợp tác tốt về vaccine phòng COVID-19″. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng bổ sung rằng New Delhi sẽ “chú ý đặc biệt” tới những yêu cầu của Bangladesh.
Trong khi đó, bà Sheikh Hasina nói rằng Ấn Độ cùng Bangladesh có thể cùng tăng chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách hòa nhập hai nền kinh tế. Bà cũng tuyên bố khánh thành tuyến đường sắt xuyên biên giới Chilahati-Haldibari nối hai quốc gia, vốn đã ngừng hoạt động từ năm 1965.
Giáo sư Delwar Hossain tại Đại học Dhaka (Bangladesh) đánh giá: “Hiện nay COVID-19 đã đưa Ấn Độ xích lại gần Bangladesh một lần nữa”. Công ty dược Beximco của Bangladesh đã ký một thỏa thuận với Viện Serum (Ấn Độ) trong tháng 11 để nhận 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Viện Serum là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Đơn vị 53 năm tuổi đời này sản xuất 1,5 tỷ liều vaccine mỗi năm với 2 cơ sở sản xuất chính đặt tại thành phố Pune (Ấn Độ). Viện Serum Ấn Độ còn vận hành 2 nhà máy sản xuất vaccine nhỏ tại Hà Lan và CH Séc. Có tổng cộng 7.000 nhân lực đang làm việc cho Viện Serum Ấn Độ nhằm cung cấp vaccine cho 165 quốc gia. 80% vaccine Viện Serum Ấn Độ sản xuất được xuất khẩu với giá thành được coi là rẻ nhất trên thế giới.
Tháng 12/2019, Ngoại trưởng Bangladesh AK Abdul Momen và Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan đều hoãn chuyến thăm Ấn Độ sau khi xảy ra biểu tình tại nước này liên quan đến luật công dân mới cho phép cấp quốc tịch đối với người nhập cư không giấy tờ, dựa trên khu vực.
Video đang HOT
Ấn Độ đã có động thái nỗ lực hàn gắn quan hệ với Bangladesh. Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla đã đến thăm Bangladesh hai lần trong năm nay. Chuyến thăm thứ hai diễn ra vào tháng 8 khi Ấn Độ căng thẳng ở biên giới với Trung Quốc – quốc gia vốn cam kết đầu tư 40 tỷ USD vào Bangladesh.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/12, Ấn Độ và Bangladesh đã ký 7 thỏa thuận liên quan đến thương mại, năng lượng và nông nghiệp. Kim ngạch thương mại thường niên giữa Ấn Độ và Bangladesh đạt vào khoảng 10,25 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019.
Trung Quốc gây lo ngại vì dự án đập thủy điện lớn gấp ba Tam Hiệp
Trung Quốc lên kế hoạch xây đập trên sông Yarlung Zangbo, Tây Tạng, với sản lượng điện lớn gấp ba đập Tam Hiệp, gây lo ngại cho Ấn Độ, Bangladesh.
Quan chức Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng đập để kiểm soát dòng chảy của sông chảy vào phía đông bắc Ấn Độ, cắt nguồn cung cấp, gây khan hiếm nước hoặc đột ngột xả nước gây lũ quét. Tại Bangladesh, các chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể xây đập để chuyển dòng chảy, gây khan hiếm nước ở hạ lưu.
Yarlung Zangbo chảy về hướng đông, kéo dài qua nam Tây Tạng khoảng 1.600 km, sau đó rẽ về hướng nam tại khúc uốn quanh Great Bend để chảy vào Ấn Độ. Ở Ấn Độ, sông chảy qua các bang Arunachal Pradesh, được gọi là sông Siang, và Assam, được gọi là sông Brahmaputra, trước khi đổ vào Bangladesh. Sau khi nhập vào sông Ganga ở Bangladesh, sông đổ ra Vịnh Bengal.
Ảnh chụp từ trên cao hồi tháng 6 cho thấy một khu rừng trú phòng hộ dọc sông Yarlung Zangbo ở khu tự trị Tây Tạng, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Xinhua .
Con đập có thể sẽ được xây dựng tại Great Bend. Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (POWERCHINA ) Yan Zhiyong hôm 6/12 cho biết họ sẽ xây dựng con đập.
"Việc khai thác thủy điện 60 triệu kWh ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo có thể cung cấp 300 tỷ kWh điện sạch, có thể tái tạo và không carbon" hàng năm, đóng một vai trò quan trọng "giúp Trung Quốc đạt đỉnh phát thải carbon trước năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060", Yan cho hay.
Sản lượng thủy điện dự án này dự kiến cao gấp ba lần đập Tam Hiệp, nơi có công suất thủy điện lắp đặt lớn nhất trên thế giới. Yan mô tả dự án đập là "một cơ hội lịch sử cho ngành thủy điện Trung Quốc".
Nhưng các nước ở hạ lưu kém lạc quan hơn. Có những lo ngại rằng con đập của Trung Quốc sẽ "tác động sâu rộng đến an ninh nguồn nước của vùng đông bắc Ấn Độ", thậm chí giúp Bắc Kinh "kìm hãm nền kinh tế Ấn Độ".
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố các nước hạ lưu không cần "lo lắng" về việc xây dựng đập của họ và cam kết sẽ liên lạc đầy đủ.
"Khi sử dụng và phát triển các con sông xuyên biên giới, Trung Quốc luôn hành động có trách nhiệm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
Những người ủng hộ dự án đưa ra thực tế rằng thể tích sông Brahmaputra không phụ thuộc quá nhiều bởi nước chảy từ Tây Tạng, mà do các nhánh sông bắt nguồn từ bang Arunachal Pradesh. Điều này có nghĩa ngay cả khi Trung Quốc trữ nước tại đập họ định xây ở Great Bend, dòng nước của Brahmaputra sẽ không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Ngoài ra, đập được đề xuất sẽ là dự án thủy điện dòng chảy, do đó không cần trữ lượng nước lớn trong hồ chứa.
Tuy nhiên, những đảm bảo như vậy khó có thể làm dịu đi những lo ngại của Ấn Độ về con đập. Thứ nhất, đây không phải con đập đầu tiên Trung Quốc dự kiến xây trên Yarlung Zangbo, mà là đập thứ năm. Ngoài dự án thủy điện Zangmu bắt đầu hoạt động năm 2015, các con đập đang được xây tại Dagu, Jiexu và Jiacha. Do đó, nhiều khả năng sẽ có nhiều đập hơn trong những năm tới.
Dòng chảy của sông Yarlung Zangbo (màu xanh dương) qua Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và vị trí đập (màu đỏ) dự kiến được xây ở huyện Medog, Tây Tạng. Đồ họa: TBS News .
Hơn nữa, Trung Quốc bị cáo buộc không minh bạch về hoạt động xây dựng đập. Bắc Kinh liên tục phủ nhận kế hoạch xây đập ở Zangmu suốt vài năm, sau đó tiếp tục xây thêm một dự án thủy điện tại đó. Sự thiếu minh bạch đối với các dự án đập khiến Ấn Độ lo ngại rằng dù khẳng định con đập mới trên Yarlung Zangbo là dự án thủy điện, Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển nước cho nông nghiệp và các mục đích khác.
Trong khi đó, Ấn Độ đang đẩy mạnh kế hoạch cho các dự án thủy điện và trữ nước ở phía đông bắc đất nước. Họ đã công bố kế hoạch xây dự án thủy điện 10 gigawatt ở Arunachal Pradesh. Dự án không chỉ nhằm tạo ra điện mà còn để trữ nước, dường như "nhằm bù đắp tác động của các con đập Trung Quốc đối với dòng chảy".
Các chuyên gia Bangladesh cho rằng tác động của đập Trung Quốc đối với Ấn Độ sẽ lớn hơn đối với Bangladesh. Tuy nhiên, với tư cách là quốc gia nằm ở hạ nguồn, Bangladesh sẽ phải gánh chịu những tác động lớn từ hoạt động xây đập của cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Những yếu tố khiến doanh số vũ khí Trung Quốc đứng thứ hai thế giới Quá trình hiện đại hóa quân đội và hợp tác quốc phòng với các nước ở châu Á, châu Phi khiến doanh số vũ khí của Trung Quốc tăng cao. Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 6/12 cho biết 4 doanh nghiệp Trung Quốc lọt danh sách 25 tập đoàn quốc phòng bán được nhiều vũ khí nhất thế...