Ấn Độ đóng siêu hàng không mẫu hạm
Với sự hỗ trợ từ Mỹ, Ấn Độ đang nỗ lực đóng chiến hạm lớn nhất lịch sử nước này để trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay mũi bằng.
Hình ảnh ý tưởng thiết kế của tàu INS Vishal – Ảnh: Sina
Hải quân Ấn Độ hiện đang sở hữu 2 tàu sân bay là INS Viraat và INS Vikramaditya. INS Viraat hạ thủy năm 1944, được mua lại từ Anh năm 1986 và là tàu sân bay “cổ” nhất thế giới còn đang hoạt động. INS Vikramaditya, có độ choán nước 45.000 tấn, thì được biên chế cuối năm 2013 nhưng cũng là tàu cũ từ thời Liên Xô do Nga nâng cấp và bán lại với giá 2,35 tỉ USD.
Rõ ràng những gì đang có chưa thể đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ vươn lên trở thành một cường quốc hàng đầu cũng như bảo vệ lợi ích trong các vùng biển đang nhiều biến động ở khu vực. Vì thế, mục tiêu của Ấn Độ là có thêm ít nhất 2 tàu sân bay mới. Trong đó, INS Vikrant sẽ được biên chế vào năm 2017. Tuy nhiên, tàu này vẫn sử dụng công nghệ phóng máy bay kiểu cũ với thiết kế mũi tàu hếch lên. Ngoài ra, với độ choán nước 40.000 tấn, INS Vikrant thuộc loại tàu sân bay kích cỡ trung bình.
Hiện các chuyên gia quân sự và giới tướng lĩnh Ấn Độ đang đặt kỳ vọng lớn vào dự án tàu sân bay INS Vishal. Có độ choán nước ít nhất 65.000 tấn, INS Vishal khi hoạt động vào thập niên 2020 sẽ trở thành chiến hạm lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ và cũng là chiếc đầu tiên tại châu Á từ sau Thế chiến 2 có thể được xếp vào nhóm siêu hàng không mẫu hạm.
Hàng “hảo hạng” từ Mỹ
Những năm gần đây, xuất phát từ tình hình khu vực và nhu cầu chiến lược của mỗi bên, Ấn Độ và Mỹ ngày càng đẩy mạnh hợp tác về nhiều mặt, đặc biệt là quốc phòng và an ninh biển. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm, hai bên đã nhất trí thành lập Nhóm công tác tàu sân bay nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thiết kế và phát triển loại tàu này.
Đến tháng 5, tờ The Economic Times dẫn lời Tư lệnh hải quân Ấn Độ Robin Dhowan xác nhận đang xúc tiến dự án INS Vishal với ngân sách cho các bước nghiên cứu sơ bộ khoảng hơn 5 triệu USD, trong khi một số quan chức khác khẳng định tàu sẽ được đóng với sự trợ giúp công nghệ từ Mỹ. Giám đốc Cơ quan Mua sắm vũ khí, công nghệ và hậu cần Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall còn “chốt hạ”: “Chúng tôi không thấy trở ngại gì trong việc cung cấp các thiết bị hiện đại nhất cho tàu sân bay Ấn Độ. Họ chỉ cần nói ra điều mình cần”.
Trong cuộc họp đầu tiên hồi tháng 8 của Nhóm công tác tàu sân bay, phía Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới Hệ thống phóng phi cơ điện từ (EMALS). Được đánh giá là công nghệ phóng máy bay tân tiến nhất hiện nay, EMALS giúp tăng 25% số lần xuất kích của chiến đấu cơ mỗi ngày so với công nghệ CATOBAR phổ biến trên các tàu sân bay mũi bằng, và đương nhiên là vượt xa hệ thống phóng kiểu cũ của hàng không mẫu hạm mũi hếch.
Video đang HOT
Theo Reuters, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Tập đoàn GE – nhà phát triển EMALS – trình diễn công nghệ này cho các chuyên gia và sĩ quan Ấn Độ. Mới đây nhất, việc chuyển giao công nghệ EMALS và dự án INS Vishal tiếp tục được thảo luận trong chuyến thăm Washington D.C hôm 10.12 của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Tàu sân bay mũi hếch kiểu cũ, chẳng hạn như tàu Liêu Ninh của Trung Quốc, dễ đóng hơn và có chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, hạn chế lớn là phải giảm diện tích sàn đậu máy bay, không cho phép chiến đấu cơ cất cánh với lượng nhiên liệu tối đa hoặc chở quá nhiều vũ khí đồng thời đòi hỏi tàu phải di chuyển với tốc độ nhất định thì máy bay mới có thể cất cánh.
Ngược lại, EMALS đắt đỏ và phức tạp hơn nhưng giúp phóng máy bay nhanh hơn, nhiều hơn kể cả khi tàu đứng yên, đồng thời hỗ trợ kiểm soát dễ dàng hơn trong quá trình phóng bằng cách cho phép máy bay tăng tốc dần đều và liên tục. Mặt khác, chưa cần tới EMALS mà chỉ cần Mỹ hỗ trợ lắp đặt hệ thống phóng CATOBAR là đã đủ cho Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu tàu sân bay mũi bằng.
Ưu thế vượt trội
Sức mạnh của tàu sân bay phụ thuộc khá nhiều vào tốc độ triển khai và phạm vi hoạt động của các phi cơ chở theo. Do đó, nếu sở hữu được công nghệ tân tiến của Mỹ thì INS Vishal sẽ tạo ra khoảng cách đáng kể về thực lực so với tàu sân bay Trung Quốc, vốn được cho là sắp hoàn thành sơ bộ tàu sân bay nội địa đầu tiên. Dù theo truyền thông Trung Quốc, nước này đang nỗ lực xây dựng một hệ thống phóng giúp đẩy nhanh tốc độ xuất kích của máy bay so với công nghệ hiện dùng trên tàu Liêu Ninh nhưng các chuyên gia nước ngoài vẫn tỏ ra nghi ngờ. Lý do là Trung Quốc chưa có kinh nghiệm lẫn chuyên môn để thiết kế tàu sân bay cỡ lớn, bao gồm cả hệ thống đẩy. Hàng không mẫu hạm thứ hai cũng bị cho là vẫn dựa nhiều vào công nghệ cũ kỹ từ chiếc Liêu Ninh.
Mặt khác, Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời các chuyên gia chỉ ra rằng hiện tại Trung Quốc đang trang bị cho Liêu Ninh các chiến đấu cơ J-15 khá nặng và “to con”, trong khi hệ thống cất – hạ cánh của tàu lại cũ kỹ, mũi hếch lên khiến không có nhiều chỗ đậu. Vì thế, hiện tàu Liêu Ninh chỉ chở được từ 12 – 18 chiến đấu cơ. Trong khi đó, mỗi tàu sân bay Ấn Độ có thể tiếp nhận từ 16 – 20 máy bay nhờ sử dụng phi đội MiG-29K gọn nhẹ nhưng có sức chiến đấu mạnh mẽ.
Riêng các tàu đóng mới nếu được trang bị EMALS sẽ có thể gia tăng số lượng máy bay lên 50 chiếc, triển khai được cả những máy bay quân sự hạng nặng như máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không.
Danh Toại
Theo Thanhnien
Tàu sân bay độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á
Khủng hoảng tài chính năm 1997 và những cuộc binh biến sau đó tại Thái Lan đẩy tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á vào tình trạng sống dở chết dở.
HTMS Chakri Naruebet (giữa) chủ yếu đóng vai trò là điểm tham quan của du khách - Ảnh: Reuters
Trong một giai đoạn ngắn ngủi vào cuối thập niên 1990, Thái Lan là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á sở hữu một trong những biểu tượng quyền lực tối thượng của sức mạnh hải quân: hàng không mẫu hạm.
Tàu sân bay mang tên HTMS Chakri Naruebet, do chính vua Bhumibol Adulyadej đặt tên, có nghĩa là "Quyền lực tối cao của vương triều Chakri". Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã làm trì hoãn những kế hoạch lớn lao của hải quân Hoàng gia Thái Lan (RNT) đối với con tàu này.
Vũ khí nghèo nàn
HTMS Chakri Naruebet là tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của RNT, cũng là hàng không mẫu hạm nhỏ nhất trên thế giới.
Theo hợp đồng ký kết năm 1992, HTMS Chakri Naruebet được đóng mới tại xưởng tàu Ferrol, Tây Ban Nha, với chủ thầu là Izar EN Bazan trong giai đoạn 1994 - 1996, dựa trên thiết kế của tàu kiểm soát biển Mỹ (SCS). Chi phí đóng tàu ước tính vào khoảng 257 triệu USD, hoặc 365 triệu USD nếu được trang bị đầy đủ các hệ thống tác chiến, theo trang Global Security.
Tàu HTMS Chakri Naruebet hạ thủy vào ngày 20.2.1996, và các chuyến thử nghiệm trên biển diễn ra từ tháng 10 - 11.1996 trước khi chuyển giao vào tháng 3.1997. Đặc biệt, một số phòng trên tàu được thiết kế dành riêng cho Hoàng gia Thái Lan.
Là phiên bản đơn giản hơn của tàu sân bay Tây Ban Nha Principe de Asturias, HTMS Chakri Naruebet được trang bị bệ phóng kiểu nhảy cầu (ski-jump) dành riêng cho dòng máy bay Harrier. Độ choán nước của tàu ở mức 11.485,5 tấn, độ dài 182,6 m, mang theo thủy thủ đoàn gồm 600 người. Các thông số khác bao gồm tốc độ tối đa đạt 26,2 hải lý, trong khi vận tốc hành trình 17,2 hải lý. Tầm hoạt động ước tính là 10.000 hải lý nếu di chuyển ở vận tốc 12 hải lý.
Về mặt vũ khí, kế hoạch ban đầu là tàu sẽ dần được bổ sung 4 hệ thống vũ khí Phalanx của Raytheon/General Dynamics, 2 khẩu pháo 30 ly và tên lửa Sea Sparrow. Trong đó, Phalanx là pháo cận chiến 20 ly có khả năng nã đạn với tốc độ 3.000 viên/phút vào mục tiêu ở khoảng cách tối đa là 1,5 km. Tuy nhiên, do trở ngại về tài chính, RNT buộc phải ngưng lắp các hệ thống pháo cận chiến, mà thay vào đó chỉ còn lại hệ thống tên lửa hồng ngoại Mistral với tầm bắn tối đa 4 km. Các hệ thống radar 2D và 3D cũng bị loại bỏ, cùng với thiết bị sonar và hệ thống tác chiến điện tử... Kết quả là khi được chuyển giao vào năm 1997, chiếc tàu chỉ được trang bị vỏn vẹn những hệ thống điện tử cơ bản nhất.
Biểu tượng "làm cảnh"
Như đã nói ở trên, nếu không được trang bị vỏ thiết giáp, cảm biến và hệ thống chiến đấu, HTMS Chakri Naruebet sẽ phải dựa dẫm hoàn toàn vào các tàu hộ tống về khoản tự vệ. RNT vẫn thiếu tàu ngầm theo bảo vệ, nên con tàu phụ thuộc vào các tàu mặt nước để chống chọi trước các cuộc tấn công trên mặt biển hoặc trong lòng biển.
Dù vậy, HTMS Chakri Naruebet được thiết kế để chở theo phi đội gồm 8 chiếc AV-8S Matador/Harrier, tức dòng máy bay phản lực lên thẳng. Đây là dòng chiến đấu cơ có thể cất/hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn. Bên cạnh đó, hàng không mẫu hạm của Thái Lan cũng có chỗ cho từ 4 - 6 trực thăng S-70B Seahawk, kèm theo tối đa 14 trực thăng khác, như Sikorsky Sea King, Sikorsky S-76 và CH-47 Chinook.
Vào năm 1997, HTMS Chakri Naruebet được trang bị 7 chiếc Matador, phiên bản xuất khẩu đầu tiên của Harrier, kèm theo 2 chiếc TAV-8S dành cho công tác huấn luyện. Các chiếc Matador này vốn là hàng "second hand" được hải quân Tây Ban Nha chuyển giao lại và đến năm 1999, chỉ có một chiếc hoạt động được. Vì vậy, RTN buộc phải tìm kiếm linh kiện của các dòng Harrier đời đầu khác để tiến hành sửa chữa. Đến năm 2003, RTN nỗ lực mua thêm vài chiếc Harrier thế hệ thứ hai từ Anh nhưng bất thành. Trong khoảng thời gian này, tàu sân bay Thái Lan chủ yếu nằm bờ vì thiếu kinh phí ra khơi.
Rốt cuộc, toàn bộ phi đội Matador già cỗi được cho "về hưu" vào năm 2006. Đây cũng là thời điểm quân đội Thái Lan tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Những biến động hậu đảo chính ngay lập tức khiến Thái Lan rơi vào tình trạng thiếu hụt ngân sách. Và cho đến nay, HTMS Chakri Naruebet chỉ còn lại một cái khung hàng không mẫu hạm mà thiếu hẳn phi đội máy bay/trực thăng cần thiết để tác chiến.
Hiện chiếc tàu trở thành địa điểm tham quan cho du khách tại Pattaya, tỉnh Chon Buri, theo tờ The Bangkok Post. Bất chấp số phận hẩm hiu của tàu sân bay đầu tiên ở Thái Lan, quyết định "tậu" hàng không mẫu hạm của quốc gia Đông Nam Á này được đánh giá là một bước ngoặt cho khu vực Đông Á. Trang Global Security nhận định động thái của Bangkok nhiều khả năng đã kích thích các nước như Nhật Bản và Trung Quốc cân nhắc khả năng sở hữu vũ khí tối thượng trên biển.
Những sứ mệnh nhân đạo
Do thiếu ngân sách để hoàn thiện năng lực, HTMS Chakri Naruebet không được triển khai để hỗ trợ sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc tại Đông Timor. Tuy nhiên, chiếc tàu từng nhận nhiệm vụ tham gia hỗ trợ và giải cứu nạn nhân trong thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương vào năm 2004, cũng như được điều động khi Thái Lan bị ảnh hưởng lũ lụt vào năm 2010 và 2011. Mới đây, vào ngày 25.4.2015, Thái Lan đã triển khai tàu HTMS Chakri Naruebet trong phạm vi lãnh hải của nước này để đóng vai trò là trung tâm y tế tạm thời để ứng cứu những trường hợp di dân gặp nạn trên biển.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Tàu chiến Nga đến Ấn Độ tập trận chung Một nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã đến Ấn Độ để tham gia tập trận chung với Hải quân Ấn Độ nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hải quân 2 nước. Tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đến Ấn Độ tập trận chung - Ảnh minh họa: Reuters Cuộc tập trận chung...