Ấn Độ đọ súng Pakistan: Trung Quốc tăng cường áp sát
Ngày 23/8/2014, biên giới của Ấn Độ với Pakistan một lần nữa đỏ lửa. Hiện tại Ấn Độ buộc phải gồng minh đối diện với hai mặt giáp công TQ-Pakistan.
Trung Quốc điều quân áp sát Ấn Độ
Ngày 23/8 vừa qua, binh sĩ Ấn Độ và Pakista đã xảy ra cuộc đọ pháo nảy lửa ở biên giới Kashmir khiến 4 người thiệt mạng và 4 người bị thương. Trong đó, Ấn Độ tử vong hai dân thường và bốn binh sỹ bị thương. Pakistan tử vong 2 binh sỹ.
Ấn Độ lập tức đã lên tiếng chỉ trích trên truyền hình quốc gia và qua các kênh ngoại giao rằng quân đội Pakistan đã phá bỏ lệnh ngừng bắn và nã pháo vào 10 đồn biên phòng, 3 ngôi làng ở Ranbir Singh Pura.
Đáp lại lời cáo buộc của Ấn Độ, Pakistan cũng gửi đi thông điệp: “Hôm nay, lực lượng biên phòng Ấn Độ lại nã pháo không có lý do vào vùng lãnh thổ của Pakistan khiến hai người tử vong.”
Dù không biết bên nào đã nổ súng trước, nhưng câu chuyện về việc hai bên pháo kích sang nhau, và những màn tranh cãi của hai nhà nước tiếp theo sau đó đã quá quen thuộc trong mối quan hệ Ấn Độ – Pakistan.
Video đang HOT
Biên giới phía bắc của Ấn Độ giáp với hai quốc gia Trung Quốc và Pakistan. (Ảnh vệ tinh google)
Lịch sử đã để lại cho hai quốc gia này những mối thù hận không thể hòa giải, và khu vực Kashmir tranh chấp giữa hai bên luôn là lý do để họ luôn sẵn sàng nhả đạn vào nhau. Tuy nhiên, cuộc đấu súng lần này có vẻ như khá trùng hợp và ẩn chứa nhiều nguyên nhân.
Vừa qua, Trung Quốc có hành động đưa quân vào vùng lãnh thổ mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, ngay lập tức, New Dehli đã điều một lực lượng lớn quân đội đến khu vực này, bao gồm nhiều xe tăng chủ lực và các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần, cũng như gia tăng số lượng binh sĩ ở đây.
Cuộc đọ súng xảy ra ở biên giới với Pakistan đã khiến Ấn Độ phải nhìn nhận một vấn đề thực sự nguy hại rằng họ đang phải đối mặt với hai mũi giáp công ở khu vực biên giới này, khi đông bắc giáp với Trung Quốc và tây bắc giáp với Pakistan.
Thế chân vạc ở Tây Á
Hiện tại, Ấn Độ đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ với hai quốc gia là Trung Quốc và Pakistan. Nhưng không may cho cường quốc thứ ba châu Á này khi hai đối thủ của họ đang trong thời kỳ quan hệ đầy mặn nồng.
Sự hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc đã trở thành toàn diện từ kinh tế cho đến quân sự. Đặc biệt trong bối cảnh Pakistan ngày càng lạnh nhạt trong mối quan hệ với nước Mỹ.
Lính biên phòng Ấn Độ tuần tra tại biên giới với Pakistan
Năm 2012, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain đã đặt bút ký một hiệp định thành lập hành lang kinh tế chiến lược. Đồng thời đưa ra đề xuất 5 điểm để nâng cao khả năng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Cho đến tận năm 2014, người ta vẫn thấy những biểu ngữ, khẩu hiệu chào đón sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Islamabad trên đường phố Thủ đô Pakistan.
Theo đó, Trung Quốc sẽ hỗ trợ Pakistan về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, đầu tư công nghiệp và khoa học công nghệ. Số liệu của Islamabad cho thấy kim ngạch thương mại Trung Quốc-Pakistan đã lần đầu tiên chạm ngưỡng 12 tỷ USD hồi năm 2012, tăng 18% so với năm 2011. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai bên vượt ngưỡng 15 tỷ USD và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vào năm tiếp theo.
Ngoài kinh tế, Trung Quốc đang dần trở thành một đối tác quân sự quan trọng của Pakistan. Islamabad đã có kế hoạch mua một loạt máy bay J-10B của Trung Quốc thay vì mua những chiếc F-16C của Mỹ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh không quân của mình. Việc đàm phán về giá trị hợp đồng sẽ kết thúc trước khi hết năm 2014.
Lính biên phòng Trung Quốc tập luyện tại biên giới với Ấn Độ
Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà thầu cung cấp cho Pakistan những tàu ngầm điện Diesel, sau khi quốc gia này loay hoay tìm nguồn cung từ Đức hay Mỹ nhưng không thành công vì giá thành quá cao.
Tiếp đến, lục quân Pakistan được trang bị số lượng lớn pháo tự hành “thần sấm” SH-1 của Trung Quốc. Hải quân của Pakistan cũng được trang bị một loạt tên lửa chống hạm C-602 của Trung Quốc. Xuất khẩu loại tên lửa này cho Pakistan cũng là điểm nhấn đầu tiên khi phân loại vũ khí này của Trung Quốc được bán ra nước ngoài.
Sự gắn kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và Pakistan đang đặt Ấn Độ vào một tình trạng đáng cảnh giác khi hai quốc gia này đang biến Ấn Độ trở thành kẻ thù chung.
Vừa qua New Dehli đã phải ký quyết định chi 10 tỷ USD để gấp rút trang bị cho quân đoàn sơn cước chuyên đối phó với Trung Quốc, và có lẽ, sẽ cần thêm một quân đoàn nữa để đối phó với mũi giáp công thứ hai từ Pakistan.
Theo Đất Việt