Ấn Độ cử 4 tàu chiến tới Biển Đông
Trong khi Trung Quốc có những động thái hung hăng trên Biển Đông, New Delhi cử 4 tàu hải quân, trong đó có tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tới Ấn Độ Dương và Biển Đông để tham gia tập trận, triển lãm – một phần của chính sách “Hướng Đông” mà nước này đang theo đuổi.
Các sỹ quan chỉ huy của một tàu Hải quân Ấn Độ. (Ảnh: TOI)
Tờ Times of India (TOI) dẫn các nguồn tin hải quân cho biết 4 tàu nói trên thuộc Hạm đội phía Đông, do Đô đốc Ajendra Bahadur Singh chỉ huy,dự kiến sẽ cập cảng ở Úc, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
“Các chuyến thăm tới các nước trong khu vực nhằm tăng cường quan hệ song phương và thúc đẩy khả năng tương tác giữa các lực lượng hải quân, đồng thời cho thấy vai trò của Ấn Độ trong khu vực có chiến lược này. Sau mỗi lần cập cảng, các cuộc tập trận với hải quân các nước chủ nhà cũng được lên kế hoạch”, TOI dẫn lời một quan chức cấp cao của Hải quân Ấn Độ cho biết.
Trong số 4 tàu trên, tàu khu trục nhỏ tàng hình INS Satpura và tàu hộ tống chống ngầm INS Kamorta đã đến Singapore hôm 18/5 và tham dự Triển lãm Phòng vệ Biển Quốc tế (IMDEX). Trong ngày 23/5, hai tàu này đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài 4 ngày mang tên Simbex với Singapore. Ngoài ra, đội 4 tàu được cử đi làm nhiệm vụ lần này còn bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvir và tàu chở dầu INS Shakti.
Tờ TOI dẫn lời một quan chức cấp cao trên cho biết mục tiêu hàng đầu của hải quân nước này là đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn khu vực Ấn Độ Dương thông qua các mối quan hệ khăng khít với các nước trong và ngoài khu vực.
Ngoài ra, New Delhi cũng đang xây dựng các mối quan hệ an ninh hàng hải với các nước như Nhật Bản và Việt Nam nhằm kiềm chế những động thái hung hăng của Trung Quốc trên toàn châu Á – Thái Bình Dương, quan chức trên cho hay.
Video đang HOT
Thoa Phạm
Theo Dantri/ TOI
Mỹ giúp Ấn Độ đóng tàu sân bay hạt nhân để đối phó với Trung Quốc
Một quan chức Ấn Độ cho biết nước này đã quyết định đóng tàu sân bay hạt nhân INS Vishal mới với sự trợ giúp của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Washington mới đây cũng đồng ý bán 48 tên lửa UGM-84L Block II phóng từ tàu ngầm cho Nhật Bản.
Hình ảnh thiết kể của tàu sân bay hạt nhân INS Vishal. (Ảnh: WCT)
Tờ Times of India (TOI) ngày 16/5 dẫn lời một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thông tin trên.
INS Vishal sẽ là tàu sân bay hạt nhân lớp Vikrant thứ hai của Ấn Độ, có trọng tải 65.000 tấn, nặng hơn 25.000 tấn so với tàu lớp Vikrant đầu tiên của nước này.
New Delhi mong muốn tàu INS Visha có thể đảm bảo cho máy bay lớn và nặng hơn cất cánh. Mỹ hiện đang sở hữu công nghệ hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn này.
Quan chức quốc phòng trên cho biết chính phủ Ấn Độ tuần này đã thông qua kế hoạch đóng tàu sân bay INS Vishal, trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến sẽ thăm New Delhi vào tháng 7 tới cùng với đại diện của công ty General Atomics để thảo luận về dự án này.
Dự kiến con tàu INS Visha sẽ được Hải quân Ấn Độ đưa vào sử dụng từ năm 2023 và sẽ trở thành tàu chiến lớn nhất trong lịch sử lực lượng này.
Theo quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, mục đích đóng tàu INS Vishal là ngăn chặn sự mở rộng của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Theo tờ Want China Times (WCT), Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trên Biển Đông và Ấn Độ Dương kể từ khi quân đội nước này đưa tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh vào sử dụng hồi tháng 9/2012.
Hiện Trung Quốc đang nỗ lực đóng tàu sân bay thứ hai, đồng thời tìm kiếm vị trí để đặt một căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương. Đối với New Delhi, đây là mối đe dọa trực tiếp với an ninh quốc gia.
Mỹ bán cho Nhật Bản 48 tên lửa UGM-84L Block II
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần này đồng ý bán cho Nhật Bản 48 tên lửa UGM-84L Block II. (Ảnh: IHS Janes)
Trang tin quân sự IHS Janes của Mỹ cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước vừa chấp thuận một hợp đồng mua bán 48 tên lửa UGM-84L Harpoon Block II cho Nhật Bản, cùng các các phụ kiện, thiết bị liên quan và hỗ trợ sử dụng, huấn luyện. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đã báo cáo quốc hội về thoả thuận trị giá vào khoảng 199 triệu USD này.
Theo hợp đồng trên, ngoài 48 tên lửa UGM-84L Harpoon Block II, Nhật Bản cũng sẽ được Mỹ hỗ trợ về khâu huấn luyện binh sĩ và hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, chính phủ và nhà thầu Mỹ sẽ cung cấp các hỗ trợ hậu cần và kĩ thuật liên quan.
Nhật Bản được cho là sẽ sử dụng các tên lửa UGM-84L Harpoon Block II này để tăng cường khả năng tên lửa của mình. Bên cạnh mục tiêu chính nhằm củng cố sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (SDF), hợp đồng trên cũng góp phần cải thiện quan hệ giữa 2 nước và đóng góp cho chính sách ngoại giao cũng như an ninh của Mỹ.
UGM-84L Block II là bản cải tiến có thể phóng từ tàu ngầm của tên lửa UGM-84A, với nhiều tính năng ưu việt như sở hữu hệ thống dẫn đường GPS/INS, máy tính xử lí thông tin đa nhiệm, phần mềm điều khiển đã được nâng cấp.
Đây là loại tên lửa có thể được sử dụng để bảo vệ các khu vực ven biển, các hệ thống tên lửa đất đối không, sân bay, cảng tàu biển hoặc các khu công nghiệp.
Thoa Phạm
Theo Dantri/WCT, TOD, IHS Janes
Philippines, Nhật Bản tập trận chung ở Biển Đông Philippines và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông trong tuần này, Phó đô đốc Jesus Millan, người đứng đầu lực lượng hải quân Philippines, ngày 10/5 xác nhận. Tàu khu trục Harusame của Nhật Bản (Ảnh: Seaforces) Theo Phó đô đốc Millan, cuộc tập trận vào ngày mai sẽ huấn luyện bộ quy tắc...