Ấn Độ cạnh tranh vũ khí với Trung Quốc, Đông Nam Á được lợi?
Trang mạng “The New York Times” của Mỹ cho biết, Ấn Độ luôn xác định phải đẩy mạnh ngành công nghiệp quốc phòng với khát vọng đánh bại Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu vũ khí và sẽ có nhiều nước hưởng lợi nhờ điều này.
Ngày 22 tháng 6 vừa qua, người phụ trách Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã phát biểu với hãng thông tấn PTI (Press Trust of India) rằng, “một loạt các trang thiết bị”, bao gồm tên lửa tầm xa và tiêm kích hạng nhẹ “Tejas”, có thể sẽ được xuất khẩu, trực tiếp cạnh tranh với các nước lớn như Trung Quốc.
Giám đốc tổ chức này, ông Avinash Chander cho rằng, Ấn Độ có lợi thế về chi phí sản xuất. “Trong nhiều trường hợp, vũ khí Ấn Độ sẽ rẻ hơn rất nhiều”, ông nói, “Có nhiều hệ thống vũ khí khác nữa, ví dụ như với tên lửa tầm xa Trung Quốc bán cho Ả rập Saudi, nếu do chúng tôi sản xuất, chi phí chỉ bằng 1/3 hoặc 1/4.
Theo tin đưa, hiện vẫn chưa rõ vũ khí và trang thiết bị của Ấn Độ tìm được thị trường hay chưa. Vì từ trước đến nay, nước này chủ yếu vẫn là nhập khẩu vũ khí. Nhiều năm trở lại đây, Ấn Độ luôn vật lộn với khó khăn để chế tạo được những vũ khí đáng tin cậy đủ để cung cấp cho quân đội nước này sử dụng.
Thông tin cho biết, cụ thể, công ty hàng không Hindustan Aeronautics đã phải mất hơn 30 năm để phát triển tiêm kích hạng nhẹ “Tejas”, các nhà phân tích cho rằng, tính năng của nó đã lạc hậu hơn so với các đối thủ cạnh tranh hiện nay.
Video đang HOT
Chuyên gia phân tích cao cấp của trung tâm nghiên cứu quân sự IHS Jane’s, ông Ben Moores phát biểu rằng, dự án phát triển Tejas không được quản lý tốt, kỳ hạn không sát thực tế, yêu cầu cũng bị thay đổi nhiều lần, hơn nữa do lệnh cấm vận, nên Ấn Độ không có cơ hội tiếp xúc với các hệ thống then chốt và công nghệ điện tử hàng không.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ HAL Tejas của Ấn Độ
Ông Ben Moores cho biết, theo ước tính, chi phí cho mỗi chiếc tiêm kích Tejas là 31 triệu USD. Trong khi đó, chi phí chế tạo cho chiến đấu cơ F-16 của Mỹ là hơn 30 triệu USD, còn MiG-29 của Nga là 29 triệu USD.
So với những sản phẩm cùng thế hệ, với mức giá tương tự đang được cung cấp trên thị trường, nó cũng không có tính năng gì nổi trội hơn. Huống hồ, thị trường mà Ấn Độ nhắm đến đã rất quen thuộc, tăng trưởng thấp, cạnh tranh khốc liệt, hơn nữa thường xuyên chịu ảnh hưởng của chính trị, điều này gây khó khăn cho New Dehli.
Ông còn cho biết, những thiết kế của F-16 và MiG-29 đều đã được kiểm nghiệm, có thể kết hợp được với nhiều loại vũ khí đa dạng, còn tính năng thực sự của Tejas thì vẫn chưa ai kiểm chứng được. Tuy nhiên, có thể khách hàng tiềm năng sẽ thấy hứng thú bởi thiết kế đơn giản, dễ thao tác sử dụng của Tejas.
Được biết, Trung Quốc đã tung ra thị trường hai loại sản phẩm, một loại là tiêm kích JF-17 do tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô và Công ty công nghiệp hàng không Pakistan hợp tác phát triển, loại khác là J-10 (chỉ xuất khẩu sang Pakistan).
Ông Moores đánh giá rằng, thiết kế kỹ thuật của J-10 và Tejas rất giống nhau. Hơn nữa, vũ khí của Trung Quốc cũng chỉ bán được cho mấy nước có quan hệ tương đối tốt với họ như Pakistan, Bangladesh, Myanmar.., còn lại chúng cũng không thể bán cho nước nào khác.
Tên lửa hành trình chống hạm BrahMos đang được rất nhiều nước thèm muốn
Số liệu của viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho thấy, so với năm 2010, chi phí quân sự của khu vực châu Á đã tăng lên gần 12%, nhưng với tình hình của ngành công nghiệp này hiện nay, e là trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường, ngành xuất khẩu vũ khí Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, New Dehli có lợi thế cực lớn so với Bắc Kinh trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Đầu tiên là, nếu cả giá thành và chất lượng của vũ khí của họ đều có sức cạnh tranh, thì có thể sẽ thu được phản hồi tốt, bởi vì Ấn Độ có quan hệ ngoại giao rộng hơn so với Trung Quốc.
New Dehli có thể chơi với cả đồng minh của Mỹ lẫn bạn bè của Nga hoặc các nước trung lập, đây là điều Trung Quốc không thể có được. Mà trong thị trường xuất khẩu vũ khí, yếu tố có sức chi phối lớn nhất đến mua sắm vũ khí của các nước nhỏ chính là định hướng chính trị của các “ông lớn” đồng minh.
Thứ 2 là, quân đội nhiều nước châu Á đang đối mặt với sức ép rất lớn từ sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đều cần phải nâng cao thực lực của mình. Với tư cách là 1 đối thủ cạnh tranh trên thị trường vũ khí giá rẻ, Trung Quốc không thể bán được vũ khí cho đối thủ chính trị của mình nhưng Ấn Độ thì lại rất dễ dàng.
Thứ 3 là rất nhiều nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ nhằm hợp sức chống lại Trung Quốc. Với sự “đồng cảm” của những nước cùng có mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ với Bắc Kinh, New Dehli rất dễ tìm được “tiếng nói chung” với các quốc gia này.
Đây là những lợi thế rất lớn giúp cho New Dehli có thể giành chiến thắng trong cạnh tranh thương mại vũ khí với Bắc Kinh và giúp các nước khác tăng cường tiềm lực chống lại đối thủ chung của họ. Vấn đề hiện chỉ còn phụ thuộc ở chính chất lượng và giá thành vũ khí của Ấn Độ!
Theo An Ninh Thủ Đô