Ấn Độ bị chỉ trích ‘che giấu’ ca nhiễm vì không mở rộng xét nghiệm
WHO thúc giục các nước xét nghiệm nhiều người hơn để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng Ấn Độ vẫn chưa mở rộng phạm vi, điều này có thể che giấu đi số ca nhiễm thật sự.
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ sẽ không mở rộng phạm vi xét nghiệm nCoV bất chấp chỉ trích rằng việc xét nghiệm hạn chế sẽ khiến nhiều ca nhiễm Covid-19 ở nước này không được phát hiện.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đang thúc giục các quốc gia xét nghiệm nhiều người nhất có thể để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng Ấn Độ mới chỉ xét nghiệm cho những người mới về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc với những ca nhiễm và có triệu chứng sau khi cách ly 2 tuần. Vào 17/3 (giờ địa phương) nước này chỉ mở rộng xét nghiệm cho những nhân viên y tế đang có triệu chứng và phải chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV. Ấn Độ mới chỉ thực hiện khoảng 90 xét nghiệm mỗi ngày, mặc dù có khả năng xét nghiệm tới 8.000 người. Cho tới giờ, số ca được xét nghiệm là 11.500, theo AP.
Người Ấn Độ chờ đợi tại nhà ga, hầu hết đeo khẩu trang để ngừa lây lan dịch. Ảnh: AP.
‘Khuyến cáo của WHO là quá sớm’
Quan chức cho biết hướng dẫn của WHO không áp dụng được ở Ấn Độ vì sự lây lan của dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn các nước khác. Balaram Bharghava – người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR), một cơ quan nghiên cứu y tế hàng đầu nước này, cho biết hướng dẫn của WHO là quá “vội vã” đối với Ấn Độ, vì chưa phát hiện sự lây lan trong cộng đồng. “Do đó điều này dẫn đến nhiều nỗi lo sợ, hoang tưởng và kích động hơn”, ông nói.
Tuần trước, một công dân Anh đến bệnh viện công ở New Delhi để xét nghiệm nCoV. Họ nói rằng cô không đáp ứng điều kiện để được xét nghiệm ở Ấn Độ và bị từ chối. Người phụ nữ giấu tên nói với nhân viên bệnh viện rằng mình có thể đã có tiếp xúc với một người bị bệnh tại nơi làm việc thuộc ngành dịch vụ, nhưng cô không chắc chắn. Sau khi không được xét nghiệm lần 2, cô rời Ấn Độ để đến Pháp – nơi gia đình cô đang sống.
Ấn Độ biện minh hành động của mình là nhằm ngăn chặn người dân đòi được xét nghiệm bởi việc này sẽ khiến chính phủ không có tiền để chữa các bệnh khác như lao, suy dinh dưỡng và HIV/AIDS. ICMR cho hay, không cần thiết phải mở rộng phạm vi xét nghiệm. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết họ đang chuẩn bị cho việc lây nhiễm cộng đồng bằng cách xây dựng những cơ sở xét nghiệm. Hiện nước này có 52 trung tâm xét nghiệm nCoV.
Do điều kiện xét nghiệm khắt khe, nhiều người có nguy cơ phơi nhiễm với virus bị từ chối xét nghiệm, dấy lên nỗi lo rằng số ca nhiễm của Ấn Độ có thể cao hơn số liệu thực chính phủ đưa ra. Bharghava cho biết những ca nhiễm của Ấn Độ có nguồn gốc “nhập ngoại” từ vùng dịch. Xét nghiệm rộng rãi sẽ được xem xét ngay khi có lây nhiễm trong cộng đồng.
Số ca nhiễm nCoV ở Ấn Độ tăng lên 151 vào 18/3. Ba người đã tử vong vì nCoV, trong đó một người đàn ông 64 tuổi tử vong ở tỉnh Maharashtra hôm qua.
Ấn Độ không mở rộng xét nghiệm để tránh gây áp lực lên các bệnh viện. Ảnh AP.
Video đang HOT
Ấn Độ đóng cửa hầu hết trường học và các khu vui chơi giải trí, trong đó có rạp chiếu phim. Ấn Độ ngừng nhận khách du lịch và cấm những hành khách không phải người Ấn Độ trên những chuyến bay từ Liên minh châu Âu, Hiệp hội tự do thương mại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh Quốc kể từ 18/3.
Khách du lịch đến từ hoặc quá cảnh qua UAE, Qatar, Oman và Kuwait đều bị cách ly bắt buộc 14 ngày khi đến Ấn Độ. Những người đến từ Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Đức đều thuộc diện cách ly nói trên, trong khi hầu hết biên giới với Bangladesh và Myanmar đều đóng cửa.
Mối lo lây lan không được phát hiện
Những mối lo về sự lây lan trong cộng đồng không được phát hiện đang gia tăng. Tiến sĩ Gagandeep Kang – Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ y tế cho biết: “Với diễn biến của dịch bệnh ở những nước khác và mức độ xét nghiệm thấp, tôi nghĩ rằng việc lây lan trong cộng đồng đang xảy ra”.
WHO cho biết, tự cách ly khi có triệu chứng nhẹ là việc làm quan trọng. Việc xét nghiệm các ca nghi nhiễm, có tiếp xúc với những ca nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng cần thiết. Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh tử WHO nói: “Chúng ta cần được trang bị để phản ứng với tình hình liên tục thay đổi với mục tiêu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sớm nhất nhằm giảm thiểu tối đa tác động. Chúng ta cần hành động ngay”.
Hơn 400 triệu trong tổng số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sống ở những thành phố đông đúc. Nhiều người không có nước sạch – đây là điều kiện tiên quyết khiến dịch bệnh lan nhanh hơn. Tiến sĩ Anant Bhan – một nhà nghiên cứu y tế toàn cầu ở Bhopal, Ấn Độ – cho biết: “Lây lan trong cộng đồng là rất có khả năng. Cách duy nhất để biết là xét nghiệm rộng rãi hơn”.
Virus chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình như sốt và ho, nhưng bệnh này nguy hiểm hơn đối với người già và những người có tiền sử bệnh lý nền. Ấn Độ có tỷ lệ người già thấp hơn những nước có dịch khác, nhưng hệ thống y tế ở đây vẫn còn hạn chế và đang phải gồng mình với số lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh khác. Nhà nghiên cứu y tế Oommen Kurian chia sẻ: “Điều này cùng với mật độ dân số cao, có thể là thách thức lớn với chúng ta”.
Người dân Ấn vẫn tham gia các hoạt động cộng đồng với khẩu trang. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ vẫn đang miễn cưỡng với việc mở rộng xét nghiệm vì không muốn gây hoảng loạn và khiến bệnh viện quá tải. Bên cạnh đó, chi phí cũng là vấn đề. Người dân được xét nghiệm miễn phí, nhưng chính phủ là người chi trả, với mức giá 5.000 rupees (67 USD) cho mỗi xét nghiệm. Trong bối cảnh hệ thống y tế thiếu thốn, số tiền dùng cho xét nghiệm nCoV khiến ngân sách cho những bệnh khác bị thu hẹp. Hàng năm, Ấn Độ chi khoảng 3,7% ngân sách cho y tế.
Covid-19 lây lan ở Ấn Độ vì các quan chức y tế phải vật lộn để duy trì cách ly trong bối cảnh nhiều người chạy trốn khỏi nơi này, phàn nàn về tình trạng vệ sinh.
Ở Maharashtra, 5 người – một trong số họ xét nghiệm âm tính, người khác chờ kết quả – đã tự ý trốn khỏi khu cách ly vào 14/3.
Cưỡng chế
Ấn Độ ban hành luật về dịch bệnh vào thế kỷ 19 giúp chính quyền áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh và trừng phạt những người trốn cách ly. Lav Agarwal, một quan chức Bộ Y tế, cho biết chính quyền không được người dân ủng hộ. Tương tự, ở nước láng giềng Sri Lanka, chính phủ yêu cầu 170 hành khách trốn kiểm tra ở sân bay sau khi quay về từ những nước có dịch phải trình diện với cảnh sát hoặc bị phạt tiền và có thể đi tù.
Aditya Bhatnagar – một du học sinh Ấn Độ ở Tây Ban Nha – miêu tả tình trạng mất vệ sinh ở khu cách ly nơi anh và 50 hành khách khác trên chuyến bay từ Barcelona đang ở kể từ khi hạ cánh xuống New Delhi vào 16/3. Bhatnagar cho biết 8 người một phòng, thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản như ga giường sạch và nhà tắm. Anh cho biết thêm cả nhóm đang đợi kết quả xét nghiệm virus và không được cung cấp khẩu trang cũng như nước rửa tay.
Ông Balaram Bharghava nói: “Tôi không nghĩ những biện pháp này là đủ để ngăn chặn dịch bệnh”. Ông cho biết thêm một số hành khách lựa chọn khách sạn tư để cách ly thay vì khu cách ly, họ phải trả 4.000 rupees (55 USD) cho mỗi đêm trong ít nhất 14 ngày.
Huyền Anh (Theo Aljazeera)
Theo ione.net
Xét nghiệm quyết định bệnh nhân nCoV nhiều hay ít
Một số quốc gia ghi nhận lượng lớn người nhiễm nCoV không có nghĩa tình hình dịch bệnh ở đó nghiêm trọng hơn các nước khác.
Tính đến ngày 15/3, Ai Cập ghi nhận 67 ca, Ấn Độ 83 ca nhiễm vnCoV, những con số quá "bé nhỏ" so với Italy (hơn 21.600) và Hàn Quốc (hơn 8.000).
Tuy nhiên, một số ca Covid-19 cho thấy các số liệu sơ bộ không phản ánh chính xác dịch bệnh có lan rộng ở một quốc gia hay không.
Ngày 11/3, 9 người trong một nhóm du khách Hong Kong từng đến thăm Ai Cập đã được xác nhận nhiễm nCoV. Tuần trước, 2 người Hong Kong khác cũng dương tính nCoV sau chuyến du lịch tới Mumbai, Ấn Độ.
Sự khác biệt ở đây, theo các chuyên gia, chính là công tác xét nghiệm.
Người dân tại Hàn Quốc được xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AFP
Giáo sư Benjamin Cowling tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong nhận định đại dịch lan rộng đến nhiều nước và sẽ còn tăng trong vài tuần tới. Khi đó, số lượng bệnh nhân thực tế ở một quốc gia phụ thuộc vào năng lực giám sát và năng lực xét nghiệm của nơi đó.
Cowling dẫn chứng, Hàn Quốc có số lượng bệnh nhân nhiều và tăng liên tục. Mặt khác, chính phủ nước này đã tiến hành một số lượng xét nghiệm khổng lồ trong cộng đồng.
Không ít chuyên gia cho rằng một số quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 hơn Hàn Quốc, song số liệu thống kê lại thấp vì thực hiện ít xét nghiệm hơn.
Tính đến ngày 12/3, chương trình xét nghiệm sàng lọc hàng loạt của Hàn Quốc đã được áp dụng gần 249.000 công dân, tỷ lệ 4.831 trên một triệu dân. Con số cao hơn nhiều so với các quốc gia khác đã công bố dữ liệu về thử nghiệm. Trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm ở Italy là 1.422 trên một triệu dân.
Do vậy, tại một số thời điểm, Hàn Quốc là quốc gia có số ca bệnh cao nhất ngoài Trung Quốc. Vài ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 nước này giảm dần và ngày 13/3 lần đầu ghi nhận số bệnh nhân phục hồi cao hơn so với trường hợp mắc mới.
Tại Ai Cập, 45 trong số 67 trường hợp nhiễm nCoV được xác nhận trên một du thuyền ở thành phố Luxor ngày 12/3. Ít nhất 40 du khách đến đất nước Kim tự tháp sau đó về nước đã xét nghiệm dương tính với nCoV, bao gồm các công dân Mỹ, Hy Lạp, Pháp và Hong Kong.
Trong khi đó, hơn 42 quốc gia châu Phi đã được đào tạo để xét nghiệm nCoV. Họ đang có khoảng 60.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) châu Phi, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard ngày 13/3. Tuy nhiên, ông Nkengasong cho rằng, thách thức bây giờ là nâng cao năng lực của đội ngũ y tế ở mỗi quốc gia.
Theo ông Nkengasong, nhu cầu lớn nhất của châu Phi là đảm bảo chất lượng xét nghiệm và độ chính xác trong chẩn đoán bệnh. Nhiều người có thể chưa xuất hiện triệu chứng rõ ràng và các bác sĩ khó lòng biết được. Nếu bỏ sót các trường hợp dương tính, bệnh nhân sẽ vô tình khiến virus lây lan trên diện rộng. Đây thực sự là viễn cảnh tồi đối với cộng đồng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gửi các bộ xét nghiệm chẩn đoán virus tới 120 quốc gia, trong đó có các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Âu.
Tiến sĩ Tom Kenyon, người đã làm việc 21 năm tại CDC Mỹ, hiện là Giám đốc y tế của Dự án Y tế phi chính phủ Hope, cho biết châu Phi có thể là "tiền tuyến" tiếp theo trong cuộc chiến chống Covid-19. Ông lo ngại, nếu điều đó xảy ra, khả năng đối phó của các nước ở châu Phi, chẳng hạn như việc xét nghiệm, sẽ là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, ông Cowling cho rằng các quốc gia có thể không cần phải kiểm tra từng người có triệu chứng và có thể xem xét giải pháp thay thế thích hợp hơn. Theo ông, các nhà khoa học muốn theo dõi liệu nCoV sẽ còn lan đến đâu và dịch bệnh tiến triển thế nào, nhưng đếm số ca bệnh không phải là cách tốt nhất để làm điều đó.
Ông đề xuất, biện pháp tốt hơn là tiếp cận có hệ thống và ước tính số người bị nhiễm bệnh theo thời gian.
Minh Ngân (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
Nhóm thanh niên bị bắt vì hóa trang thành ma quỷ hù dọa người đi đường 7 YouTuber ở bang Bengaluru, Ấn Độ bị bắt vì hóa trang thành ma với mái tóc dài và cố gắng hù dọa những người lái xe trên đường vào ban đêm. Một cảnh trong video nhóm thanh niên đội tóc giả, hóa trang thành ma quỷ dọa người đi đường với ý định đăng trên YouTube. Theo India Today, các thanh niên...