Ăn chực nằm chờ trên đất vải
Hàng trăm người ngoại tỉnh từ Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương lên ăn chực nằm chờ ở đất vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Họ là những người “di cư” theo mùa lên đất vải thuê xưởng sấy vải khô.
Ăn nằm trên đất vải
Một số lượng không nhỏ các chủ xưởng lên thuê lại lán trại, lò sấy ở các xã trồng vải của Lục Ngạn để làm ăn. Công việc của họ là thu mua vải tươi để sấy, sau đó xuất cho thương lái Trung Quốc.
Đưa vải vào lò sấy ở Lục Ngạn.
Anh Lê Chí Bằng (quê Hà Nam) lên đất vải Lục Ngạn đã sang mùa thứ 5. Anh thuê lại khu lán trại, xưởng sấy vải tươi tại ngã ba Đồng Giành, xã Quý Sơn (huyện Lục Ngạn) để làm ăn.
Mỗi một xưởng, anh Bằng phải thuê lại của chủ xưởng người địa phương với giá 25 triệu đồng/một mùa vụ.
Rất nhiều người như anh Bằng từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam… lên làm ăn theo cách này.
“Chỉ tính riêng tại xã Quý Sơn, có khoảng vài ba chục xưởng sấy vải, nhưng người “thổ dân” ở đây thu mua vải tươi về sấy chỉ có một, hai người. Còn lại đều là dân tứ xứ” câu chuyện của anh Bằng.
Xưởng vải sấy của anh Lê Chí Bằng thuê của người dân tại ngã ba Đồng Giành, xã Quý Sơn. Anh Bằng là một trong nhiều người ngoại tỉnh lên Bắc Giang ‘ăn chực năm chờ” theo mùa vải.
Để vận hành khu lò sấy gồm 60 cửa lò, anh Bằng mang theo 10 nhân công là các thanh niên trẻ khỏe để phụ việc cho mình.
Cách thức sấy thủ công không có gì phức tạp, nhưng không dễ dàng vì khá vất vả, nặng nhọc.
Lò sấy được xây gạch cao hơn một mét, gồm các cửa lò để tiếp than và các cửa thông hơi. Trên mặt lò, cách cửa đốt than chừng một mét là sạp nứa. Vải tươi được xếp nguyên cả bó hoặc vải vụn (vải đã bứt cuống) lên trên mặt sạp này.
“Trong vòng một buổi sáng, vải sẽ héo cuống, thêm một công đoạn rũ chùm cho vải rụng, vứt cuống đi. Một ngày đảo vải chừng 2 – 3 lần. Trong 3 ngày thì được một mẻ vải sấy” anh Bằng cho biết.
Mỗi mẻ vải sấy tiêu thụ hàng chục tấn vải tươi, tùy theo quy mô từng lò.
Một cửa lò xếp được khoảng 3 tạ vải tươi. Với 60 cửa lò như xưởng sấy anh Bằng thuê, một mẻ vải cần khoảng 18 tấn vải tươi.
“Công việc không nặng nhọc, nhưng mất thời gian và cần phải tỷ mẩn, nhiều công đoạn. Khổ nhất là nắng nóng. Trời đã oi nắng, thêm mùi than lò, lửa lò từ 60 lò than hừng hực cả ngày đêm, có bao nhiêu nước trong người đều thành mồ hôi thoát ra ngoài hết” anh Bằng cám cảnh.
Video đang HOT
Biết lỗ nhưng vẫn phải làm!
Mùa vải thiều năm 2014, theo anh Bằng, “chưa cần làm đã biết lỗ”. Nhưng, nghịch lý này, ông chủ xưởng vải sấy cũng không giải thích được.
Vải sấy khô được đóng thùng xuất sang Trung Quốc.
“Tiền thuê nhân công, thuê xưởng, ăn ở… của hơn chục người trong một tháng đã mất 6 – 70 triệu/vụ. Những người như chúng tôi chỉ mong kiếm lời nhờ giá chênh lệch của vải sấy khô bán cho Trung Quốc, nhưng cứ tình hình giá vải như năm nay, cầm chắc trong tay cái lỗ” – “dận lưng” 400 triệu làm vốn để lên đất vải làm ăn, anh Bằng trầm ngâm cho hay.
Anh Bằng cũng chia sẻ: “Bốn cân vải tươi sau sấy cho một cân vải khô. Giá vải khô bán được 23 – 24.000 đồng/cân, nhưng chi phí sản xuất mà chúng tôi bỏ ra đã là trên dưới 30.000đ/một cân. Như thế là cầm chắc cái lỗ rồi”.
Dù là vải sấy khô, nhưng chất lượng quả vải Lục Ngạn vẫn không đổi. Người làm nghề sấy vải, có lợi thế không cần thu mua vải đẹp mã, vì “cho vào lò, dưới cái nóng 60 – 70 độ C, mã đẹp, mã xấu cũng như nhau hết”.
Các chủ lò sấy do đó thường mua vải tươi loại C, ở mức giá thấp nhất trên thị trường của Lục Ngạn mùa này là 5 – 6.000 đồng/kg.
Cây vải giúp người dân Lục Ngạn xóa đói, làm giàu. Nhưng, sự bấp bênh về giá khiến họ không yên lòng…
Nếu mua được vải rụng, các chủ lò sẽ “kinh tế” hơn vì giá chỉ có 4 – 5.000đồng/kg, bớt được công đoạn bứt cuống và “dôi” hơn so với vải bó chum.
Lý do mà anh Bằng nói, “cầm chắc lỗ mà vẫn phải làm”, vì đầu mùa vải anh đã thu gom vài chục tấn vải tươi về làm nguyên liệu. “Nếu không sấy, bán tống bán tháo đi cũng chẳng có người mua. Người sấy vải đành phải “đánh bạc” với chính mình!
Mùa vải năm ngoái, xưởng sấy của anh Bằng xuất được 40 tấn vải khô, tương đương khoảng 160 tấn vải tươi Lục Ngạn. “Tình cảnh năm nay, chắc tôi cũng cố một, hai mẻ lò rồi đóng cửa về quê thôi” – anh Bằng ngao ngán.
Cùng cảnh ngộ với anh Bằng, hàng chục chủ lò sấy khác dọc tuyến đường liên xã từ Phượng Sơn, Quý Sơn ra thị trấn Chũ khi được hỏi, cũng đều chung câu chuyện.
Lò sấy của anh Nguyễn Văn Mạnh cách lò anh Bằng chừng 500m. Thời điểm chúng tôi đến, đã quá 12h trưa nhưng gần chục nhân công vẫn đang tất bật xếp vải lên lò rồi mới nghỉ ăn cơm trưa.
Mẻ sấy này, lò của anh Mạnh tiêu thụ hơn 20 tấn vải tươi do số lượng cửa lò nhiều hơn.
Anh Mạnh người Hưng Yên, cũng có thâm niên nhiều mùa vụ lên Lục Ngạn thuê xưởng sấy vải.
“Năm được giá bù năm mất giá. Chúng tôi ở nông thôn, làm công việc này như nghề tay trái những lúc nông nhàn. Từ đầu vụ đến giờ, tôi xuất được hơn chục tấn vải khô sấy” – anh Mạnh cởi mở, vừa quệt mồ hôi vừa nói chuyện.
Bên trong khu lò sấy, vài thanh niên xoay trần đang chuẩn bị nhóm củi đốt lò.
“Mong là sang đến cuối vụ, giá vải nhúc nhắc lên để chúng tôi đỡ thiệt hại. Cứ tình trạng như thế này thì khó khăn quá, lò sấy nào cũng kêu như vạc” – anh Mạnh hy vọng.
K.Trung
Theo_VietNamNet
Sở thích lạ của 'dị nhân ngửi được mùi xác chết'
Người ta đồn rằng ông là "đại sứ của thần chết", "cỗ máy dự báo cái chết" chính xác nhất Việt Nam, "dị nhân ngửi được mùi người chết",...
Những lời đồn ấy có thật đúng với người đàn ông có tên: Ân Văn Ninh, 62 tuổi, ngụ thôn Đồng Giao, Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang.
"Dị nhân ngửi được mùi xác chết"?
Đường dẫn vào nhà ông như "ma trận". Đường chỉ đủ để một xe máy đi qua, đất đá lổm nhổm, trời mưa trơn tuồn tuồn. Lúc chúng tôi đến, trời đã bắt đầu ngả bóng về chiều. Trong lúc đợi, tôi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Duông, vợ "dị nhân" này.
Bà Duông bảo, gần như ngày nào ông Ninh cũng đi, đi đâu bà cũng chẳng biết. Bà kể: "Cách đây vài năm, khi đang làm vườn thì chồng tôi hớt hải từ đâu chạy về hét toáng lên: Nhà ông Duân xóm bên sắp có người chết rồi. Tôi phải chạy lại, bịt mồm chồng mình lại rồi mắng ông ăn nói huyên thuyên. Nhưng ông cứ quả quyết với tôi rằng nhà đó vài ngày tới sẽ có người chết.
Hai hôm sau, mẹ ông Duân xóm bên cạnh chết thật. Tôi hoảng quá, không lý nào ông chồng của mình lại biết trước được có người sắp chết. Lần khác, không biết ông đi đâu, làm gì, về đến nhà thấy bị đánh sưng tím mặt mũi, phải xoa bóp cả tuần mới đỡ. Hỏi thì ông chỉ ậm ừ, lải nhải: Sắp có người chết".
Mới đầu, vợ con ông Ninh nghĩ rằng, ông có vấn đề về thần kinh. Mấy lần, cả nhà họp lại bàn tính để đưa ông vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Nhưng theo dõi, thấy ông Ninh vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện gì của người có bệnh nên mẹ con bà Duông lại thôi.
"Dị nhân" Ân Văn Ninh từng là người lính trong kháng chiến chống Mỹ.
Trước mắt tôi là một ông ông râu ria, đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch và người ông gầy chỉ còn da bọc xương. Ông ngồi xuống ghế đối diện với tôi, nói câu cộc lốc: "Hỏi gì?". Sau khi nghe tôi trình bày với mong muốn được tìm hiểu về khả năng có thể"ngửi được mùi người chết", ông Ninh bảo: "Trên mạng giải thích đầy đấy thôi".
Nghe tôi thuyết phục một hồi, ông quay sang nói nhát gừng: "Hỏi gì thì hỏi nhanh lên". Nghe ông nói vậy, bà Duông nhìn tôi thoáng chút bối rối, bà nói đỡ một câu như để thanh minh cho thái độ của chồng: "Ông ấy vừa đi đám hai ngày liên tục, chắc hơi mệt".
Ông Ninh kể: "Biệt tài" này của tôi xuất hiện cách đây khoảng hơn 10 năm. Một đêm, khi đang nằm ngon giấc, bỗng nhiên tôi tỉnh dậy, thấy ngực tức, khó thở, nằm bứt rứt mãi không ngủ lại được. Rồi không biết có ma quỷ đưa đường hay không, tôi vùng dậy, lần mò trong đêm để đi sang xã bên cạnh. Tôi phăm phăm đi vào một nhà không quen biết khi nhà họ có người đang hấp hối. Tôi lù lù xuất hiện hỏi độc một câu: "Ở đây có người sắp chết đúng không? Khi ấy, cả gia đình nhà kia đã khiếp vía vì nghĩ rằng linh hồn người thân của họ đã nhập vào tôi".
Tưởng chỉ có lần đó, mọi người đồn ông Ninh bị ma nhập, nhưng những tháng ngày tiếp theo, trong khi mọi người chưa hay tin gì về đám ma làng bên nhưng ông quả quyết rằng, chắc chắn sẽ có đám ma. Khoảng vài giờ sau, quả đúng có đám ma thật. Rồi tiếng kèn, tiếng trống nổi lên thúc giục ông phải đi đến đó.
Khi được hỏi: "Những dấu hiệu nào báo hiệu để ông có thể nhận biết có người sắp chết". Ông Ninh nói: "Chỉ cần lắng tai nghe, lấy mũi ngửi hoặc tức ngực, khó thở và tim đập nhanh là có thể cảm nhận được sắp có người qua đời".
Dị nhân này cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, ông không đoán biết được những cái chết bất đắc kỳ tử và chỉ nhận biết cái chết qua những dấu hiệu ốm đau, bệnh tật của người đó thôi.
Góp vào câu chuyện, bà Duông cũng nói rằng, việc chồng bà cảm nhận người chết có đúng thật sự hay không thì bà cũng không biết. Nhưng cảm nhận có đám ma dù cách xa khoảng 15km, dù không quen biết và cũng không có ai thông báo nhưng ông Ninh cảm nhận đều rất chính xác.
Ông Ninh bảo, thời gian đầu, khi muốn nghe được tiếng kèn, tiếng trống đám ma, ông phải trèo lên cây để nhận biết. Nhưng đến giờ, ông chỉ cần chăm chú nghe hoặc áp tai xuống giường là có thể định ra được chỗ có đám.
Bà Duông buồn rầu kể về sở thích kỳ quặc của chồng.
Thực hư thuốc chữa ho là... đám ma
Bà Duông cho biết, chồng bà vốn là cựu chiến binh chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ năm 1972 đến 1975 thì xuất ngũ. Theo lời của bà thì ông Ninh trở nên hâm hâm và có biệt tài không giống ai như thế chính từ thứ chất độc bị nhiễm khi còn chiến đấu.
Bà cũng kể rằng chồng bà còn bị bệnh hen suyễn nặng. Trước khi khả năng kỳ lạ chưa được khai phá, ông Ninh thường xuyên phải đi cắt thuốc, thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị hen nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Nhưng một điều lạ lùng là từ ngày ông chăm chỉ đến các đám ma thì bệnh của ông bỗng nhiên đỡ hẳn. Hiện tại, ông ít khi phải đến bệnh viện, ít phải uống thuốc, vợ ông đùa rằng: "Thuốc của ông ấy là các đám ma đấy".
Gần 10 năm qua, người dân xã Quý Sơn không còn xa lạ gì hình ảnh một ông già tiều tụy thường xuất hiện trong các đám ma. Dù không được mời, không quen biết, nhưng cứ ở đâu có đám ma là ông có mặt ở đó. Hình ảnh của ông Ninh ở các đám ma đã quá quen thuộc, đến nỗi, nếu không thấy ở đám ma nào đấy thì đó đúng là chuyện lạ.
Công việc của "dị nhân" này tại các đám ma là giúp đỡ người nhà kê bàn ghế, đun nước uống, pha chè mời khách, trông coi bàn thờ, đánh trống tùng beng để tiễn người chết... Đám ma nào có mặt của ông thì bát hương người chết không bao giờ lo bị tắt, đồ đạc, bàn ghế, xe cộ không bao giờ bị mất. Ông Ninh phục vụ không công, không đòi hỏi gì. Ông tận tình, đám nào cũng như đám nào, ông giúp đến khi nào người quá cố được yên nghỉ thì ông mới về nhà hoặc sẽ lại chạy sang đám khác và tiếp tục công việc của mình.
Ông Ninh bảo, nếu một thời gian dài mà không được nghe tiếng trống, tiếng kèn đám ma, ông sẽ phát bệnh mà ốm. Cảm nhận thấy có người sắp chết, nghe được tiếng kèn, tiếng trống mà không đi được thì buồn bực, bứt rứt lắm. "Lúc nào trong lòng cũng như có lửa đốt, tôi phải đi thì mới khuây khỏa, thanh thản được. Nhiều khi có nhiều đám cùng một lúc, tôi không đi hết được, về tiếc lắm", "đại sứ thần chết" nói.
Nghe đến đây, vợ ông quay lại lườm ông và thở dài thườn thượt. Bà bảo rằng ông bà có 4 người con, hai đứa đầu ngây ngây dại dại vì ảnh hưởng từ thứ chất độc trong người ông. Hai đứa con còn lại thì đi làm ăn xa, cũng đã lập gia đình, nhưng cuộc sống quá khó khăn, phải gửi mấy đứa con nhờ bà chăm sóc. Chồng bà tối ngày chỉ lo đi phục vụ ở các đám ma, ông có mặt ở các đám ma nhiều hơn ở nhà và chẳng khi nào quan tâm đến công việc trong gia đình. Cả gánh nặng lo toan của đại gia đình, một mình bà phải kham hết.
"Cả 10 năm nay, gần như ông ấy không hề động chân, động tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Tôi làm việc gì cũng chỉ có một mình...", bà Duông trải lòng. Không biết có phải do xấu hổ với những điều vợ mình nói hay không, ông liền vùng vằng, nói thêm vài câu không đầu, không cuối, đại ý rằng không thích nói chuyện nữa. Sau đó ông đi thẳng ra sân, lấy chiếc xe đạp rồi đạp đi ra khỏi nhà.
Bà Duông kể: "Thời gian đầu, nhiều người đến tận nhà tôi chửi vì cái tính quá vô tư của ông. Bây giờ, với tôi, chuyện đó quá bình thường. Họ hàng, nội ngoại không ít lần khuyên nhủ, ông chẳng chừa. Mặc dù sức khỏe yếu, bệnh đau đầu thường xuyên tái phát nhưng "ngửi" thấy ở đâu có người sắp chết, có đám là ông dắt xe đạp đi".
Trả lời câu hỏi, với "biệt tài" kỳ dị kia, hàng xóm có sợ và xa lánh ông không? Bà Duông nói: "Thời gian đầu, do người ta chưa biết nên cũng mắng chửi, nhưng quen rồi thì người ta lại thành quý mến. Có nhiều đám, không thấy sự có mặt của ông, người ta lại gọi điện đến tận nhà để nhờ ông tới giúp".
Để có cái nhìn khách quan hơn về người đàn ông "dị nhân" này, chúng tôi đã tìm gặp một số bà con hàng xóm của ông. Hầu hết với những người được hỏi, họ đều nói rằng khả năng "ngửi được mùi người chết" của ông có thật hay không thì không ai rõ. Nhưng đúng là ông "nghiện đến các đám ma" và mặc dù vợ con đói khổ nhưng chẳng mấy khi ông đỡ đần việc gì. Lão chỉ mải mê với những sở thích kỳ quặc ấy thôi.
Bà Mạc Thị Sáu, hàng xóm "đại sứ thần chết" nói: "Ông ấy là thương binh nặng, lại nhiệt tình giúp đỡ bà con trong đám hiếu nên mọi người cũng chẳng trách móc gì, nhất là lúc ông ấy thông báo có người sắp chết. Thương vợ ông ấy, một mình vất vả lo cho cả gia đình. Nói dại, nhỡ may bà ấy có mệnh hệ gì thì hai đứa con ngớ ngẩn kia không biết rồi sẽ sống thế nào".
Theo Người đưa tin
Hình ảnh chỉ có thể thấy ở "vựa vải" lớn nhất miền Bắc Những ngày này ở Lục Ngạn, Bắc Giang luôn tấp nập, náo nhiệt kẻ mua người bán vải; thương lái Trung Quốc kéo sang thu mua vải rất đông. Nhưng chưa kịp mừng được mùa thì người dân đã phải lo chuyện mất giá. Vụ vải năm nay theo đánh giá của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải ước đạt gần 100.000 tấn,...