Ăn bít tết… lãng mạn theo kiểu Pháp
Thưởng thức bít tết đậm đà, bánh mì thơm, rượu vang đỏ nồng nàn sẽ khiến buổi tối của bạn trở nên bồng bềnh, lãng mạn.
Cách đây khá lâu, tôi từng đọc trong một cuốn sách lãng mạn của nước Pháp một câu thú vị rằng: “Những người tốt nhất luôn xứng đáng với loại nước xốt ngon nhất”.
Nếm thử món bít tết thơm ngon rưới đẫm xốt tiêu đen nồng nàn khi cơn mưa đầu hạ đều đặn gõ nhịp ngoài hiên, tôi bỗng tự nhủ, loại nước xốt “ngon nhất” ấy phải chăng là nước xốt rưới lên đĩa bít tết nóng hổi ở một góc Paris nhỏ xinh nào đó.
Suất bít tết bò xốt tiêu đen
Tối nay, “góc Paris” của tôi là một tiệm ăn Pháp ở đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Quán bé xíu, kê 7 bàn nho nhỏ, chỉ đủ chỗ cho đôi tình nhân và những lời thì thầm rất khẽ.
Thế nhưng cái không gian nhỏ ấy lại được thiết kế quá ư lãng mạn với bức hình những quý cô Paris váy phồng kiêu hãnh, những họa tiết sắt uốn nghệ thuật, những chiếc bàn gỗ phủ khăn kẻ caro đỏ như một bữa ăn ngoài trời bên bờ sông Seine.
Trong tiếng nhạc Pháp dìu dịu, tôi nhìn lướt qua thực đơn của quán. Không nhiều, chủ yếu là bít tết với các loại xốt khác nhau, đều cùng giá 65.000/suất. Tôi gọi cho mình bít tết xốt tiêu đen và xốt phô mai cho cô bạn đi cùng.
“Hầu hết mọi người đều nghĩ thịt bò quan trọng nhất trong món bít tết. Thế nhưng nước xốt mới chính là thứ quyết định vị ngon của món này”, chủ quán là một anh chàng sinh năm 1989 chia sẻ.
Bên cạnh rượu vang, nước xốt là một điểm nhấn đáng chú ý của phong cách ẩm thực Pháp. Đó là một sự hòa quyện đầy tinh tế giữa các loại thảo mộc, lá thơm và trái cây như quế, oải hương, khoai tây, cam, bưởi … Một loại nước xốt có thể có hàng chục nguyên liệu khác nhau.
Video đang HOT
Miếng bít tết đẫm trong xốt tiêu đậm đà
Món xốt tiêu đen rưới lên miếng bít tết của tôi có hương thơm dìu dịu của vang đỏ, cay nồng của hạt tiêu đen xay vỡ, chút hương ngai ngái của một loại cỏ thơm nào đó. Khác hẳn với loại xốt nhiều xì dầu và hành tỏi đặc trưng của ẩm thực Trung Quốc mà các quán bít tết ở Việt Nam vẫn hay làm.
Xốt phô mai màu trắng sữa béo ngậy, bao phủ miếng thịt vừa chín tới. Thịt bò mềm và ngọt, quyện trong nước xốt thật đẫm. Khách Việt Nam thường thích rưới nước xốt trực tiếp lên món ăn, nhưng phần lớn khách nước ngoài tới đây thích nước xốt được dọn riêng.
Quả thực, trong vài tiếng đồng hồ tôi ngồi đây, không ít khách nước ngoài ra vào. Họ đi một mình, hoặc với bạn, thong thả thưởng thức bít tết một cách thích thú.
Món phụ là salad rau trộn xốt dâu tằm…
…và khoai tây chiên được nhập khẩu từ Mỹ
Bánh mì cũng là một đặc trưng Pháp thú vị ở tiệm ăn nhỏ này. Bánh mì tự làm, đặc ruột và thơm phức mùi bơ. Bên cạnh vị ngọt dịu, có chút đậm đà khó tả mà sau khi hỏi, tôi mới biết đó là vị muối được cho vào khi trộn bột. Bánh được nướng giòn vừa, đủ để bẻ ra mà lớp vỏ không bị vỡ.
Một làn khói trắng mỏng bốc lên khi tôi bẻ một miếng rụôt bánh mì trắng tinh, chấm vào nước xốt nâu sánh. Ngọt ngào và thơm cay, một cảm nhận không thể có nếu đổi lại là bánh mì rỗng ruột, thứ vốn sẽ kém duyên nếu kết đôi cùng bít tết.
Mưa hạ, gió se se, bánh mì thơm và bít tết đậm đà, thêm một ly vang đỏ nồng nàn, buổi tối của tôi ở “góc Paris” bé xinh ấy bỗng trở nên thật bồng bềnh, lãng mạn.
Theo ihay
Chui gầm cầu thang ăn nem nướng
Quán nem nướng nằm dưới gầm cầu thang ở một khu tập thể cũ kỹ, tuổi đời ngót nghét gần 30 năm tạiHà Nội.
Quán nem này giống phong cách bụi bụi trên phố nhà thờ khi chỗ ngồi, bàn đựng đồ ăn đều bằng chiếc ghế nhựa be bé. Quán nằm ngay đoạn đường Nguyễn Quý Đức, đằng sau Ký túc xá Mễ Trì, ở một ngách trong khu tập thể A11 Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội).
Tôi được một người bạn rủ rê đi ăn ở đây. Mới đầu thì cũng thấy ái ngại vì nem chua nướng này gần như đã gắn liền với phố Nhà thờ Lớn Hà Nội. Giờ lại về nơi xa xôi này, không biết hương vị sẽ còn bao nhiêu phần.
Món nem ở đây rất đặc biệt, ăn dai nhưng không dính
Nhưng tới khi được thưởng thức thì từ hình dáng, đồ ăn kèm đến hương vị cũng rất khác so với nem ở phố Nhà thờ. Nem ở đây được nướng trên vỉ, sau đó được cắt đôi và bày ra đĩa. Nem không dính mà khô cong, ăn thơm, giòn, ngọt ngọt vị thịt, hơi chua chua.
Được biết, nem là do chính tay chủ quán tự làm. Anh chỉ ủ tới một độ "chín" nhất định, thường là 2-3 ngày rồi đem nướng. Khi đó thịt trong nem mới chỉ ngấu đỏ, nên nướng lên có vị ngọt đậm đà.
Nem được nướng cháy sém một chút để dậy lên mùi thơm của thịt
Khâu nướng cũng là cả một nghệ thuật. Nướng sao cho nem chín tới, chay cháy một chút để dậy lên mùi thơm của thịt, của gia vị kèm khi gói nem. Đặc biệt, để cho bì trộn cùng với nem không bị chảy ra gây dính và ăn không ngon.
Một điểm khác biệt của món nem nướng ở đây là lá ổi không được cuốn vào nem nướng cùng mà là một đĩa được cắt cỡ 1cm ăn riêng. Lá ổi được quán chọn lọc đều là lá bánh tẻ, ăn rất bùi, không dai và đắng. Cứ một miếng nem, kèm vài ba lát lá ổi chấm với tương ớt là đúng kiểu nhất.
Quán ăn ngay dưới gầm cầu thang, bàn ghế cũng rất tuềnh toàng
Mùa hè này, quán mở cửa từ 8 giờ tối cho tới khi hết nem. Mỗi chiếc nem be bé này có giá 3.000 đồng. Nghe thì có vẻ rẻ, vì một cái còn cắt đôi ra, lá ổi thì "free" gọi bao nhiêu cũng được nhưng gọi nhiều thì dễ bị em phục vụ "lườm".
Thế nhưng, cứ theo kiểu ăn trên, nhóm bốn người có thể "chén" tới 20-30 chiếc! Nên mỗi lần đi ăn ở đây, hầu bao bạn cũng phải rủng rỉnh chút đỉnh mới đỡ thòm thèm.
Bạn nên gọi thêm nước trà đá, củ đậu hay "máu" hơn thì có thể làm 1-2 chai bia Hà Nội để lai rai cho vui.
Theo ihay
Ăn thử chè Bà Ba đầu tiên ở Hà Nội Thêm một món chè "xứ người" cho giới trẻ Hà Thành trong mùa hè này. Cái tên có thể khiến bạn tò mò nhưng kỳ thực, nguồn gốc chè Bà Ba không rõ ràng, chỉ là những lời truyền miệng. Người thì bảo cách đây 40-50 năm, có một quán chè của bà Ba nào đó ở chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) đã...