“Ăn bay”… gãy cánh
Ngày 21-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam 4 đối tượng trong hai nhóm chuyên “ăn bay” trên các tuyến Quốc lộ 1A, 26A cùng nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa, từ đầu tháng 1-2012, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an thị xã Ninh Hòa đã liên tiếp nhận được những thông tin trình báo của người bị hại về các vụ cướp giật tài sản, trong đó có nhiều nữ sinh đang theo học tại các trường THPT trên địa bàn. Những tên tội phạm này rất manh động, chúng thường gây án vào các thời điểm từ 13 giờ đến 16 giờ hàng ngày gây hoang mang trong dư luận nhân dân.
Trước tình hình trên, Thượng tá Trần Hữu Tượng – Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa đã nhanh chóng tiến hành họp khẩn các đội nghiệp vụ để bàn biện pháp phá án, không để “đất” cho chúng hoạt động, gây án. Đến ngày 29-1, chuyên án 212C đã được thành lập do Thượng tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa làm trưởng ban chuyên án, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, Đại úy Ngô Văn Hùng – Phó Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và ma túy Công an thị xã Ninh Hòa làm phó ban chuyên án.
Các đối tượng trong vụ án
Video đang HOT
Ngay sau khi chuyên án được thành lập, hàng chục trinh sát hình sự được tung xuống địa bàn là những tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 1A, 26A, cùng hàng chục tuyến đường liên thôn, liên xã, hay các điểm “ nóng” là khu vực gần những trường THPT trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Ngoài ra, ban chuyên án còn phối hợp với công an các xã, phường quyết tâm phá án. Chiều tối ngày 6-2, theo kế hoạch, một tổ công tác trong ban chuyên án 212C thực hiện tuần tra trên tuyến Quốc lộ 26A thì bất ngờ phát hiện có hai tên cướp gây ra vụ cướp giật tài sản của bà Võ Thị Kim Loan (trú xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) khi người này đang đi xe máy trên đường quốc lộ 26A. Gây án xong, hai tên cướp liền tăng ga bỏ chạy về phía trung tâm thị xã Ninh Hòa.
Phương tiện gây án của hai tên cướp Ngô Duy Hòa, Dư Văn Cường
Ngay lập tức, tổ công tác tiến hành truy đuổi theo hai tên cướp. Sau khi truy đuổi hàng chục cây số, đến địa bàn thôn Xuân Hòa, xã Ninh Phụng (Ninh Hòa) thì tổ công tác đã bắt giữ được hai tên cướp. Tại cơ quan điều tra, hành tung hai tên cướp nhanh chóng được làm rõ, bọn chúng gồm: Nguyễn Công Viên (sinh năm 1993) và Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 1994), đều trú ở xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa. Đấu tranh ban đầu, hai tên cướp khai nhận chúng thường “ăn” dây chuyền vàng của phụ nữ khi họ đi trên các tuyến Quốc lộ 1A và 26A thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa.
Sau khi hai tên Viên và Kiệt sa lưới, tình hình cướp giật tài sản trên các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn thị xã Ninh Hòa đã hầu như không còn. Tuy nhiên, trên các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Ninh Hòa vẫn liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật tài sản của nữ sinh, trong đó chủ yếu là túi xách và điện thoại di động. Tập trung đấu tranh, hai đối tượng Viên và Kiệt đều khai nhận: nhóm cướp giật này chỉ có hai tên.
Từ những thông tin trên, các cán bộ trong ban chuyên án đi đến nhận định: vẫn còn một nhóm cướp giật tài sản khác đang gây án trên địa bàn. Trong khi các trinh sát hình sự tiếp tục “nằm vùng” tại những địa bàn trọng điểm thì những thông tin hiếm hoi nhưng lại vô cùng giá trị của người bị hại liên quan đến biển số của chiếc xe máy hai tên cướp đã gây án. Một nữ sinh, và là bị hại trong một vụ cướp cho biết: Cháu nhận diện được chiếc xe gây án có kiểu dáng Sirius và có biển số 79K4-8136. ngay sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án đã tìm ra chủ nhân của chiếc xe máy có biển số nêu trên. Và cuối cùng, đến ngày 14-2, Ban chuyên án đã xác định được hai đối tượng chuyên giật giỏ xách, điện thoại di động của nữ sinh gồm các tên: Ngô Duy Hòa (sinh năm 1995, trú tổ dân phố Phước Đa 1, phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) và Dư Văn Cường (sinh năm 1994, trú thôn Bình Thành, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa). Ngay sau đó, những lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng trên đã được đưa ra. tại Cơ quan điều tra, hên tên cướp 9X Ngô Duy Hòa và Dư Văn Cường khai nhận đã gây ra gần 10 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn.
Đại úy Ngô Văn Hùng cho biết, ngay sau khi hai nhóm cướp giật gồm 4 tên Nguyễn Công Viên và Trần Tuấn Kiệt chuyên cướp giật tài sản của người đi đường trên Quốc lộ 1A, 26A và hai tên Ngô Duy Hòa, Dư Văn Cường xộ khám thì tình hình cướp giật tài sản đã giảm rõ rệt. Hiện tại các nhóm cướp giật trên địa bàn đã bị “xóa sổ”, tuy nhiên, do là địa bàn giáp ranh với TP. Nha Trang cũng như các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Phú Yên, vì thế vẫn có những tên tội phạm đã “tranh thủ” tới Ninh Hòa gây án rồi bỏ trốn, Đại úy Ngô Văn Hùng nhận định. Vì vậy, trong thời gian tới người dân cần hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình mỗi khi ra đường.
Theo ANTD
Vượt ngục chấn động: "Chìa khóa vạn năng" của những tên tù vượt ngục
Trong các phạm nhân tham gia trốn trại cùng Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Mạnh Đồng là người giúp sức và có vai trò "then chốt".
Chính y là người mở các khóa cửa để nhóm ba đàn anh trốn thoát. Sau này, khi thực nghiệm lại hiện trường, cán bộ điều tra đã cho Đồng chọn bất kỳ một chiếc chìa khóa trong cả chùm chìa để mở 3 ổ khóa loại lớn nhất của Việt Tiệp. Phạm nhân này đã không mấy khó khăn để hoàn thành công việc khi thời gian chưa đến 10 phút khiến tất cả mọi người có mặt đều phải thốt lên: Đúng là "hung thần của khóa Việt Tiệp".
"Chìa khóa vạn năng" mang tên Phùng Mạnh Đồng
Trong bài viết trước, Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu tới bạn đọc chân dung đại ca Sơn "trô" và kế hoạch trốn trại cùng các chiến hữu của y. Kế hoạch này được hình thành trong đầu của Sơn từ lâu nhưng y cùng đám đàn em chính thức chuẩn bị trước ngày bỏ trốn một tuần. Và đến đêm ngày 18/8/2010 thì thực hiện kế hoạch.
Để kích thích tinh thần, cho cả bọn có thêm dũng khí, Sơn hứa hẹn, nếu thất bại, Sơn sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm cho anh em.
Theo quy định tại các trại giam, 18h phạm nhân phải trở về buồng, ăn uống sinh hoạt đến 21h là phải đi nghỉ, không buồn ngủ cũng phải nằm yên giữ trật tự cho các phạm nhân khác ngủ.
Khi nghe kẻng điểm giờ ngủ, 21h ngày 18/8/2010, Sơn bảo các phạm nhân buồng giam B8 đi vào và y chỉ cài chốt cửa, móc khóa vào then chứ không đóng khóa rồi quay vào gọi hai chiến hữu của mình là Hùng và Hiếu lên gác xép bắt đầu hành động.
Bị cáo Phùng Mạnh Đồng, một trong những mấu chốt của việc trốn trại.
Sơn nói: "Tối nay, tao trốn trại về thăm mẹ tao, mẹ tao đang ốm, chuẩn bị phải đi mổ". Hùng, Hiếu bảo Sơn cho trốn cùng và được Sơn đồng ý.Ngay sau đó, Sơn gọi đàn em Đồng lên gác xép đặt vấn đề: "Mày có thể mở được khóa cửa không?". Đồng thưa: "Vâng, em có biết mở". Yên tâm về "chìa khóa vạn năng" mang tên Đồng, Sơn bảo đàn em: "Thôi mày xuống dưới ngủ đi, có gì anh bảo sau". Sau đó, cả ba tên gồm Sơn, Hiếu, Hùng ngồi lại trên gác xép bàn bạc, chúng thống nhất khoảng 1h sáng ngày 19/8, khi cán bộ đổi gác sẽ cùng nhau trốn. Tuy nhiên cần phải có một đoạn dây để trèo tường và phải có vật cách điện qua hai sợi dây điện trần ra ngoài. Vấn đề là đến lúc hành động, Sơn "trô" cùng đồng bọn phải kiếm được những vật như thế!
Nghĩ đến chiếc chăn màu vàng chanh của mình được người thân gửi vào tháng trước, Sơn quyết định trưng dụng. Phạm nhân này còn đưa chiếc màn tuyn màu hồng của mình cho hai phạm nhân khác trong buồng B8 là Trần Văn Thành và Vũ Văn Nam yêu cầu họ xé ra, tết thành dây.
Sơn nói dối với hai người này là làm dây phơi quần áo nên cả hai tưởng thật. Vả lại, vốn sợ Sơn từ trước nên cả hai răm rắp dùng lưỡi dao lam có từ trước cắt chiếc màn tuyn thành nhiều mảnh. Hiếu và Hùng nhanh chóng dùng các mảnh màn này tết thành một đoạn dây dài khoảng 2m. Tết xong, Nam và Thành đi ngủ, còn Sơn cùng đồng bọn lên gác xép tiếp tục theo dõi hoạt động của cán bộ vũ trang tại vọng gác số 3 và số 4.
Đến 0h45' ngày 19/8, Sơn cùng Hiếu và Hùng xuống tầng 1 đem theo chăn dạ, dây màn tết đã chuẩn bị trước và đánh thức Đồng dậy. Sơn đưa chiếc chìa khóa cho Đồng để phạm nhân này thực hiện các ngón nghề sở trường của mình với các ổ khóa cửa.
Cửa ải đầu tiên là khóa buồng giam khu B8. Tuy nhiên, do khóa cửa buồng giam đã được Sơn chuẩn bị trước, không đóng mà chỉ ngoắc then cài nên nhiệm vụ tập trung vào vượt hai cửa ải sau.
Lúc này, ánh đèn điện hắt qua heo hắt không nhìn rõ mặt người đối diện nhưng cũng không thể ngăn được việc Đồng dùng chiếc chìa khóa cũ mở khóa cửa sắt của "sân chim" ra lối đi chung bên trong các buồng giam B6 - B7 - B8.
Cửa ải thứ hai này được Đồng thực hiện không mấy khó khăn. Cửa sắt khóa khu giam B, cửa ải cuối cùng cũng được Đồng "thực hiện" trong nháy mắt.
Hoàn thành xong nhiệm vụ, thấy các anh trốn ra ngoài, Đồng nghĩ mình đã trót "nhúng tràm" nên khẩn khoản van nài: "Cho em trốn cùng với" nhưng Sơn đã từ chối vì sợ đi nhiều sẽ lộ. Thực ra, y chỉ muốn mượn tay Đồng để hoàn thành kế hoạch của mình chứ trong phương án của gã trai giang hồ này chỉ có ba người, y Hiếu và Hùng mà thôi.
Ra ngoài rồi, Sơn quay lại dặn đàn em Đồng: "Mày cầm lấy chìa khóa, nếu bọn anh không trốn ra được, quay lại thì mày mở cửa cho bọn anh vào, còn nếu đến sáng không thấy bọn anh quay lại thì mày vứt chiếc chìa này đi". Đồng y lời và quay lại khóa cửa như cũ rồi đi ngủ. Sợ bị phát hiện, Đồng đã vứt chìa khóa vào bồn vệ sinh trong buồng giam và dội nước nhằm phi tang vật chứng.
Trong màn đêm tối đen như mực, tiếng dế và côn trùng rả rích hòa lẫn trong tiếng bước chân trần nhẹ nhàng đạp lên những ngọn cỏ của ba gã phạm nhân trốn trại.
Trốn tù để ra ngoài thăm mẹ ốm?
Như những con mèo đi ăn đêm, cả ba trèo qua cửa sắt lên tường từ lối đi chung ra ngoài, chúng đi theo lối đi giữa K3 và B6 - B7 - B8 ra khu vực đầu đốc nhà bệnh xá trại giam nấp chờ theo dõi.
Được khoảng 10 phút (tức khoảng 0h57'), Sơn bắt đầu đếm ngược khi thấy tiếng bước chân của hai cảnh vệ của hai vọng gác số 3 và số 4 đi ra phía cổng chính của trại tạm giam. Sơn giục: "Còn 2 phút". Tức thì, Hùng công kênh Hiếu lên vai mình để đàn anh tiếp tục công kênh Sơn vượt lên hàng rào trước cao hơn 2m. Tiếp cận hàng rào, Sơn dùng dây màn tết buộc vào thanh sắt chữ V ở cọc hàng rào dây thép gai phía trên tường bao loan. Hùng đưa chăn cho Hiếu, Hiếu đưa cho Sơn để đàn anh vắt chăn trùm lên hàng rào dây thép gai và dây điện trần. Ngay lập tức, hai đoạn dây điện bị chập và cháy đứt rồi lần lượt cả ba tên vượt tường ra ngoài. Chúng chạy thục mạng trong đêm và vẫy gọi một chiếc taxi về Hà Nội...
Thấy điện chập và lóe sáng, lực lượng cảnh vệ lập tức sinh nghi bèn quay lại kiểm tra. Trong bóng đêm mịt mù, ba bóng đen xa dần rồi nhỏ bằng hạt đỗ biến mất trong đêm tối dù tiếng kẻng báo động liên hồi vang lên...
4 bị cáo tại tòa.
Tại bản Kết luận giám định số 346 ngày 22/8/2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra cho thấy, bên ngoài ba ổ khóa mà Đồng đã dùng chiếc chìa khóa "nhặt được" mở ra không hề có dấu vết cạy phá, bên trong vẫn đầy đủ 5 hàng bi và một lò xo đệm. Chỉ duy nhất ổ khóa thứ 2 (tức khóa lối đi chung) trên bề mặt rãnh nhĩ của ổ khóa này có dấu vết của vật thể lạ để lại. Nếu nhìn thường rất khó phát hiện ra dấu vết.
Sau này, khi thực nghiệm lại hiện trường, cán bộ điều tra đã cho Đồng chọn bất kỳ một chiếc chìa khóa trong cả chùm chìa để mở 3 ổ khóa loại lớn nhất của Việt Tiệp, phạm nhân này đã không mấy khó khăn để hoàn thành công việc mở cả ba ổ khóa khi thời gian chưa đến 10 phút khiến tất cả mọi người đều phải gọi Đồng là "hung thần của khóa Việt Tiệp".
Ra đến TP. Vĩnh Yên, do đã dự trù sẵn phương án bỏ trốn nên trước đó, Sơn đã lệnh cho Hiếu chuẩn bị tiền (hơn 1 triệu đồng) để cả ba dùng làm phương tiện bỏ chạy. Lúc đó, ba tên cởi bỏ áo ngoài giống như những thanh niên đi chơi về muộn vì trời nóng nực rồi vẫy một chiếc taxi thẳng hướng Hà Nội chạy trốn.
Gần sáng, chúng đặt chân đến Thủ đô và địa điểm chọn ẩn nấp là Ngã Tư Sở. Tại đây, Sơn "trô" nhờ người quen để lấy một chiếc điện thoại tiện liên lạc. Khi đó, y lập tức gọi điện về Hưng Yên để xem mẹ mình thế nào. Đúng như những gì Sơn tâm sự với hai chiến hữu trước giờ G, mẹ y chuẩn bị lên bàn mổ và sẽ mổ đúng hôm nay nên đó là động lực lớn nhất để y thực hiện bằng được việc trốn trại.
Theo dự tính ban đầu của gã đại ca tuổi hai mươi này, xuống đến Hà Nội, cả ba tên sẽ chia tay nhau đường ai nấy đi. Sơn sẽ về Hưng Yên thăm mẹ ốm, còn Hiếu và Hùng cũng sẽ phải tính cho mình nước đi mới trước khi bị truy nã ráo riết.
Tuy nhiên, ngay sau khi phát hiện nhóm của Sơn bỏ trốn, Trưởng giám thị trại tạm giam Vĩnh Phúc Kim Anh Tú đã triệu tập toàn bộ lực lượng cảnh vệ lên đường truy bắt.
Ban Giám thị trại tạm giam cũng lên sẵn các phương án mà Sơn cùng đồng bọn có thể di chuyển đến để đón lõng và tóm gọn nhóm trốn tù. Lực lượng cảnh sát hình sự và bắt nã của Công an Vĩnh Phúc cũng lập tức lên đường ngay trong đêm. Phía các công an địa phương, Công an Thái Nguyên cũng cử một chốt chặn giao thông ngay phía tiếp giáp tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm tra các phương tiện nghi vấn. Lực lượng Công an TP.Hà Nội rà soát các nhà nghỉ, đối tượng khả nghi. Riêng Công an Hưng Yên đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh này từ sáng sớm và đón lõng sẵn nếu Sơn "trô" xuất hiện.
Đúng như phán đoán, khi Sơn dùng điện thoại điện cho mẹ thì cuộc nói chuyện này đã được ghi lại. Nhưng Sơn cũng rất tinh ranh, khi nghe nhiều tiếng người lạ trong máy nên y biết được nếu về Hưng Yên ngay lúc này rất có thể bị tóm gọn.
Do đó, ngay sau khi gọi cho mẹ, Sơn gọi cho bạn gái mình ra nhà nghỉ mà y đang thuê ở Thái Hà để "tâm sự" đồng thời Sơn "trô" bỏ luôn ý định về Hưng Yên thăm mẹ ốm như ban đầu.
Tại nhà nghỉ, cô bạn gái tên Hương (quê Cao Bằng) đến gặp bạn trai như đã hẹn. Cả hai mừng mừng tủi tủi nhưng quan trọng nhất là việc cô này cung cấp thêm tiền bạc để cho Sơn chạy trốn. Trước khi từ biệt, gã giang hồ không quên "tâm sự" với cô bạn gái để cảm ơn!
Nhanh chóng truy tìm tung tích của nhóm phạm nhân bỏ trốn tại Vĩnh Phúc, Công an TP.Hà Nội đã bí mật tiếp cận và bắt gọn cả nhóm này khi chúng chuẩn bị ra bến xe để di chuyển xa hơn.
Đường về mù mịt
Sau này, khi bị bắt về quy án vẫn tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cả ba tên bị truy tố về tội "trốn khỏi nơi giam giữ", đại diện Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đã hỏi rất kỹ về số tiền hơn 1 triệu đồng, là phương tiện cho nhóm này bỏ trốn. Hiếu khai rằng, đó là do người nhà của mình gửi vào nhưng khi đại diện VKS truy hỏi có phải Sơn dùng vũ lực trấn lột của các phạm nhân trại giam B3 trước đó không thì y nhất định từ chối. Trong bản khai của can phạm Đồng, Đồng cũng khai nhận rằng, do sợ uy của anh Sơn và biết anh Sơn từ trước đó nên khi được yêu cầu mở khóa, dù biết là vi phạm nhưng Đồng vẫn "hết lòng" vì đàn anh.
Tại phiên tòa xét xử lưu động tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều phạm nhân được phép tham dự, trong số này cũng có nhiều chiến hữu của Sơn. Gặp nhau chốn công đường, Sơn vẫn "trơ lỳ" như một tên tội phạm chuyên nghiệp, y cười nói và đưa ra những cử chỉ thân thiện khi gặp một ai đó quen thân.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và tính chất vi phạm của 4 phạm nhân trên, HĐXX đã tuyên phạt Sơn 5 năm tù giam, tổng cộng hình phạt chưa hoàn thành ở mức án trước là 7 năm 6 tháng tù. Đối với Hiếu là 4 năm tù, tổng cộng là 9 năm 6 tháng tù; Hùng là 4 năm, tổng cộng 7 năm 6 tháng tù. Riêng Đồng nhận mức án 3 năm tù giam, tổng cộng mức án là 5 năm 10 tháng tù.
Kết thúc phiên tòa, Sơn cùng cả bọn tươi cười nhìn các phạm nhân trong khán phòng như chưa có chuyện gì xảy ra. Sơn vẫy tay: "Chào các chiến hữu, anh đi đây" khiến cả HĐXX lẫn những ai chứng kiến đều lắc đầu ngao ngán.
Bên ngoài cổng trại tạm giam, gia đình bốn bị cáo thấm thỏm chờ tin con. Mẹ bị cáo Sơn mới hồi phục sau ca mổ khóc ngất lịm khi nghe tin con mình tăng án thêm 5 năm. Bố mẹ Hùng rơm rớm nước mắt, thẫn thờ nhìn theo con bị dẫn giải về buồng giam. Trong khi đó, mẹ Hiếu ngồi lặng bên cổng không thể đứng dậy nổi. Em gái Đồng mắt đỏ hoe hỏi một cán bộ khi đã lạc cả giọng vì khóc thương anh: "Bao giờ em được vào thăm anh ấy" khiến nhiều người phải dìu cô bé vào nghỉ cùng mẹ Sơn...
Câu chuyện trốn trại của bốn phạm nhân này từng gây ra chấn động đối với dư luận tỉnh Vĩnh Phúc bởi tuổi đời của những phạm nhân này còn quá trẻ nhưng sự liều lĩnh và trơ lỳ trước pháp luật lại quá thừa. Ở phần tiếp theo, Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin đến bạn đọc một vụ trốn trại "cao thủ" và manh động hơn cũng xảy ra tại Vĩnh Phúc.
Theo Giáo Dục VN
Vượt ngục chấn động: Cắt khóa, trèo qua lưới điện trong 5 phút Bốn phạm nhân vượt ngục khỏi trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc đều rất trẻ. "Tên cầm đầu" mới chỉ 21 tuổi nhưng đã có thành tích đáng nể và được gọi là "đàn anh" trong trại tạm giam. Được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, Sơn "trô" đã dẫn các tên tù trốn ngục thành công và tiếp tục trượt dài...