“American Sniper” – Cuộc chiến nội tâm của xạ thủ Mỹ
Bộ phim “ American Sniper” do đạo diễn Clint Eastwood kể về cuộc đời của xạ thủ Chris Kyle đang chiếm lợi thế trong cuộc đua Oscar năm nay.
Với 255 lần hạ thủ trong đó có 160 lượt được xác nhận bởi Bộ Quốc Phòng, Chris Kyle được coi là một trong những xạ thủ xuất sắc nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Chuỗi dài những chiến tích được ghi nhận như một huyền thoại đã được chính Kyle kể lại trong cuốn hồi kí của mình và sau đó được hãng Warner Bros. chuyển thể lên màn bạc qua bộ phim American Sniper (tạm dịch: Xạ thủ Mỹ). Được nhào nặn dưới bàn tay của đạo diễn gạo cội Clint Eastwood cùng với sự tham gia diễn xuất của tài tử Bradley Cooper, tác phẩm đã gặt hái những thành công lớn. American Sniper nhận được những khen ngợi không ngớt từ cả khán giả và giới phê bình. Nó phá kỉ lục doanh thu tuần đầu công chiếu, vượt xa số tiền bán vé của rất nhiều phim bom tấn hè, cùng với đó là sáu đề cử Oscar danh giá trong đó có cả đề cử Phim xuất sắc nhất.
Diễn viên Bradley Cooper và đạo diễn Clint Eastwood trên trường quay của “American Sniper”
Điều đầu tiên cần nói đến là tông chủ đạo của bộ phim. American Sniper là một bộ phim tâm lý lấy chủ đề chiến tranh, vậy nên, nếu mong chờ đây là một tác phẩm với những màn chiến đấu dữ dội hay các cảnh cháy nổ hoành tráng như Saving Private Ryan hoặc Pearl Harbor thì bạn nên nghĩ lại. Các cảnh giao tranh trong phim đều chỉ dừng ở mức ngắn đến vừa nhưng điều tích cực là chúng được làm rất tốt, tạo được cảm giác căng thẳng của những khoảnh khắc thập tử nhất sinh. Tất cả những cảnh hành động nói trên cùng góp sức cho một mục đích duy nhất là làm rõ thêm bức tranh cuộc đời của Chris Kyle.
Bradley Cooper trong vai Chris Kyle
Kyle quyết định gia nhập quân đội sau khi nhìn thấy trên TV hình ảnh đại sứ quán Mỹ bị đánh bom. Sau đó anh được chọn để gia nhập vào lực lượng đặc nhiệm SEAL với việc trở thành một lính bắn tỉa. Sau phần mở đầu khá đơn giản giới thiệu về những tư tưởng được truyền dạy từ thuở thiếu thời đã định hình tính cách của Chris Kyle, bộ phim nhanh chóng đi vào phần chính: tập trung khắc họa tâm lý của Kyle trong suốt bốn lần được gửi sang những cuộc chiến tranh của Mỹ tại Trung Đông. Từng được hai lần đề cử Oscar trước đó, Bradley Cooper đã cho thấy khả năng diễn xuất tuyệt vời của mình khi hóa thân vào nhân vật. Cùng lúc Kyle phải đối mặt với nhiều mối lo. Anh là một lính bắn tỉa được giao nhiệm vụ bảo vệ những người lính khác, loại trừ những mối nguy hiểm đe dọa họ ngay trước khi chúng có cơ hội xảy ra. Ngược lại, chính anh cũng phải chịu không ít nguy hiểm bởi lính bắn tỉa cũng là một trong những mục tiêu bị truy quét sát sao nhất trên chiến trường.
Công việc cũng không đơn giản là ngắm và bắn bởi trên chiến trường việc nhận ra đâu là bạn hay thù không hề đơn giản. Không ít lần, Kyle phải đấu tranh nội tâm một cách căng thẳng trước khi hạ thủ. Và không chỉ là câu chuyện ở trên chiến trường, người lính hết mình vì đất nước và đồng đội còn có vợ con mòn mỏi đợi chờ ở quê hương. Không ít xung đột cũng nảy sinh từ đây khi Kyle đôi lúc đã mất cân bằng giữa việc nước – việc nhà. Phải nói rằng Bradley Cooper đã thể hiện rất thành công một nhân vật có nội tâm phức tạp bởi áp lực từ mọi hướng. Tuy nhiên, American Sniper cũng không phải là một bộ phim hoàn hảo.
Video đang HOT
Trước khi Clinst Eastwood chính thức đảm nhiệm vai trò đạo diễn, Warner Bros. đã từng cân nhắc hai cái tên nổi tiếng khác. Đầu tiên là David O. Russell – người từng rất thành công với hai lần cộng tác cùng Bradley Cooper trong Silver Linings Playbook và American Hustle. Tiếp đó là đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg. Tuy nhiên, thỏa thuận với cả hai đều không đi đến đâu. Spielberg từng có một hướng đi rất táo bạo khi định chuyển thể nguyên tác thành cuộc đối đầu giữa Kyle và một xạ thủ chết chóc từ phía đối nghịch. Eastwood cũng đã thêm vào chi tiết này trong bản phim của mình, tất nhiên là ông còn sắp đặt thêm không ít chi tiết khác nhằm tạo xung đột. Dù vậy, khán giả đòi hỏi một tác phẩm với góc nhìn đa chiều và chân thật hơn về cuộc chiến có thể sẽ thất vọng.
Diễn xuất tuyệt vời của Bradley Cooper là điều không còn phải nghi ngờ và cùng với kịch bản dồn quá nhiều vào Kyle, nó dẫn tới một hệ quả là nhân vật của Cooper trở thành nhân tố tỏa sáng duy nhất, áp đảo toàn bộ các diễn viên còn lại trong phim. Sienna Miller cũng đã rất cố gắng trong vai Taya, người bạn đời của Kyle nhưng tới cuối cùng thì những xung đột của hai vợ chồng lại không thấm tháp so với xung đột giữa người chồng lính tráng và cuộc chiến mà anh tham gia.
Tình trạng tương tự xảy ra với gã xạ thủ đối nghịch ở bên kia chiến tuyến. Cho dù cuộc đối đầu được khắc họa khá hấp dẫn nhưng không lâu sau đó, khán giả cũng sẽ nhanh chóng quên đi nhân vật này. Cộng với đó là việc xây dựng một hình tượng người lính quá hoàn hảo, hoàn toàn hết mình vì đất nước, thậm chí không có một phút nản lòng và không có ai thể hiện tư tưởng tiêu cực với cuộc chiến tranh tàn khốc. Bộ phim đã hạn chế đi rất nhiều tiềm năng có thể khai thác và làm mờ nhạt đi khá nhiều thông điệp phản chiến mà đạo diễn Clint Eastwood đã nhắc tới trong những cuộc phỏng vấn sau đó. Tuy nhiên, so với một cuốn sách mà tác giả của nó được cho là “kể lể chiến tích” và “coi bắn giết là thú vui” thì phiên bản điện ảnh này cũng là một thành công đáng kể. Không chỉ thế, American Sniper còn giành được một sự ưu ái nhất định trong cuộc đua chạy đến Oscar vì nội dung của mình.
Theo Quang Chúc / Trí Thức Trẻ
Lính bắn tỉa - "American Sniper" tiếp tục làm bá chủ Bắc Mỹ
Bộ phim "American Sniper" của đạo diễn Clint Eastwood tiếp tục dẫn đầu Top box tuần cuối tháng 1 tại Bắc Mỹ.
Sau màn ra mắt chính thức cực kỳ ấn tượng hồi cuối tuần trước, American Sniper của đạo diễn lão làng Clint Eastwood tiếp tục gây kinh ngạc khi giữ vững ngôi đầu bảng xếp hạng Box Office khu vực Bắc Mỹ với khoản doanh thu khủng. Trong khi đó, sự trở lại của Jennifer Lopez cũng đạt thành công tương đối qua tác phẩm ly kỳ The Boy Next Door, còn Mortdecai của Johnny Depp trở thành một trong những bộ phim xịt đầu năm 2015.
Việc American Sniper giữ nguyên ngôi vương là điều có thể dự đoán từ trước vì những đối thủ cạnh tranh đều không nổi bật. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ được anh lính bắn tỉa người Mỹ lại giữ chân được khán giả nhiều đến vậy. So với tuần trước, lượng người xem chỉ giảm có 27,9%, qua đó hãng phát hành Warner Bros. bỏ túi thêm 64,3 triệu USD (~ 1350 tỷ VNĐ).
Bradley Cooper trong "American Sniper"
Như vậy, tổng doanh thu của American Sniper tính tới thời điểm hiện tại đã vượt mốc 200 triệu USD (4200 tỷ VNĐ), tức gấp 3 lần số vốn ban đầu bỏ ra. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới nhờ hiệu ứng truyền miệng. Dự tính, American Sniper hoàn toàn có thể mang về 300 triệu USD trở lên sau khi kết thúc thời gian chiếu rạp. Đây rõ ràng là một hiện tượng (về mặt thương mại) nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người trong mùa giải Oscar năm nay.
Sau hai năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, nữ ngôi sao Jennifer Lopez đã có sự trở lại vào cuối tuần qua với bộ phim ly kỳ The Boy Next Door. Sự nghiệp ca nhạc của Jennifer Lopez có thể nói là cực kỳ rực rỡ, lên đến tột đỉnh của vinh quang nhưng ở lĩnh vực điện ảnh, nghiệp diễn xuất của cô chỉ dừng ở mức bình thường. Các tác phẩm mà cô tham gia, cả vai chính lẫn vai phụ, hầu hết đều thuộc hàng bậc trung. Gần đây, Jennifer Lopez chẳng có lấy một vai diễn đột phá nào cho ra hồn.
The Boy Next Door cũng vậy, thậm chí còn bị chê bai thảm hại bởi giới phê bình. Trong tuần đầu tiên ra mắt, bộ phim "cá kiếm" được 15 triệu $ (~ 315 tỷ VNĐ). Tuy doanh số bán vé không cao nhưng do kinh phí sản xuất quá thấp (4 triệu USD ~ 84 tỷ VNĐ) nên Universal hiện đã thu hồi vốn và có lãi.
J.Lo trong phim "The Boy Next Door"
Theo thống kê tại quầy vé thì có tới 71% lượng khán giả vào rạp là nữ giới và 60% trên 25 tuổi. Đây là điều tương đối khó hiểu vì chẳng lẽ Jennifer Lopez đã hết cuốn hút, hết nóng bỏng trong mắt nam giới? Chất lượng của The Boy Next Door rất tệ hại khi chỉ đạt điểm 4,6 trên IMDB và 31/100 trên Metacritic.
"Strang Magic"
Các vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt thuộc về Paddington (vẫn giữ nguyên thứ 3), The Wedding Ringer, Taken 3 và Imitation Game. Trong khi đó cả Strange Magic và Mortdecai đều thua đau đớn về mặt thương mại. Khởi chiếu tại hơn 3000 hệ thống rạp nhưng qua ba ngày cuối tuần qua, Strange Magic chỉ mang về vỏn vẹn 5,53 triệu USD (~ 116,1 tỷ VNĐ). Đây là kết quả thống kê quá thấp nếu so với số rạp phát hành.
Johnny Depp trong "Mortdecai"
Trong khoảng bốn năm trở lại đây, ngoại trừ Dark Shadows, cứ khi nào Johnny Depp đóng vai chính thì y như rằng bộ phim đó không thất bại thì cũng trở thành bom xịt. Từ The Rum Diary, The Lone Ranger cho tới Transcendence và giờ đây là Mortdecai đều bị cả giới phê bình lẫn khán giả chê bai tệ hại.
Với kinh phí sản xuất lên tới 60 triệu USD (1260 tỷ VNĐ) nhưng trong dịp weekend vừa qua,Mortdecai chỉ kiếm về 4,1 triệu $ (~ 86 tỷ VNĐ). Chất lượng nội dung thì khỏi phải bàn, quá tệ hại.
Vào cuối tuần này, sẽ có ba gương mặt mới được phát hành tại thị trường Bắc Mỹ gồm Black or White, The Loft và Project Almanac. Do cả ba bộ phim trên đều thuộc dạng trung bình nên rất có thể American Sniper vẫn sẽ độc chiếm ngôi đầu bảng thêm một tuần nữa.
Theo Cobain P / Trí Thức Trẻ
'A Most Violent Year' bất ngờ nhận giải 'Phim hay nhất 2014' Ủy ban Quốc gia Phê bình Điện ảnh Hoa Kỳ vừa trao giải Phim truyện xuất sắc nhất trong năm cho "A Most Violent Year", đồng thời hé lộ top 10 các tác phẩm điện ảnh hay nhất 2014. Trong ngày 3/12, Ủy ban Quốc gia Phê bình Điện ảnh Hoa Kỳ trao giảiPhim truyện xuất sắc nhất cho A Most Violent Year....