Amazon Kindle Paperwhite: Thỏa mãn đam mê đọc sách
Có thể nói, hướng khai thác thiết bị đọc sách điện tử của Amazon đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Thiết bị giá thành rẻ, “pin trâu”, màn hình E-Ink chống lóa, và nhất là kho sách đồ sộ là một số ưu điểm vượt trội mà một vài đối thủ khác như Nook của Barnes & Noble không thể so sánh được.
Trong sự kiện diễn ra vào ngày 6/9 vừa qua, bên cạnh phiên bản máy tính bảng Kindle Fire HD đình đám, sự tập trung của giới hâm mộ nói riêng, cũng như cộng đồng đam mê cộng nghệ toàn thế giới nói chung cũng được đổ về chiếc máy đọc sách thế hệ thứ 5 của Jeff Bezos và cộng sự. Nói không ngoa, với Paperwhite, thú vui đọc sách trong kỷ nguyên kỹ thuật số đã hoàn toàn lột xác.
“Không một nút bấm”
Giống như rất nhiều sản phẩm Kindle khác, bao bì của Kindle Paperwhite cũng tối giản hết sức có thể. Bên trong hộp đựng bằng bìa carton màu đen khá giản dị nhưng vẫn vô cùng lôi cuốn chỉ là chiếc máy đọc sách nhỏ gọn, đi kèm là “tài liệu hướng dẫn sử dụng” (Một tấm bìa nho nhỏ hướng dẫn việc kết nối) và cáp USB màu trắng ngà. Giống như Kindle Fire HD, chiếc tablet màn hình màu mà GenK đã có dịp giới thiệu đến các bạn độc giả, Kindle Paperwhite không hề đi kèm với cục sạc, đồng nghĩa với việc người sử dụng sẽ phải sạc pin thông qua cổng USB của máy tính, laptop hoặc… trưng dụng sạc của các thiết bị điện tử khác để sạc pin.
Chúng ta hoàn toàn có thể tóm tắt “bề dày” phát triển thiết bị đọc sách của Amazon bằng câu nói: Càng ngày càng đơn giản. Quả thật vậy, nếu như phiên bản Kindle đầu tiên ra mắt vào năm 2007 trông như một chiếc PDA trong các bộ phim khoa học viễn tưởng với vô vàn nút bấm, thì Kindle Paperwhite thế hệ thứ 5 chỉ còn độc nhất màn hình cảm ứng, và nút bấm duy nhất là nút nguồn được đặt ở đáy thiết bị.
Bên cạnh nút nguồn, dưới đáy Paperwhite còn là nơi đặt cổng kết nối micro USB và đèn tín hiệu báo sạc hoặc hết pin màu xnah lá/cam. Có lẽ Amazon muốn thiết bị của họ chuyên biệt về mảng đọc sách nên những chi tiết “thừa” như bàn phím, loa hay cổng audio 3.5 mm đã hiện diện ở những phiên bản Kindle E-Ink trước đã bị lược bỏ.
Mọi thao tác điều khiển nay đều được đưa hết về màn hình cảm ứng 6 inch, độ phân giải 758 x 1024 pixel. Chính vì không còn nút chuyển trang nên cách duy nhất để chuyển trang sách là chạm hoặc vuốt vào nửa trước hoặc nửa sau màn hình (theo chiều dọc). Chính điều này đã vô tình gây khó khăn cho người sử dụng, những người muốn sử dụng máy bằng một tay. Lý do là do chiều rộng của Kindle Paperwhite không hề nhỏ, và bạn buộc phải cần máy bằng 1 tay, và điều khiển màn hình cảm ứng bằng tay còn lại.
Thêm nữa, vì không có nút bấm, nên Kindle Paperwhite sẽ yêu cầu một khoảng thời gian làm quen trước khi sử dụng máy một cách thuần thục. Đơn cử, khi bạn đang đọc sách và muốn trở về màn hình chính, hoặc điều chỉnh độ sáng của thiết bị, bạn sẽ phải chạm vào góc trên bên trái của Paperwhite. Tuy nhiên một điểm cộng cho thiết bị là hệ thống menu khá thân thiện và… “ít mục”, vì thế bạn sẽ có thể dễ dàng tìm được thứ mình cần thông qua hệ thống menu của Paperwhite.
Cổng Micro USB, đèn báo sạc, và nút nguồn
Màn hình “đẹp lung linh”
Đúng như “đồn đại”, màn hình của Paperwhite hoàn toàn có thể coi như cuộc cách mạng dành cho các thiết bị đọc sách ứng dụng công nghê màn hình E-Ink. Mật độ điểm ảnh trên màn hình lên đến 212 ppi (point-per-inch), đủ sức hiển thị hình ảnh một cách sắc nét (dĩ nhiên vẫn là… đen trắng).
Ưu điểm vượt trội của công nghệ giấy điện tử (màn hình E-Ink) đó là vẫn có khả năng hiển thị hình ảnh cực kỳ rõ ràng dưới tác động của ánh sáng mạnh, điều này không cần bàn cãi thêm. Tuy nhiên khi đưa vào phòng tối hoặc không có ánh sáng, thiết bị của chúng ta sẽ trở nên vô dụng nếu không sở hữu đèn nền. Đó chính là lý do sau khi Kindle ra đời, đã có không ít các nhà sản xuất đồ chơi đi kèm “kiếm bộn” bằng cách làm những bộ case bảo vệ “kiêm” đèn nền giúp người sử dụng có thể đọc sách trong bóng tối.
Rút kinh nghiệm, Kindle Paperwhite được Amazon đưa vào hệ thống đèn nền giúp người sử dụng thoải mái đọc sách trong bóng tối. Người sử dụng có thể tùy chỉnh độ sáng của đèn nền tùy vào độ sáng của môi trường, sao cho cảm giác đọc thoải mái nhất (không quá tối, cũng như không quá chói). Thử nghiệm cho thấy, ở mức sáng số 6 trong căn phòng không có chút ánh sáng nào, màn hình của Paperwhite vẫn đáp ứng tốt thao tác đọc sách của tôi.
Thêm nữa, để đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, người dùng có thể tùy chọn font chữ hiển thị cũng như cỡ chữ phù hợp. Lần này, màn hình mới của Paperwhite lại phát huy lợi thế, khi “chữ nghĩa” trong mỗi file ebook được hiển thị rõ ràng, sắc nét và không hề gây cảm giác bị nhòe chữ.
Hoàn hảo cho tác vụ đọc sách
Phiên bản mà GenK đang giới thiệu đến các bạn độc giả là phiên bản Kindle Paperwhite Wi-Fi, kèm thêm “special offer” của nhà sản xuất. Kỳ thực, cái gọi là “special offer” chỉ là một khoản được trừ vào chi phí mua máy, thay vào đó màn hình chờ của Paperwhite sẽ là nơi những quảng cáo của Amazon được hiện lên, giống như nhiều thiết bị Kindle ra mắt trước đây.
Chỉnh độ sáng của đèn nền
Thử nghiệm cho thấy Kindle Paperwhite scan sóng Wi-Fi hơi lâu một chút, tuy nhiên việc kết nối diễn ra khá nhanh, và thao tác tải trang cũng nhanh không kém, ngoại trừ việc màn hình “chớp” với tần suất khá nhiều trong quá trình duyệt web (yếu điểm chung của công nghệ E-Ink hiện thời).
Video đang HOT
Chỉnh độ lớn của font chữ
Kindle Paperwhite sở hữu bộ nhớ trong 2GB (người sử dụng được truy xuất 1,4GB dữ liệu), đủ lưu trữ hơn 1000 cuốn sách (quảng cáo của Amazon). Bạn có thể mua những tựa sách có trên hệ thống Amazon Store, hoặc tải trực tiếp những file Ebook từ máy tính vào Paperwhite thông qua kết nối USB. Paperwhite hỗ trợ khá nhiều định dạng ebook từ prc, pdf đến azw. Không chỉ có vậy, Paperwhite còn cho phép người sử dụng… chơi game, những tựa game đen trắng trên Amazon Store mang tính giải trí khá tốt sau những phút trầm ngâm cùng những tựa sách.
Thời lượng pin của Paperwhite cũng là một điểm cộng lớn cho thiết bị. Một lần sạc cho phép người sử dụng chạy thiết bị… 2 tháng liên tục! Sở dĩ Paperwhite sở hữu thời lượng pin ấn tượng như vậy là do màn hình E-Ink của thiết bị.
Tạm kết
Với cái giá vào khoảng 3 triệu Đồng, Amazon Kindle Paperwhite có thể coi như thiết bị đọc sách hoàn hảo cho mọi đối tượng. Thời lượng pin “trâu”, màn hình sáng đẹp, cộng với việc hỗ trợ nhiều định dạng sách là những thứ biến thế hệ thứ 5 của dòng máy đọc sách điện tử đến từ Amazon trở thành thứ nằm trong “wishlist” của không ít người (trong đó có cả tôi nữa!)
Theo Genk
Kindle Fire HD 7 inch: Tablet ấn tượng trong tầm giá 6 triệu đồng
Đầu tháng 9/2012, Amazon đã khiến nhiều tín đồ công nghệ khá bất ngờ khi giới thiệu thêm dòng máy tính bảng chạy Android mang tên Kindle Fire HD cỡ màn hình 7 inch và 8,9 inch. Tiếp nối thành công của Kindle Fire, dòng tablet Kindle Fire HD hứa hẹn sẽ đem đến cho người dùng những trải nghiệm phim ảnh và nội dung HD tuyệt vời với mức giá khá "bình dân" so với mặt bằng chung của máy tính bảng Android.
Khi Amazon trình làng dòng tablet Kindle Fire HD, tôi cũng không khỏi tò mò và muốn dùng thử những chiếc máy tính bảng này xem chúng liệu có thực sự là một "dòng tablet" mới hay không, hay chỉ là những bản nâng cấp đơn điệu từ Kindle Fire? Thật may là cửa hàng Halobuy (số 66 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội) đã đem máy về Việt Nam từ rất sớm và cho GenK mượn chiếc Fire HD 7 inch để đánh giá, trải nghiệm sơ qua về thiết bị này.
Tuy nhiên do cửa hàng chỉ cho mượn khoảng gần hai ngày, nên tôi chỉ có thể gửi tới bạn đọc những cảm nhận sơ lược ban đầu về thiết kế, cảm giác sử dụng và một số thứ khác mà thôi. Về những điểm cộng sáng giá hơn hay vấn đề phát sinh sau một thời gian sử dụng Kindle Fire HD, có lẽ sẽ phải do chính bạn khám phá.
Thiết kế
Cảm giác đầu tiên khi mục sở thị Kindle Fire HD 7 inch là máy có hộp đựng khá đơn giản nhưng không kém phần sang trọng. Tuy nhiên nội thất bên trong hộp cũng "đơn giản" không kém khi phụ kiện đi kèm chỉ bao gồm một tờ bìa hướng dẫn sử dụng nhỏ và cáp kết nối microUSB (không có củ sạc pin). Điều đó đồng nghĩa với việc người dùng bắt buộc phải mua củ sạc "zin" của Amazon hoặc là chọn 1 trong 2 cách: 1. Sạc pin qua cổng USB của laptop, 2. Dùng sạc của các thiết bị khác.
Với số đo 3 vòng 193 x 137 x 10,3 mm, chiếc Kindle Fire HD 7" cho cảm giác cầm trên tay tương đối chắc chắn. Máy được thiết kế nguyên khối, các chi tiết góc cạnh được bo tròn khá nhiều, cả mặt lưng cũng hơi cong nên cảm giác cầm vững chãi và kể cả khi dùng một tay. Mặt lưng của Fire HD 7" trông khá đẹp với lớp phủ cao su mỏng và một dải kim loại bóng chạy song song với viền máy.
Trên dải kim loại này là hai loa nhỏ ở hai bên và logo Kindle được rập chìm khá đẹp. Tuy nhiên điều đáng nói là lớp vỏ này rất bám vân tay, người dùng sẽ buộc phải lau chùi chiếc Kindle của mình thường xuyên nếu muốn giữ cho chiếc tablet của mình luôn sạch sẽ.
Mặt sau của máy được phủ cao su - đây là nguyên nhân dẫn đến việc bám vân tay.
Mặt trước của Fire HD 7" là màn hình 7 inch độ phân giải 800 x 1280 pixels (mật độ điểm ảnh vào khoảng 216 ppi). Tuy nhiên bố cục của mặt trước chưa thực sự đẹp, bởi khoảng cách từ viền màn hình tới các cạnh của máy khá lớn, không toát lên vẻ sang trọng giống như chiếc Kindle Fire 2 (Kindle Fire phiên bản 2012, chiếc máy có ngoại hình hầu như không thay đổi so với Kindle Fire).
Viền màn hình khá dày.
Kindle Fire HD 7" rất ít nút cứng. Máy chỉ có cụm phím tăng/giảm âm lượng và nút power. Tuy nhiên hai phím này không được bố trí nổi hẳn lên khỏi cạnh máy nên người dùng sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc sử dụng. Trong hai ngày trải nghiệm Fire HD 7", tôi đã không ít lần phải nghiêng hẳn cạnh phải để nhìn xem mình đã đặt ngón tay đúng chỗ hay chưa mà bấm mãi không được.
Phím cứng thiết kế hơi khó bấm.
Có lẽ Amazon muốn thiết kế sản phẩm của mình theo một quy tắc nhất quán, không một chi tiết nào nhô ra khỏi vỏ. Tuy đẹp hơn nhưng điều này lại vô tình gây chút khó khăn trong quá trình sử dụng.
Một điểm tôi cần phải đề cập trong khâu thiết kế của dòng tablet này: Trên dải kim loại ở mặt lưng của Fire HD 7", Amazon bố trí hai loa ngoài nằm về hai cạnh trái và phải của máy. Bố cục này cộng với việc tích hợp công nghệ Dolby Digital Plus sẽ giúp âm thanh được phát từ HD 7" to và rõ ràng hơn, nhưng vô tình khi người dùng cầm bằng hai tay sẽ che đi vị trí của 2 loa này khiến tiếng phát ra bị nghẹt và khá "bẹt".
Nếu cầm máy 1 cách chắc tay, bạn sẽ che đi hai bên loa.
Giả sử cầm như tôi là không đúng cách, thì cũng khó có cách cầm nào khác thoải mái hơn được. Tôi đã thử cách Steve Jobs hướng dẫn người dùng cầm iPhone 4 nhưng có vẻ không được ổn cho lắm.
Hình ảnh và âm thanh
Dòng tablet Kindle Fire HD ra mắt đem đến cho người dùng trải nghiệm phim ảnh và nội dung HD rất thú vị. với màn hình HD độ phân giải 800 x 1280 và tấm nền IPS, hình ảnh hiển thị trên Fire HD 7" tuyệt đẹp, tươi sáng và sắc nét. Tôi cảm thấy hình ảnh khá sống động và các văn bản, chữ viết khá sắc nét, góc nhìn cũng tương đối rộng. Giờ đây người dùng có một chiếc Kindle với độ phân giải màn hình cao hơn, xem và chơi các nội dung HD rất tuyệt với mức giá chỉ khoảng 5,5 triệu đồng.
Amazon còn nói hãng đã tích hợp một lớp phủ vào màn hình để ngăn chặn các nguồn sáng không mong muốn phản chiếu từ môi trường ngoài có thể ảnh hưởng xấu tới việc hiển thị nội dung trên thiết bị của họ, chẳng hạn như lớp phủ này giúp ngăn chặn ánh sáng sáng chói khi đọc sách ngoài trời. Tuy nhiên tôi đã thử đem Fire HD 7" ra ngoài trời và xem thử, nhưng dường như dù có để độ sáng cao nhất thì tình trạng bị lóa màn hình vẫn không có gì khác biệt lắm so với những màn hình bình thường.
Loa Stereo và công nghệ Dolby Digital Plus được tích hợp vào Fire HD 7" cũng thể hiện khá xuất sắc nhiệm vụ của mình. Chất lượng âm thanh mà Fire HD 7" cung cấp không phải là tốt nhất trong tất cả các tablet trên thị trường, nhưng âm phát ra từ thiết bị này khá to và sắc nét, đủ để bạn có thể nghe thấy được từ một khoảng cách tương đối xa. Về khoản âm thanh, Kindle Fire HD đã vượt qua mặt bằng chung của những chiếc tablet phổ thông trên thị trường.
Loa ngoài.
Về vấn đề khi cầm Kindle Fire HD 7" trên tay có thể che đi loa ngoài, người dùng có thể khắc phục bằng cách hãy cầm thiết bị bằng cách tạo hình hai bàn tay hơi "khum" vào một chút xung quanh khu vực loa. Điều này sẽ giúp tạo ra chút cấu trúc "vòm" và chất lượng âm thanh Kindle Fire HD thể hiện sẽ có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên, kiểu cầm này chỉ thực sự thoải mái khi bạn có điểm tựa cho hai bàn tay mình.
Phần mềm và cấu hình
Kindle Fire HD 7" được trang bị cấu hình khá mạnh mẽ: Vi xử lý TI OMAP 4470 (Cortex-A9) hai nhân, tốc độ 1,2 GHz và chip đồ họa PowerVR SGX540. RAM lên tới 1GB và bộ nhớ trong 16GB/32GB cũng đủ làm hài lòng bất cứ người dùng khó tính nào.
Điểm nổi trội nhất của Kindle Fire HD có lẽ là tính năng hỗ trợ băng tần dual-MIMO Wifi với hai ăng-ten bắt sóng wifi (và Kindle Fire HD chính là dòng tablet đầu tiên tích hợp tính năng này). Qua trải nghiệm thực tế, tôi phải công nhận rằng dual-MIMO trên Fire HD 7" không hề "hữu danh" một chút nào.
Giao diện Amazon Store.
Máy bắt sóng wifi rất khỏe và ổn định, hơn rất nhiều so với chiếc điện thoại Samsung Galaxy tôi đang sử dụng và không kém gì chiếc laptop. Điều này khiến trải nghiệm lướt web trên trình duyệt Silk đi kèm máy trở nên thú vị hơn rất nhiều với tốc độ tải trang nhanh và mượt.
Duyệt web trên trình duyệt Silk.
Kindle Fire HD chạy HĐH Android 4.0 đã được Amazon tùy biến khá nhiều cho phù hợp với mục đích của hãng. Không còn màn hình widget hay giao diện app dạng grid quen thuộc nữa, mà thay vào màn hình chính hiển thị Recent App dưới dạng thumbnail khá lớn, ngay phía trên là các danh mục người dùng có thể chọn. Thanh notifications tuy cũng được tùy biến nhưng không khác nhiều lắm so với Android gốc. Nhìn chung giao diện này cũng không hẳn là quá rối mắt khó nhìn hay khó sử dụng, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người dùng không thích kiểu bố cục này của Amazon.
Giao diện trên Kindle Fire HD.
Nếu bám sát các tin tức về Kindle Fire HD, chắc hẳn bạn cũng biết rằng máy đã được các hacker Root thành công chỉ sau gần 2 tuần ra mắt. Tuy nhiên tôi không thể làm điều đó với chiếc Fire HD mượn từ cửa hàng Halobuy được, nên việc này người đọc có thể tìm hiểu sau khi sở hữu một thiết bị.
Tôi cũng khuyên những ai có ý định mua Kindle Fire HD là tốt nhất bạn nên root nó, bởi nếu không người dùng khó có thể can thiệp gì vào máy. Tôi sử dụng Fire HD 7" bằng tài khoản Amazon của mình, tuy nhiên do không nhập thông tin về thẻ tín dụng nên việc download và cài ứng dụng từ trên Amazon Store là không thể.
Không giống như các thiết bị Android khác, người dùng có thể bỏ qua bước nhập thông tin về VISA Card hay Master Card mà vẫn có thể tải được ứng dụng free, ở Kindle Fire bạn bắt buộc phải nhập thông tin thẻ tín dụng thì mới download được App free.
Android 4.0 đã được Amazon tùy biến khá nhiều.
Mặc dù không root và không nhập thông tin thẻ tín dụng thì người dùng vẫn có thể cài đặt ứng dụng bằng cách kết nối Fire HD với máy tính qua dây cáp, tuy nhiên điều đó vẫn rất tốn công sức so với việc sử dụng kết nối không dây.
Thời lượng pin
Với hai ngày sử dụng sản phẩm, tôi không có nhiều thời gian cho việc kiểm tra thời lượng pin của Kindle Fire HD 7". Nhưng theo một số cảm nhận ban đầu, mặc dù lướt web, nghe nhạc, xem ảnh và video HD liên tục trong khoảng 5 giờ đồng hồ, dung lượng pin của máy vẫn giữ được khoảng 40%. Có thể nói là thời lượng pin của Kindle Fire HD 7" khá ổn, không thua kém gì những tablet khác trên thị trường.
Kết
Trên đây mới chỉ là những cảm nhận sơ xài sau hai ngày dùng máy, những điều tôi đề cập trong bài đối với 1 số người dùng sẽ có thể khác. Tuy nhiên dù cảm nhận của bạn thế nào thì đây vẫn là một chiếc tablet tốt, và Amazon đã khá thành công với sản phẩm của mình. Máy hiện đang được Halobuy (số 66 Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) bán với giá 5,6 triệu đồng.
Thông số cơ bản:
-Tên: Amazon Kindle Fire HD 7 inch 16GB.
-Ngày giới thiệu, ngày bán ra: 9/2012.
-Kích thước: 193 x 137 x 10,3mm.
-Trọng lượng: 395 g.
-Màn hình LCD IPS TFT 16 triệu màu.
-Màn hình độ phân giải 800 x 1280, 7 inch, mật độ điểm ảnh 216 ppi.
-Bộ nhớ trong 16/32GB.
-RAM 1GB.
-Wifi tích hợp công nghệ Dual-MIMO (hai ăng-ten wifi).
-Camera trước, 1,3 MP, chụp ảnh độ phân giải 1280 x 1024 pixels.
-HĐH Android 4.0 (đã tùy biến).
-Vi xử lý TI OMAP 4470 (Cortex-A9), hai nhân, 1,2 GHz.
-Chip đồ họa PowerVR SGX540.
-Màu: Đen.
Theo Genk
Tablet Nook HD và HD+ màn hình siêu mịn Mật độ điểm ảnh của Nook HD và HD lần lượt là 243 và 256 ppi, chỉ thấp hơn một chút so với con số 264 ppi của iPad 2012. Nhà sản xuất cho biết Nook HD (7 inch) sẽ có giá 199 USD (khoảng 4,15 triệu đồng) cho bản 8 GB, 229 USD (khoảng 4,78 triệu đồng) cho bản 16 GB. Nook...