Amazon bị kiện vì chậm giao hàng tại các khu vực thu nhập thấp của Mỹ
Tập đoàn thương mại điện tử Amazon của Mỹ đang đối mặt với vụ kiện tại Washington D.C liên quan đến cáo buộc vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng, do giao hàng chậm ở các khu vực thu nhập thấp.
Đây là một trong những vụ kiện đầu tiên kiểu này được đệ trình lên Tòa án cấp cao Washington D.C.
Các thùng hàng của Amazon trước khi được vận chuyển tại New York, Mỹ. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN
Trong đơn kiện nộp ngày 4/12, Tổng chưởng lý Washington D.C, ông Brian L. Schwalb, cho biết Amazon đã cố tình và không công khai việc ngừng cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh nhất cho khoảng 50.000 thành viên cấp cao (Prime Member) sống ở các khu vực có thu nhập thấp. Thay vào đó, Amazon đã sử dụng các bên thứ ba như công ty chuyển phát nhanh quốc tế UPS và Dịch vụ Bưu điện để thực hiện giao hàng tại các khu vực này trong 2 năm qua. Điều này dẫn đến việc giao hàng chậm hơn so với các khu vực khác, nơi Amazon sử dụng đội ngũ tài xế của riêng mình.
Tổng chưởng lý Schwalb khẳng định Amazon cần chịu trách nhiệm và cam kết ngừng hành vi “lừa dối khách hàng” này để đảm bảo rằng cư dân Washington D.C nhận được đúng dịch vụ mà họ đã trả tiền.
Vụ kiện này diễn ra trong bối cảnh Amazon đang bị giám sát nghiêm ngặt về chất lượng phục vụ khách hàng. Chính quyền Washington D.C từng kiện Amazon vào năm 2021 vì cáo buộc gian lận giá cả, một vụ kiện mà tòa phúc thẩm đã mở lại vào tháng 8 vừa qua. Đồng thời, trong một vụ kiện khác được nộp năm ngoái, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã cáo buộc Amazon độc quyền trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến khi áp đặt các điều kiện không công bằng lên các nhà bán lẻ và ưu tiên các dịch vụ của mình.
J&J có nguy cơ bị kiện tại Anh về bột talc gây ung thư
Tập đoàn dược - mỹ phẩm Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ có nguy cơ bị kiện ra tòa án Anh vì những cáo buộc về chất amiăng trong phấn rôm của công ty này, sau khi phải đối mặt với một loạt các vụ kiện tương tự ở Bắc Mỹ.
Phấn rôm của hãng Johnson & Johnson được bày bán tại siêu thị ở Alhambra, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngày 20/11, KP Law, công ty luật đại diện cho khoảng 2.000 nguyên đơn tại Anh, đã gửi đơn khiếu nại, trong đó cho biết "những phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư đe dọa tới sức khỏe và tính mạng đã tiếp xúc với amiăng có trong phấn rôm của công ty (J&J)". Các luật sư cáo buộc rằng ngay từ những năm 1970, tập đoàn có trụ sở tại Mỹ đã nhận thức về mối nguy hiểm của amiăng trong các sản phẩm bột talc nhưng không cảnh báo với người tiêu dùng, tiếp tục sản xuất và bán các sản phẩm này tại Vương quốc Anh cho đến tận năm 2022.
Đáp lại, Phó Chủ tịch phụ trách pháp lý toàn cầu của J&J cho biết hãng này "luôn coi trọng vấn đề an toàn của bột talc một cách vô cùng nghiêm túc". Nghiên cứu của riêng J&J cho thấy sản phẩm của công ty không có chứa amiăng, đồng thời cho biết khoa học độc lập chứng minh rằng bột talc không liên quan đến nguy cơ ung thư buồng trứng hay ung thư trung biểu mô.
J&J có thời gian đến cuối năm để phản hồi đơn khiếu nại, sau đó các tài liệu sẽ được nộp lên Tòa án Tối cao Vương quốc Anh.
Đây là lần đầu tiên J&J có nguy cơ bị kiện tại Anh liên quan tới vấn đề bột talc. Tuy nhiên, trước đó, công ty này đã đối mặt với hàng loạt vụ kiện tương tự tại Mỹ.
Vào tháng 9, J&J đã tăng mức đề nghị chi trả khoảng 8 tỷ USD để dàn xếp các khiếu nại về bột talc liên quan đến ung thư buồng trứng tại Mỹ và sẽ thanh toán trong vòng 25 năm. Đầu năm nay, công ty đã đồng ý trả 700 triệu USD để giải quyết các cáo buộc công ty này lừa dối khách hàng về tính an toàn của các sản phẩm phấn rôm chứa bột talc tại Bắc Mỹ. Mặc dù không thừa nhận hành vi sai trái trong thỏa thuận dàn xếp, J&J đã rút sản phẩm này khỏi thị trường Bắc Mỹ từ năm 2020.
Vào tháng 7, cơ quan nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại bột talc là "có khả năng gây ung thư" cho con người.
Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome để chống độc quyền Google đang nắm quyền kiểm soát cách người dùng truy cập internet và loại quảng cáo mà họ tiếp cận thông qua trình duyệt Chrome. Trụ sở Google tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN Bloomberg News ngày 18/11 cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) sẽ yêu cầu tòa án buộc Alphabet, công ty mẹ của Google, phải bán trình duyệt Chrome...