Ẩm thực Ấn Độ hấp dẫn từng gia vị
Nhắc tới ẩm thực Ấn Độ là nhắc tới món cà ri trứ danh và tài sử dụng gia vị đầy biến hóa của những người đầu bếp.
Gia vị có thể coi là chìa khóa, là bí quyết, thể hiện đẳng cấp và kỹ thuật chế biến rất riêng của các đầu bếp. Ở mỗi vùng miền, cách sử dụng các loại gia vị cũng rất khác nhau nhưng nhìn chung là hơi cay nóng và sử dụng sữa tươi, sữa chua trong việc chế biến các món mặn.
Cà ri được coi là linh hồn của mỗi bữa ăn ở Ấn Độ. Nếu tới đây mà chưa từng thưởng thức món ăn này thì quả thật thiếu sót. Cà ri không thể thiếu trong thực đơn của bất kỳ nhà hàng Ấn nào trên khắp thế giới. Đây là món ăn dưới dạng nước sốt sền sệt, màu nâu sẫm, được nấu chỉ yếu từ rau và thịt và ăn kèm với cơm hoặc bánh mỳ.
Bột cà ri là thành phần quan trọng nhất khi nấu món ăn này. Đó là một loại bột vàng, mịn và có mùi đặc trưng. Các thành phần khác của món cà ri rất đa dạng, phụ thuộc vào nguyên liệu thịt, củ quả… Việc sử dụng nguyên liệu trong món ăn cũng thể hiện sự sáng tạo trong cách chế biến của người nấu.
Cà ri thịt cừu đậm đà gia vị.
Có rất nhiều loại cà ri khác nhau, mỗi món mang một hương vị đặc trưng riêng như: cà ri rau, cà tím Masala (Baingan Masala), cà ri gà, cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà, cà ri bắp cải khô… Tuy nhiên, nếu được nấu theo đúng kiểu truyền thống, mùi cà ri sẽ khá nồng và hơi khó ăn dành cho những ai chưa quen. Còn một khi đã quen dần thì bạn sẽ nhanh chóng bị hương vị đặc biệt của nó mê hoặc.
Cũng giống như các quốc gia châu Á khác, cơm vẫn là món chính trong bữa ăn của người Ấn. Tuy nhiên, người Ấn lấy gạo xào với dầu hay bơ trước, sau đó mới cho nước vào nấu, khi cơm gần chín còn cho nhiều hương liệu khác như tiêu, hạt cumin, quế… Do đó, cùng là cơm nhưng khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận hương vị thật khác cơm Việt Nam.
Ngoài cà ri đã rất nổi tiếng, nhắc tới Ấn Độ, người ta cũng thường liên tưởng đến các món chế biến từ thịt cừu. Nếu như các nước Hồi giáo kiêng thịt lợn thì người theo Ấn Độ giáo lại không ăn thịt bò. Vì thế, để phong phú cho bữa ăn, ngoài gà và dê, người dân nơi đây còn chế biến các món ăn làm từ thịt cừu. Thịt cừu, đặc biệt là cừu non có vị thanh nhẹ, ngọt đậm, thịt mềm và rất giàu giá trị dinh dưỡng; thường được sử dụng làm món cà ri cừu hay dẻ sườn cừu nướng…
Video đang HOT
Đùi cừu nướng kiểu Ấn với Masala.
Một trong những đặc trưng khác của Ấn Độ là các món nướng, từ các loại rau củ, cá, thịt đến gà nhưng được yêu thích nhất có lẽ là món gà Tandoori. Đầu tiên, người ta phải lột toàn bộ da gà, để nguyên con. Mùi vị của món gà Tandoori được quyết định bởi sự kết hợp nhiều loại gia vị: sữa chua, nước chanh nguyên chất, tỏi, gừng, rau mùi, hạt tiêu, gia vị bạch đậu khấu, đinh hương, muối và phẩm màu với nhau sẽ làm gia tăng mùi vị.
Sau đó, bỏ con gà vào bát hỗn hợp gia vị đó, trộn đều chúng vào thân con gà rồi để trong tủ lạnh khoảng 8h để gia vị ngấm đều rồi đem nướng. Gà Tandoori có màu vàng và mùi thơm rất hấp dẫn. Chúng được ăn kèm với hành tây sống và vắt thêm chút chanh để giảm bớt độ cay.
Ngoài cơm thì người Ấn Độ còn ăn kèm các đồ ăn mặn với loại bánh khá đặc biệt là roti canai. Đây là loại bánh khá giống bánh mỳ nhưng được làm theo công thức đặc biệt và có hình dạng dẹt mỏng. Bánh có mùi vị thơm thoang thoảng của bột mỳ và trứng nhưng bên trong lại dẻo dẻo đến không ngờ. Món này khá dễ ăn và hầu như người nước ngoài nào cũng có thể ăn roti canai.
Bánh Roti canai khoái khẩu của nhiều khách nước ngoài.
Nếu như người Á Đông thường dùng đũa để gắp thức ăn, người châu Âu dùng dao và thìa thì người Ấn Độ lại dùng tay để thể hiện sự trân trọng với đồ ăn, hơn nữa, nhất thiết phải sử dụng tay phải. Tay phải được rửa sạch, không được để móng tay. Sở dĩ sử dụng tay phải vì họ quan niệm, tay phải luôn làm điều tốt còn tay trái làm điều dơ bẩn. Ngay cả người thuận tay trái cũng phải tập cách ăn bằng tay phải.
Với những ai yêu thích đồ ăn Ấn Độ, ở Hà Nội hiện nay có rất nhiều nhà hàng có thể đáp ứng được nhu cầu của bạn. Trong tháng 3 này là Lễ hội Ẩm thực Ấn Độ đang diễn ra tại nhà hàng Oven D’or trong khách sạn Sheraton. Hai đầu bếp Jitender Himral và Jai Kishan được Đại sứ quán Ấn Độ mời sang trực tiếp nấu các món ăn nổi tiếng từ nay đến hết ngày 16/3. Giá buffet trưa: 620.000 đồng/người. Giá buffet tối: 1.100.000 đồng/người (ngày trong tuần), 1.200.000 đồng/người (ngày cuối tuần). Riêng buffet tối đã bao gồm đồ uống bia và nước ngọt.
Theo Tapchiamthuc
[Chế biến] - Bánh tráng miệng Jalebi Ấn Độ
Giòn tan, dai dai và nóng hổi với si rô đường, bánh jalebi sẽ khiến bạn phải mê mệt ngay thôi.
Jalebi làm từ bột nhào, chiên lên ăn giòn rụm trong miệng. Tuy nhiên, Jajebi sẽ không hoàn thiện nếu thiếu công đoạn nhúng vào si rô đường có tên chashni tạo vị ngọt. Món ăn có thể ăn nóng hoặc lạnh, người Ấn Độ thường ăn vào bữa sáng với sữa nóng, hoặc dùng như bữa tráng miệng.
Nguyên liệu để làm Jalebi
100g bột mỳ; 30g bột ngô245g sữa chua; 1 muỗng canh dầu ấm1 nhúm nghệ tâyDầu để chiên
Si rô:
200g đường; 120ml nước1 muỗng cà phê nước chanh1 nhúm nghệ tây màu (đỏ hoặc vàng)1 nhúm bột bạch đậu khấu (tùy ý)
Cách làm:
Trong một bát, đánh đều sữa chua, bột mỳ và bột ngô với nhau.
Thêm nghệ tây màu và dầu ấm. Tiếp tục đánh cho đến khi hòa tan hoàn toàn vào nhau. Bọc bát lại và để lên men trong 24 giờ.
Sau 24 tiếng, bắt đầu làm si rô: cho đường, nước và nghệ tây vào một chảo rồi đun sôi với ngọn lửa vừa trong vòng 15 phút hoặc cho đến khi si rô bắt đầu sền sệt. Thêm nước cốt chanh và bột bạch đậu khấu vào trộn đều (giữ ấm và để sang một bên).
Đun nóng dầu để chiên Jalebi nhưng sử dụng chảo không sâu lắm để Jalebi có hình dạng tròn đẹp. Ngoài ra dầu chiên không để quá nóng cũng không quá lạnh. Dầu ở nhiệt độ từ 130 - 140 độ C là đẹp nhất (có thể sử dụng que thử nhiệt độ).
Trộn bột Jalebi một chút rồi cho bột vào bao bắt bông kem, rồi bóp bột vào chảo dầu theo hình dạng xoáy tròn (như trong hình) rồi chiên cho đến khi nó có màu vàng nâu.
Cho các miếng Jalebi ra khỏi dầu, để ráo rồi thả vào trong si rô. Thưởng thức khi Jalebi còn ấm hoặc ở nhiệt độ phòng.
Chúc các bạn ngon miệng!
Theo Xzone
Khám phá văn hóa Ấn Độ qua ẩm thực Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, với dân số trên 1 tỉ người, đồng thời là nước lớn thứ 7 về diện tích. Chính vì vậy, Ấn Độ có một di sản văn hóa phong phú. Trong đó, văn hóa ẩm thực Ấn Độ rất đa dạng, về thành phần, hương vị và cách chế biến khác biệt...