Ám sát tướng Iran: Mũi tên “nhiều đích” nhắm cả vào Triều Tiên từ Mỹ?
Nếu Mỹ tiến hành loạt không kích nhằm vào Triều Tiên, điều đó có khiến Chủ tịch Kim Jong-un hoảng sợ và ngừng theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo?
Nếu theo truyền thông Triều Tiên, câu trả lời dường như là “không”. Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ đáp trả bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm vào chủ quyền lãnh thổ bằng sức mạnh của chính mình.
“Đế chế Mỹ sẽ chấm dứt và lịch sử ngắn ngủi của nước Mỹ sẽ kết thúc vĩnh viễn vào thời điểm họ phá hủy ngay cả một ngọn cỏ trên mảnh đất này”, một bài bình luận trên báo Triều Tiên khẳng định hồi tháng 2/2018.
Theo CNN, phía sau những lời đe dọa của Triều Tiên luôn có một thông điệp quan trọng: Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công vào Mỹ; vì vậy những người đưa ra quyết định tại Washington sẽ phải nghĩ kỹ về việc có hay không tiến hành một cuộc không kích hay lên âm mưu gây tổn hại tới bất kỳ nhân vật trọng yếu nào của chính quyền Triều Tiên.
Đây gần như chắc chắn là lăng kính mà Bình Nhường sử dụng để đánh giá quyết định của Tổng thống Trump ám sát Tướng cấp cao Iran Qasem Soleimani trong cuộc không kích ngày 3/1 tại Baghdad, Iraq. Động thái của Washington đã đẩy Trung Đông tới bờ một cuộc khủng hoảng lớn và châm ngòi leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Mỹ và Iran.
Đáng chú ý, với Iran, Washington không phải lo sợ trả đũa hạt nhân; nhưng với Triều Tiên, mọi việc có phức tạp hơn.
“Triều Tiên nằm cạnh Iran trong danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Và chính quyền [ Mỹ] đang viện cớ cho vụ ám sát Soleimani bằng việc coi ông ta là một kẻ khủng bố”, học giả cấp cao Adam Mount tại tổ chức Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, phân tích. Ông cho rằng, cái chết của tướng Iran gần như chắc chắn sẽ khiến Triều Tiên quyết tâm mở rộng hơn nữa chương trình đánh chặn bằng hạt nhân của mình. “Trong trường hợp có điều gì xảy tới với giới lãnh đạo của họ, họ có thể thực sự đưa ra đòn trả đũa đáng giá”, ông Mount chỉ ra.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên hồi tháng 6 năm ngoái (ảnh: CNN)
Video đang HOT
Từ “Trục ma quỷ” tới “Lửa cháy và giận dữ”
Quyết định bao gồm Triều Tiên cùng Iran và Iraq vào danh sách “trục ma quỷ”, cũng như sự can thiệp của Mỹ vào cuộc lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein, gần như chắc chắn đã thuyết phục chính quyền Kim Jong-un rằng, chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể đảm bảo cho sự tồn vong của họ.
Bình Nhưỡng từng coi trường hợp hai ông Hussein của Iraq và Moammar Gadhafi của Libya là những ví dụ để giải thích tại sao họ cần vũ khí hạt nhân và tại sao họ không muốn từ bỏ nó trên bàn đàm phán. Trong những năm đầu 2000, Gadhafi đã đồng ý ngừng các tham vọng hạt nhân để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt. Chỉ trong vòng vài năm sau đó, ông bị lật đổ và giết chết bởi chính lực lượng nổi dậy do Washington hậu thuẫn.
“Triều Tiên nghĩ không thể tin tưởng Mỹ. Họ hiểu vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất khiến số phận của họ khác với Iraq hay Libya”, ông Van Jackson, một cựu quan chức Lầu Năm góc dưới thời Tổng thống Barack Obama nói với CNN.
Tướng Iran Quassem Soleimani bị thiệt mạng trong một vụ không kích do Mỹ tiến hành vào cuối tuần trước (ảnh: AP)
Tổng thống Trump từng hy vọng một cách tiếp cận từ trên xuống trong đàm phán hạt nhân sẽ giúp ông thành công trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng các cuộc thương lượng ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng sau ba hội nghị thượng đỉnh giữa hai ông Trump và Kim, lại không có nhiều tiến triển. Một nguyên nhân chính là sự thiếu thốn niềm tin từ cả hai phía.
Mỹ và Triều Tiên đều chỉ trích nhau đã không đủ linh hoạt trong những nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận mà theo đó, Bình Nhưỡng sẽ dừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy các lệnh trừng phạt được cắt giảm và cơ hội hồi phục nền kinh tế.
Trong một bài phát biểu quan trọng nhân dịp đầu năm mới 2020, Chủ tịch Kim đã nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ vẫn duy trì “chính sách thù địch của mình”. “Mỹ coi chúng ta là kẻ thù của họ, là ‘trục ma quỷ’ và là mục tiêu của ‘tấn công hạt nhân phủ đầu’ đồng thời áp dụng các lệnh trừng phạt vô nhân đạo và nghiệt ngã”, ông Kim nói.Triều Tiên sẽ chỉ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu có được một mối quan hệ đáng tin cậy và ổn định với Mỹ. Và Mỹ gần như chắc chắn chỉ phát triển một mối quan hệ bình thường với Triều Tiên, dỡ bỏ trừng phạt và giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế nếu quốc gia châu Á xóa bỏ các tham vọng hạt nhân của mình.
Tuy nhiên, quyết định ám sát Tướng Soleimani đã khiến tình hình càng trở nên khó khăn. Nó chứng tỏ các lời đe dọa của ông Trump không phải lúc nào cũng là nói suông. Điều này có thể khiến Triều Tiên cần phải suy xét kỹ hơn trước khi thực hiện một hành động khiêu khích nào đó như thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa hay vũ khí hạt nhân.
Những nó cũng có thể trở nên nguy hiểm hơn. “Nếu Chủ tịch Kim tin rằng, Tổng thống Trump sẽ ra lệnh không kích Triều Tiên bằng máy bay không người lái, thì ông ấy sẽ cảm thấy áp lực lớn hơn nhằm giữ cho vũ khí hạt nhân của mình trong tình trạng phản ứng nhanh”, cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Jackson cảnh báo. “Có rất nhiều câu hỏi về hạt nhân Triều Tiên mà chúng ta không phải trả lời và cho tới lúc có thể trả lời được, điều quan trọng là chúng ta không đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại có thể đem lại những nguy cơ lớn về bất ổn hạt nhân”.
Minh Đức
Theo toquoc.vn
Mỹ sẵn sàng mềm dẻo với Triều Tiên nhưng vẫn cảnh báo cứng rắn
Bà Kelly Craft nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiến hành "các bước cụ thể" hướng tới một thỏa thuận nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Trong bối cảnh quốc tế quan ngại Triều Tiên có thể nối lại việc thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, hôm qua (11/12), Mỹ tuyên bố sẽ có cách tiếp cận song song, vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa cứng rắn, tùy theo hành động của phía Triều Tiên. Quan hệ Mỹ- Triều Tiên và tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt mới, có thể xấu đi trở lại thời kỳ khủng hoảng cao điểm như năm 2017 hoặc có thể tốt hơn.
Hình ảnh một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Getty.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên ngày 11/12, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft nói rằng Triều Tiên cần đưa ra "quyết định khó khăn nhưng táo bạo" nếu muốn hợp tác với Mỹ. Bà Kelly Craft nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiến hành "các bước cụ thể" hướng tới một thỏa thuận nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân, nhưng lưu ý Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần chuẩn bị để đáp trả mọi hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
Bà cho rằng, Mỹ nhận rõ sự cần thiết về 1 thỏa thuận cân bằng giải quyết mọi lo ngại của tất cả các bên, nhưng cảnh báo mạnh mẽ: "Triều Tiên đe dọa đi con đường mới trong những tuần lễ tới đây và sử dụng các tuyên bố công khai để ám chỉ việc nối lại các hoạt động khiêu khích nghiêm trọng. Triều Tiên có thể phóng các phương tiện không gian sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc thậm chí họ có thể thực hiện các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa với thiết kế có thể tấn công nước Mỹ với vũ khí hạt nhân. Những hành động đó đe dọa cánh cửa cơ hội để tìm ra con đường tốt hơn cho tương lai".
Tuy nhiên Đại sứ Mỹ không thông tin chi tiết về các hành động có thể có của Hội đồng Bảo an. Tuyên bố của Đại sứ Mỹ cho thấy quan điểm rõ hơn của chính quyền Tổng thống Trump sau những tín hiệu liên tục được phát đi từ Triều Tiên.
Triều Tiên gần đây nhiều lần nhắc nhở Tổng thống Mỹ Trump về hạn chót vào cuối năm 2019 phải đưa ra nhượng bộ để nối lại các cuộc đàm phán đang dang dở. "Tối hậu thư" của Triều Tiên là trước hạn chót Mỹ phải chứng tỏ "sự linh hoạt trong lập trường" và bóng gió "sẽ tìm một con đường mới" nếu Mỹ tiếp tục cấm vận và gây sức ép lên Triều Tiên. Giới chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ tìm cách "câu giờ" thay vì đưa ra những nhượng bộ thật sự.
Tổng thống Trump đã lên tiếng cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang đánh mất "mọi thứ" nếu tiếp tục chính sách thù địch và rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. Giới quan sát nhận định, khả năng cao là nhà lãnh đạo Triều Tiên không nhận được điều mong muốn từ Tổng thống Trump. Tới thời điểm này vẫn chưa rõ "con đường mới" của Triều Tiên sẽ ra sao, ngoại trừ truyền thông nước này liên tục đề cập hạn chót với Mỹ.
Các thành viên khác tại Hội đồng Bảo an không hoàn toàn đồng tình với Mỹ. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho rằng Hội đồng Bảo an "bắt buộc" phải giảm các biện pháp trừng phạt đang áp lên Triều Tiên, nhằm ủng hộ cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng là "không thể chấp nhận được" nhưng tiến trình đàm phán không thể thực hiện một chiều nếu chỉ yêu cầu phía Triều Tiên nghe theo mà không có gì để đáp lại nước này. Ngoại trưởng Nga Lavrov trong chuyến thăm Mỹ mới đây cũng cho rằng, tiến bộ chỉ có thể đạt được nếu 2 bên đều có những "bước đi tương xứng".
Hiện giờ căng thẳng Mỹ - Triều Tiên mới thể hiện ở lập trường và cuộc chiến ngôn từ. Những tuần lễ sắp tới, những động thái từ phía Triều Tiên sẽ quyết định bước ngoạt mới của tình hình bán đảo Triều Tiên và nếu Triều Tiên khôi phục việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vốn được đình chỉ năm 2017, thì hai bên có thể sẽ quay trở lại thế đối đầu.
Theo Trần Nga/VOV1
Tổng hợp
Mỹ cảnh cáo Triều Tiên về hậu quả của "món quà Giáng sinh" Mỹ lên tiếng cảnh báo Triều Tiên về "những hậu quả khôn lường" mà nước này sẽ có thể gánh chịu nếu thực hiện những lời đe dọa "sẽ thử vũ khí vào dịp Giáng sinh và năm mới 2020". Hồi đầu tháng 12-2019, thất vọng vì không được nới lỏng cấm vận sau 3 hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ...