Ám sát tướng Iran là lựa chọn cực đoan nhất đệ trình lên TT Trump
Trong khi giới chức Mỹ cho rằng ám sát tướng Soleimani sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, một số quan chức vẫn hoài nghi về lý lẽ cho vụ ám sát đầy chấn động này.
Trong những ngày hỗn loạn trước vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, quan chức quốc phòng Mỹ trình một loạt phương án quân sự lên Tổng thống Trump.
Phương án ám sát được đưa vào danh sách nhưng các quan chức coi đây là lựa chọn cực đoan nhất trong bối cảnh những vụ bạo lực gần đây ở Iraq (Mỹ cho là do Iran đạo diễn).
Họ không nghĩ rằng ông Trump sẽ chọn phương án đó. Trong các cuộc chiến kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, các quan chức Lầu Năm Góc thường đưa ra các lựa chọn rất cực đoan để các tổng thống lựa chọn những phương án khác hợp lý hơn.
Người Iran tập trung ở Tehran hôm 4/1 phản đối việc giết tướng Qassem Soleimani. Ảnh: AP.
Thông tin vụ tấn công của Iran không rõ ràng
Ban đầu, ông Trump bác phương án ám sát tướng Soleimani hôm 28/12 và ra lệnh không kích vào nhóm phiến quân Shiite do Iran hậu thuẫn.
Vài ngày sau, ông Trump đã tức giận khi thấy hình ảnh cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Tới cuối ngày 2/1 thì ông Trump đã chọn phương án cực đoan nhất, khiến các quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc choáng váng.
Ông Trump ra quyết định này dù thông tin tình báo về các mối đe dọa đối với đại sứ quán, lãnh sự quán và quân nhân Mỹ ở Syria, Iraq, Lebanon vẫn còn gây tranh cãi (điều chứng tỏ thông tin mối đe dọa chưa thật sự chắc chắn).
Tướng Soleimani vừa hoàn thành chuyến thăm các lực lượng của mình ở Syria, Lebanon, Iraq, và đang lên kế hoạch tấn công có thể khiến hàng trăm người chết, các quan chức quốc phòng nói.
“Vài ngày nữa, hoặc vài tuần nữa”, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết vào ngày 3/1 khi được hỏi về thời điểm “sắp xảy ra” của cuộc tấn công. Ông không cung cấp thêm chi tiết nào ngoài việc nói rằng các thông tin về âm mưu tấn công này là rất “rõ ràng”.
Tuy nhiên, một số quan chức bày tỏ hoài nghi về lý do ám sát tướng Soleimani, người chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ trong những năm qua. Theo một quan chức Mỹ, thông tin tình báo chỉ cho thấy “một ngày thứ hai bình thường – 30/12 – ở Trung Đông” và các di chuyển của ông Soleimani không có gì bất thường.
Quan chức này miêu tả thông tin tình báo còn mỏng và các trao đổi giữa lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei và tướng Soleimani mà Mỹ nghe lén được cho thấy ông Khamenei chưa phê chuẩn bất kỳ kế hoạch tấn công nào của ông Soleimani.
Ông Khamenei yêu cầu tướng Soleimani về Tehran để thảo luận thêm ít nhất một tuần trước khi ông bị ám sát.
Theo các quan chức Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Phó tổng thống Mike Pence là hai trong số những người diều hâu nhất trong đáp trả những hành động của Iran.
Tổng thống Trump phát biểu hôm 3/1 về cuộc không kích đã giết chết ông Soleimani tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở West Palm Beach, Florida. Ảnh: New York Times.
Những hậu quả nghiêm trọng của cuộc ám sát do ông Trump ra lệnh đang dần trở nên rõ ràng. Tại Iraq ngày 4/1, quân đội Mỹ đã ở trong tình trạng báo động khi hàng chục nghìn chiến binh thân Iran diễu hành qua đường phố Baghdad và kêu gọi đẩy quân Mỹ ra khỏi đất nước này.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đơn vị giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông, cho biết đã có hai cuộc tấn công bằng tên lửa gần các căn cứ của quân đội Mỹ ở Iraq và không ai bị thương.
Ở Iran, lãnh tụ tối cao Iran đã thề sẽ trả thù “tàn khốc” cho cái chết của tướng Soleimani.
Các cơ quan gián điệp Mỹ hôm 4/1 phát hiện ra rằng các đơn vị tên lửa đạn đạo của Iran trên khắp đất nước đang ở trong trạng thái sẵn sàng cao độ, một quan chức nói với New York Times.
Các quan chức khác cho biết không rõ liệu Iran có đang phân tán các đơn vị tên lửa đạn đạo – lực lượng nòng cốt của quân đội Iran – để tránh cuộc tấn công của Mỹ hay đang huy động các đơn vị này cho một cuộc tấn công lớn để trả thù.
Tại Fort Bragg, North Carolina, khoảng 3.500 binh sĩ đang được điều tới khu vực Trung Đông. Đây là một trong những đợt triển khai lính lớn và nhanh nhất nhiều thập kỷ qua.
Các quan chức huy động khoảng 3.500 binh sĩ từ Fort Bragg, North Carolina, một trong những lần triển khai binh lính nhanh và nhiều nhất trong vài thập kỷ qua. Ảnh: New York Times
Món “đặc biệt” nhất trong “thực đơn”
Tướng Soleimani được coi là người quan trọng nhất ở Iran chỉ sau lãnh tụ tối cao Khamenei. Lần gần đây nhất Mỹ giết một nhà lãnh đạo quân sự cấp cao nước ngoài là trong Thế chiến II, khi quân đội Mỹ bắn hạ chiếc máy bay chở Đô đốc Isoroku Yamamoto của Nhật Bản.
Các quan chức cũng khẳng định họ không nghĩ Iran sẽ trả đũa “tàn khốc”, một phần là do sự chia rẽ trong giới lãnh đạo Iran. Tuy nhiên, hai người tiền nhiệm của ông Trump – Tổng thống George W. Bush và Barack Obama – đã từ chối phương án ám sát tướng Soleimani vì đây là hành vi quá khiêu khích.
Tướng Soleimani đã ở trong tầm ngắm của ông Trump kể từ khi ông lên nắm quyền. Tuy vậy, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 27/12 vào căn cứ quân sự của Iraq bên ngoài Kirkuk khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng mới là thứ khiến ông Trump đưa ra quyết định ám sát ông Soleimani.
Tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Palm Beach vào hôm 29/12, một ngày sau khi các quan chức đệ trình tổng thống danh sách các lựa chọn về phương án đối phó với các hành vi tấn công mục tiêu Mỹ ở Iraq.
Người biểu tình ngày 31/12/2019 tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ảnh: AP.
Các lựa chọn ông Trump nhận được bao gồm tấn công các tàu Iran hoặc các cơ sở tên lửa hoặc các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq. Lầu Năm Góc cũng đưa lựa chọn ám sát tướng Soleimani vào danh sách, chủ yếu để làm cho các lựa chọn khác có vẻ hợp lý.
Ông Trump đã chọn tấn công các nhóm dân quân. Vào ngày 29/12, Lầu Năm Góc thông báo rằng đã có các cuộc không kích tấn công ba địa điểm ở Iraq và hai địa điểm ở Syria do Kataib Hezbollah kiểm soát.
Ông Jonathan Hoffman, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết các mục tiêu bao gồm các kho vũ khí và các sở chỉ huy được sử dụng để bàn kế hoạch tấn công Mỹ và đồng minh. Khoảng hai chục dân quân đã thiệt mạng.
“Đây là những địa điểm xa xôi”, tướng Milley nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc. “Không có thiệt hại ngoài dự kiến”.
Tuy nhiên, người Iran không xem các cuộc tấn công này cân xứng với cuộc tấn công của họ vào căn cứ của Iraq. Phần lớn dân quân được Iran hậu thuẫn đã tổ chức các cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Ông Trump rất tức giận khi xem hình ảnh trên truyền hình về những người biểu tình ủng hộ Iran xông vào đại sứ quán. Theo các trợ lý, ông Trump lo lắng rằng Washington sẽ trông yếu ớt nếu không có phản ứng sau hàng loạt mối đe dọa nhắm vào Mỹ.
Khi ông Trump chọn phương án giết tướng Soleimani, các quan chức quân sự hàng đầu đã nao núng. Họ ngay lập tức nghĩ về viễn cảnh có các cuộc tấn công trả đũa của Iran vào quân đội Mỹ trong khu vực.
Không rõ liệu tướng Milley hay ông Esper có phản biện để tổng thống rút lại quyết định hay không.
Nhiều ngày tiếp theo, Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ tìm kiếm cơ hội ám sát tướng Soleimani. Ông Soleimani thường xuyên xuất hiện ở ngoài và được đối xử như người nổi tiếng tại nhiều nơi ông đến thăm ở Trung Đông.
Các quan chức quân sự và tình báo cho biết họ đã lấy thông tin từ những người cung cấp thông tin bí mật, nghe lén, máy bay trinh sát và các công cụ giám sát khác.
Mệnh lệnh cuối cùng phụ thuộc vào người sẽ chào đón tướng Soleimani khi ông đến Sân bay Quốc tế Baghdad vào ngày 3/1. Nếu các quan chức chính phủ Iraq liên minh Mỹ đón ông Soleimani, cuộc tấn công sẽ bị hủy bỏ, một quan chức nói.
Tuy nhiên, ông Soleimani được tiếp đón bởi các thành viên của Kataib Hezbollah, bao gồm cả thủ lĩnh của nhóm này, Abu Mahdi al-Muhandis. Ông Trump phê chuẩn vụ không kích vào khoảng 17h ngày 2/1, các quan chức cho biết.
Ngày 3/1, các tên lửa được bắn từ một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã làm nổ tung đoàn xe của tướng Soleimani khi nó rời sân bay.
Con gái tướng Soleimani: ‘Ai sẽ trả thù cho cha tôi?’
Trong cuộc gặp với người con gái duy nhất của tướng Soleimani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói sẽ trả thù cho cái chết của tướng Soleimani bị Mỹ ám sát hôm 3/1.
Như Trần
Iran quyên góp 80 triệu USD để trừng phạt người ra lệnh giết tướng Soleimani
Trong một đám tang được tổ chức cho tướng Soleimani ở thành phố Mashhad, Iran, người đọc điếu văn đã kêu gọi người dân Iran góp tiền để báo thù cho vị tướng được họ xem như người hùng của đất nước.
Theo Stuff, người đọc điếu văn đã đề nghị mỗi người dân Iran quyên góp chỉ 1 USD để có được số tiền 80 triệu USD nhằm trả cho bất cứ ai trừng trị được người ra lệnh không kích giết hại tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds. Tướng Soleimani thiệt mạng hôm 3/1 trong cuộc không kích của Mỹ tại Iraq. Lầu Năm góc đã xác nhận, chính Tổng thống Trump là người trực tiếp ra lệnh không kích giết chết tướng Soleimani.
"Chúng ta có 80 triệu người Iran, nếu mỗi người chúng ta góp một USD, chúng ta sẽ có 80 triệu USD và chúng ta sẽ thưởng cho bất cứ ai giúp chúng ta báo thù", người đàn ông đọc điếu văn tuyên bố trong đám tang được tổ chức cho tướng Soleimani ở thành phố Mashhad.
Đám tang được tổ chức cho tướng Soleimani ở thành phố Mashhad, Iran và lời kêu gọi quyên góp trên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình địa phương.
Nhiều tờ báo quốc tế đã đưa tin về bài điếu văn và nó đang trở thành đề tài được thảo luận rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội. Một số người cho rằng, vì lời kêu gọi góp tiền ở trong 1 đám tang, nên nó có thể chỉ đơn giản là những lời hô hào mang tính chính trị.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei trước đó đã tuyên bố sẽ báo thù cho tướng Soleimani với đòn trừng phạt kinh hoàng đang đợi Mỹ.
Theo danviet.vn
Lo chiến tranh, Anh điều tàu ngầm hạt nhân tới vùng Vịnh Anh đã điều một tàu ngầm hạt nhân, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk tới vùng Vịnh vì lo căng thẳng có thể lên tới đỉnh điểm, khiến chiến tranh bùng nổ. Theo Express, quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ tiêu diệt vị tướng quyền lực của Iran là Qassem Soleimani. Cái chết của chỉ huy quân sự...