Âm nhạc phản ánh gì về giới trẻ Việt Nam?
Liệu đó có phải là một thế hệ thích “đi trốn” như trong những bản hit gần đây, bao gồm “Việt Nam, đi, hôn và yêu” hay “Đưa nhau đi trốn”.
Khi Meghan Trainor hát All About That Bass và mới đây, “biểu tưởng nhạc pop mới” Sophia Grace ra mắt Girl In The Mirror, người ta liên tưởng ngay đến một góc nhỏ trong cuộc sống hiện đại. Đó là những phán xét về ngoại hình, màu da… của giới trẻ Mỹ trong thời đại thịnh hành Internet cũng như các ứng dụng công nghệ snapchat, Intagram, facebook…
Những câu hát như “Đừng lo lắng về vóc dáng của bạn”, hay “Bạn quá lùn, quá béo hay quá gầy”- trở thành một chủ đề hấp dẫn nhưng cũng đầy nghiêm túc được đưa vào âm nhạc. Tờ The Guardian của Anh từng viết: “Bài hit cách đây hai mùa hè về trước, All About That Bass và Girl In The Mirror có sức mạnh và thông điệp xã hội gần giống nhau. Đó là tiếng nói của cái tôi, sự tự tin trong thời đại mọi thứ chệch chuẩn sẽ bị phán xét”.
Áp lực đô thị và khát khao đi trốn
Video đang HOT
Nhạc pop đương đại của Việt Nam cũng có những trường hợp tương tự như 2 ca khúc kể trên. Những nhạc sĩ trẻ từ mainstream (chính thống) đến underground (hoạt đồng ngầm) đều biểu đạt vấn đề của thế hệ họ qua âm nhạc.
Tuy nhiên, những bài hát này bên cạnh phản ánh đời sống “nghèo nàn, thiếu niềm vui của người trẻ” còn là một cách ca ngợi vẻ đẹp đất nước. Những hình ảnh núi, sông, những thanh lam thắng cảnh và sự hứng thú cho một hành trình khám phá đó là thứ cân bằng lại với những suy nghĩ bế tắc của họ.
Thông qua những “tiếng nói mới” trong âm nhạc, chủ đề về cuộc sống, kèm theo đó là một ít bế tắc của người trẻ tuổi đã được phát lộ ra bên ngoài. Cũng giống như những chàng trai Ngọt (một ban nhạc indie/rock tại Hà Nội) đã hát “Tôi đã 20, lên xe đi học, để ngồi lên ghế, không làm gì”hay “Tôi đã 30, 30, lên xe đi làm, lại ngồi lên ghế không làm gì” (Không làm gì).
Âm nhạc của Ngọt là một sự phản tư cần thiết về muôn mặt của đời sống thành thị trong mắt những người trẻ. Ở đó, vấn đề học tập, lối sống, các áp lực và chuyện tình yêu đều được đặt dấu hỏi và buộc người nghe cùng giải đáp câu hỏi đó.
Suy nghĩ tích cực và lạc quan
Bên cạnh những đại diện kể trên, Vpop cũng có những cái tên như Tiên Tiên, Karik mà ở họ, âm nhạc cũng giống như một nhu cầu để chia sẻ, để truyền cảm hứng trong trạng thái đầy tích cực.
Trong ca khúc Vì tôi còn sống, Tiên Tiên từng hát: “Cứ đam mê dù nhiều người cười chê/ Và cứ vui lên, vì ta không.. cô đơn/ Vì tôi còn sống/ Vì tôi còn hát lên/ Vì tôi còn viết lên bao điều trong lòng tôi”. Đây cũng là một trong những bản hit đáng chú ý của năm 2015 bởi khả năng lan tỏa những suy nghĩ tích cực, cái nhìn đầy lạc quan với cuộc sống.
Gần đây, nhóm nhạc underground Dalab kết hợp cùng ca sĩ trẻ như Thủy Bùi The Voice, Linh Cáo và Mel G ra mắt ca khúc mới thu hút khán giả có tên Bài ca tuổi trẻ. Bài hát nhanh chóng thu hút ca khúc không chỉ bởi giai điệu rộn ràng, vui tươi mà còn ở phần nội dung, ca từ đầy sức sống.
“Em ơi lo chi ngày dài/ Chỉ cần chúng ta, tử tế với nhau” hay “Đời loài người này ngắn lắm/ Tứ chi ai ôm hết âu lo/ Sống như ta chưa từng được sống/ Cầm bàn tay nhau đi qua đêm dài”- như một cái nhìn đầy trìu mến về những hạnh phúc hiện tại ở những năm tháng tuổi trẻ.
Bên cạnh những bản tình ca ru ngủ, nhạc Việt Nam đương đại cũng có những ca khúc về chủ đề khác nhau và hấp dẫn không kém. Và tuổi trẻ, cùng những vấn đề nội tại của thế hệ cũng được phản ánh một cách gần gũi, trực diện trong âm nhạc.
Theo Zing