Âm nhạc đến từ sự tưởng tượng và hư cấu
The Lumineers (ban nhạc Indie/folk rock) đến từ Mỹ và ca/nhạc sĩ Tom Odell đến từ Anh có album sáng tác từ sự hư cấu, được giới chuyên môn rất khen ngợi ra mắt nửa đầu năm 2016.
Một trong những yếu tố tạo nên các “tượng đài âm nhạc” như Adele, Taylor Swift… là thể hiện các sáng tác dựa trên trải nghiệm thực của họ. Họ không ngại ngần “dằn mặt”, chỉ trích hay xỉa xói một cách trực diện các người tình cũ của mình. Tuy nhiên, âm nhạc không chỉ đến từ những trải nghiểm thực mà còn là sự vay mượn điển tích hoặc hư cấu hoàn toàn.
Vay mượn điển tích
Sau thành công của album đầu tay với các đề cử tại Grammy 2013, ban nhạc The Lumineers trở lại với đĩa nhạc thứ hai có tên Cleopatra. Tên album ngay lập tức khiến khán giả nhớ đến vị nữ hoàng cuối cùng của đất nước Ai Cập nhưng không chỉ có vậy bởi Cleopatra của ban nhạc indie folk còn là cái-gạch-nối đầy ẩn ý giữa quá khứ và hiện tại. Đĩa nhạc ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả, ra mắt ở vị trí quán quân đổng thời tại cả Anh và Mỹ.
Video đang HOT
Ban nhạc The Lumineers.
Đĩa đơn mở màn, Ophelia được lấy cảm hứng từ tấn bi kịch Hamlet của nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại William Shakespeare. The Lumineers đã viết nên đoản khúc chan chứa Ophelia khiến khán giả chìm đắm trong nỗi buồn về tình yêu cũ xưa trong một hơi thở mới. Vẫn những thanh âm quen thuộc, những nhịp piano ngắt quãng và tiếng guitar rải rác, giai điệu ngâm nga mang chút folk, khiến cho bài hát vừa u buồn vừa giàu chất thơ.
Sau khi mượn điển tích về bi kịch tình yêu của nàng Ophelia, The Lumineers tung ra MV cho đĩa đơn thứ hai cùng tên album là Cleopatra. Ca khúc này tiếp túc mượn điển tích về nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập để nói những điều tốt đẹp của cuộc sống hiện đại. Bài hát xây dựng trên bi kịch nỗi đau về mối tình cận huyết của Cleopatra sau cái chết của bố cô, một Pharaong. Bài hát nhuốm màu nỗi buồn cũng được truyền cảm hứng từ vở kịch Mark Antony and Cleopatra của Shakespeare.
Xuyên suốt album này khán giả còn nhìn thấy bóng dáng của những điển tích văn chương khác nhưng kín đáo và nhẹ nhàng hơn. Thành công của The Lumineers trong lần trở lại này khiến không ít khán giả nhớ đến một cái tên khác cũng đầy thành công ở lối sáng tác này là Lana Del Rey. Thậm chí, cô còn được mệnh danh là nữ hoàng sadcore (chỉ giọng ca thể hiện những bản nhạc tang thương sướt mướt) mới của Hollywood.
Lana Del Rey buông giọng khàn đầy nhục cảm hát về nàng Lolita (hình tượng văn học nổi tiếng của nhà văn Vladimir Nabokov) hay vay mượn hình tượng của “bom sex” Marilyn Monroe hát tặng tổng thống Mỹ trong MV National Anthem. Chưa hết, cô còn từng không ít lần nhắc đến Chúa Jesus, tài tử Jame Deen, danh ca Loud Reed và nhiều cái tên khác trong các tác phẩm của mình.
Những nhạc phẩm gợi lại ký ức xưa cũ với những hào hoa điển tích của The Lumineers, Lana Del Rey tạo nên sự khác biệt trước “rừng” ca khúc hát về chủ đề tình yêu, tình dục, tiệc tùng… Không chỉ thể, với màu sắc âm nhạc mang màu xưa cũ của nhiều thập niên trước đây hoặc cách xa hơn cũng khiến cho công chúng đặc biệt yêu thích.
Tưởng tượng và hư cấu
Khán giả ngày nay có xu hướng yêu thích những ca khúc được viết nên từ các trải nghiệm thực của nghệ sĩ. Adele, Taylor Swift… là những cái nên nổi danh cho điều này. Họ đã đưa những câu chuyện tình yêu của chính mình vào ca khúc, để “dằn mặt” hoặc “xin lỗi” tình cũ. Hay ví dụ như Kelly Clarkson – quán quân American Idol mùa đầu tiên cũng nhiều lần hát về gia đình của mình trong những bản hit đầy cảm xúc nhưBecause of You hay mới đây nhất, Piece by Piece.
Tuy nhiên, cũng có những nghệ sĩ viết nhạc dựa hoàn toàn tự sự tưởng tượng và hư cấu. Nhóm nhạc The Script từng khiến cả thế giới thổn thức với bản hit The Man Who Can’t Be Moved. Theo lời giải thích của Mark Sheehan, tay guitar của ban nhạc thì nguồn cảm hứng đến từ sự tưởng tượng về một câu chuyện không có thật. “Tôi muốn viết một bài hát về cuộc tình tan vỡ, chàng trai mất hết thông tin liên lạc với người mà anh ta yêu dấu. Để có thể gặp lại bạn gái của mình, anh đã trở về góc phố quen thuộc nơi họ gặp nhau lần đầu tiên và cứ thế ngồi chờ đợi” – anh nói.
Quay lại năm 2016, khán giả cũng thích thú với album được viết dựa trên sự hư cấu là chủ yếu – Wrong Crowd của nam ca sĩ/nhạc sĩ người Anh, Tom Odell. Đĩa nhạc ra mắt chính thức vào ngày 10/6 thông qua hãng RCA Records và nhận được những đánh giá tích cực của khán giả. Anh cho biết đĩa nhạc của anh không xây dựng trên câu chuyện thật mà là sự tưởng tượng và hình tượng hóa các nhân vật trong khi sáng tác và thể hiện. Giống như một nhà văn, Tom Odell cùng các nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc tạo nên những ca khúc dựa trên một hình tượng hư cấu.
Tom Odell chia sẻ: “Tôi muốn các bài hát có âm thanh lớn hơn và đầy mạnh mẽ; tiếng đàn dây và giai điệu nhấn chìm tất cả và không giữ lại bất cứ một điều gì. Đĩa nhạc kể câu chuyện của một người đàn ông quay lại thời ấu thơ, khao khát chính điều đó và mong muốn sự ngây thơ hiện diện trong thế giới phức tạp mà anh đang tổn tại. Dù các câu chuyện là hư cấu và phóng đại thì cảm xúc và cảm giác, rõ ràng là những thứ tôi đã trải nghiệm”.
Xuyên suốt 15 ca khúc trong Wrong Crowd khán giả thực sự có thể cảm nhận điều mà Tom Odell nói. Đặc biệt là qua những ca khúc được phát hành như các đĩa đơn chính thức gồm Wrong Crowd, Magnetised, Some How..
Theo Zing