Âm nhạc cho thiếu nhi: Thừa và thiếu
Nhắc đến âm nhạc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay, nhiều người không khỏi có những băn khoăn lo lắng, đặc biệt là khi những chương trình truyền hình tổ chức các cuộc thi âm nhạc cho thiếu nhi gần đây gần như thiếu vắng các ca khúc đúng lứa tuổi.
Vậy, thực trạng âm nhạc thiếu nhi hiện nay như thế nào? Có những vấn đề gì tồn tại? Và cần những giải pháp nào để cải thiện những vấn đề đó?
1.Vai trò của âm nhạc trong giáo dục
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập tới lứa tuổi từ mầm non cho đến hết cấp học Trung học cơ sở, tức là độ tuổi từ 1 đến 15. Trong đó, trọng tâm là từ mẫu giáo (3 đến 5 tuổi) đến hết tiểu học (6 đến 10 tuổi). Nhìn vào lứa tuổi này sẽ thấy giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng. Giáo dục góp phần hình thành nhân cách cũng như quyết định giá trị của một con người trong tương lai khi các em đã trưởng thành. Trong quá trình giáo dục, âm nhạc lại có một vị trí đặc biệt. Như chúng ta đã biết, đã có nhiều công bố khoa học mang tính ứng dụng chỉ ra rằng, bên cạnh sứ mệnh đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần thì âm nhạc kích thích sự phát triển trí não của trẻ nhỏ. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm mua những bộ đĩa CD với các tác phẩm âm nhạc giao hưởng thính phòng, các tiểu phẩm cho các loại đàn piano, đàn dây… mà các nhà sản xuất tin rằng khi nghe các tác phẩm ấy nó sẽ có những tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ, giúp trẻ nhỏ thể hiện biểu cảm, cảm xúc với tác phẩm mình đang tiếp nhận. Song song với âm nhạc không lời, âm nhạc có lời cũng rất được quan tâm. Trong thời đại 4.0, khi internet và mạng xã hội đã về tới từng gia đình, từng con người cụ thể, trẻ em 2,3 tuổi đã bắt đầu biết sử dụng và có nhu cầu nghe những bản nhạc vui nhộn kèm theo những hình ảnh bắt mắt thì những bài hát tiếng Anh dạy trẻ các nội dung rất đơn giản như đếm số, học chữ cái… lại rất được phổ biến. Tất nhiên, mảng này phù hợp với lứa tuổi mầm non cho đến hết mẫu giáo.
Như vậy rõ ràng âm nhạc không chỉ có ca khúc, mà còn cả nhạc không lời. Mặt khác, âm nhạc có vị trí quan trọng không chỉ trong giáo dục mà còn là 1 nhu cầu giải trí đối với thiếu nhi. Cũng vì vậy việc nghe nhạc gì, nghe như thế nào và nghe trong bao lâu để phát huy được những giá trị tích cực của âm nhạc đối với lứa tuổi thiếu nhi cũng là 1 vấn đề đáng được quan tâm.
2. Thực trạng âm nhạc cho thiếu nhi ở nước ta hiện nay
Âm nhạc thiếu nhi ở nước ta hiện nay bao gồm 2 mảng là âm nhạc trong nhà trường và âm nhạc trong đời sống. Đối với âm nhạc trong nhà trường, những bộ sách giáo khoa về âm nhạc đã được biên soạn và áp dụng trở thành một môn học chính thức. Môn học này dạy học sinh các ca khúc có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi thầy cô, mái trường, ca ngợi mẹ cha, bạn bè và những chủ đề khác. Trong khi, đối với âm nhạc ngoài đời sống, mảng âm nhạc cho thiếu nhi cũng khá phong phú. Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các khu vực thành thị, các gia đình quan tâm đến việc cho con em mình được theo học các môn học bổ trợ, trong đó nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng được quan tâm. Chính vì vậy, nhiều trung tâm âm nhạc đã được hình thành đáp ứng nhu cầu cho bộ phận khách hàng này. Nhiều trung tâm đã tự biên soạn giáo trình dựa trên giáo trình đang được áp dụng ở nước ngoài, vì thế chương trình tương đối phong phú. Tuy nhiên, ở khu vực đào tạo này, phần nhiều đào tạo các loại nhạc cụ như piano, organ, guitar… Nhưng đây chỉ là diện nhỏ, trên diện rộng, âm nhạc phổ biến nhất của lứa tuổi thiếu nhi ở nước ta hiện nay vẫn là ca hát, nhưng một thực tế là ca khúc đáp ứng nhu cầu cho thiếu nhi hiện nay lại đang thiếu trầm trọng.
Chương trình Diễn đàn Văn học nghệ thuật trên VTV1 gần đây đề cập tới chủ đề về ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Hà Hải khẳng định, hiện có rất nhiều ca khúc nhưng các tác giả không có điều kiện phổ biến vào đời sống. Cũng vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ, anh từng gặp 1 nhạc sĩ thế hệ trước ở TP. Hồ Chí Minh phát hành 1 tập ca khúc cho thiếu nhi, nhưng hầu như những ca khúc ấy mới chỉ nằm trên giấy, chưa có điều kiện đến với đời sống. Chưa kể, hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các hội nhạc sĩ, hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành và các cuộc vận động sáng tác… đã trao giải cho nhiều ca khúc, mảng đề tài thiếu nhi. Như vậy, còn cả một số lượng lớn ca khúc cho thiếu nhi chưa được phổ biến là một thực tế.
Video đang HOT
Vậy thì lý do nào dẫn đến nghịch lý có rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi vẫn đang nằm trên giấy nhưng ca khúc để thiếu nhi biểu diễn, thưởng thức lại thiếu trầm trọng? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: “Tôi sinh hoạt trong Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và tôi được biết rằng có nhiều anh, chú nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi nhưng nhiều bài hát đó không được phổ biến ra thị trường, một phần vì do đời sống kinh tế của các anh, các chú không đủ khả năng kinh tế để hòa âm, phối khí rồi thu âm và truyền thông các bài đến công chúng được”. Ông cũng cho biết thêm: “Khi tôi vô tình xem một tập nhạc của một nhạc sĩ lớn tuổi, nhạc sĩ viết nhiều bài nhưng bài nào cũng viết nhịp hành khúc rồi tung tăng, còn các bạn nhỏ cần những ca khúc đa dạng hơn, kể cả nhạc dance với tiết tấu sôi động hơn, đôi lúc lại có cả R&B trong đó nữa”. Như vậy, bên cạnh thực trạng điều kiện về kinh tế của cá nhân các nhạc sĩ dẫn đến việc không có cơ hội để những tác phẩm đến đúng đối tượng, chúng tôi cho rằng, còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn, phải chăng mặc dù “cung” đang dư thừa, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho “cầu” là ở khía cạnh về mặt chất lượng. Nguyên nhân là do “cung” chưa nắm bắt được nhu cầu của “cầu” nên không có những “sản phẩm” thỏa mãn được “cầu”.
Ở khía cạnh khác, trong một cuộc khảo sát nhỏ ở Hà Nội khi thực hiện bài viết, chúng tôi hỏi về âm nhạc trong nhà trường với một số em bất kỳ, trong đó lứa tuổi tiểu học 2 em và 1 em trung học cơ sở. Kết quả hai em học sinh tiểu học có thuộc bài dạy trong nhà trường và có thể hát lên được, trong khi em bậc trung học cơ sở nói hầu như không quan tâm, thậm chí không thích nghe nhạc Việt Nam. Các em thường nghe nhạc dành cho người lớn và nhạc nước ngoài. Tất nhiên, đây chỉ là cuộc khảo sát nhỏ chưa phản ánh toàn diện nhưng cũng cho chúng ta thấy, phải chăng âm nhạc trong nhà trường chưa bám theo sự phát triển của lứa tuổi cũng như tâm sinh lý của các em thiếu nhi, dẫn đến một tồn tại là các em càng lớn tuổi thì càng không gắn bó với âm nhạc trong nhà trường cũng như các ca khúc mà chúng ta cho rằng nó dành cho lứa tuổi thiếu nhi?
3. Nguyên nhân
Nhìn nhận nguyên nhân của việc những em thiếu nhi càng lớn càng không mặn mà với âm nhạc cho thiếu nhi “Made in Việt Nam”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Mâu thuẫn là bây giờ nhiều phương thức, phương tiện truyền thông đến với các bé dẫn đến là có nhiều sự lựa chọn, ngay cả phụ huynh rất thích xem phim Hàn Quốc, những bộ phim tình cảm hoặc nghe những bài hát tình cảm, dẫn đến các bé thiếu nhi lại nhập vào đầu những bài hát đó. Ít ai ý thức được các con cần xem những bộ phim dành cho các con, nghe những bài hát dành cho các con”…
Ở khía cạnh khác, vẫn biết một trong những sứ mệnh của âm nhạc là nhằm hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, con người, cha mẹ, trường lớp, bạn bè, nhưng mỗi một thời điểm, một giai đoạn sẽ có những cách thể hiện khác nhau. “Có phải chăng chúng ta đã vô tình so sánh những bài thiếu nhi mới viết thời gian gần đây với những bài thiếu nhi của các thế hệ đi trước. Trong khi chúng ta lại cho rằng những bài thiếu nhi của thế hệ đi trước mang những giá trị chuẩn mực và từ đó cho rằng những bài thiếu nhi mới không hay, ý tưởng không đẹp bằng” – Nguyễn Phương Loan, một giảng viên âm nhạc tại Hà Đông đưa ra quan điểm. Chị cũng cho rằng: “Không thể không ghi nhận những giá trị đã được khẳng định qua thời gian và những đóng góp của những thế hệ đi trước cho mảng đề tài đặc biệt này, tuy nhiên, mỗi thời đại cũng có những thay đổi khác nhau, và vì thế cần nhìn nhận một cách khách quan, có thể những ca khúc mới chúng ta thấy không hay nhưng lại phù hợp với các em thiếu nhi thực tại hiện nay”.
Các nhạc sĩ trẻ không mặn mà với sáng tác cho thiếu nhi cũng là 1 thực tại được quan tâm hiện nay. Thậm chí nó còn được coi là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng thiếu hụt những ca khúc mới viết cho thiếu nhi phù hợp với giai đoạn hiện nay. Nói về thực trạng này, nhạc sĩ Đoàn Đăng Đức – Cục Văn hóa Thông tin thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Không phải ai cũng có thể sáng tác được nhạc cho thiếu nhi. Người sáng tác nhạc cho thiếu nhi cần phải có 1 tình yêu đặc biệt với tuổi thơ. Phải có một tâm hồn thật trong sáng, khi sáng tác ca khúc phải hóa thân vào chính các em mới có thể sáng tác được những tác phẩm đi vào tâm hồn và cuộc sống của lứa tuổi này”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đưa ra quan điểm được đúc kết từ chính bản thân mình: “Không phải ai và lúc nào cũng có thể sáng tác được ca khúc cho thiếu nhi. Bản thân tôi trước đây viết rất nhiều ca khúc cho tuổi trẻ, phải đến khi tôi được làm cha, trong tình yêu thương của người cha dành cho đứa con mình, tôi mới viết được những ca khúc cho con mình”. Và từ tình yêu đó, Nguyễn Văn Chung hiện đã phát hành tuyển tập ca khúc cho thiếu nhi với số lượng lên tới 100 bài.
Như vậy, âm nhạc cho thiếu nhi đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục. Tuy nhiên, âm nhạc cho thiếu nhi trên diện rộng, đào tạo nhạc cụ chưa có vị trí tương ứng. Chủ yếu âm nhạc cho thiếu nhi là mảng ca khúc. Ca khúc cho thiếu nhi hiện nay có một số lượng rất nhiều nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của chính lứa tuổi này. Để khắc phục được thực trạng này, cần giải quyết 1 số vấn đề sau:
Đối với âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cho thiếu nhi, tính chân, thiện, mĩ vẫn luôn là yếu tố quan trọng, phải hướng tới trong từng tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên, âm nhạc cũng như văn hóa, là một dòng chảy luôn cần sự bồi đắp của phù sa, cần cởi mở hơn trong sự tiếp nhận, bổ sung những tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu của lứa tuổi. Cần khuyến khích hơn nữa yếu tố “động” trong chương trình học tập và giảng dạy âm nhạc trong nhà trường, cũng như ngoài đời sống để tăng cường nét nhạc mới, phong cách nhạc mới, tính hiện thực cho phù hợp với thời đại.
Cần tạo nhiều kênh truyền thông chính thống giới thiệu, phổ biến những ca khúc mới viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Hạn chế vai trò của các công ty truyền thông tổ chức sự kiện chi phối định hướng nhu cầu âm nhạc cho thiếu nhi thông qua những chương trình cụ thể mà các công ty đang thực hiện và phủ sóng rộng khắp trên truyền hình và hệ thống mạng xã hội.
Chia lứa tuổi thiếu nhi của các em thành nhiều nhóm nhỏ, nghiên cứu tâm sinh lý, nhu cầu thưởng thức kết hợp cùng với xu hướng thưởng thức âm nhạc đương đại để tạo nên những tác phẩm mới đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện và khuyến khích các nhạc sĩ trẻ sáng tác các ca khúc cho mảng đề tài dành cho thiếu nhi./ .
Theo Báo Mới
'In the Spotlight' trở lại với giới trẻ Việt Nam
'In the Spotlight Contemporary' là chương trình mới nằm trong chuỗi series 'In the Spotlight' nhằm mục đích giới thiệu chân dung âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ đương đại, trong đó, mở màn là concert của ban nhạc Ngọt diễn ra vào ngày 24.11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Trở thành tâm điểm của chuỗi chương trình phiên bản mới lần này được lựa chọn chính là Ngọt, ban nhạc gồm 4 chàng trai đến từ Hà Nội - đang là một trong những cái tên "hot" nhất trong cộng đồng Indie tại Việt Nam.
Ban nhạc Ngọt. Ảnh: T. L.
Với chương trình mang tên "In the Spotlight Contemporary", êkip sản xuất mong muốn tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của âm nhạc nói riêng và sáng tạo nghệ thuật nói chung đối với đời sống của giới trẻ. Việc lựa chọn các nghệ sĩ Indie làm "Nghệ sĩ tâm điểm" góp phần tôn vinh và lan tỏa những giá trị nghệ thuật đích thực đến cho đông đảo công chúng ở nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp khác nhau.
Nhóm nhạc hào hứng chia sẻ về đêm nhạc sắp tới tại Hà Nội.
Ông Trần Thanh Tùng - GĐ Cty TNHH Quảng cáo và Giải trí Mỹ Thanh cho biết, thời gian qua, một vài sự việc đáng buồn đã xảy ra trong các chương trình đại nhạc hội được coi là dành riêng cho giới trẻ, khiến cho người lớn, đặc biệt là các vị phụ huynh, rất lo ngại và hoài nghi đối với thế giới vui chơi giải trí của con em mình. Tuy nhiên nếu chúng ta không làm cùng, không chơi cùng với thế hệ trẻ thì sẽ không bao giờ có thể hiểu được họ. Với chương trình như "In the Spotlight Contemporary" sẽ là cơ hội để phụ huynh và các con có thể cùng trải nghiệm, cùng thưởng thức âm nhạc và chia sẻ cảm xúc để hiểu nhau hơn.
Trưởng nhóm Ngọt - Vũ Đinh Trọng Thắng - tiết lộ: "Điều mà chúng tôi còn thiếu chính là một sân khấu tổ chức chuyên nghiệp, một nhà sản xuất có tâm huyết và nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi vốn luôn lo ngại rằng sự can thiệp của một "ông lớn" trong ngành sẽ làm mất đi chất Indie của chúng tôi, nên chính vì vậy, chúng tôi thường muốn tự tổ chức sản xuất tất cả các liveshow của ban nhạc. Chúng tôi tin tưởng rằng, với Ngọt và "In the Spotlight" sẽ là show Indie đầu tiên được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp nhất, và đặc biệt vẫn bảo toàn được chất riêng của chúng tôi".
Indie (xuất phát từ "Independent" - độc lập) là tên gọi chung của một xu hướng âm nhạc trên thế giới được tạo ra bởi những nghệ sĩ độc lập tự sáng tác, phối khí và thu âm ca khúc của mình, không phụ thuộc vào sự đầu tư hay quản lý của các nhà sản xuất lớn, các hãng đĩa, các công ty tên tuổi. Cộng đồng Indie ở Việt Nam đang phát triển và rất được giới trẻ quan tâm trong vài năm trở lại đây.
Êkip sản xuất chương trình và ban nhạc Ngọt.
Ngọt là ban nhạc Indie Pop được thành lập vào năm 2013 tại Hà Nội. Sau những thay đổi nhân sự, hiện nhóm còn lại 4 thành viên gồm Vũ Đinh Trọng Thắng (hát, guitar), Nguyễn Hùng Nam Anh (trống), Phan Việt Hoàng (bass) Nguyễn Chí Hùng (guitar và thu âm). Ngọt sớm tạo được tiếng vang trong cộng đồng âm nhạc Underground trên toàn quốc và qua nhiều bản thu âm trên mạng xã hội, ban nhạc dần trở thành một trong những nghệ sĩ nổi bật trong dòng nhạc Indie tại Việt Nam.
Theo Báo Mới
Ngọt: Không sợ bị tẩy chay khi khước từ danh 'ban nhạc indie' 'Indie không phải là tôn giáo tôn thờ sự tự do. Nói thật là Ngọt chưa bao giờ sợ bị tẩy chay khi nói mình không phải là ban nhạc indie', trưởng nhóm Vũ Đinh Trọng Thắng chia sẻ. Khi Ngọt công bố về đêm nhạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) trong chuỗi chương trình In the Spotlight...