Âm mưu khủng khiếp của ổ khủng bố ở Bỉ
Nhóm khủng bố nằm vùng tại Bỉ từng âm mưu tấn công các nhà máy điện hạt nhân trước khi thay đổi mục tiêu vào giờ chót.
Nhà máy điện hạt nhân Tihange – mục tiêu của nhóm khủng bố – Ảnh: Reuters
Hiện giới điều tra gần như chắc chắn cả 2 loạt tấn công kinh hoàng ở Pháp và Bỉ đều được thực hiện bởi một đường dây Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cắm ở châu Âu.
Hồi tháng 12.2015, trong quá trình điều tra vụ tấn công tại Paris, cảnh sát đã phát hiện nhiều đoạn phim lưu từ máy quay được lén đặt để theo dõi nhà riêng của Giám đốc Chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân Bỉ. Ngay sau đó, 140 binh sĩ đã được huy động để tăng cường an ninh tại các nhà máy hạt nhân của nước này.
Nhật báo ở Bỉ La Dernière Heure ngày 24.3 dẫn nguồn tin riêng cho biết những người đã đặt máy quay lén chính là anh em Ibrahim và Khalid El Bakraoui – 2 kẻ đánh bom tự sát tại sân bay Zaventem và trạm tàu điện ngầm Maelbeek của Brussels vào ngày 22.3. Như vậy, nhiều khả năng đường dây khủng bố Pháp – Bỉ đã thay đổi mục tiêu sau khi nghi phạm hàng đầu của vụ tấn công Paris là Salah Abdeslam bị bắt tại khu Molenbeek của Brussels.
Video đang HOT
Một quan chức an ninh của Bỉ nhận định trên La Dernière Heure: “Tuy chúng tôi không ngăn chặn được vụ tấn công nhưng sự việc có thể đã khủng khiếp hơn rất nhiều nếu nhóm khủng bố thực hiện được đúng kế hoạch ban đầu. Các đợt bố ráp gắt gao và việc đồng bọn bị bắt đã làm chúng bị áp lực và muốn nhanh chóng đánh bom, với những mục tiêu dễ dàng hơn”. Nhận định này trùng khớp với việc cảnh sát vừa tìm thấy máy tính cũ, trong đó có “di thư” của Ibrahim El Bakraoui viết rằng “đang bấn loạn, không biết làm thế nào và lo ngại sẽ bị tống vào tù”.
Ngoài ra, theo khai báo của hãng taxi có xe chở 3 hung thủ đánh bom tại sân bay Zaventem, ban đầu những kẻ này yêu cầu một xe cỡ lớn nhưng vì nhầm lẫn của tổng đài, một taxi cỡ nhỏ được điều đến đón khách. Do cốp xe quá nhỏ nên nhóm khủng bố đã phải bỏ một hành lý chứa bom lại nhà, đây cũng là quả bom mà cảnh sát phát hiện khi lục soát vào tối 23.3. Nếu vận chuyển bom trót lọt, vụ tấn công còn có thể gây ra tổn hại lớn hơn nhiều.
Ngày 24.3, cảnh sát đã chính thức xác nhận kẻ đánh bom liều chết thứ 2 ở sân bay Zaventem là Najim Laachraoui, 25 tuổi, công dân Bỉ. ADN của người này được tìm thấy ở hầu hết những nơi mà cảnh sát tìm được manh mối của 2 vụ tấn công Pháp – Bỉ: 2 khu nhà mà nhóm Abdeslam từng ở để chuẩn bị tấn công Paris; đai thuốc nổ dùng để đánh bom tự sát tại Nhà hát Bataclan và Sân vận động Stade de France.
Laachraoui rất thành thạo về điện tử nên bị cho là người chế tạo bom cho các vụ khủng bố nói trên. Kẻ này đã bị truy nã quốc tế từ tháng 3.2014, từng sang Syria vào năm 2013 và có tên trong hồ sơ của vụ đánh bom tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào tháng 2.2009, làm 1 người chết và 24 người bị thương.
Về đợt tấn công ở Brussels, đến nay các nhà điều tra đã điểm mặt được phần lớn hung thủ: 2 trong số 3 kẻ tham gia đánh bom ở sân bay Zaventem (Ibrahim El Bakraoui và Najim Laachraoui), 1 trong số ít nhất 2 kẻ tham gia đánh bom trạm Maelbeek (Khalid El Bakraoui). Nhưng cảnh sát vẫn ráo riết tiến hành khám xét và an ninh ở Bỉ vẫn đang được đặt ở mức cảnh báo cao nhất vì vẫn còn ít nhất 2 nghi phạm trực tiếp tham gia vụ việc ngày 22.3 cùng nhiều thành viên chủ chốt của “chi nhánh IS ở châu Âu” đang lẩn trốn.
Hãng AP ngày 24.2 dẫn lời giới chức tình báo tiết lộ IS đã huấn luyện ít nhất 400 tay súng để triển khai tấn công khủng bố ở châu Âu.
Lan Chi
Theo Thanhnien
Nghị sĩ Mỹ: Vụ khủng bố Brussels là nhằm vào công dân Mỹ
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) hôm 22.3 có thể là nhằm vào người Mỹ để trả thù; trong khi theo báo cáo của giới chức Bỉ, không có người chết nào là công dân Mỹ.
Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom ở Brussels, Bỉ - Ảnh: Reuters
"Từ vị trí của tôi, có vẻ như (đây là) cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ ở mức độ nào đó", Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes nói với các phóng viên ngày 24.3.
Theo ông, nơi xảy ra vụ tấn công ở nhà ga sân bay Zaventem gần quầy check-in của nhiều hãng hàng không Mỹ; trong khi đó ga tàu điện ngầm - nơi xảy ra một vụ tấn công khác - gần với Đại sứ quán Mỹ tại Brussels.
"Chúng tôi không dám quả quyết, nhưng có vẻ như việc này có liên hệ đến vụ bắt giữ cách đây vài ngày", theo ông Nunes. Vụ bắt giữ được nói đến ở đây là việc bắt Salah Abdeslam, một nghi phạm của vụ khủng bố Paris hồi tháng 11.2015 lẩn trốn tại Brussels. Tuy nhiên, ông Nunes cho rằng còn quá sớm để khẳng định việc Abdeslam bị bắt có phải là động cơ của vụ tấn công Brussels hay không.
Hãng tin Sputnik (Nga) thì cho rằng nhận định của ông Nunes vượt quá sự tưởng tượng vì gần ga tàu điện ngầm Maelbeek có nhiều đại sứ quán các nước. "Nếu theo suy luận đó, vụ tấn công cũng có thể nhắm vào nước Nga vì Đại sứ quán Nga gần với Đại sứ quán Mỹ", theo Sputnik. Hơn nữa, Sputnik còn cho rằng trong hơn 30 người chết vì vụ tấn công, không ai là người Mỹ, mặc dù trong số bị thương có hàng chục công dân Mỹ.
Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom tại Brussels, trong khi nhiều nước đã lên án cuộc tấn công nhằm vào dân thường này.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng bố toàn diện Các chuyên gia an ninh của Pháp cảnh báo về nguy cơ châu Âu đang đối mặt với những âm mưu tấn công khủng bố hàng loạt diễn ra cùng lúc tại nhiều quốc gia trong năm 2016. Hiện trường tan hoang bên trong khu vực khởi hành ở sân bay. Ảnh: Metro Ngày 22/3 thủ đô Brussels của Bỉ rúng động bởi...