Ấm lòng với lòng xào nghệ
Là một món ăn dân dã, nhưng lòng xào nghệ đã trở thành món ăn đặc sản của người Quảng và là một trong những món ăn khiến bao người xa quê phải kiếm tìm.
Ngược dòng thời gian về với những năm 90 của thế kỷ trước, lòng xào nghệ là món ăn phổ biến, rất “được lòng” người dân xứ Quảng quê tôi. Không “được lòng” sao được, khi nguyên liệu chính của món ăn này là lòng heo già có giá “rẻ như cho”, nhưng lại dư sức chế biến nên một món ăn vừa thơm ngon, vừa có thể chữa ho, ngừa cảm, trọn vẹn đôi đường.
Lòng xào nghệ là món ăn được ưa chuộng của người Quảng Ngãi.
Nguyên liệu làm nên món lòng xào nghệ khá đơn giản, chỉ gồm lòng già, củ nghệ, lá hẹ và một ít ớt trái. Ngày ấy, nhà nào dư dả hơn, thì mới mua thêm phèo non, gan, cuống phổi… xào cùng. Nghe qua thì đơn giản, nhưng để làm nên món lòng xào nghệ đúng vị Quảng, thì củ nghệ dùng để xào chung với lòng chỉ nên cạo sơ lớp vỏ rồi giã dập chứ không cắt mỏng, còn hẹ thì phải chọn đúng loại hẹ sẻ – lá nhỏ và thơm, chứ đừng nên chọn lá hẹ trâu vừa to vừa nồng, sẽ làm giảm đi đôi phần hương vị thơm ngon của món lòng xào.
Làm món lòng xào nghệ, cực nhất là ở khâu sơ chế lòng. Lòng già mua về phải rửa qua mấy lần bằng nước muối cho sạch nhớt và mùi hôi. Nhiều người cẩn thận hơn, còn đổ nước cốt chanh vào thau đựng lòng rồi bóp, chà thật mạnh để khử cho sạch mùi. Thay vì cắt lòng sống, mọi người thường luộc sơ lòng già trong nước sôi rồi vớt ra để ráo, chờ cho lòng nguội cắt cho dễ.
Sau khi sơ chế xong nguyên liệu, chỉ cần chờ cho chảo dầu sôi lên, thì tuần tự đổ vào đấy mớ lòng già, tiếp sau đó là nghệ và gia vị rồi trộn đều. Chờ cho lòng chín, thấm đều nghệ và chuyển sang màu vàng ươm thì bắt đầu cho ớt, lá hẹ vào rồi tắt bếp.
Lòng xào nghệ có thể ăn cùng cơm nóng, hoặc ăn cùng bánh tráng đều hợp. Vị béo, dai dai của lòng già, quyện hòa với mùi thơm của nghệ, của lá hẹ, vị cay của ớt khi kết hợp cùng nhau đã tạo nên hương vị thơm ngon không lẫn vào đâu được. Ấm cúng nhất là vào những ngày mưa ầm ì không dứt, được quây quần cùng gia đình bên nồi lòng xào nghệ còn ngun ngút khói, cùng bẻ miếng bánh tráng xúc lấy vài miếng lòng vàng sắc nghệ, rồi cùng thưởng thức hương vị dân dã mà đậm đà.
Dân dã bánh dày buổi sớm mai
Ở quê tôi, bánh dày là món ăn khá phổ biến mỗi buổi sớm mai. Món bánh dân dã, nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng.
Để làm được bánh dày trắng, dẻo phải trải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp, đậu xanh đã được ngâm từ hôm trước, lá chuối rửa sạch để ráo nước. Gạo làm bánh phải là loại nếp thật trắng, dẻo thơm được dần sàng kỹ lưỡng, hạt đều tăm tắp, không lẫn tẻ cũng không pha trộn với các loại khác để tránh bánh khô cứng. Đậu xanh được hấp chín, nêm chút gia vị cho vừa ăn. Gạo nếp ngâm mềm rồi xay nhuyễn, lọc lấy phần bột, viên thành từng viên nhỏ. Mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo của người làm bánh.
Bánh dày làm từ gạo nếp, bên trong là nhân đậu xanh thơm bùi.
Bánh dày làm từ nếp, nên ăn có vị dai nhuyễn, bột nếp được viên tròn nhỏ, bên trong là nhân đậu xanh trên miếng lá chuối xoa sẵn dầu để không bị dính. Bánh dày hấp chín, khi ăn xoa ít tóp mỡ. Nếu kẹp một miếng bánh dày với bánh tráng cũng là một trong những cách ăn ngon nhất.
Vì nguyên liệu rất phổ biến và cách làm cũng đơn giản, nên các mẹ, các chị trong xóm tôi ngày ấy, ai cũng làm bánh dày, lấy đó làm nghề kiếm sống. Món bánh dày dân dã hội tụ tinh hoa của đất trời, mùa màng, đồng ruộng, từ gạo nếp, đậu xanh, trở thành món ngon trong các dịp cúng giỗ.
Tiếng rao "ai bánh dày không" đã thân thuộc với tôi từ tấm bé. Tôi của ngày còn nhỏ, sáng sớm nghe tiếng rao là vội vã chạy ra đầu ngõ. Cụ bà bán bánh nhanh tay lấy một phần bánh dày gói vào miếng lá chuối xanh um. Vào buổi sáng sớm, những chiếc bánh mới ra lò vẫn còn ấm nóng, ăn ngon phải biết.
Cả nhà cùng ăn bữa sáng giản dị mà ngọt ngào. Ở quê tôi, mỗi buổi sáng từng tốp người ra đồng nói cười vui vẻ, nhiều người vẫn thường gói theo vài chiếc bánh dày cho bữa xế hoặc ăn trưa...
Hương vị quê hương: Mặn mà cá chép muối Vùng đất phía nam tỉnh Quảng Ngãi nằm giữa rừng và biển, phong cảnh vô cùng nên thơ. Nơi đây nhiều đầm nước, lắm ao hồ và sông suối nên nguồn thủy sản vô cùng phong phú. Món cá chép muối độc đáo của người Quảng Ngãi. Cư dân trong vùng đánh bắt cá nước ngọt mang về chế biến những món ngon,...