Ấm lòng quán cơm 2.000 đồng cho người nghèo giữa Đà Nẵng
Mô hình quán cơm 2.000 đồng không còn mới đối với TPHCM, Hà Nội nhưng với những người lao động nghèo ở Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên họ được mua một suất cơm rẻ như vậy.
Cứ đến trưa thứ 2, 4, 6 trong tuần, những cô bán vé số, bác đạp xích lô, các bạn sinh viên nghèo… lại tập trung về quán cơm Nụ cười Đà Nẵng (số 2 Phan Thanh, TP Đà Nẵng) để được mua những suất cơm chỉ với giá 2.000 đồng.
Cứ trưa thứ 2, 4, 6 trong tuần, những người lao động nghèo lại đến quán cơm Nụ cười Đà Nẵng
Quán bắt đầu mở bán từ 11h trưa nhưng trước đó khoảng 30 phút, nhiều người đã đến chờ xếp hàng để được mua cơm.
Chủ nhân của quán cơm “Nụ cười Đà Nẵng” này là chị Trần Thị Minh Nguyệt cùng một người bạn của mình.
Mỗi suất cơm chỉ có giá 2.000 đồng
Chị Nguyệt cho biết, ý tưởng mở quán cơm này được chị ấp ủ cách đây gần một năm nhưng đến đầu tháng 7 này mới thực hiện được. May mắn là chị được rất nhiều bạn bè, người thân và các bạn tình nguyện viên giúp đỡ.
Các nhân viên phục vụ trong quán đều là những tình nguyện viên. Các tình nguyện viện sẽ luân phiên nhau làm việc, bình quân mỗi buổi có khoảng 10 người.
Ấm lòng những người lao động nghèo
Bạn Trần Thị Lan Hương (sinh 1991, quê Quảng Bình) cho biết: Em hiện đang làm cho một spa trên đường Núi Thành. Qua một người bạn của chị Nguyệt, em được biết quán đang cần tình nguyện viên nên em đã đến đây giúp đỡ. Em cũng có mong muốn được mở một quán cơm như thế này nhưng chưa có điều kiện để thực hiện. Giờ được làm việc cho quán nên rất vui và cảm thấy hạnh phúc.
Bạn Nguyễn Đăng Hòa (sinh 1996, sinh viên năm 1, trường Cao đẳng điện lực miền Trung) cũng chia sẻ: Em lên Facebook của bạn chị Nguyệt thấy bảo cần tình nguyện viên. Em thấy cái này hay và rất ý nghĩa nên đã đăng ký tham gia.
Phục vụ của quán là những tình nguyện viên
Video đang HOT
Mô hình quán cơm 2.000 đồng không còn mới so với TPHCM, Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên ở Đà Nẵng những người lao động, sinh viên nghèo mới được mua những suất cơm chất lượng mà lại còn rẻ như vậy. Suất cơm có đầy đủ: cơm, canh, rau, món mặn.
Cô Nguyễn Thị Liên (quê Tiên Phước, Đà Nẵng) ra Đà Nẵng bán vé số. Hôm trước đi ngang qua thấy tấm biển quán cơm 2.000 đồng phục vụ lao động nghèo nên cứ trưa thứ 2,4,6 là cô tranh thủ ghé đây để được mua suất cơm giá rẻ.
Suất cơm cũng có đầy đủ các món
Bà Nguyễn Thị Minh (83 tuổi, trú Đà Nẵng) vừa ăn cơm vừa khen thức ăn nấu ngon, vừa miệng. Bà Minh cho biết bà đi bán chuối dạo, trưa về tranh thủ ghé vào đây ăn cơm.
Theo bạn Lan Hương, mỗi ngày quán chỉ phục vụ 150 suất. Vì thế, có hôm các cô, các chú tới thì cơm đã hết, bọn em phải nhường cơm của mình lại cho các cô, các chú ấy.
Ai cũng khen cơm ngon, nấu vừa miệng
Thấy quán cơm hoạt động, nhiều người cũng đã đến ủng hộ quán. Tuy nhiên, quán chỉ nhận lương thực, thực phẩm chứ không nhận tiền mặt.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, chị Nguyệt cho biết sẽ mở thêm một quán cơm “Nụ cười Đà Nẵng” ở trên Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) – nơi tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học để các bạn sinh viên nghèo có thể mua được những suất cơm giá rẻ này.
Nhắc nhở mọi người nhường cơm cho những người khó khăn
Biết quán cơm hoạt động vì mục đích từ thiện, có người đã mang gạo đến ủng hộ cho quán
Bài, ảnh, video: Khánh Hồng
Theo Dantri
Từ chạy bàn, nhân viên phục vụ đến ông chủ kiếm 100 triệu đồng/tháng
Từng làm phụ bàn, nhân viên phục vụ quán ăn nhưng nhờ sự cố gắng, nỗ lực, chàng trai 8x Lương Văn Đồng đã trở thành ông chủ của 3 salon tóc ở Hà Nội với thu nhập mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng.
Từ nhỏ đến lớn luôn là học sinh "cá biệt"
Mr.Út tên thật là Lương Văn Đồng (sinh năm 1988, ở Tam Nông - Phú Thọ) hiện là ông chủ của 3 salon tóc khá nổi tiếng ở Hà Nội với khoảng 50 nhân viên. Mỗi ngày, chuỗi cửa hàng của Út phục vụ từ 80 - 120 lượt khách, cho thu nhập vào tháng cao điểm có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
Bản thân Út là người học không giỏi, thậm chí từ bé đến lớn luôn nằm trong nhóm "cá biệt" của lớp. Thi trượt đại học, Út khăn gói lên Hà Nội làm thuê kiếm tiền. Không có bằng cấp nên để trang trải cuộc sống cậu đã phải xoay sở đủ nghề. Út từng làm nhân viên phục vụ quán ăn với lương tháng vỏn vẹn 1,5 triệu đồng, rồi nhân viên phục vụ trong quán cà phê.
Đam mê cắt tóc nên năm 2009, Út xin nghỉ việc về thuyết phục bố mẹ cho đi học nghề. Khác với những người khác, Út không học một cách thụ động mà tự mình rút ra những kinh nghiệm, kỹ năng cho riêng bản thân sau đó "đúc kết" thành một giáo trình riêng.
Chàng trai 8x chia sẻ, bản thân khi xác định đi học nghề đã ấp ủ dự định ra mở quán đứng tên riêng tuy nhiên để tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị tài chính, Út chấp nhận đi làm phụ việc cho rất nhiều salon tóc lớn nhỏ ở Hà Nội. Út kể: "Có thời gian công việc của mình chỉ giống như chân sai vặt: bê nước, lấy đồ nghề cho thợ chính... Thế nhưng, những ngày tháng này đã cho mình những trải nghiệm tuyệt vời. Mình học được kỹ năng chăm sóc khách hàng, cách quản lý nhân viên, đặc biệt là những bí quyết riêng để giữ chân khách...".
Út bên phải trong một cuộc thi tạo mẫu tóc (Ảnh: NVCC)
Năm 2012, Út quyết định ra mở cửa hàng riêng. Bản thân Út khi đó đã là một trong những thợ chính "khá nổi" với một lượng khách quen lớn. Tuy nhiên, thời điểm này ở Hà Nội, các salon tóc lớn nhỏ mọc lên như "nấm" sau mưa. Việc cạnh tranh, "giành giật" khách hàng diễn ra gay gắt. Để thu hút khách hàng, các cửa hàng đều tung ra chiêu quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn. Chính vì cạnh tranh khốc liệt nên nhiều cửa hàng tóc vừa mở ra nhưng cũng nhanh chóng đóng cửa vì ế ẩm.
Xác định phải có chiến lược kinh doanh riêng thì mới có thể tồn tại được, Út dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xu hướng làm đẹp. Chàng trai 8x tâm sự: "Vốn ít nên thay vì chọn địa điểm trên phố nơi khách có quá nhiều sự lựa chọn, mình quyết định hướng đến những nơi đông sinh viên và người thu nhập thấp để khởi nghiệp".
Chiến lược kinh doanh khác biệt
Với số vốn ban đầu là 170 triệu, Út dành phần lớn để trang trí cửa hàng và mua sắm đồ đạc. Đầu tư cửa hàng hoành tráng, chú trọng chất lượng phục vụ và nói "không" với những loại thuốc làm tóc không rõ nguồn gốc, thế nhưng 3 tháng đầu tiên cửa hàng tóc của Út cũng chỉ "lèo tèo vài người", doanh thu cuối tháng chỉ đủ tiền để thuê nhà. Sau 2 đêm gần như thức trắng, Út nhận thấy chất lượng là quan trọng nhưng việc quảng bá cửa hàng cũng quan trọng không kém. Chàng trai 8x bắt tay vào làm lại từ đầu.
Út thành lập Fanpage, kết hợp việc quảng cáo các dịch vụ làm tóc qua mạng. Cậu cũng tìm cách tiếp cận trực tiếp từng đối tượng khách hàng, đồng thời, tung ra các chương trình cho người dùng được trải nghiệm cắt tóc miễn phí.
Út cho biết, câu xây dựng khách hàng thành một mạng lưới. Mỗi một khách hàng đến cửa hàng sẽ được phát một thẻ cứng vừa để lưu thông tin vừa để tích điểm, giảm giá cho các lần làm tóc tiếp theo: "Từ lần làm tóc thứ 2 trở đi, khách sẽ được giảm giá 10%. Cứ giới thiệu thêm một người lại có những hình thức khuyến mại đi kèm. Đặc biệt, thẻ thông tin này sẽ giúp bên mình nắm được dịch vụ khách thực hiện, tình trạng tóc để có những tư vấn chăm sóc phù hợp tại nhà...".
Với cách làm này, Út đã xây dựng được một lượng khách quen khổng lồ. Út tự tin cho biết, có đến 80% khách dùng dịch vụ của bên mình sẽ quay lại lần thứ 2.
Út ngoài cùng bên phải trong một lần tham gia khóa đào tạo về tóc (Ảnh: NVCC)
Để dễ quản lý và phục vụ khách hàng, Út chia nhân viên ra làm 2 cấp: Thợ chính, thợ phụ. Trong đó, mỗi một người sẽ phụ trách một khâu riêng biệt như: nhân viên pha chế hóa chất, nhân viên cắt tóc, nhân viên tư vấn khách hàng... Ông chủ 8x chia sẻ, nguyên tắc làm việc của bên mình là nhân viên phải luôn nhiệt tình, thân thiện với khách hàng. Nhiều người vẫn luôn mặc định, thợ cắt tóc thường là "không được học hành đàng hoàng" mình muốn xóa bỏ định kiến này. Nhân viên bên mình, ngoài việc tay nghề giỏi thì việc cập nhập thông tin đời sống xã hội để có thể trò chuyện với nhiều đối tượng khách hàng cũng được xem là một yêu cầu bắt buộc.
Một năm từ 1 - 2 lần, Út đều tự bỏ tiền ra nước ngoài tham gia các khóa đào tạo tóc của các chuyên gia. Cậu cũng tự mình mày mò lên các trang web nước ngoài, xem các video hướng dẫn cắt tóc, rồi nghiền ngẫm ghi chép, thực hành, tự mình rút ra kinh nghiệm. Út chia sẻ: "Làm nghề gì cũng phải học hành bài bản, chuyên nghiệp đặc biệt là lĩnh vực làm đẹp. Nếu mình không thường xuyên cập nhập xu thế thì rất dễ bị tụt hậu. Mình muốn mỗi lần khách đến với cửa hàng mình là một lần tìm thấy sự mới mẻ, hài lòng...".
Với sự nhanh nhạy trong kinh doanh và sự đam mê, nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 3 năm lập nghiệp, hiện tại Út đã trở thành một ông chủ với chuỗi cửa hàng cắt tóc khá đông khách ở Hà Nội. Lượng khách ổn định đã cho Út thu nhập lên tới cả trăm triệu mỗi tháng. Không chỉ làm giàu cho chính bản thân mình, Út cũng có điều kiện để giúp đỡ người thân trong gia đình. Sắp tới Út dự định sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng tóc của mình đồng thời mở thêm các trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp về tóc.
Út cho biết, nghề cắt tóc là nghề dễ kiếm tiền nhưng rủi ro cũng cao và chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế để tồn tại và phát triển phải có những chiến lược kinh doanh khác biệt: "Mỗi một người đều có một sở trường riêng, quan trọng là phải có đam mê và sự quyết tâm. Đặc biệt, trong kinh doanh không nên nóng vội. Phải kiên trì, nghiên cứu kỹ thị trường đồng thời tạo cho mình sự khác biệt thì mới có thể thành công được".
Hà Trang
Theo Dantri
Lao động nghèo trắng tay sau vụ cháy khu ổ chuột Vụ hỏa hoạn thiêu rụi tiền bạc, xe cộ của hàng trăm người lao động nghèo trọ tại khu Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Đám cháy xảy ra chiều 13/5 tại ngõ Văn Chương thiêu rụi hàng chục căn phòng trọ của người nghèo. Cả khu có 3 dãy nhà với hơn 100 người thuê trọ, chủ yếu là lao động ngoại...