Am hiểu bồ câu Pháp, bỏ túi 20 triệu đồng/tháng
Nhờ nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp giống, mỗi tháng gia đình ông Hứa Công Lương (55 tuổi, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã ăn nên, làm ra, tạo được cuộc sống khấm khá.
Bỏ nghề lái xe về nuôi bồ câu
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại bồ câu, ông Lương kể, trước đây ông làm nghề lái xe nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy tuổi đã cao, không đủ sức khỏe để tiếp tục làm công việc nay đây mai đó nên ông đã bỏ nghề cầm lái, về tự học hỏi mô hình nuôi chim bồ câu. Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy giống bồ câu Pháp mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2006, ông đã vào tận Quy Nhơn (Bình Định) mua 45 cặp bồ câu giống về nuôi thử trên diện tích 25m2.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp của ông Lương đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: K.O
Trang trại nuôi bồ câu của ông Lương được xem là mô hình chăn nuôi thành công nhất ở địa phương. Để hỗ trợ cho mô hình phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã đề xuất huyện hỗ trợ 15 triệu đồng để đầu tư đệm lót sinh học, giúp xử lý hiệu quả phân chim bồ câu và khử mùi trong trang trại”. Ông Trần Văn Sa – Chủ tịch Hội ND xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang
Từ những cặp giống ban đầu nuôi hiệu quả, ông Lương mạnh dạn nhân đàn lên 450 cặp giống, rồi tiếp tục nhân nuôi 500 cặp. Bồ câu đến lứa, ông bán lai rai cho người dân mua nuôi, bao nhiêu tiền lãi ông tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng chuồng trại.
Đến năm 2012, ông Lương vấp phải thất bại khi 1 con bồ câu bị bệnh rồi lây lan ra cả đàn, khiến 250 cặp bồ câu chết, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. “Thất bại đó là do tôi chưa biết cách chăm sóc, lại chưa rành thú y, phòng ngừa dịch bệnh cho bồ câu” – ông Lương chia sẻ.
Sau bài học đó, ông Lương quyết dành thời gian cả ngày lẫn đêm chỉ để quan sát, ghi chép về những thay đổi, quá trình sinh hoạt của giống bồ câu Pháp, đồng thời tra cứu thêm thông tin trên mạng internet, sách báo… Từ những kiến thức có được, ông đã áp dụng vào mô hình một cách bài bản và gây dựng lại thành công đàn bồ câu giống.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Đến nay, ông Lương đã có trong tay 1.000 cặp bồ câu Pháp, mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 600 con, với giá bồ câu thịt bình quân 70.000 đồng/cặp, con giống khoảng 200.000 đồng/cặp 2 tháng tuổi. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông thu lãi khoảng 15 – 20 triệu đồng.
Video đang HOT
Ông Lương cho biết, bồ câu nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản và có thể đẻ tới 7-8 lứa/năm. Thời gian từ khi chim mẹ ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày, sau 45 ngày là đã có thể xuất bán.
Để tiết kiệm thời gian chăm sóc cho bồ câu, ông Lương còn nghiên cứu lắp đặt dàn nước uống tự động cho 1.000 cặp bồ câu. “Dàn nước uống này tôi phải đặt hàng tận Bình Dương, nhờ đó mà tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bồ câu uống nước” – ông Lương nói thêm. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm, ông đã thành lập cơ sở kinh doanh ngay tại nhà để tiện cung cấp bồ câu giống, bồ câu thịt cho khách hàng.
Theo ông Lương, nuôi chim bồ câu Pháp dễ hơn nuôi các loại gia cầm khác, bởi bồ câu Pháp ít bị bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhốt nên không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, mật độ nuôi phải đảm bảo 6 – 8 con/m2; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ. Đặc biệt phải chú ý khâu tiêm thêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ định kỳ.
“Nói thì dễ, nhưng cũng phải nắm chắc kỹ thuật nuôi và chăm sóc mới làm ăn lớn được. Ví như cho bồ câu ăn thức ăn lạ, bồ câu sẽ không phát triển và sinh sản được. Theo đó, thức ăn cho bồ câu chủ yếu là lúa và một ít bột thức ăn gia cầm, bột không được nhiều hơn lúa. Khi phát hiện một con bị bệnh, cần tách riêng ra khỏi chuồng để tránh lây lan”- ông Lương chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở nuôi bồ câu Pháp, ông Lương còn đi học hỏi mô hình nuôi bồ câu cảnh xoè Nhật và hiện đã nhân giống thành công. Ông cho biết hiện đang có 7 cặp bồ câu Nhật giống và sẵn sàng nhân giống bán cho người có nhu cầu với giá 1 triệu đồng/cặp.
Theo Danviet
Chuồng nuôi bồ câu "tiện lợi" của lão nông thành phố
Năm 2014, xóa bỏ cách nuôi thả rông kém hiệu quả, ông Lam làm chuồng trại nuôi bồ câu để tách riêng đàn bồ câu Pháp thành từng cặp.
Theo ông Lam, mỗi chuồng dài 1,6 mét và được chia thành 4 ô riêng biệt, 1 cặp chim/ ô (chi phí mỗi ô khoảng 100.000 đồng).
Để chống bị bào mòn do tác động từ phân chim nên đáy chuồng được làm bằng kẽm dày 3-4 ly, khung chuồng làm bằng sắt 6, xung quanh bao lưới nhựa.
Hiện nay, ông Lam có gần 100 chuồng và các chuồng được xếp chồng lên nhau để tránh chiếm diện tích.
Ông Lam cho biết: "Cần phân chia lãnh thổ cho đàn bồ câu Pháp (1 cặp gồm chim trống, mái/ ô) giống như 1 gia đình nhỏ. Để chúng hỗ trợ nhau việc sinh sản và nuôi con".
Mỗi ngày, khi kiểm tra từng ô chuồng nếu phát hiện trứng vỡ hoặc bồ câu con bị chết thì nhanh chóng đưa ra ngoài, vệ sinh môi trường sống. Tại những ô chuồng này, ông Lam đặt biệt lưu ý đến con chim trống. Bởi lẽ, rất có thể nguyên nhân dẫn đến sự việc trên do chúng gây ra.
Khi nhận thấy chim trống phá phách hoặc ở không hợp với chim mái thì ông Lam tìm mọi cách để thay thế chim trống sang ô phù hợp.
Cách làm này khiến hiệu quả tăng cao rõ rệt: trứng ít bị vỡ, chim con ít bị chết.
Nếu như trước đây 10 cặp chim đẻ, mỗi tháng chỉ cho xuất bán 5 cặp chim thịt thì khi có ô, chuồng chúng cho đến 8 - 9 cặp.
Hiện nay, gia trại nuôi bồ câu Pháp của gia đình ông Lam đã gầy lên được hơn 300 cặp.
Với hơn 300 cặp chim, bình quân ông Lam bán được 250 cặp chim thịt/ tháng.
Sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh... ông Lam lãi ròng gần 9 triệu đồng/tháng.
Gia đình ông Lam đang gầy đàn lên với số lượng 1.000 cặp, để kiếm thêm thu nhập.
Theo_Kiến Thức
Nuôi bồ câu lai Pháp lãi "khủng" thế nào? Anh Dương Văn Tuyên, xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) nuôi hàng trăm cặp chim bồ câu lai Pháp sinh sản, mỗi tháng lãi tới 20 triệu đồng. Khi đến thăm trại nuôi chim bồ câu của anh Tuyên, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là chuồng trại được bố trí khoa học, ngăn nắp, sạch...