Ám chỉ bí mật ghi âm giám đốc FBI, Trump đổ thêm dầu vào lửa
Việc Trump cảnh báo cựu giám đốc FBI càng khiến nhiều người nghi ngờ ông làm điều khuất tất và muốn cản trở công lý.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Politico
Trong một loạt tweet vào ngày 12/5, Trump ám chỉ ông có các bản ghi âm cuộc hội thoại giữa mình với giám đốc FBI bị sa thải James Comey, có thể dùng để phản bác bất cứ điều gì cựu giám đốc nói với công chúng.
“James Comey nên hy vọng rằng không có đoạn ghi âm nào cuộc nói chuyện của chúng tôi trước khi ông ấy rò rỉ thông tin cho báo chí!”, Trump viết trên Twitter.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer hôm qua từ chối nói liệu Trump có bí mật ghi lại cuộc trò chuyện của ông với Comey hoặc đã làm như vậy với bất kỳ khách đến thăm Nhà Trắng nào khác hay không.
Bình luận của Trump làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng xung quanh Nhà Trắng kể từ khi Trump sa thải Comey vào ngày 9/5, theo The Hill.
Ám chỉ của ông về việc ghi âm càng làm tăng lợi thế cho những người so sánh hành động của ông với Tổng thống Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate (đội ngũ của Nixon liên quan đến việc đột nhập vào văn phòng của đảng Dân chủ).
Video đang HOT
Nixon đã bí mật theo dõi khách đến Nhà Trắng và Trại David, sử dụng một hệ thống ghi âm công phu mà cuối cùng bị phơi bày vào năm 1973 và dẫn đến việc ông phải từ chức. Kể từ đó, không có tổng thống nào được biết đến là đã sử dụng một hệ thống như vậy.
Công dân vì trách nhiệm và đạo đức ở Washington (CREW), một nhóm giám sát đạo đức tự do, hôm qua kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ điều tra xem liệu Trump có cản trở công lý bằng cách sa thải Comey hay không. Những người chỉ trích Trump cho rằng ông cách chức Comey để ngăn chặn cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.
Richard Painter, một cựu luật sư về đạo đức công vụ trong chính quyền Bush và là lãnh đạo CREW nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng ông ấy đã làm bất cứ điều gì bất hợp pháp với dòng tweet đó. Tuy nhiên, nếu ông ấy đang cố gắng gây ảnh hưởng tới cuộc điều trần của Comey trước quốc hội thì ông có thể gặp rắc rối nghiêm trọng”.
Comey đã từ chối lời mời điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tuần tới, nhưng các lãnh đạo ủy ban vẫn hy vọng sẽ hẹn được với ông vào một ngày khác.
Lauren Ouziel, một giáo sư tại Đại học Temple cho biết không đủ dữ kiện để xác định xem có sự cản trở công lý ở đây hay không, nhưng việc Trump sa thải Comey, kết hợp với “lời đe dọa” trên Twitter là đủ để khơi gợi sự chú ý của các nhà điều tra.
“Có đủ yếu tố để khiến việc này đáng xem xét, dựa trên những điều đã được công khai”, bà nói. “Nó đặt ra câu hỏi liệu việc cản trở có diễn ra hay không”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Spicer hôm qua nói rằng dòng tweet “không phải là một lời đe dọa”. “Ông ấy chỉ đơn giản nói một thực tế”, Spicer nói.
Ouziel cho rằng các động thái của Trump với Comey với “có thể được coi như một sự coi thường nghiêm trọng các quy định hiến pháp về văn phòng tổng thống, đây là sự lạm dụng quyền lực của văn phòng đó”.
Comey chưa phát biểu công khai kể từ khi bị sa thải đột ngột vào ngày 9/5. Nhưng những người thân cận cho biết Comey tin rằng bất kỳ ghi âm cuộc nói chuyện nào cũng sẽ phản ánh đúng về con người ông.
“Ông ấy hy vọng thật sự có đoạn băng”, một người thân cận với Comey nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Trump có thể tự hủy hoại thanh danh vì sa thải giám đốc FBI
Các chuyên gia Mỹ cho rằng việc sa thải giám đốc FBI ẩn chứa rủi ro đối với thanh danh của Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, (trái) sau khi tuyên bố sa thải giám đốc FBI. Ảnh: AP
"Việc bãi nhiệm ông Comey rõ ràng có khả năng hủy hoại danh tiếng của Tổng thống Trump cũng như với khái niệm pháp quyền của Mỹ", Giáo sư Jim Riddlesperger, Đại học Công giáo Texas, Mỹ, trao đổi với VnExpress sau khi James Comey, giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) bị tổng thống cách chức hôm 10/5.
Tổng thống Mỹ Trump đã gây chấn động khi bãi nhiệm ông Comey với lý do FBI đưa ra thông tin không chính xác về vấn đề thư điện tử của bà Hillary Clinton trước quốc hội. Trong thư gửi ông Comey, ông Trump cho rằng ông "không đủ khả năng lãnh đạo Cục một cách hiệu quả".
Giáo sư Riddlesperger cho rằng những lý do sa thải tổng thống nêu ra đã phớt lờ thực tế là FBI đang điều tra mối liên hệ chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.
"Rõ ràng tổng thống đang cố ngăn việc xúc tiến cuộc điều tra và ông Trump không coi trọng những tiêu chuẩn chung về pháp quyền của Mỹ", ông Riddlesperger nói.
Giáo sư Smith, Đại học bang San Francisco, đánh giá tổng thống Mỹ bãi nhiệm giám đốc FBI không dựa trên những căn cứ xác đáng mà chủ yếu nhằm ngăn cản cuộc điều tra về Moscow. Ông Smith hy vọng dù ai được bầu thay vào vị trí của ông Comey, việc điều tra này vẫn cần được xúc tiến.
"Nhóm phụ trách do ông Comey giao nhiệm vụ thực hiện vụ điều tra vẫn có thẩm quyền và người kế nhiệm có thể không dừng việc này", ông Smith bày tỏ hy vọng.
Khi được hỏi liệu ông Comey có nói Tổng thống Donald Trump bị điều tra về cáo buộc có liên quan tới Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016 hay không, quyền giám đốc FBI Andrew McCabe đã từ chối trả lời.
Giáo sư của Đại học Công giáo Texas cho rằng thời điểm này chính phủ Mỹ cần hết sức thận trọng. Chính phủ cần bảo đảm giám đốc mới của FBI phải là người mạnh mẽ và độc lập, không chịu sự ảnh hưởng của ông Trump. Mỹ cũng cần phải xem xét việc cần có một tiếng nói độc lập, chẳng hạn như một luật sư độc lập, để hoàn tất cuộc điều tra về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga trong thời gian bầu cử năm ngoái.
"Những điều này chắc chắn là nhiệm vụ khó khăn", ông Riddlesperger nói.
Khánh Lynh
Theo VNE
Cựu giám đốc FBI 'không lo ngại bất kỳ đoạn băng nào' Cựu giám đốc FBI James Comey "không lo ngại về bất kỳ đoạn băng nào" sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo không lộ tin về bữa tối 'định mệnh'. Cựu giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Reuters. Cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey "không lo ngại về bất kỳ đoạn băng nào" ghi lại cuộc...