Ấm áp nghĩa tình đến với vùng lũ Quảng Ngãi và Bình Định
Tiếp tục hành trình sẻ chia nỗi đau với đồng bào vùng lũ miền Trung, trong 2 ngày 22 và 23/11, Đoàn công tác XHTT của Báo CAND và Chuyên đề ANTG cùng nhà tài trợ tiếp tục đem những phần quà thơm thảo đến với đồng bào vùng lũ Quảng Ngãi và Bình Định.
Ngày 22/11, Đoàn công tác của Báo CAND và Chuyên đề ANTG cùng Công ty Duy Lợi đã có mặt tại huyện Nghĩa Hành, Quảng Nam để sẻ chia mất mát với bà con vùng lũ nơi đây. Theo sự chỉ dẫn của cán bộ UBND xã, chúng tôi về gia đình cháu Vương Thị Thu Thảo đã bị lũ dữ cuốn đi hôm 15/11 vừa qua để thăm hỏi, sẻ chia những mất mát mà gia đình đang gặp phải.
Đại diện Báo CAND và Chuyên đề ANTG, Công ty Duy Lợi, Công an tỉnh Quảng Ngãi thăm hỏi, tặng quà các gia đình bị thiệt hại nặng bởi trận lũ ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành – Quảng Ngãi).
Thay mặt Đoàn công tác, Trung tá Vũ Mạnh Hà – Phó trưởng Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo CAND và Chuyên đề ANTG sau khi thăm hỏi đã chuyển tận tay số tiền 1 triệu đồng của Công ty Duy Lợi tới gia đình anh Cường với mong muốn gia đình sớm vượt qua cơn tai ương trước mắt này.
Sau đó, Đoàn tiếp tục đến thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng bởi trận lũ lịch sử vừa qua tại huyện Nghĩa Hành; xã Phổ Minh, Phổ Thuận – huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) với tổng số tiền 70 triệu đồng.
Sáng 23/11, có mặt tại tỉnh Bình Định, Đoàn đã hỗ trợ đồng bào vùng lũ Tây Sơn, Tuy Phước, TP Quy Nhơn (Bình Định) cùng tập thể cán bộ chiến sĩ Công an phường Nhơn Phú, Trần Quang Diệu (mỗi đơn vị 2 triệu đồng) với tổng số tiền 73 triệu đồng – số tiền do Quỹ XHTT Báo CAND và Chuyên đề ANTG hỗ trợ.
Đại tá Trần Vũ Thanh – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới tấm lòng mà những người làm báo CAND và Chuyên đề ANTG, nhà hảo tâm gửi tặng bà con. Những phần quà thơm thảo này sẽ tiếp thêm nghị lực cho bà con gượng dậy sau cơn lũ dữ, sớm trở lại với cuộc sống thường nhật.
Theo An Ninh Thế Giới
Trung tướng Hữu Ước: "Tôi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình"
Ngay sau khi có quyết định thôi giữ chức vụ Tổng biên tập của báo CAND, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Hữu Ước về vấn đề này.
Trung tướng Hữu Ước
- Thưa Trung tướng Hữu Ước, vừa nhận quyết định chuyển giao chức vụ Tổng biên tập báo Công an nhân dân và 'đứa con đẻ' của mình là tờ An ninh thế giới cho Đại tá Phạm Văn Miên, ông có thể cho biết cảm xúc hiện tại của mình?
Tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Tôi xây dựng cái hệ thống truyền thông này gần như từ hai bàn tay trắng, từ một cái xe Angel trả góp ngày lập nghiệp để ra tờ Văn nghệ công an, rồi An ninh thế giới (ANTG), sau này là Cảnh sát toàn cầu. Tôi là người sáng tạo ra chúng. Còn báo công an nhân dân thì đã có lịch sử của nó rồi, tôi chỉ là người kế thừa. Tờ báo Công an nhân dân (CAND) bây giờ là tờ một tờ báo chính trị, phục vụ nhu cầu chính trị. Còn tất nhiên những ấn phẩm khác cũng để phục vụ nhu cầu chính trị, nhưng mà nó bám thị trường hơn.
Sau này tôi lại ra kênh truyền hình ANTV, và bây giờ cũng rất thành công dù giai đoạn đầu đầy khó khăn.
Video đang HOT
Tôi nhẹ nhõm ở chỗ là gì? Nhiều báo trên thế giới đã đánh giá hệ thống truyền thông của Bộ Công an Việt Nam là mạnh nhất thế giới so với các hệ thống truyền thông của các nước, kể cả Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc. Hệ thống truyền thông của công an Việt Nam có ảnh hưởng xã hội, có tia ra phát hành lớn nhất, kênh truyền hình cũng là một trong những kênh truyền hình có số lượng người xem nhiều nhất. Như vậy thì tôi đã hoàn thành một sứ mệnh lịch sử rất vinh quang.
Tất nhiên phải nói rằng, để làm được điều này thì đây là sự chỉ đạo rất chặt chẽ của lãnh đạo Bộ công an đặc biệt là lãnh đạo Tổng cục xây dựng lực lượng chỉ đạo trực tiếp. Thứ hai nữa là cái sự đồng lòng của những người làm báo CAND và của truyền hình CAND. Chứ tôi một mình tôi cũng không làm được.
Nhưng mà tôi là thủ lĩnh. Tôi là người khởi xướng. Chính vì vậy mà khi hệ thống báo viết đã quá mạnh như hiện nay với số lượng phát hành hàng triệu bản một ngày của tất cả các ấn phẩm cộng lại. (Hiện nay tôi có 7 ấn phẩm).
Khi nó đã mạnh rồi, và tôi cũng đã làm tổng biên tập đến giờ này đã được 17 năm, thì việc phải bàn giao cho thế hệ trẻ là rất đúng. Tôi nhẹ nhõm cũng chính là vì điều đó.
Đây có thể nói là một trong những đơn vị có thu nhập cao nhất trong hệ thống báo chí. Cán bộ chiến sĩ đều có nhà có cửa, cơ quan được trang bị kỹ thuật tốt nhất. Chính vì đã hoàn thành sứ mệnh rồi nên tôi rất nhẹ nhõm giao cho thế hệ đàn em.
- Ông có thể cho biết lý do chính xác của lần chuyển giao cương vị Tổng biên tập báo CAND và ANTG?
Hiện nay tôi đang giữ cùng lúc 3 cương vị, tôi là người kiêm nhiều nhất: Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng lực lượng CAND, Tổng biên tập báo CAND, Tổng biên tập truyền hình CAND.
Như vậy có nhiều quá không? Mà tôi lại là người hoạt động văn học nghệ thuật. Tôi rất say mê văn học nghệ thuật. Làm gì có Tổng biên tập nào sáng tác nhiều như tôi đâu. Tôi sáng tác tất cả các lĩnh vực.
Chẳng qua là cái giai đoạn trước tôi phải dựng cho nó xong. Giờ thì mình phải bàn giao đi chứ. Tuổi thì 60 rồi, đáng lẽ ra đã nghỉ hưu nhưng do cái nhu cầu vì kênh truyền hình còn mới nên bộ giữ tôi lại để làm tiếp kênh truyền hình. Sắp tới tôi chuẩn bị cho ra một kênh truyền hình nữa.
Cán bộ chúng tôi đã đủ sức để gánh vác cái hệ thống báo viết này rồi. Phó của tôi, họ đã chờ đợi 15 năm nay, họ chờ mãi thế nào được.
- Ông có chút bất ngờ nào trước quyết định này không?
Sao lại bất ngờ? Đó là đề xuất của tôi. Tôi phải xin Bộ, đề xuất với lãnh đạo Tổng cục cách đây gần 4 năm rồi để bàn giao cái này. Bàn giao đến giờ này là muộn.
Đến bây giờ báo CAND ra hàng ngày, An ninh thế giới tuần 2 số, cuối tháng, giữa tháng. Cảnh sát toàn cầu cũng 2 số đầu tháng giữa tháng, Văn nghệ công an rồi Báo điện tử. Tôi đã làm hết những phần việc gì phải làm. Về cơ sở vật chất thì cũng là một đơn vị khang trang nhất, đường hướng mạch lạc nhất.
Cũng như một người mẹ đẻ ra con, đến ngày đến tháng thì phải cho nó đi lấy chồng chứ, giữ làm gì. Tôi sung sướng lắm và thấy nhẹ người. Có gì đâu mà bất ngờ. Tôi là người hoàn toàn chủ động đấy chứ.
- Tròn 1 tháng nữa (19/8) là đến ngày kỷ niệm của ngành. Ông sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi nhận quyết định trước hay sau ngày đặc biệt này?
Tôi đã nói rồi, bàn giao đến ngày này là muộn. Nhưng mà vì thủ tục hành chính nhiều khâu. Chứ tôi đề xuất cách đây vài năm rồi.
Mà hiện nay tôi vẫn đang phụ trách. Mặc dù tôi thôi chức Tổng biên tập, bàn giao lại cho Đại tá Phạm Văn Miên, nhưng tôi vẫn người được lãnh đạo Bộ giao chỉ đạo trực tiếp, là người chỉ đạo báo
- Ông có thể chia sẻ một vài trăn trở của mình về những điều chưa làm được khi ông còn giữ chức vụ Tổng biên tập của CAND và ANTG?
Tôi không có một điều gì phải áy náy, hay một điều gì phải trăn trở cả. Bởi vì tôi đã làm được hết. Và những cái gì tôi đã làm, tôi đều thành công cả. Tôi không nợ nần ai trong cái cuộc chơi này và không có điều gì phải trăn trở cả. Tôi vui như Tết.
Giờ tôi bắt tay ngồi vẽ, ngồi làm thơ, ngồi viết tiểu thuyết có phải sướng không? Bạn nên nhớ rằng tôi là nhà văn, nhà thơ, đủ loại, các tác phẩm đủ lĩnh vực của tôi dày đến cả mét. Thế nên đối với chúng tôi cái quan trọng nhất là được tự do và sáng tác. Còn đây là trách nhiệm, ăn cơm của Đảng mặc áo của dân, thì mình làm thôi. Mà mình làm đến tận cùng.
- Có một kỷ niệm đáng nhớ nào khi còn giữ chức vụ Tổng biên tập của Báo CAND và ANTG mà ông có thể chia sẻ được không?
Kỷ niệm của tôi dài đến một mét. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là không dưới 4 lần chuẩn bị cách chức.
- Ông có thể nói rõ hơn?
Tôi không thể nói rõ được. Nhưng đó là kỷ niệm. Thế nên làm báo là bầm dập, gian nan như thế đấy. Vì thế tôi mới nói là làm Tổng biên tập 5 năm đã là thượng thọ, 10 năm đã là đại tượng thọ. Tôi làm đến 17 năm.
- Theo ông, Tổng biên tập của một tờ báo muốn thành công phải như thế nào?
Đổi mới, tiên phong, xung kích, quyết liệt. Giống như người lính mà đi trước hàng quân dễ ăn đạn nhất. Nếu là người lạc hậu thì không bao giờ chết cả, bình bình thì không bao giờ chết. Nhưng cái mới thì phải có thời gian. Cái mới đầu tiên người ta khó chấp nhận lắm. Lạ mới, người ta không quen.
Cũng như ở đất nước này có ai làm nhiều chức như tôi không? Nhưng trong thực tiễn thì nó lại hợp lý. Trong giai đoạn này nếu tôi không làm thì ai làm để xây dựng hệ thống truyền thông như thế này? Lý luận nó là màu xám. Thực tiễn vẫn là thực tiễn.
Phòng làm việc của Trung tướng Hữu Ước dành rất nhiều vị trí trang trọng để trưng bày các tác phẩm văn học - nghệ thuật của mình
- Ông có thể chia sẻ một chút về người kế nhiệm?
Tôi không chia sẻ, chỉ biết kế nhiệm là kế nhiệm thôi.
- Ông có tin tưởng vào năng lực của người kế nhiệm mình không?
Tin tưởng chứ. Nếu không có niềm thì sao lại đề xuất. Họ đảm đương được. Mà biết đâu sau này giao cho người ta lại tài hơn mình thì sao. Như bây giờ đang có 7 ấn phẩm, ông ấy tài có thể ra 14 ấn phẩm thì sao. Trước đây ông ấy là phó thì chỉ thực hiện theo mệnh lệnh của mình nhưng bây giờ làm trưởng, biết đâu đấy...
- Dự định của ông trong thời gian sắp tới là gì?
Cố gắng làm kênh truyền hình cho tốt. Lúc nào Bộ bảo nghỉ hưu thì lại ngồi viết văn (cười).
Tôi là người đi cày, cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Tôi là người không bao giờ ngoảnh nhìn lại những gì mình đã làm. Mà làm xong là không bao giờ gặm nhấm quá khứ cả. Không bao giờ gặm nhấm hào quang. Tôi coi đó là việc của ngày hôm qua.
Tôi vẽ, thấy chán thì chuyển sang làm thơ, làm thơ không được thì ngồi viết văn, viết văn không được thì ngồi viết kịch, không ổn thì viết truyện ngắn, truyện ngắn không ổn thì viết tiểu thuyết. Bất lực trước ngòi bút của mình thì nó lại nảy ra cái khác. Chỉ có bia cỏ, thuốc lào là không bao giờ bỏ được.
Trung tướng chia sẻ về thâm niên hút thuốc lào về năm 14 tuổi của mình
- Ông có dự định phát triển ANTV lên một tầm cao mới?
Sắp tới tôi định cho ra thêm kênh 2, nhưng vẫn đang đợi quyết định của Nhà nước.
Hiện nay tôi đã 40 năm tuổi Đảng. Tôi như một người chiến binh, một con kỵ mã lúc nào cũng phi không bao giờ nghỉ. Hết lao lên đỉnh núi này chán lại lao lên đỉnh núi khác.
Tôi quan điểm đã làm cái gì cũng phải ngoại hạng. Đã ra thì phải tạo được ấn tượng ngay, không thì thôi. Làm báo mà bán đến 3 - 5 nghìn đến 1 vạn thì làm làm gì. Đến 2 - 3 vạn tôi cũng không làm. Ra kênh truyền hình mà không có người xem thì cũng đừng có làm. Viết 1 bản nhạc mà cuối cùng không có ai nghe thì viết làm gì?
Ngày đầu tiên tôi nói sẽ cho ra một kênh truyền hình ngoại hạng, 24/24, trong tay chưa hề có 1 cái gì, mọi người cứ tưởng nói phét. Lúc làm tờ ANTG cùng với Như Phong, tưởng chỉ đỉnh cao được độ 5 năm thôi. Nhưng không ngờ nó &'trường tồn' đến thế!
Xin cảm ơn về buổi trao đổi hôm nay!
Theo xahoi
Tướng Hữu Ước thôi làm TBT Báo Công an Nhân dân Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng Biên tập Báo CAND, xác nhận: Trung tướng Hữu Ước thôi nhiệm vụ tổng biên tập và chuyển giao nhiệm vụ này cho Đại tá Phạm Văn Miên. Trung tướng Hữu Ước. Ảnh báo CAND Sáng nay (19/07), Bộ Công an đã tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Đại tá Phạm Văn Miên giữ...