Ám ảnh với sự cuồng nộ bởi một tình yêu vô luân và hận thù
“Only God Forgives” là câu chuyện về sự trả thù, về những cá thể cô đơn lạc lõng.
Only God Forgives là câu chuyện về sự trả thù, về những cá thể cô đơn lạc lõng trong cái sắc thái ảm đảm của Bangkok. Ở đó, có một Julian (Ryan Gosling) lạnh lẽo, trầm lặng. Anh có một người anh trai lập dị, cai quản một câu lạc bộ Muay Thái ồn ã mà ẩn sau đó là hoạt động buôn bán trái phép ma túy trá hình.
Bộ phim về những trái tim lạc lõng và cô đơn
Những hộp đêm người lớn lạc điệu, trong đó có một cô gái điếm có cảm tình với Julian. Cô không thân phận, không cuộc đời chỉ là “tiếp đãi viên” của hộp đêm như những quán hàng ăn đêm buồn bã.
Ở đó còn có một viên cảnh sát già Chang về hưu với biệt danh “Thiên thần báo oán” (Vithaya Pansringarm) chuyên giúp cảnh sát trong những vụ án có liên quan đến người phương Tây mà cảnh sát chính thống khó lòng can thiệp.
Khuôn mặt ông không cảm xúc, hành động không do dự, chậm rãi như một thiền sư, như một thiên thần coi việc trừng phạt là nhiệm vụ của mình, và cuối cùng là người mẹ mới từ Mỹ sang của hai anh em Julian, người điều hành từ xa việc buôn bán thuốc phiện của hai anh em. Một người phụ nữ ác độc, nanh nọc (Kristin Scott Thomas).
Những gam màu độc đáo xuất hiện khiến khán giả nhớ mãi
Tất cả những nhân vật đó liên kết với nhau ở một mắt xích, đó là cái chết của anh trai Julian sau khi hắn cưỡng hiếp và giết chết đứa bé gái 14 tuổi, sau đó hắn bị cha đứa bé, với sự ủng hộ của cảnh sát giết chết.
Mẹ của Julian từ Mỹ qua Thái để báo thù cho con, còn viên cảnh sát Chang thì thực thi thứ luật ban đêm tại Bangkok để duy trì trật tự cũng như để bảo về người dân của mình. Còn Julian ở giữa, trong sự do dự của những điều đúng sai, anh là sợi dây buộc chặt mọi mối quan hệ của phim, là mối nối giao điểm để từ đó mỗi nhân vật tham chiếu qua anh để bộc lộ bản chất của họ cũng như bộc lộ chính con người mình.
Điều ấn tượng đầu tiên của bộ phim đó chính là không khí, tông màu, ánh sáng và cách nhịp độ của từng nhân vật được diễn biến. Refn chắc chắn là một người kiên nhẫn đến kinh ngạc khi tạo ra một bộ phim tội phạm nhưng lại vô cùng tĩnh.
Phim có vô vàn những cảnh hành động bạo lực đến đẫm máu
Cái sự tĩnh không phải để kiềm chế cái động, mà để nâng mức độ động lên đến mức độ dứt khoát và vô cảm. Không khí đặc quánh trong không gian ban đêm, trong nhà, dưới những ánh đèn neon với tông màu nóng, những khuôn mặt xám xịt vì bóng tối, hoặc mờ đỏ vì đèn neon, không ai mang khuôn mặt thật trong màn đêm đó, đó là cuộc sống khác, với sự trần trụi đến ngột thở.
Những cảnh quay trong một không gian chật và bức bối, giữa những bức tường, những bước chân nặng nề đi trên vỉa hè, những cú mắt chiếu thẳng nhưng không thể thấy rõ khuôn mặt đã bị che phủ bởi bóng tối và ánh sáng mờ ảo. Tất cả đó, tạo nên một bức tranh siêu thực vừa kì dị, đáng sợ, vừa kích thích thị giác, kích thích cái sự động đang như muốn nổ tung bất cứ lúc nào.
Video đang HOT
Tự chất bạo lực quyến rũ trong Drive, Refn mang đến một chất bạo lực mới, bạo lực của tính động đạt mức tối đa, dứt khoát, vô cảm, lạnh lùng và ghê rợn. Không có tính người trong từng pha chém giết, đuổi bắt nhau, tất cả được tung ra với mức độ mạnh nhất, giống như khi người ta đã tích lũy đủ năng lượng trong sự tĩnh lặng, để chỉ bung ra trong một sát na mà không hề do dự và bối rối.
Ryan Gosling đã hoàn toàn gây ám ảnh trong bộ phim này
Ryan Gosling có một khuôn mặt của một chàng công tử lạnh lùng, khuôn mặt luôn được tiết chế tối đa về mặt cảm xúc, cặp môi mỏng kiệm lời, đôi mắt luôn luôn nhìn về một hướng bất định xa xôi mà người đối diện không thể nắm bắt và kiểm soát, khuôn mặt dài nam tính và quyến rũ.
Đó là một khuôn mặt hoàn hảo cho vai diễn Julian – một đứa con trai không có sự yêu thương của người mẹ, không có khả năng quan hệ tình dục bình thường, luôn luôn là cái bóng của người anh trai.
Ở Julian, nếu ta xét đoán không kĩ và chỉ nhìn ở bề nổi của hành động của anh, thì chắc chắn ta dễ thấy có vẻ như Julian là một kẻ hèn nhát khi luôn luôn sợ hãi viên cảnh sát, những giấc mơ ám ảnh về việc bị viên cảnh sát già chặt tay, sự hèn nhát còn thể hiện ở việc sợ sệt người mẹ, mặc cho mẹ sỉ nhục và lăng mạ nhưng anh vẫn không hề có bất kì phản ứng nào kháng cự, không những thế còn quay ra đe nạt cô gái điếm người đóng vai là bạn gái của mình khi đến gặp mẹ chỉ vì cô có phản ứng mạnh với thái độ của bà mẹ.
Julian có vướng mắc về mặt tình dục bởi một ám ảnh không bình thường
Nhưng tôi muốn đi sâu hơn vào tâm thức của Julian, một đứa con không có tình thương của người mẹ. Rõ ràng, Julian mang trong mình một phức cảm Oedipe mạnh mẽ, một tình yêu rất lớn dành cho người mẹ của mình, một thứ tình yêu khiến anh không thể chấp nhận bất cứ gã đàn ông nào gần mẹ ngay cả người cha, chẳng thế mà anh đã giết cha theo lời kể của bà mẹ, và không hề tỏ ra đau buồn hay cố gắng trả thù cho người anh trai – người được mẹ anh yêu chiều hơn anh rất nhiều.
Cái phức cảm đó mạnh đến mức nó kiềm tỏa mọi dục vọng khiến anh không thể quan hệ tình dục một cách bình thường. Hắn không phải sợ mẹ mà quá yêu mẹ, mặc dù người mẹ đó đối với trong lòng hắn sự căm thù cũng lớn bằng tình yêu đó. Chính vì vậy, cái hành động của anh ở cuối đối với người mẹ mình, cái khuôn mặt lạnh lùng vô cảm của anh thể hiện vừa nỗi đau đớn, vừa sự vui mừng, một sự triệt tiêu cảm xúc tuyệt vời của những mâu thuẫn trái ngược.
Khi Julian làm thế, tôi có cảm giác rất rõ ràng anh đang đi tìm hơi ấm của người mẹ, cái hơi ấm mà cả cuộc đời anh đã không thể có, chỉ có lúc đấy, a mới có thể cảm nhận được hơi ấm bên trong của cơ thể mẹ mình, một cái gì đó của tình mẫu tử, tình yêu.
Kristin Scott Thomas đã có một vai diễn vô cùng ấn tượng trên màn ảnh
Thực ra những cảnh anh mơ bị chặt tay, từ đầu phim đến cuối phim, nó cho thấy bên trong Julian, bản chất thiện vẫn còn. Julian vẫn là một tổng hợp của những mâu thuẫn chất chứa bên trong mình, anh hành xử vừa tàn độc nhưng lại luôn có một khoảng lùi nhất định để soi xét sự việc hòng mong đưa nó về vị trí đúng, nhưng do gia đình, do cuộc sống anh trở thành một tay anh chị, một kẻ máu lạnh. Chính vì thế, cái sự ám ảnh bị chặt tay chính là cái ước muốn chặt đứt đi cái nhân ác trong người, đó không còn là sự sợ hãi Chang nữa.
Kristin Scott Thomas cũng là một vai diễn đáng ngạc nhiên, một sự lột xác ngoạn mục. Trang điểm đậm, ăn mặc diêm dúa, cử chỉ điệu đà, khuôn mặt mang một tấm mặt nạ đầy nanh ác, lời lẽ hằn học và cương quyết. Một bà mẹ dành hết tình yêu cho một đứa, và để lại cho đứa còn lại một sự trống rỗng và thiếu thốn.
Kristin và diễn viên người Thái Vithaya thực sự là những diễn viên xuất sắc, họ diễn trong một sự tĩnh lặng tuyệt vời, và một không khí đặc quánh đó với một sự tiết chế nội lực tối đa như tôi đã nói ở trên chỉ chờ đến khi bùng nổ.
Theo Danviet
Nghẹt thở cùng hành trình trả thù đẫm máu của gã lang thang
Bộ phim cho ta hiểu: con người không được sinh ra để đi giết kẻ khác, nhưng khi cần, một con người cần phải làm hết khả năng của mình để không hối tiếc kể cả là phải giết người.
Thế giới điện ảnh có nhiều bộ phim hay nhưng không có cơ hội lan tỏa rộng rãi đến khán giả. Ai đã xem những bộ phim này đều muốn chia sẻ đến mọi người bởi sự cảm động, sâu sắc, nhân văn, lãng mạn... Những bộ phim như thế sẽ được giới thiệu tới độc giả vào lúc 11h, thứ 5 hàng tuần, mời các bạn đón đọc!
Bản nhạc Souls No Regrets của Little Willie Johnson cất lên ở cuối phim Blue Ruin khơi lên một nỗi buồn khôn tả về hành trình trở lại quê nhà của một gã lang thang bỏ nhà ra đi đã 10 năm. Khi đó, vì nỗi đau mất cha mẹ quá lớn, còn giờ đây, gã phải trở lại để bảo vệ gia đình ấy.
Hành trình trở lại quê nhà của gã lang thang
Nó gợi nhắc lại hình ảnh của một kẻ tứ cố vô thân, phải lục lọi thùng rác để kiếm thức ăn hay trộm lẻn vào những ngôi nhà vắng người để tắm rửa, một kẻ không còn gì khác ngoài đôi mắt luôn chất chứa sự vô hồn và nỗi tuyệt vọng.
Chuyện gì đã xảy ra? Cuộc đời gã cuối cùng sẽ ra sao? Blue Ruin của đạo diễn Jeremy Saulnier là một bộ phim dạng trả thù, ly kỳ và nhẫn tâm. Nó không gây ám ảnh về sự tàn bạo như cách bộ ba phim của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan Wook đã làm, nhưng nó để lại trong ta một nỗi buồn sâu sắc và khiến đầu óc phải căng như dây đàn trong suốt cả 90 phút của phim.
Mở đầu chậm rãi, gam màu trung lập, mọi thứ tạo cho ta cảm giác chờ đợi và lửng lơ. Rồi một người đàn ông lộ mặt khỏi buồng tắm, bộ râu rậm, lo lắng, gã vội vàng ngắt vòi nước, lao ra khỏi cửa sổ trong khi chưa kịp mặc quần áo. Một gã lang thang, một kẻ có hành tung mờ ám, một người mà khi cảnh sát chỉ hỏi chuyện đã bất an lo sợ.
Bộ phim mang lại cảm giác nghẹt thở cho khán giả
Chuyện gì sẽ xảy đến với gã? Câu hỏi được trả lời qua một sĩ quan cảnh sát, người mời gã về đồn để báo tin và nhắc hắn nên cẩn thận, bởi có một kẻ nào đó đã vừa được ra tù sau 10 năm bị giam giữ.
Câu chuyện sẽ dẫn đến đâu? Tôi luôn nghĩ rằng một bộ phim hay là một bộ phim luôn khiến người xem phải đoán trước những tình huống sẽ xảy ra tiếp theo trong kịch bản, và ta sẽ chưng hửng khi biết ta nghĩ sai, kịch bản chẳng ngờ lại đi theo một chiều hướng khác, ta lại có những câu hỏi khác, ta lại để trí tưởng tượng gấp gáp của mình vội vàng lao lên trước, rồi ta lại sai, chỉ còn lại đôi mắt ta đang nhìn vào thực tế, vào những thước phim, vào nhân vật mà thôi.
Dwight - gã lang thang do Macon Blair thủ vai, đi đến nơi ở của kẻ vừa ra tù, khuôn mặt đau khổ, tiếng khóc uất nghẹn khi nhìn thấy hắn. Hành trình tìm đến đó không hề dễ dàng, Dwight luôn thể hiện mình đau buồn đến thế nào qua mỗi hành động của gã, và trong tuyệt vọng, gã ăn cắp khẩu súng đã bị lắp khóa chống trộm.
Khán giả cảm nhận rõ rệt cảm xúc của nhân vật chính
Ta cảm nhận được vô cùng rõ ràng nỗi đau của gã, nỗi đau xuyên từ màn hình đi thẳng đến trái tim ta, một nỗi đau mà đạo diễn đã không cảnh báo người xem ngay từ đầu, chỉ dần dần hé lộ cho ta trong những khung hình về sau. Nỗi đau quá lớn cùng với sự hoảng sợ khi nghĩ rằng kẻ đó sẽ đột ngột tìm mình, Dwight giết hắn, tàn nhẫn nhưng cũng chỉ là để tự vệ.
Mọi thứ được đặt vào tay Dwight một cách không chủ đích, gã không có kế hoạch gì, gã chỉ đi theo cảm xúc của mình, để rồi khi tình huống xảy ra, bằng nỗi tuyệt vọng nhưng nhanh nhạy, gã cố gắng hoàn thành nốt việc mình phải làm. Bảo vệ gia đình mình (em gái và hai đứa cháu nhỏ) khỏi gia đình của kẻ được cho là giết bố mẹ gã, một gia đình độc ác, cục cằn, thiếu giáo dục và thiện chí.
Dwight biết việc mình làm sẽ khiến gia đình của Wade (kẻ mà gã giết) đi tìm gã và em gái để trả thù. Ở một mức độ vừa đủ để tạo nên kịch tính, bộ phim kéo căng ra như sợi dây sắp đứt, khuôn mặt của Dwight, cách gã phải đối mặt với tình huống do chính mình gây ra khiến cho khán giả luôn luôn lo lắng và thấp thỏm sợ hãi.
Bộ phim mang một sắc màu buồn nhưng không bị chùng xuống bởi bi kịch mà vô cùng căng thẳng. Tuy rằng không phải theo kiểu đấu trí, mà là dạng thức khi ta đột nhiên bị đặt vào một tình huống không lường trước, chỉ có bản năng dẫn lối và lo lắng chỉ đường.
Cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ gia đình mình
Những bộ phim kinh phí thấp được viết, sản xuất và đạo diễn đều bởi cùng một người như tác phẩm này, luôn khắc họa đậm nét dấu ấn riêng biệt của đạo diễn, đầy cá tính và đậm chất nghệ thuật qua từng cú máy và tình huống được xử lý.
Một con người tuyệt vọng khi cần phải làm thì sẽ làm ra sao? Một cuộc đời đang bình thường, bất hạnh đột nhiên ập đến thì sẽ hành xử thế nào? Và lý do họ chọn cho cách hành xử ấy là gì? Con người ta luôn đặt ra những câu hỏi về mọi chuyện trên đời, có nhiều người chọn cách trả lời trực tiếp, có những người chọn cách im lặng, cũng có những người tạo tình huống để gợi mở.
Tôi luôn nhìn thấy ở Dwight một điều rất đáng phục: Gã không cố chấp và phán xét hành động của cha mình, dù cho hành động đó đã đẩy gã thành kẻ lang thang, lẩn trốn chính cuộc đời mình.
Bộ phim khiến khán giả chờ đợi một cái kết tươi sáng hơn
Bộ phim không cho ta thông điệp về hành động đúng hay hành động sai, chỉ là hành động phải làm, hành động mà Dwight cho rằng mình phải gánh vác trách nhiệm, phải bảo vệ cho em gái mình. Dwight không dừng lại quá lâu để nghĩ, để do dự, Dwight không phải sát thủ chuyên nghiệp, nhưng gã đã không do dự, không hối tiếc, hoặc không kịp hối tiếc.
Với những dạng phim tâm lý hồi hộp ly kỳ, thì Blue Ruin quả thực đã làm rất tới, đủ khiến ta tập trung và lo lắng, đủ khiến ta chờ đợi kết cục và hy vọng nó sáng hơn cuộc đời đáng buồn của Dwight.
Không có nhiều hơn để cắt nghĩa nữa, Blue Ruin đơn thuần là một bộ phim hay, đầy tính chân thực và đậm chất nghệ thuật, bộ phim cho ta hiểu một điều: con người không được sinh ra để đi giết kẻ khác, nhưng khi cần, một con người cần phải làm hết khả năng của mình để không hối tiếc kể cả là phải giết người.
Trailer của bộ phim
Theo Danviet
Tình yêu hoang dại tuổi 20 trong bộ phim ngập cảnh táo bạo "Betty Blue" xoay quanh một chuyện tình nông nổi nhưng cũng đầy cuồng nhiệt. Thế giới điện ảnh có nhiều bộ phim hay nhưng không có cơ hội lan tỏa rộng rãi đến khán giả. Ai đã xem những bộ phim này đều muốn chia sẻ đến mọi người bởi sự cảm động, sâu sắc, nhân văn, lãng mạn... Những bộ phim như...