Ám ảnh về một tội ác
Ngay tối hôm đó, các báo mạng đồng loạt đưa tin ban đầu về vụ án. Một số bạn trẻ đến khu vực hiện trường chụp ảnh từng phần thi thể của nạn nhân rồi đưa lên blog của mình và gửi link cho tôi.
1. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác của mình khi nghe tin về một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại khu vực trường Đại học Thương mại Hà Nội. Kẻ phạm tội sau khi giết người bạn cùng quê đã chặt đầu lìa khỏi thân rồi ném qua hàng rào của trường. Đầu tiên là những cái rùng mình, tiếp đến là sự ám ảnh. Với tội giết người, dù là xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì nó vẫn gây nên sự căm phẫn trong dư luận. Còn riêng với vụ giết người này, khi nó xảy ra vào thời điểm năm hết, tết đến với hành vi man rợ đầy thú tính như thế thì sự căm phẫn còn đẩy cao tới mức nào.
Hung thủ Trần Văn Đẩu tại CQCA
Ngay tối hôm đó, các báo mạng đồng loạt đưa tin ban đầu về vụ án. Một số bạn trẻ đến khu vực hiện trường chụp ảnh từng phần thi thể của nạn nhân rồi đưa lên blog của mình và gửi link cho tôi. Nghe kể đã thấy ghê, khi nhìn ảnh chụp dưới nhiều góc độ khác nhau thì còn thấy kinh khủng hơn nhiều. Từ lúc hung thủ bị bắt cho đến suốt quá trình điều tra, có một câu hỏi mà nhiều người luôn đưa ra khi nhắc về vụ án này: Kẻ giết người có bình thường không, vì nếu y là người bình thường thì không thể thực hiện được hành vi man rợ, độc ác đến thế. Bởi xét cho cùng, nguyên nhân đẩy người này vào con đường phạm tội đâu có phức tạp gì, nạn nhân – một người đồng hương cũng chỉ có một vài lời nói, hành động đâu đáng để kẻ giết người trút hết sự căm tức và sức mạnh của mình xuống người anh ta? Và kết thúc quá trình điều tra, thậm chí hồ sơ chuyển sang VKS, câu trả lời là Trần Văn Đẩu, SN 1973, trú tại thôn Tiền, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình làm nhân viên lễ tân nhà nghỉ Phú Hà ở tổ 45, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội từ tháng 10-2004, hung thủ giết anh Đỗ Ngọc Ánh ngày 13-2-2007 tại khu vực trường Đại học Thương mại vẫn không có vấn đề gì về tâm thần. Nếu là những vụ án bình thường khác, chỉ sau 1, 2 tháng, vụ án sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Hiện trường vụ án
2. Tháng 6-2007, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang TAND TP Hà Nội, tôi may mắn được nghiên cứu toàn bộ các bút lục có trong hồ sơ vụ án. Kẻ giết người có một khuôn mặt khá sáng sủa, hiền lành. Bức ảnh đó được chụp ngay sau khi y bị bắt với chiếc áo phông màu sẫm còn dính nhiều máu. Tôi đã nhìn rất lâu khuôn mặt đó và không thể cắt nghĩa được vì sao con người ấy lại có thể gây ra tội ác cho đồng loại man rợ đến thế.
Lần thứ hai, những cái rùng mình lại đến với tôi giữa một ngày nắng lửa khi xem bản ảnh hiện trường vụ án. Bức ảnh ấn tượng với tôi hơn cả không phải là chụp từng phần thi thể nạn nhân mà chính là hàng rào sắt bao quanh trường Đại học Thương mại Hà Nội. Những thanh sắt nhọn hoắt như lưỡi mác đâm thẳng lên trời mà khi kẻ giết người cầm cái đầu của nạn nhân ném qua, một trong những thanh sắt đó bị bẻ cong vào trong. Vào khoảnh khắc kinh hoàng ấy, tên Đẩu nghĩ gì nhỉ? Có một động lực nào khiến y hành động một cách quyết liệt đến thế, bởi giết người xong, y còn thực hiện một loạt những hành động dã man khác mà không hề run sợ hay ghê tay.
Video đang HOT
Tiếp đó, tôi xem lần lượt từng lời khai của bị can, gia đình nạn nhân, người làm chứng cùng lời khai của những người có liên quan. Linh cảm nghề nghiệp cho tôi thấy một điều gì đó bất ổn. Vị thẩm phán tin tưởng cho tôi xem hồ sơ thấy tôi mải miết đọc, ghi chép, chụp ảnh, đợi lúc tôi đứng dậy ra ngoài hút thuốc mới hỏi: Nhà báo xem xong có nhận ra điều gì không?
Vốn nhiều lần tranh luận với các thẩm phán cũng như các luật sư, kiểm sát viên về tội danh, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay những tình tiết thú vị khác trong vụ án, tôi đã nói thẳng quan điểm của mình: Tôi cảm thấy nhiều điều không bình thường về bị can! Vị thẩm phán cười: Cậu thử cho một vài dẫn chứng! Tôi quay lại phía bàn làm việc, lần giở từng trang hồ sơ: Rất đơn giản, anh cứ đọc phần lời khai của bị can tại cơ quan điều tra, bố bị can từng là nạn nhân chất độc da cam, rồi lời khai của vợ bị can nữa… Xâu chuỗi những tài liệu đó, ta sẽ có sự đánh giá chính xác hơn!
Sự hoang tưởng kỳ quặc thể hiện rõ trong rất nhiều lời khai của bị can cũng như những người có liên quan. Đó là sự ám ảnh vô hình về một nhân vật nào đó luôn bám riết trong suy nghĩ của kẻ giết người, điều khiển mọi hoạt động của y. Sự xuất hiện của một con chó lông trắng toát cứ chạy mải miết trong đêm rồi lao vào giấc ngủ chập chờn của kẻ giết người. Cả những lần quan hệ với vợ xong, y lại lôi vợ ra chửi bới vì cho rằng trong những ngày y làm ăn trên Hà Nội, vợ y ở nhà tằng tịu với người đàn ông khác, chửi mắng chưa hả hết cơn tức, y còn đánh đập rất thậm tệ. Người vợ quê chất phác chỉ biết nín nhịn vì chị biết, chồng mình đang có những thay đổi khác thường chứ chục năm tình nghĩa vợ chồng, chỉ hiểu anh ấy là người hiền lành, tốt bụng. Rồi lá thư Đẩu viết về cho người anh, dặn đừng cho con ra Hà Nội làm việc, vì nếu không nghe lời y, chắc chắn sẽ có một bọn “ xã hội đen” giết chết…
Nhà báo nhận xét đúng đấy. Lẽ ra vụ án sẽ xử vào ngày 29-8-2007, nhưng để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phải cho bị cáo đi giám định pháp y tâm thần. Có kết luận rồi, việc xử lý cũng chưa muộn – Vị thẩm phán nhìn tôi hồi lâu rồi nói vậy.
3. Giờ thì giữa tôi và bị cáo Trần Văn Đẩu là một khoảng cách gần nhất, trong gian phòng hẹp ngay sát phòng xử án. Đó là khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, khi y bị đưa vào phòng cách ly và Hội đồng xét xử nghị án. Đẩu luôn cúi đầu, mái tóc lòa xòa và rối bị mồ hôi bết lại trên trán và hai bên thái dương. Tôi nhìn kỹ kẻ giết người. So với tấm ảnh tôi xem hồi năm ngoái, Đẩu có phần gầy đi nhiều, khuôn mặt không bộc lộ một cảm xúc gì. Khuỷu tay, sau vành tai, quanh cổ y cáu bẩn, có thể do ít tắm hoặc tắm không đến nơi đến chốn. Vô tình, mắt tôi nhìn xuống hai bàn tay y. Hai bàn tay với những ngón dài, xương, đen đúa đang đan chặt vào nhau. Đôi bàn tay ấy, cách đây hơn một năm đã từng giết người mà lại là giết người vô cùng man rợ. Dù biết y rất khó khăn khi trả lời những câu hỏi của tôi nhưng tôi vẫn chủ động:
- Đẩu thấy trong người thế nào?
- Em thấy mệt lắm!
- Mệt như thế nào?
- Em đau đầu.
- Khi ở Viện tâm thần Trung ương, Đẩu ở chung hay riêng trong xà lim?
- Em ở riêng.
- Trở lại vụ án, khi cầm dao giết anh Ánh rồi chặt đầu, lúc đó Đẩu nghĩ gì?
- Em chẳng nghĩ gì cả.
- Có ghê tay không?
- Không. Làm xong thấy rất mệt.
- Vì sao Đẩu lại làm thế?
- Vì có một người ở trong đầu em cứ bảo, phải giết nó ngay, giết rồi chặt đầu nó ra. Nếu mày không làm thế thì nó sẽ giết rồi chặt đầu mày. Người đó lúc nào cũng biết em nghĩ gì và bắt em phải làm những việc ông ta thúc em.
- Hôm nay ra tòa, Đẩu có nhìn thấy người thân ngồi phía dưới không?
- Có, nhiều lắm. Vợ em, cả những người hàng xóm.
- Đẩu có nhớ các con không?
- Có.
- Với tội ác của mình, Đẩu có biết hình phạt sẽ thế nào không?
- Không.
- Hàng ngày, Đẩu ăn uống được không?
- Không. Em ăn ít vì hay mệt.
Vẫn khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc ấy, Đẩu cúi xuống nhìn những ngón tay đan vào nhau, thỉnh thoảng lại đưa cả hai tay bị còng lên lau mồ hôi rịn ra trên trán.
4. Kẻ giết người nếu đầu óc bình thường thì án tử hình với y như một lẽ đương nhiên. Còn với Trần Văn Đẩu, pháp luật không thể phạt y án tử hình. Lý do thật đơn giản, y bị tâm thần. Bản kết luận số 01/GĐPYTT ngày 24-1-2008 của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương ghi rõ: “Bị can Trần Văn Đẩu bị bệnh rối loạn thần cấp giống phân liệt theo bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 có mã số F23.3. Trong thời điểm gây án, bị can bị bệnh rối loạn thần cấp giống phân liệt. Khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bị can bị hạn chế.”
Và với bản kết luận này, án phạt với bị cáo chỉ là chung thân. Sự khoan hồng của pháp luật nước ta là thế. Có thể trong thời gian tới, y sẽ đi chấp hành án ở một trại giam nào đó, cũng có thể y phải bắt buộc chữa bệnh theo quy định của pháp luật. Dù sao, y vẫn may mắn hơn nhiều kẻ giết người khác. Đó là quyền được sống và có thể hy vọng được trở về gặp vợ con…
5. Phiên tòa kết thúc. Mọi người lặng lẽ ra về. Các chiến sĩ cảnh sát dẫn giải bị cáo vào phòng cách ly, chờ mọi người vãn mới giải ra xe. Vợ Đẩu cố nán lại rồi nhào vào với chồng. Những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn bà quê mùa. Giọng Đẩu ướt nhèm: Em về chăm ông bà, các con cẩn thận, nhất định anh sẽ về với mẹ con em! Còn chị Hường, vợ Đẩu cũng nói trong tiếng nấc: Anh nhớ giữ sức khỏe và đừng bỏ mẹ con em nhé. Lúc nào mẹ con em cũng mong anh về…
Hai con người khốn khổ ấy ôm chặt lấy nhau, đau đớn, tuyệt vọng. Các chiến sĩ công an đứng cạnh đó cũng lặng đi. Lẽ ra, họ không cho phép người nhà bị cáo làm điều này, nhưng rồi, tất cả đã diễn ra, ngoài dự kiến, ngoài các phương án bảo vệ. Những tiếng khóc buồn thảm ấy còn vang lên khi bị cáo bị giải ra xe và chuyển bánh trở về trại tạm giam…
Theo PLXH
Bắt khẩn cấp 2 nghi can giết người cưa xác
Trần Phi Hùng và Nguyễn Thị Phương
Sáng nay 6/11, Công an TP.HCM phối hợp với Công an TP Tuy Hòa tiến hành bắt khẩn cấp 2 vợ chồng Trần Phi Hùng và Nguyễn Thị Phương. Đây là hai nghi can trong vụ giết người tại phòng trọ số 8, địa chỉ 1389IG KP1, phường An Phú Đông, Q.12, TP.HCM xảy ra vào ngày 25/5/2009.
Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khám xét tại nhà trọ nơi của 2 vợ chồng Hùng và Phương thuê ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Tuy nhiên lực lượng chức năng đã bị sự chống đối của 2 đối tượng này.
Nhờ ảnh trên báo, phát hiện 2 nghi can giết người
Một người dân ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) tình cờ đọc mẫu tin và ảnh trên một tờ báo nên đã phát hiện một phụ nữ bán vé số trông giống nghi phạm giết người cưa xác thành 3 khúc xảy ra tại phòng trọ số 8, địa chỉ 1389IG KP1, phường An Phú Đông, Q.12 đăng trên báo. Lập tức, người này đã báo tin cho Công an phường 7, TP Tuy Hòa.
Từ thông tin này, chiều 5/11, Công an phường 7 cùng với Công an TP Tuy Hòa đã đến quán nước trước vỉa hè khách sạn Công đoàn ở phường 7 và phát hiện một phụ nữ có biểu hiện khả nghi nên kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Lực lượng chức năng đã phát hiện trong người phụ nữ này mang theo 5 giấy tờ tùy thân với nhiều tên khác nhau, trong đó có giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1970, quê Nghệ An), tạm trú khu phố 4, phường Linh Đông, Q.Thủ Đức (TP.HCM), nạn nhân trong vụ giết người cưa xác xảy ra vào ngày 25.5.2009.
Ngay sau đó, đối tượng này được mời về trụ sở Công an phường 7 để làm việc.
Sau khi đấu tranh khai thác, đối tượng (có 3 tên: Nguyễn Thị Phương, Tôn Thị Thúy Hằng, Lê Thị Ngọc Nữ, SN 1966, quê ở xã An Lỗ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) khai nhận là đã có quan hệ tình cảm với nạn nhân Nguyễn Mạnh Hùng, và Phương cũng là một trong những người tham gia vụ án giết người cưa xác nạn nhân Nguyễn Mạnh Hùng.
Từ lời khai này, Công an TP Tuy Hòa liên hệ với Công an TP.HCM để xác nhận thông tin về vụ án trên và tạm giữ Nguyễn Thị Phương; đồng thời tiến hành bắt giữ chồng của Phương là Trần Phi Hùng (SN 1963, quê ở Thừa Thiên - Huế) tại nhà trọ ở thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, Phú Yên.
Giết người vì ghen tuông
Theo lời khai của Trần Phi Hùng, biết vợ mình có quan hệ tình cảm với Nguyễn Mạnh Hùng nên trưa 25/5/2009 đã buộc Phương đến chở Phạm Mạnh Hùng đến nhà trọ nơi vợ chồng Trần Phi Hùng đang sống ở Q.12 chơi. Khi nạn nhân Nguyễn Mạnh Hùng vào nhà tắm thì Trần Phi Hùng đã cầm cây chuẩn bị từ trước đập vào đầu, khiến nạn nhân ngã gục tại chỗ.
Sau đó, Trần Phi Hùng đã cùng vợ cưa xác nạn nhân thành 3 khúc, rồi bỏ vào bao nilon định vứt ra kênh mương sau nhà. Nhưng do máu nạn nhân chảy nhiều quá nên Trần Phi Hùng đã dùng quần áo lau sạch vết máu trên nền phòng tắm. Vì sợ vứt xác nạn nhân ra kênh mương sẽ nhanh chóng bị phát hiện nên vợ chồng Trần Phi Hùng đã để lại xác trong phòng trọ, sau đó khóa cửa phòng và vứt chìa khóa đi, rồi cùng với con trai là T.M.N (SN 1990) bỏ trốn ra Phú Yên sinh sống.
Suốt hơn 1 năm qua, Trần Phi Hùng giả câm điếc, sống bằng nghề ăn xin lang thang khắp nơi ở Phú Yên. Trong khi vợ của Trần Phi Hùng hằng ngày bán vé số để mưu sinh. Cả gia đình của Trần Phi Hùng liên tục thay đổi họ tên để tránh bị công an phát hiện.
Trước đó, vợ của Trần Phi Hùng là đối tượng từng chăn dắt những người bán vé số nên lợi dụng những giấy chứng minh trên để thay đổi họ tên.
Theo Thanh Niên