Ám ảnh về lũ lịch sử của người Bình Định
Thoát khỏi vùng lũ, anh Tâm đứng trước sảnh UBND huyện Tây Sơn, Bình Định gào thét bởi sau lưng anh, người thân, hàng xóm đang chìm dần trong dòng nước cuồn cuộn.
Lực lượng chức năng huyện Tây Sơn đến với người dân vùng lũ. Ảnh: Minh Thùy.
Hai ngày đêm trong biển nước, người dân nhiều nơi ở Bình Định vẫn chưa hết bàng hoàng vì cơn lũ mạnh nhất từ xưa đến giờ vừa càn quét qua. Trước đó, khoảng 22h30 ngày 15/11, nước bất ngờ dâng nhanh, nhấn chìm cả huyện Tây Sơn khiến bà con các thôn xã không kịp trở tay.
Chuông điện thoại đổ dồn dập trong trụ sở UBND huyện. Toàn những lời cầu cứu trong hoảng loạn của người dân Phú Xuân ( thị trấn Phú Phong), tâm điểm của nước lũ. Ở đó, hơn 100 người chỉ kịp đưa nhau lên nóc nhà, ngọn cây, run rẩy nhìn dòng nước cuồn cuộn không ngừng dâng cao.
Dỡ ngói nhà, đưa mẹ và con lên mái ngồi chờ cứu hộ, anh Dương Đông Phong bảo gia đình anh đã thoát chết trong gang tấc. Lũ dâng ào ạt trong đêm, ý nghĩ duy nhất của anh lúc đó là bằng mọi giá phải cứu được mẹ già, con thơ. “Mưa gió gào thét, tôi đu lên nóc nhà tháo ngói, đưa mọi người lên. Ánh đèn pin leo lét là tất cả những gì còn lại của mấy mẹ con tôi lúc đó. Nó là tín hiệu cầu cứu trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Khủng khiếp quá, sinh mạng con người quá nhỏ bé trước thiên tai”, anh Phong nói.
May mắn thoát ra được vùng lũ cuốn, song anh Tâm đứng trước tiền sảnh UBND huyện Tây Sơn gào thét. Trong làng, người thân, hàng xóm của anh đang chìm dần trong nước. “Bất lực. Nửa ngày trời xoay sở nhưng tôi không thể tiếp cận với mọi người ở trong vùng lũ. Chúng tôi nhìn thấy, nghe thấy họ kêu gào thất thanh, khóc khản cả giọng mà không làm gì được”, anh Tâm kể. Phó văn phòng UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Thị Thống cũng gục khóc trên bàn trực điện thoại trước những cuộc gọi cầu cứu của người dân.
Giao thông ở thị xã An Nhơn bị cô lập trong lũ khiến người phụ nữ này không thể đưa cha già đến bệnh viện tỉnh Bình Định cấp cứu. Ảnh: Minh Thùy
Điểm lũ Tây Sơn rút, may mắn không thiệt hại về người. Nhưng sau cơn mưa lớn trong đêm tiếp theo, nước lại tràn về nhấn chìm thị xã An Nhơn lúc 1h30 ngày 16/11. Biết hàng trăm người dân co ro trên những nóc nhà, ngọn cây nhưng vì nước chảy quá xiết đã ngăn cản mọi nỗ lực cứu người của cơ quan chức năng.
Video đang HOT
“Cả nhà đang ngủ thì nước tràn ướt người. Chúng tôi hô hoán gọi nhau leo lên bàn, tủ rồi dỡ ngói chui lên nóc nhà. Sau 30 phút, biển nước dâng lên ngập đầu người, toàn thôn Liêm Trực chỉ còn một màu đục ngầu. Ngồi trên đó nhìn con nước lên, không có một thứ gì có thể bấu víu được, sợ hãi vô cùng”, anh Nguyễn Doãn Châu (32 tuổi) kể.
Người già, trẻ con ở Liêm Trực bị phen hoảng loạn khi nước đến quá nhanh. “3 phi lúa, đàn gà 20 con là vốn liếng còn lại của mẹ con tôi mà lũ vào đã cướp đi hết. Nước ùa về như trút, chẳng kịp chạy tháo thân nói gì đến của cải. Mẹ góa, con côi dắt nhau qua nhà hàng xóm tá túc, giữ được cái mạng là may rồi”, chị Nguyễn Thị Xoa nức nở nói và cho biết cùng tiếng nước ùng ục là tiếng người già, người trẻ kêu la trong đêm, chẳng ai kịp giữ lại chút gì.
Bà Lê Thị Vĩnh Cửu (75 tuổi) trệu trạo nhai bánh tráng, nghẹn ngào: “Con đau nằm viện, lũ lên, một mình thân già này chống chọi. May có bà con lối xóm đưa lên chỗ cao, thân già này mới sống sót”.
Người trong vùng lũ cô lập thấp thỏm, kẻ ở ngoài cũng đứng ngồi không yên. Vào không tới, ra không xong nên những đôi mắt đỏ hoe cứ nhìn vào dòng nước đang cuồn cuộn đổ về.
Với 650 nhà dân bị ngập, cả nghìn người bị cô lập trong biển nước ở Liêm Trực, nhưng vào lúc đó lực lượng cứu hộ chỉ đưa được 38 người ra vùng an toàn. Số còn lại chỉ biết ngồi thấp thỏm trên những mái nhà, nhánh cây rã rượi chờ cứu hộ.
Theo thống kê, điểm lũ An Nhơn là nơi cướp đi nhiều sinh mạng người dân nhất trong hai ngày chạy lũ kinh hoàng vừa qua. “Đây là trận lũ lớn nhất ở Bình Định từ trước tới nay”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc nói.
Bà lão 82 tuổi bần thần vì căn nhà bị đổ sập. Ảnh: Minh Thùy.
Cũng bị lũ dữ tấn công như ở thị xã An Nhơn, đến chiều 17/11, toàn bộ thôn Diêm Vân, Phước Thuận (huyện Tuy Phước) vẫn bị cô lập, chỉ có thể ra vào bằng ca nô. Ngồi bần thần trước căn nhà đổ nát, bà Trần Thị Lo (82 tuổi) kéo vạt áo lau nước mắt khi có người hỏi thăm.
Tuổi già, may mắn nhận được người con nuôi nhưng bà cũng không nhờ vả được nhiều vì hoàn cảnh con cũng rất khó khăn. Ngày ngày, bà lão đầm mình ven sông Hà Thanh mò cua, bắt ốc đắp đổi qua ngày. Lũ về cướp luôn chốn ở của bà. “Không đau sao được”, bà nói. “Con cháu đưa ra khỏi nhà chưa được mấy phút thì cả căn nhà đổ ập. Ngồi trên mái nhà của con, nhìn nhà mình tan trong nước, già này xót lắm, đau lắm”, bà cụ lại mếu máo.
Còn với đại úy Nguyễn Đức Thành (Công an huyện Tuy Phước), cũng có người thân chờ cứu trong vùng lũ nhưng quanh lưng xung trận cùng đồng đội tham gia cứu hộ bà con ở những vùng khác. “Không riêng gì tôi mà tất cả các mọi người trong đơn vị đều có vợ con, gia đình đang chìm trong biển lũ. Chúng tôi phải để người thân tự xoay xở vì người dân ở vùng khác nguy hiểm hơn, cần chúng tôi hơn”, anh Thành nói.
Đến 9h ngày 18/11, cầu Liêm Trực 2 (cầu Bình Định), đoạn qua đường tránh phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị nước lũ cuốn trôi một nhịp phía Nam, hai ngày trước, đã khắc phục xong. Xe cộ đã lưu thông trở lại. Theo ông Huỳnh Nghĩa – Giám đốc công ty Quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định, nhịp cầu bị cuốn sâu 18 m, dài 40 m, rộng 12 m đã khiến giao thông qua khu vực tê liệt hoàn toàn. Trước tình huống này, đơn vị đã tập trung lực lượng phương tiện khắc phục cả ngày lẫn đêm, với khoảng 10.000 m3 đá được đổ xuống để thông. Trước đó, trong ngày 16/11, tuyến Quốc lộ 19 đã được khắc phục. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đang dồn hết nguồn lực để khắc phục hệ thống điện nước trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo VNE
Hàng ngàn hộ dân ở Bình Định đang cần sơ tán khẩn cấp
Đến 22 giờ tối 15.11, nhiều người dân huyện Tây Sơn (Bình Định) vẫn tiếp tục gọi điện đến UBND huyện khẩn thiết yêu cầu được cứu hộ.
Cán bộ huyện Tây Sơn mang phao cấp cho người dân trong đêm 15.11
19 giờ tối 15.11, hai người đàn ông điều khiển xe tải, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng công an, chạy đến cầu Bàu Sen ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn). Khi đến giữa cầu, xe bất ngờ lật úp, cả hai người này đứng trên cabin hoảng hốt gọi điện cầu cứu. UBND huyện Tây Sơn phải điều ca nô đến cứu hộ.
19 giờ 30, lại thêm hai người phụ nữ ở thôn Tả Giảng 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, gọi điện cầu cứu.
Đến 20 giờ, ông Dương Đông Phong (ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) gọi điện cầu cứu. Theo ông Phong, gia đình ông có 3 người, nước đã ngập gần lút nóc nhà. Ông Phong được yêu cầu leo lên nóc nhà, chờ ca nô đến cứu hộ.
Tại xã Bình Nghi, có ba người kẹt trên xe cần cẩu, khẩn thiết gọi điện cầu cứu trong tình trạng nước lũ vây quanh.
Đoàn cứu hộ của UBND huyện Tây Sơn đi cứu hộ trong đêm
Chiều tối 15.11, lũ đã ngập gần hết huyện Tây Sơn
Đến 20 giờ 30, sau khi đi kiểm tra công tác sơ tán, cứu hộ dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà có mặt tại UBND huyện Tây Sơn. Bà Hà đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chi viện lực lượng, phương tiện khẩn cấp cho tỉnh Bình Định để sơ tán, cứu hộ dân. Theo bà Hà, có hàng ngàn hộ dân Bình Định đang cần sơ tán ngay trong tối 15.11.
21 giờ, tại khu vực xóm Đông, xã Tây Giang có 30 người dân đang leo lên nóc nhà để kêu cứu.
Hiện tuyến Quốc lộ 19 qua địa bàn huyện Tây Sơn đã bị chia cắt hoàn toàn. Khu vực đèo An Khê bị sạt lở một đoàn dài gần 300 m nên giao thông bị ách tắc.
Đến 22 giờ tối 15.11, lãnh đạo huyện Tây Sơn vẫn đang tổ chức trực, phân công lực lượng, ca nô đến các khu vực bị cô lập để sơ tán dân. So với trưa cùng ngày, mực nước lũ tại huyện Tây Sơn dâng cao gần 1 m và vẫn tiếp tục dâng cao.
Ông Nguyễn Chánh Quang, Chánh văn phòng huyện Tây Sơn, cho biết: "Nhiều người dân đã nhận được thông báo sơ tán và đã tiến hành sơ tán người già, trẻ em nhưng vẫn còn nhiều người ở lại giữ tài sản. Tuy nhiên, đến tối, nước lũ lớn quá nhanh và bất ngờ nên dân lại gọi điện cầu cứu khắp nơi. UBND huyện không đủ ca nô phải cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Định điều thêm phương tiện, lực lượng".
Theo TNO
Cả vùng đất tan hoang như vừa trải qua một trận chiến Trận lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua quét qua xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, đã biến mảnh đất nghèo khó này trở thành vùng đất tan hoang như sau một trận chiến khốc liệt. Sáng ngày 17/10, nhóm PV Dân trí vượt cơn lũ dữ đang bủa vây, chia cắt huyện Hương Sơn ngược lên xã miền...